Tư duy mở là gì? Làm thế nào để rèn luyện cho tư duy mở?

Ta luôn được khuyến khích hãy có tư duy mở. Nhưng tư duy mở thực sự là gì? Vì sao bạn cần mở rộng tư duy và cách khai mở tâm trí? Bài viết của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn trả lời. 

Tư duy mở là gì?

tư duy mở
Vì sao ai cũng cần có tư duy cởi mở?

Tư duy mở là biết cách đặt bản thân vào những vị thế mới, tiếp nhận cách suy nghĩ mới, đồng cảm, thấu hiểu người khác. Tư duy cởi mở không có nghĩa là ba phải, ai nói cũng nghe, điều gì cũng nạp. Đó là sự kết hợp của việc cởi mở tâm trí và tư duy phản biện. 

Trong tâm lý học, tư duy mở (open-minded hay growth mindset) là mức độ sẵn sàng xem xét những quan điểm mới hoặc thử nghiệm những trải nghiệm mới.

Tư duy cởi mở gồm việc biết cách đặt câu hỏi, tích cực tìm kiếm những thông tin thách thức niềm tin sẵn có, ngay cả khi bạn không đồng tình với những quan điểm này. Tư duy mở cũng tôn trọng quyền tự do bày tỏ quan điểm, niềm tin, kể cả ý kiến trái chiều. 

Mức độ cởi mở vẫn có giới hạn nhất định dựa theo thế giới quan của từng người. Ngay cả khi bạn bạn cho mình là một người tương đối cởi mở, vẫn sẽ có một số chủ đề nhất định khiến bạn cảm thấy khó chấp nhận.

Tư duy cởi mở không có nghĩa bạn phải đồng ý với tất cả những điều mới. Chính nỗ lực phân tích quan điểm dưới nhiều góc độ đa dạng, nỗ lực thấu hiểu chúng đã là sự cởi mở rồi. 

tư duy mở
Tư duy cởi mở là sự sẵn sàng đón nhận những điều mới, ngay cả khi chúng đi ngược lại niềm tin và giá trị của bạn.

Những đặc điểm thường gặp ở người có tư duy mở

  • Tò mò, muốn lắng nghe suy nghĩ của người khác.
  • Có khả năng chấp nhận những ý tưởng mang tính thách thức.
  • Không lo lắng hoặc tức giận khi phát hiện ra mình sai.
  • Có sự đồng cảm với người khác.
  • Khiêm tốn về bản thân. 
  • Muốn nghe những gì người khác nói.
  • Tin rằng ai cũng có quyền bày tỏ suy nghĩ.

Phân biệt tư duy mở và tư duy đóng

Trái với tư duy cởi mở là tư duy đóng (fixed mindset). Những người có tư duy đóng thường không chấp nhận những ý tưởng khác, họ chỉ chú ý bản thân mình. 

Tư duy mởTư duy đóng
Cởi mở và chào đón những ý tưởng, trải nghiệm mới. Tin tưởng vào quan điểm của bản thân nhưng cũng xem xét niềm tin của người khác.Đồng cảm.Không chấp nhận ý tưởng của người khác, khư khư giữ quan điểm của bản thân.Suy nghĩ cứng nhắc và từ chối xem xét niềm tin của những người khác.Thiếu đồng cảm.

Những yếu tố ảnh hưởng đến tư duy cởi mở

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc bạn có tính cách cởi mở hay không:

  • Cá tính: Sự cởi mở là một trong mô hình 5 yếu tố tính cách, 4 yếu tố khác bao gồm hoà đồng, tự chủ, hướng ngoại, bất ổn cảm xúc. Tính cách này có thể đến từ việc luyện tập hoặc do di truyền (~21%).
  • Chuyên môn: Nhiều nghiên cứu cho thấy mọi người kỳ vọng các chuyên gia sẽ giữ vững quan điểm của họ hơn trong những lĩnh vực chuyên môn (hiệu ứng giáo điều – dogmatism effect). Khi mọi người cảm thấy họ hiểu biết hoặc có kỹ năng hơn những người khác ở một lĩnh vực, mức độ cởi mở dường như giảm đi. 
  • Thoải mái với sự không chắc chắn: Mỗi người có mức độ thoải mái khác nhau khi đối mặt với sự không chắc chắn. Việc không chắc về kết quả hoặc điều gì đó khiến một số người bất an.
tư duy mở
Cẩn thận với chuyên môn – đôi khi sự giỏi giang là rào cản cho sự cởi mở. 

Vì sao tư duy mở tạo nên sự khác biệt?

Những người mang tư duy đóng thường tin rằng họ là vậy, không thể hoặc rất khó thay đổi. Điều này khiến họ gặp khó khăn trước những thử thách mới. 

