Công việc là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên truyền thông về văn hóa làm việc hướng đến hiệu suất dường như đã ảnh hưởng đến người lao động theo hướng tiêu cực hơn. Giờ đây tồn tại một tình trạng được gọi là workaholic nghĩa là nghiện công việc. Đây có thể được xem là một “triệu chứng” của thời đại. Vậy workaholic là gì, dấu hiệu và làm thế nào để khắc phục chứng nghiện làm việc? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Workaholic là gì?
Workaholic có thể được định nghĩa là nghiện việc hoặc người nghiện công việc. Thuật ngữ này dùng để chỉ về tình trạng làm việc không thể kiểm soát. Không chỉ là mong muốn làm việc nhiều hơn, đây là một loại động lực thôi thúc, một nỗi ám ảnh liên quan đến những suy nghĩ liên tục về công việc và cảm giác tội lỗi, bồn chồn khi không làm việc. Workaholic cũng tương tự như chứng nghiện rượu, nghiện thuốc lá… và mang ý nghĩa tiêu cực.
Xem thêm: Lý do nào khiến bạn mất tinh thần làm việc? Cần làm gì để vực dậy tinh thần?
Workaholic không phải là làm việc chăm chỉ hay làm việc vì đam mê
Hiểu rõ về workaholic là gì có thể hơi phức tạp và khó phân biệt, đặc biệt là khi hầu hết chúng ta đều lao đầu vào công việc khi sắp tới deadline hoặc trong thời điểm bận rộn nào đó. Nhưng có sự khác biệt giữa làm việc vì đam mê với việc thường xuyên không thể ngắt kết nối với công việc. Workaholic không phải vì mục đích tìm kiếm thỏa mãn trong sự nghiệp nên dành nhiều sự tập trung. Thay vào đó, workaholic được thúc đẩy bởi nhu cầu bắt buộc phải làm việc, ngay cả khi không thú vị.
Người nghiện công việc thường được thúc đẩy bởi nhu cầu làm việc ngay cả khi chán nản
Và trái với suy nghĩ của nhiều người, làm việc nhiều giờ không phải lúc nào cũng là triệu chứng nghiện công việc. Bạn có thể làm việc 80 giờ nhưng không phải là workaholic và đôi khi người làm việc 40 giờ mới lại là workaholic chính hiệu. Dấu hiệu nhận biết là khi công việc trở thành nỗi ám ảnh, tác động tiêu cực đến các khía cạnh khác của cuộc sống.
Ngoài ra, workaholic không chỉ xảy ra ở nơi làm việc mà luôn suy nghĩ về công việc ở bất kỳ nơi nào dẫn đến căng thẳng, lo lắng, khó ngủ. Nói một cách dễ hiểu người mắc chứng workaholic giống như nô lệ của công việc.
Xem thêm: Lý do nào khiến bạn mất tinh thần làm việc? Cần làm gì để vực dậy tinh thần?
Bạn có phải là workaholic không? Dấu hiệu của workaholic là gì?
Mặc dù chưa có định nghĩa y học về chứng nghiện công việc, nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Bergen đã tạo ra một thang đo giúp xác định bạn có phải là workaholic không.
Trả lời những câu hỏi dưới đây theo các mức độ “không bao giờ, hiếm khi, đôi khi, thỉnh thoảng và thường xuyên”:
- Bạn suy nghĩ về việc làm thế nào để có nhiều thời gian hơn cho công việc.
- Bạn dành nhiều thời gian hơn cho công việc so với dự định ban đầu.
- Bạn làm việc để giảm bớt cảm giác lo lắng, bất lực và trầm cảm.
- Bạn đã được khuyên cắt giảm bớt công việc nhưng không quan tâm và ngó lơ lời khuyên này.
- Bạn trở nên căng thẳng nếu không thể làm việc.
- Bạn bỏ tất cả sở thích, hoạt động giải trí vì công việc.
- Bạn lao lực vì công việc đến nỗi ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Nếu có ít nhất 4 câu trả lời là thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, rất có thể bạn đang mắc chứng nghiện công việc.
Các dấu hiệu khác
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác của workaholic như là:
– Cảm thấy tội lỗi khi không làm việc hoặc làm điều gì đó mà bạn cho là vô nghĩa.
– Khó ủy thác cho người khác.
– Có nỗi sợ hãi về thất bại hoặc hoang tưởng về hiệu suất tại nơi làm việc.
– Ưu tiên hoàn toàn cho công việc và bỏ bê các khía cạnh khác trong cuộc sống, bao gồm cả sức khỏe.
– Luôn nghĩ về công việc 24/7.
– Che giấu hoặc nói dối về các thói quen làm việc với người khác.
– Sử dụng công việc để trốn tránh các mối quan hệ, cảm xúc khó chịu hoặc đối phó với khủng hoảng.
Nguyên nhân của workaholic là gì?
