Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, việc đầu tư vào các quỹ luôn là chủ đề được săn đón. Venture Capital là một trong những hình thức đầu tư tuy mạo hiểm nhưng lại hứa hẹn sinh lời hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay. Vậy Venture Capital là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu bản chất của Venture Capital và các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam qua bài viết dưới đây!
Venture Capital là gì?
Venture Capital viết tắt là VC – quỹ đầu tư mạo hiểm là hình thức góp vốn cổ phần tư nhân (Private Equity). Đây là tập hợp vốn góp của các nhà đầu tư rót sang các công ty khởi nghiệp, công ty nhỏ chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các công ty này phải có tiềm năng tăng trưởng dài hạn và sẵn sàng mở rộng quy mô trong tương lai. Quỹ đầu tư mạo hiểm có thể là tiền hoặc dưới dạng cố vấn chuyên môn kỹ thuật, cố vấn chiến lược, quản lý,…
Venture Capital là nguồn huy động vốn phổ biến đối với các công ty mới khởi nghiệp hoặc liên doanh có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn, chưa gây được tiếng vang. Đặc biệt là trong trường hợp các công ty không có khả năng tiếp cận thị trường vốn, các khoản vay ngân hàng hoặc các công cụ nợ khác.
Bản chất của Venture Capital là gì?
Các nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalist) có thể là các nhà đầu tư mạnh về tài chính, ngân hàng đầu tư hoặc các tổ chức tài chính,… Quyết định rót vốn xảy ra khi có sự kỳ vọng vào thành công của công ty trong tương lai. Khi tham gia vào quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư không cần ký quỹ hoặc đặt cọc. Tuỳ vào từng giai đoạn gọi vốn, số tiền đầu tư, triển vọng phát triển của công ty và mối quan hệ giữa nhà đầu tư mạo hiểm và người sáng lập công ty mà các quỹ Venture Capital thường chiếm từ 25 – 50% quyền sở hữu công ty.
Các nhà đầu tư mạo hiểm thường hướng đến việc mua cổ phần của các công ty đang trong giai đoạn thương mại hóa ý tưởng. Họ cung cấp cơ hội giúp công ty phát triển để đổi lấy cổ phần. Sau đó, họ bắt đầu thu hồi khoản đầu tư bằng cách bán cổ phần quỹ, giao dịch M&A hoặc thông qua các đợt phát hành cổ phiếu IPO.
Nếu công ty thành công thì nhà đầu tư sẽ thu được tỷ suất lợi nhuận cao, song hành với đó, nhà đầu tư phải chấp nhận khả năng rủi ro mất trắng khoản đầu tư nếu công ty phá sản. Để cân bằng rủi ro, các nhà đầu tư mạo hiểm thường can thiệp vào hoạt động của công ty và yêu cầu một số quyền hạn nhất định. Thậm chí một số nhà đầu tư thông minh yêu cầu sở hữu cổ phần lớn để kiểm soát tình hình dễ dàng. Nhà đầu tư mạo hiểm thường giữ vai trò quan trọng trong Ban Điều Hành doanh nghiệp hoặc Hội Đồng Quản Trị.
Nhà đầu tư có thể tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào, từ khi công ty phát triển sản phẩm đến lúc tạo được doanh thu. Bên cạnh hình thức góp vốn, các nhà đầu tư mạo hiểm còn đóng vai trò như người hỗ trợ, đề xuất và cung cấp các chiến lược phù hợp giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Ưu và nhược điểm của quỹ đầu tư mạo hiểm
Ưu điểm của Venture Capital là gì?
- Nhà đầu tư mạo hiểm được sở hữu một phần vốn của công ty.
- Nhà đầu tư mạo hiểm có quyền và tiếng nói trong quá trình triển khai các quyết định liên quan đến công ty.
- Sự phát triển của công ty mang lại lợi tức rất lớn cho nhà đầu tư mạo hiểm trong tương lai.
- Nhờ quỹ đầu tư mạo hiểm, các Startup vừa và nhỏ có thể tiếp cận với nguồn vốn, khởi động các dự án đang bỏ ngỏ, đồng thời phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Nhược điểm của Venture Capital là gì?
- Sẽ không có gì chắc chắn khoản đầu tư mạo hiểm sinh lời trong tương lai.