Ngược lại, người có tư duy cởi mở tin rằng chỉ cần cố gắng thay đổi là có thể tiến bộ hơn. Với thái độ này, họ dễ dàng đón nhận, lắng nghe ý kiến của người khác, sẵn sàng chào đón những lối suy nghĩ mới, kiến thức mới. Nhờ tư duy cởi mở, họ bước vào thế giới mới thấu hiểu, chấp nhận và hòa nhập với môi trường mới dễ dàng hơn. 

Bên cạnh đó, tư duy cởi mở mang lại nhiều lợi ích:

  • Có được những hiểu biết sâu sắc hơn, mới mẻ hơn về chính mình và về thế giới: Kiến thức cùng góc nhìn của bạn sẽ không ngừng được mở rộng. 
  • Có những trải nghiệm mới: Việc mở lòng với những ý tưởng mới cũng mang đến cho bạn cơ hội trải nghiệm nhiều điều mới mẻ hơn. 
  • Chinh phục mục tiêu cá nhân: Sự cởi mở làm phong phú thêm thế giới nội tâm và thế giới kiến thức, tránh được những sai lầm không đáng có. 
  • Trưởng thành hơn: Tư duy cởi mở giúp bạn biết cách tiếp nhận những quan điểm trái chiều với sự bình tâm hơn. Từ đó bạn trưởng thành hơn, tránh được nhiều lỗi sai. 
  • Tâm lý lành mạnh hơn: Tâm trí cởi mở và sẵn lòng trải nghiệm giúp bạn giảm đi lo lắng, bất an khi những điều mới đến. Bạn hiểu rằng sự tiến bộ, kiến thức, năng lực của mình sẽ tiếp tục phát triển, không bao giờ dừng lại. 
  • Lạc quan hơn: Một vấn đề mà những người có tư duy đóng thường gặp cảm giác tiêu cực, lo lắng. Trong khi đó, cởi mở truyền cảm hứng và thái độ lạc quan với tương lai.
  • Mạnh mẽ hơn: Dám đối đầu với những thách thức mới sẽ giúp bạn biết cách hòa nhập, tiếp cận khác với quan điểm cũ. 
  • Học những điều mới: Thật khó để tiếp tục học hỏi nếu bạn lúc nào cũng giữ những ý tưởng cũ quanh mình. Bởi vậy, đầu óc mở giúp cho bạn nới rộng ranh giới bản thân, tiếp cận những quan điểm mới, trải nghiệm mới.

Xem thêm: Tại sao bạn mãi loanh quanh không dám bước ra vùng an toàn của bản thân?

tư duy mở
Tư duy cởi mở không đẩy bạn ra khỏi vòng an toàn.

Việc “mở” tư duy đóng đôi khi là hành trình đớn đau

Theo nhà tâm lý học Jean Piaget, mỗi người có một cách để lưu trữ kiến thức, gọi là lược đồ. Mỗi thông tin mới sẽ được chúng ta sắp xếp theo cách phù hợp vào lược đồ có sẵn.

Bởi vậy, khi tiếp xúc với điều mới, đặc biệt khi sự mới mẻ này hoàn toàn ngược với những gì có trong lược đồ, bạn sẽ cảm thấy khó tiếp nhận. Về cơ bản, thông tin mới đòi hỏi phải suy nghĩ lại những điều bạn nghĩ mình đã biết. Nó đòi hỏi phải đánh giá lại ký ức và kinh nghiệm trong quá khứ của bạn dựa trên những gì bạn đã từng học được.

Để làm được điều này, bạn phải có khả năng gạt bỏ những định kiến, xem xét nghiêm túc các bằng chứng hiện có và thừa nhận rằng bạn đã sai. Quá trình đó có thể khó khăn, đôi khi đau đớn và cần nhiều nỗ lực.

Tuy nhiên, vẫn có cách để bạn dần dần rèn luyện và thay đổi tư duy trở nên cởi mở hơn. 

5 cách rèn luyện lối tư duy cởi mở

Chống lại thiên kiến xác nhận

Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) khiến bạn chỉ để tâm đến những điều giống với niềm tin sẵn có và bỏ qua những yếu tố khác biệt.

Nhận thức được bản thân đang có thiên kiến xác nhận là cách đơn giản nhất để vượt qua nó. Mỗi lần tiếp xúc với điều gì đó mới, quan điểm mới, thông tin mới, bạn chỉ cần dừng lại một chút và cân nhắc xem thiên kiến có đang ảnh hưởng cách bạn đánh giá điều mới này hay không.

tư duy mở
Thiên kiến nhận thức khiến chúng ta thường có xu hướng loại bỏ những gì khác với điều bạn từng biết.

