Nếu muốn đánh giá chất lượng mối quan hệ của bạn như thế nào, hãy nhìn vào mức độ tin tưởng của người khác dành cho bạn và ngược lại. Có thể nói, lòng tin chính là yếu tố tiên quyết để xây dựng và phát triển các mối quan hệ trong đời sống từ: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả tình yêu,… Tuy nhiên việc xây dựng lòng tin, sự tín nhiệm không phải là điều dễ dàng. Đặc biệt đối với những người đã từng bị lạm dụng hoặc bị phản bội trong quá khứ sẽ khó mở lòng và đặt niềm tin vào người khác.
Đây được gọi là hội chứng Trust Issue – rào chắn vô hình trong các mối quan hệ. Vậy hội chứng Trust Issue là gì? Đâu là nguyên nhân dẫn đến chướng ngại tâm lý này? Làm sao để chữa lành và vượt qua hội chứng Trust Issue? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết bên dưới, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá ngay!
Trust Issue là gì?
Hội chứng Trust Issue (Vấn đề về lòng tin) là tình trạng chỉ những người gặp khó khăn trong việc đặt sự tín nhiệm, niềm tin của mình cho người khác. Những người mắc phải chướng ngại tâm lý này thường bị ám ảnh bởi sự phản bội, thiếu tự tin vào bản thân, có khuynh hướng giám sát, hoài nghi mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Trust Issue là gì?
3 nguyên nhân chính gây ra hội chứng Trust Issue đó là: Sự phản bội (betrayal), bỏ rơi (abandonment) và thao túng (manipulation). Một người có thể hình thành hội chứng Trust Issue khi phải trải qua những nguyên nhân trên trong quá khứ, khiến họ không cảm thấy an toàn và hoài nghi khi trao lòng tin cho người khác.
Những dấu hiệu bạn đang gặp rắc rối với Trust Issue là gì?
Kiểm soát quá đà: Những người mắc hội chứng Trust Issue thường có xu hướng thích kiểm soát, thâu tóm mọi việc một cách cực đoan trong các mối quan hệ. Tính sở hữu của họ rất cao, vì thế họ luôn muốn biết “nhất cử, nhất động” 24/7 của những người họ quan tâm.
Giữ khoảng cách nhất định trong các mối quan hệ: Có thể nói lòng tin đối với người mắc hội chứng Trust Issue như một “ván cược” và họ luôn sợ thua nên không dám cược nhiều trong đời. Vì thế, những người mắc hội chứng tâm lý này thường hoài nghi bản thân hoặc mối quan hệ hiện tại là “sai” và sẽ phải dừng lại một lúc nào đó, nên họ thường giữ một khoảng cách nhất định trong các mối quan hệ từ: bạn bè, đồng nghiệp, người yêu,… Điều này khiến mối quan hệ không thể đạt được mức độ thân thiết để có thể đưa ra bất kì cam kết lâu dài, chắc chắn nào.
Lo sợ bị phản bội hoặc bỏ rơi: Những người có vấn đề về lòng tin hầu hết đều phải trải qua những biến cố, khủng hoảng tâm lý trong quá khứ bởi việc phản bội, bỏ rơi và bị kiểm soát bởi người khác. Vì thế, bên trong họ luôn hiện hữu nỗi sợ bị bội tín một lần nữa. Do vậy họ luôn hoài nghi và sử dụng mọi cách để kiểm tra chất lượng các mối quan hệ của mình như: kiểm tra điện thoại của người yêu, test độ thật lòng của đồng nghiệp,…
Vạch lá tìm sâu: Để củng cố suy nghĩ, linh cảm của mình là đúng, người mắc hội chứng Trust Issue thường khai thác và gom nhặt những bằng chứng, dấu hiệu đáng nghi của đối phương để tra hỏi hoặc chấm dứt một mối quan hệ từ sớm.