- Do đây là các công ty mới khởi nghiệp, có quy mô vừa và nhỏ nên giai đoạn phát triển ban đầu sẽ gặp nhiều vấn đề.
Do đó, trước khi quyết định đầu tư vào quỹ mạo hiểm, các nhà đầu tư cần phải xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Các danh mục thuộc “khẩu vị” của quỹ đầu tư mạo hiểm
Dưới đây là một số danh mục mà các nhà đầu tư mạo hiểm nhắm đến:
- “Kỳ lân” ngành công nghệ: Đặc điểm của các Startup công nghệ, viễn thông, sinh học, phần mềm, thiết bị di động,… là vốn hoá nhỏ nhưng lại được định giá cao do tiềm năng phát triển trong tương lai.
- Các tổ chức kinh doanh ngắn hạn: Công ty con, ngân hàng thương mại,…
- Các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, tiêu dùng, vận tải, logistics,…
- Các công ty ESG, nghiêng về phía yếu tố môi trường như đồ ăn thức uống có lợi cho sức khỏe, thực phẩm bảo vệ sức khỏe,…
- Các tập đoàn kinh doanh với khả năng đầu tư nguồn vốn lớn nhằm tạo cơ sở cho hoạt động kinh doanh.
- Các công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn có khả năng đầu tư nguồn vốn lớn.
- Các chuỗi bán lẻ thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, các hàng hoá thiết yếu khác…
Các giai đoạn của Venture Capital là gì?
Quá trình tài trợ vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm thường được chia thành các giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
1. Giai đoạn gieo hạt (Pre-Seed)
Đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp, thường xảy ra khi công ty mới thành lập hoặc đang trong quá trình phát triển ý tưởng sản phẩm. Tài trợ ở giai đoạn này được sử dụng để xây dựng sản phẩm hoặc dịch vụ cơ bản, thực hiện nghiên cứu thị trường và phát triển kế hoạch kinh doanh.
2. Giai đoạn nảy mầm (Seed Funding)
Giai đoạn công ty tìm cách tung sản phẩm hoặc dịch vụ đầu tiên ra thị trường. Do chưa có doanh thu nên các công ty này cần quỹ đầu tư mạo hiểm để tài trợ toàn bộ hoạt động. Tài trợ ở giai đoạn này có thể được sử dụng để mở rộng đội ngũ phát triển sản phẩm, tiếp tục nghiên cứu thị trường và thực hiện chiến dịch tiếp thị.
3. Giai đoạn cấp vốn đầu (Early-Stage Funding)
Giai đoạn này thường bắt đầu khi sản phẩm hoặc dịch vụ đã có sẵn và doanh nghiệp cần nguồn tài trợ để mở rộng thị trường và tăng doanh số bán hàng.
Trong giai đoạn này, nguồn tài trợ có thể được sử dụng để tăng cường tiếp thị, mở rộng phạm vi kinh doanh, và củng cố vị trí trên thị trường.
4. Giai đoạn cấp vốn cuối (Late-Stage Funding)
Khi doanh nghiệp đã có doanh số bán hàng đáng kể và có thể mở rộng quy mô kinh doanh, họ có thể cần nguồn tài trợ để phát triển sản phẩm và tiếp tục mở rộng thị trường. Tài trợ ở giai đoạn này thường được sử dụng để mở rộng quy mô sản xuất, quy mô tiếp thị, củng cố địa vị trên thị trường mục tiêu hoặc thâm nhập vào các thị trường mới.
Mỗi giai đoạn tài trợ vốn có mục tiêu và yêu cầu riêng biệt, và các quỹ đầu tư mạo hiểm thường tập trung vào một hoặc một số giai đoạn cụ thể dựa trên mức độ rủi ro và tiềm năng đầu tư của từng giai đoạn.
Quy trình của Venture Capital là gì?
Qũy đầu tư mạo hiểm gồm 3 bước đầu tư vốn, cụ thể như sau:
Bước 1: Xác định đối tượng doanh nghiệp mục tiêu.
Bước 2: Thúc đẩy quá trình tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua tư vấn chiến lược, quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp,…
Bước 3: Tiến hành niêm yết doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hoặc IPO, chuyển nhượng cho bên thứ 3 hoặc giải thể doanh nghiệp.