Đặt câu hỏi

Tư duy mở bao gồm khả năng đặt câu hỏi không chỉ cho người khác mà còn cho chính mình. Mỗi khi tiếp nhận điều gì mới, bạn có thể đặt các câu hỏi như:

  • Tôi thực sự biết bao nhiêu về chủ đề này?
  • Nguồn tin có đáng tin không?
  • Tôi đã cân nhắc đến những ý tưởng khác chưa?
  • Tôi có thành kiến nào làm ảnh hưởng suy nghĩ của bản thân không?

Trong nhiều trường hợp, sự tự vấn này giúp bạn cung cấp những hiểu biết mà trước đây chưa từng nghĩ đến. 

Kiên nhẫn với điều mới

Khi nghe điều gì đó mà bản thân không đồng tình, nếu bạn thấy phản ứng đầu tiên của mình là chối bỏ, hãy cố gắng chưa vội nói ra lời chối từ.

Phản ứng phòng vệ đầu tiên của tâm trí là cố gắng chứng minh đối phương đã sai ngay cả khi bạn bắt đầu xem xét các luận điểm của họ.

Do đó, thay vì phản ứng nhanh chóng, hãy im lặng và đề nghị có thêm thời gian suy nghĩ. Sau khi đánh giá các quan điểm, hãy dành thêm thời gian cho bản thân để tự trả lời vài câu hỏi sau:

  • Lập luận có dựa trên nhiều nguồn tin cậy không?
  • Bạn có sẵn sàng sửa ý kiến nếu có bằng chứng mâu thuẫn không?
  • Bạn có giữ nguyên ý kiến ngay cả khi có bằng chứng bác bỏ không?

Thực hành khiêm tốn

Ngay cả khi bạn là chuyên gia, hãy nhớ rằng bộ não không hoàn hảo. Nghiên cứu đã chỉ ra, việc hiểu biết về tạo ra tính bảo thủ và ngăn cản tư duy cởi mở. Điều này không chỉ ngăn cản sự phát triển mà còn gây nên thành kiến nhận thức gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger.

Thành kiến khiến mọi người đánh giá quá cao kiến ​​thức của bản thân và không nhận ra sự thiếu hiểu biết. Bởi vậy, khiêm tốn là cánh cửa giúp bạn mở ra sự cởi mở cho tâm trí, dành thêm cơ hội xem xét những quan điểm hay trải nghiệm khác. 

tư duy mở
Hiệu ứng Dunning-Kruger giải thích vì sao chúng ta thường ảo tưởng sức mạnh bản thân.

Thực hành tư duy phản biện

Tư duy phản biện là quá trình phân tích để đưa ra những đánh giá dựa trên logic, bằng chứng cùng sự cân nhắc kỹ càng thông qua những câu hỏi: tại sao, bằng cách nào, như thế nào…

Lối tư duy này xây dựng dựa trên bằng chứng vững chức, lập luận sắc bén, đòi hỏi bạn phải xem lại những yếu tố tư duy tiềm ẩn trong lập luận như: giả định, mục đích, ý nghĩa, hậu quả, hệ quy chiếu… 

Những người có tư duy phản biện tốt cũng thường là những người có tư duy mở, không ngại đối mặt với bất cứ điều mới nào. Do đó, bạn có thể thực hiện các bài tập về tư duy phản biện để tự mình mở ra thêm những góc nhìn mới.

Xem thêm: Phương pháp rèn luyện tư duy phản biện giúp tăng cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp

Làm sao khuyến khích tư duy mở ở người khác?

Để khích lệ tư duy cởi mở ở người khác, bạn cần tôn trọng mọi người và tránh tranh cãi. Điều này làm giảm đi mối lo của người khác rằng sẽ bị tấn công khi đưa ra quan điểm của mình, từ đó giảm tâm lý phòng thủ. 

Thay vào đó, việc đặt câu hỏi là cách gợi mở tốt nhất để đối phương đưa ra suy nghĩ hay quan điểm của mình. Những phản hồi mang tính xây dựng, nhẹ nhàng và thân thiện sẽ giúp họ tăng sự tự tin, cảm thấy an toàn khi chia sẻ ý kiến.

Tạm kết

Qua những chia sẻ trên, chắc hẳn bạn đọc đã hiểu hơn về tư duy mở. Với 5 cách rèn luyện, Vieclam24h.vn mong rằng giúp bạn tìm thấy con đường phù hợp để tự mình rèn luyện tư duy cởi mở thành công.

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.

Xem thêm: Tư duy logic là gì? Làm sao để rèn luyện và phát triển tư duy logic?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục