Trên hành trình tìm kiếm việc làm, đơn xin việc đóng vai trò vô cùng quan trọng để bạn chạm tay đến công việc như ý. Vậy đâu là cách viết đơn xin việc đúng chuẩn? Trong bài viết này, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu cách viết đơn xin việc làm chuyên nghiệp và tham khảo các đơn xin việc mẫu để tạo được ấn tượng sâu sắc với nhà tuyển dụng.
Đơn xin việc là gì?
Đơn xin việc, còn được gọi là thư xin việc, là tài liệu được gửi kèm với hồ sơ xin việc của ứng viên gửi đến một công ty hoặc tổ chức để thể hiện mong muốn, nguyện vọng và sự quan tâm của ứng viên về việc làm tại công ty ứng tuyển. Đơn xin việc thường được gửi đến bộ phận nhân sự hoặc người phụ trách tuyển dụng. Mục tiêu chính của đơn xin việc là làm nổi bật bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng của ứng viên với vị trí công việc cụ thể mà họ đang ứng tuyển.
Cách viết đơn xin việc trong hồ sơ đúng chuẩn tăng cơ hội phỏng vấn gấp bội
Đơn xin việc có thể ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội được nhà tuyển dụng mời phỏng vấn. Cách viết đơn xin việc đúng chuẩn phải tuân thủ bố cục nội dung với 3 phần quan trọng sau đây:
Phần mở đầu
Quốc hiệu, tiêu ngữ.
Tiêu đề: Các bạn có thể đặt tên đơn xin việc bằng Đơn xin việc, Đơn ứng tuyển, Thư xin việc, Thư ứng tuyển,…
Kính gửi: Cách viết kính gửi trong đơn xin việc khá đơn giản, bạn chỉ cần viết hoa tên riêng công ty bạn muốn ứng tuyển. Nếu có thông tin người tuyển dụng trực tiếp, bạn ghi rõ tên và chức vụ của người tuyển dụng trong công ty. Hoặc bạn cũng có thể ghi tên bộ phận tuyển dụng của công ty.
Ví dụ: Kính gửi Ban giám đốc Công ty TNHH ABC hoặc Ban lãnh đạo và Phòng nhân sự Công ty TNHH ABC.
Giới thiệu bản thân: Cung cấp các thông tin cơ bản để nhà tuyển dụng có thể liên hệ như họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, email,…
Lý do bạn muốn ứng tuyển: Trình bày lý do viết đơn xin việc, bạn nêu rõ mục tiêu ứng tuyển vào vị trí công việc nào, thuộc bộ phận nào.
Phần nội dung
Phần này giúp ứng viên ghi điểm đối với nhà tuyển dụng về trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, các giải thưởng,…
Học vấn: Nêu rõ trình độ học vấn cao nhất như Đại Học, Cao Đẳng, Trung Cấp, 12/12,… Ứng viên có thể ghi thêm thông tin xếp hạng khi tốt nghiệp.
Trình độ chuyên môn: Ứng viên có thể ghi những ngành nghề đã được đào tạo hoặc ngành nghề luôn theo đuổi và mong muốn có cơ hội được tiếp tục phát triển ở công ty. Trình độ chuyên môn nên phù hợp với vị trí ứng tuyển. Nếu vị trí ứng tuyển không liên quan đến trình độ chuyên môn, bạn có thể sắp xếp phần này sau phần kinh nghiệm làm việc.