Dường như con người đều chịu áp lực để sống theo các tiêu chuẩn thường thấy trên mạng xã hội. Họ bị áp lực vì thấy mọi người đang tập thể dục với cường độ cao, chuẩn bị bữa ăn cho cả tuần, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước 8h sáng mỗi ngày hay doanh nhân khởi nghiệp thành công. Có phải khi đối mặt với văn hóa làm việc tận lực này sẽ khiến chúng ta xấu hổ vì tư duy hưởng thụ, quan điểm làm việc để tận hưởng cuộc sống, đồng thời lo sợ mình sẽ mãi mãi tầm thường nếu không thay đổi. Việc thường xuyên tiếp xúc với các tin tức và lời khen ngợi dành cho những người giỏi giang quả thật đã có tác động đến người xem, khiến họ khao khát được ghi nhận.
Kết hợp điều này với môi trường kinh tế cạnh tranh hiện nay đã tạo nên chứng nghiện công việc. Việc gắn liền giá trị con người với vật chất, sự nghiệp đã khiến một số người phải làm nhiều việc hoặc đấu tranh để không bị sa thải. Suy nghĩ “chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục phấn đấu nhiều hơn, làm việc chăm chỉ hơn” đã vô tình khuyến khích họ tự bóc lột chính mình đến khi kiệt sức.
Ngoài ra, cùng với nhiều yếu tố văn hóa và xã hội về hành vi tham công tiếc việc, đặc điểm tính cách, xuất thân… cũng góp phần tạo nên chứng nghiện việc.
Những ảnh hưởng của workaholic là gì?
Nghiện công việc có thể ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh như sức khỏe, tinh thần, thể chất, mối quan hệ. Trớ trêu thay workaholic cũng sẽ tác động tiêu cực đến hiệu suất công việc của bạn. Một số ảnh hưởng kể đến như:
– Các vấn đề về giấc ngủ như ngủ ít hơn, ngủ không sâu giấc, mệt mỏi khi thức dậy dẫn đến cáu kỉnh và suy giảm trí nhớ.
– Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ, đặc biệt ở những người thường xuyên làm việc trên 55 giờ mỗi tuần.
– Căng thẳng, trầm cảm.
– Hệ thống miễn dịch suy yếu.
– Xung đột trong các mối quan hệ cá nhân.
– Mất kết nối, không có sự hài lòng trong cuộc sống.
– Năng suất làm việc, khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề kém.
Cách vượt qua và thoát khỏi workaholic là gì?
Khi bạn tự hỏi “tôi có phải là người nghiện công việc không?” là lúc bạn đã nhận ra tình trạng của bản thân. Và đây chính là bước đầu tiên để thoát khỏi workaholic. Có 2 điều quan trọng cần ghi nhớ đó là không thể loại bỏ chứng nghiện việc trong một sớm một chiều và không có gì xấu hổ khi là một workaholic. Hãy thử thực hiện một số gợi ý sau:
Lập kế hoạch trong 1 tuần
Lên lịch trước có thể giúp bạn dành thời gian cho những hoạt động thường bị gạt sang một bên vì công việc. Có lịch cố định sẽ làm bạn có trách nhiệm hơn với các hoạt động cá nhân đồng thời tạo sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các mối quan hệ xung quanh
Bạn có thể trao đổi trực tiếp với sếp, đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và chia sẻ rằng bạn cần giúp đỡ. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cách làm việc như ủy quyền hoặc tích cực hoạt động nhóm hơn. Dần dần, bạn sẽ thích ứng và biết rằng chia sẻ công việc cũng là một điều rất tốt.
Đặt ranh giới với công việc
Khi làm việc, sẽ tốt hơn nếu bạn ngắt kết nối với mạng xã hội hoặc những điều tương tự gây mất tập trung. Không ở lại làm việc thêm giờ nếu không cần thiết. Hạn chế mang việc về nhà và tận hưởng các hoạt động giải trí không liên quan đến công việc. Hãy nhớ rằng bạn chỉ là con người, không phải siêu nhân hay cỗ máy.
Dành thời gian nghỉ ngơi
Là người nghiện công việc, bạn đã quen với lịch trình dày đặc và bận rộn nên cách này ban đầu có thể hơi khó khăn. Tuy nhiên điều quan trọng là phải dành thời gian nghỉ ngơi chủ động. Chẳng hạn như đặt những cuộc hẹn cụ thể hay lên lịch du lịch với bạn bè, người thân.
Xem thêm: Bật mí cách biến giấc ngủ trưa văn phòng thành thần dược cho cơ thể
Nhìn chung ưu tiên sức khỏe tinh thần và đặt giới hạn với công việc là cách hữu hiệu để thoát khỏi workaholic. Tuy nhiên nếu cảm thấy những cách trên đều vô hiệu, tốt nhất nên tìm kiếm sự hỗ trợ thêm từ các chuyên gia. Loại bỏ workaholic là một hành trình và không hề dễ dàng. Do đó hãy chú ý đến tâm trạng và thói quen để nhận diện xu hướng nghiện công việc có đang len lỏi vào cuộc sống hay không.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về workaholic là gì, dấu hiệu và cách để thoát khỏi tình trạng này. Mong rằng các bạn sẽ luôn có niềm vui trong công việc và tận hưởng cuộc sống dù bận rộn đến thế nào. Và đừng quên theo dõi Việc Làm 24h để theo dõi các chủ đề cùng các cơ hội việc làm thú vị khác nhé!
Xem thêm: Tuyệt chiêu đo lường Brand Health giúp doanh nghiệp đạt được thành công bền vững