Overthinking: Những người mắc phải hội chứng Trust Issue luôn mắc kẹt trong những nỗi sợ bị phản bội, sợ bị bỏ rơi, do vậy họ thường nhạy cảm với những hành động, lời nói của người khác đối với mình. Dù chỉ là một lời nói, hành động vô tình cũng đủ sức khiến họ bị tổn thương và suy nghĩ tạo ra những kịch bản tiêu cực trong tâm trí.
Xem thêm: Overthinking là gì? 8 thói quen giúp bạn chiến thắng hội chứng overthinking!
Làm sao để vượt qua hội chứng Trust Issue?
Chủ động chia sẻ vấn đề đang gặp phải: Dù hội chứng Trust Issue không phải là một bệnh lý tâm thần, tuy nhiên, đây có thể là những dấu hiệu báo hiệu bạn đang mắc phải những vấn đề tâm lý như: rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách ranh giới, trầm cảm,…Vì thế, hãy chủ động chia sẻ vấn đề đang gặp phải cho những người xung quanh để nhận được lời khuyên, sự hỗ trợ kịp thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và xóa bỏ rào chắn cảm xúc bấy lâu.
Lắng nghe bản thân nhiều hơn: Nút thắt tâm lý chỉ có thể gỡ rối bởi chính bản thân bạn. Vì thế, hãy tập lắng nghe bản thân nhiều hơn bằng cách: tự trò chuyện với chính mình, viết những suy nghĩ vào nhật ký, tham dự các lớp thiền, nghe các podcast chữa lành hoặc đi tham vấn tâm lý từ các bác sĩ chuyên môn.
Xem thêm: 8 podcast chữa lành vỗ về tâm hồn giúp người trẻ vượt qua áp lực cuộc sống
Ghi nhận sự nỗ lực của người khác: Các mối quan hệ đều được xây dựng và bồi đắp bởi hai chiều. Nếu một người chỉ mãi cho đi, một người lại không trân trọng điều đó. Thì sẽ đến một lúc, đối phương sẽ nản chí, không còn động lực để tiếp tục cố gắng nữa. Điều ấy khiến bạn sẽ mất đi một người đồng hành chất lượng. Vì thế, hãy dần học cách ghi nhận sự nỗ lực của người khác trong mối quan hệ để xóa bỏ các hoài nghi và lo sợ bị bội tín trong bạn.
Học cách tha thứ: Hội chứng Trust Issue được hình thành từ những tổn thương tâm lý trong quá khứ. Những chấn thương đó luôn hiện hữu, dày xéo khiến bạn luôn sợ hãi và tìm cách trốn chạy để không phải rơi vào những nỗi đau ấy một lần nào nữa. Tâm hồn sẽ không thể chữa lành nếu những tổn thương vẫn còn tồn tại. Do vậy, hãy yêu thương bản thân mình bằng cách tha thứ những điều người khác đã làm cho bạn tổn thương. Vì tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được thứ tha mà bởi vì bạn xứng đáng được thanh thản và bình yên.
Xem thêm: Khám phá các loại thiền để tìm về sự bình an trong tâm hồn
Thông qua bài viết trên, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng đã giải đáp cho bạn hiểu hơn về hội chứng Trust Issue là gì? Các dấu hiệu và cách vượt qua chướng ngại tâm lý này ra sao? Bên cạnh đó, Việc Làm 24h hiểu rằng việc xây dựng và củng cố niềm tin không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn đủ dũng cảm để đối mặt và dành thời gian để chữa lành những vết thương trong quá khứ, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy xung quanh bạn vẫn luôn hiện hữu những điều tốt đẹp. Chúc bạn thành công và luôn mạnh mẽ trong cuộc sống!
Bên cạnh đó, nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm phù hợp sở thích và năng lực bản thân hãy truy cập ngay website Việc Làm 24h để ứng tuyển việc làm phù hợp với mức lương hấp dẫn nhé!
Xem thêm: Hội chứng trầm cảm cười: Môi mỉm cười nhưng lòng có thực sự đang vui?