Điểm qua 5 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam
Hiện nay, tuỳ vào mức độ chấp nhận rủi ro, có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam được đánh giá cao mà các nhà đầu tư có thể tham gia rót vốn như sau:
1. Quỹ Mekong Capital
Mekong Capital là quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập vào năm 2001, tập trung vào nhóm ngành tiêu dùng. Mekong Capital tập trung đầu tư vào các công ty phát triển nhanh nhất và dẫn đầu thị trường về thúc đẩy tiêu dùng tại Việt Nam như: hàng tiêu dùng, phân phối, nhà hàng, bán lẻ, giáo dục,…
“Khẩu vị” của quỹ đầu tư này là các công ty bắt kịp sức tiêu thụ ngày càng tăng cao của các tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam. Một số khoản đầu tư nổi tiếng của Mekong Capital: chuỗi bán lẻ trang sức PNJ, chuỗi nhà hàng Golden Gate, Thế Giới Di Động, Masan Consumer, Traphaco,…
2. Quỹ CyberAgent Ventures
CyberAgent Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc sở hữu của Tập đoàn CyberAgent Nhật Bản, được thành lập vào tháng 4/2006. Hiện quỹ này đang có mặt trên 8 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á. Trên thị trường đầu tư Việt Nam, CyberAgent Ventures được Shark Nguyễn Mạnh Dũng điều hành và dẫn dắt, là một trong những quỹ đầu tư công nghệ thành công nhất hiện nay.
“Khẩu vị” của quỹ đầu tư này chủ yếu là về công nghệ như VNG, Teamobi, Topica, Luxstay, Foody, Tiki, CleverAds…
3. Quỹ VinaCapital Ventures
VinaCapital Ventures được thành lập từ năm 2003 thuộc tập đoàn VinaCapital, hiện quỹ này đang quản lý hơn 1,8 tỷ USD. Quỹ đầu tư này tập trung vào lĩnh vực công nghệ và VinaCapital Ventures đã và đang nắm nhiều dự án công nghệ gây được tiếng vang trong những năm gần đây. Vinacapital Venture thường tham gia vào những vòng gọi vốn sau với số tiền đầu tư vô cùng lớn.
“Khẩu vị” đầu tư của Vinacapital là các công ty đã chứng minh được năng lực và đạt được thành công trên thị trường.
4. Quỹ IDG Ventures
Quỹ đầu tư IDG thuộc tập đoàn International Data Group Venture của Mỹ, đây là tập đoàn truyền thông và kỹ thuật lớn nhất thế giới. Tính đến nay, IDG đã tham gia đầu tư với hơn 100 triệu USD vào hơn 350 công ty và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Quỹ này đầu tư vào Việt Nam từ tháng 1/2004, có vai trò quan trọng trong việc khởi tạo làn sóng khởi nghiệp công nghệ.
“Khẩu vị” đầu tư của IDG là các startup về công nghệ, kỹ thuật hoặc các công ty truyền thống muốn ứng dụng công nghệ để cải tiến hoạt động kinh doanh, các công ty truyền thông, viễn thông và hàng tiêu dùng.
5. Quỹ Golden Gate Ventures
Từ năm 2011, quỹ đầu tư Golden Gate Venture đã tham gia đầu tư vào hơn 30 công ty thuộc 7 quốc gia Châu Á.
“Khẩu vị” đầu tư của Golden Gate Venture là các công ty khởi nghiệp về đa lĩnh vực như chứng khoán, thương mại điện tử, ứng dụng di động, thanh toán trực tuyến và nền tảng phần mềm dịch vụ như Paypal, Sony Entertainment TV,… Bên cạnh đó, nhiều thương vụ nổi tiếng đình đám của Golden Gate Venture tại Việt Nam chính là các chuỗi F&B như Kichi-kichi, Manwah, Ashima, SumoBBQ,…
Kết luận
Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ trên đã giúp các bạn hiểu rõ Venture Capital là gì và các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam uy tín hiện nay. Song hành với khả năng mang lại lợi nhuận hấp dẫn của quỹ đầu tư mạo hiểm là mức độ rủi ro cao. Chính vì thế, Venture Capital không phải là sân chơi dành cho các “tay mơ”. Đứng trên cương vị nhà đầu tư sáng suốt, bạn cần hiểu rõ bản chất của Venture Capital và nghiên cứu, xây dựng cho mình chiến lược đầu tư đúng đắn. Chúc các bạn thành công.
Xem thêm: Đào tạo chéo là gì? Đây có phải là hình thức training nhân sự hiệu quả?