Kinh nghiệm làm việc: Trình bày ngắn gọn kinh nghiệm làm việc của bản thân từ thời điểm ra trường đến hiện tại. Chú ý sắp xếp vị trí/chức vụ đảm nhiệm từ công việc gần nhất đến công việc xa nhất. Hãy tận dụng những số liệu để thu hút nhà tuyển dụng về những nỗ lực của bạn. Lưu ý chỉ nên cung cấp những công việc đã gắn bó từ 6 tháng trở lên. Nếu bạn là người mới chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể đưa ra những điểm mạnh như tiềm năng phát triển, tư duy hiện đại,… để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Thành tựu: Trình bày các giải thưởng, chứng chỉ và thành tích đã đạt được như chứng chỉ nghiệp vụ, giải thưởng tại trường,…
Kỹ năng liên quan đến công việc: Các kỹ năng được nêu ra phải phù hợp với đặc thù công việc như kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng sử dụng các phần mềm,… Phần này nên nêu rõ các kỹ năng phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng trong mô tả công việc. Ví dụ, nếu bạn là người cẩn thận và kiên nhẫn trong công việc, hãy thể hiện cách bạn đã sử dụng những phẩm chất này để đạt được thành công trong công việc trước đây. Nếu bạn là người sáng tạo và tư duy khác biệt, hãy thể hiện điều này thông qua cách mô tả các dự án hoặc giải pháp bạn đã thực hiện trước đó.
Phần kết
Ở phần này bạn nên nêu rõ nguyện vọng đối với vị trí tuyển dụng và lời cảm ơn vì đã được nhà tuyển dụng xem xét, cho thấy sự cam kết của bạn đối với công ty và vị trí công việc. Nêu rõ mong muốn làm việc và phát triển cùng công ty cũng như đóng góp vào sự thành công trong tương lai.
Đồng thời, bạn có thể lịch sự đưa ra yêu cầu về một cuộc gặp gỡ để trao đổi thêm về vị trí công việc với nhà tuyển dụng.
Xem thêm: Lưu ý ngay 5 lỗi sai phổ biến ai cũng mắc phải khi viết CV xin việc!
Cần lưu ý gì về cách viết đơn xin việc làm
1. Nghiên cứu và hiểu rõ về công ty ứng tuyển
Trước khi viết đơn xin việc, hãy nghiên cứu kỹ về công ty mà bạn đang ứng tuyển. Hiểu rõ về giá trị cốt lõi, sứ mệnh, văn hóa doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh, thành quả của công ty và vị trí công việc ứng tuyển là cách viết đơn xin việc chuyên nghiệp. Qua đó, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết vào việc ứng tuyển. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên đã dành thời gian tìm hiểu về công ty trước khi nộp đơn.
2. Viết thông tin liên lạc đầy đủ, chính xác
Khi cung cấp thông tin liên hệ đầy đủ và chính xác, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng liên hệ với bạn để thảo luận về cuộc phỏng vấn, yêu cầu thêm thông tin hoặc thông báo kết quả đơn xin việc.
3. Đưa cá tính riêng vào đơn xin việc
Thay vì sao chép và giữ nguyên nội dung mẫu hồ sơ xin việc trên mạng, cách viết đơn xin việc ấn tượng là biết cách đưa những nét nổi bật vào đơn xin việc để tạo ấn tượng sâu sắc với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn nên linh hoạt lựa chọn ngôn từ và phong cách phù hợp, thể hiện sự tự tin, lịch sự mà không mất đi sự gần gũi, chân thành.
Xem thêm: Rải CV nhiều nơi mà chưa xin được việc là do chưa biết đến bí kíp này!
4. Chú ý sử dụng từ khóa quan trọng
Bạn nên sử dụng những từ khóa mà nhà tuyển dụng đề cập trong mô tả công việc chèn vào đơn xin việc. Điều này còn cho thấy bạn đã thực sự quan tâm và nghiên cứu về vị trí công việc của công ty. Tuy nhiên, hãy sử dụng từ khóa tự nhiên và hợp lý, tránh việc quá lạm dụng chúng.
5. Văn phong ngắn gọn, súc tích
Văn phong ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào trọng tâm giúp bạn truyền tải thông điệp rõ ràng. Nhà tuyển dụng có thể nắm bắt nội dung quan trọng của đơn xin việc dễ dàng, nhanh chóng mà không cần phải tốn thời gian với câu chữ phức tạp.
6. Hình thức đơn xin việc phù hợp
Tuỳ vào yêu cầu công ty tuyển dụng, đơn xin việc có thể viết qua mail, viết tay, trực tuyến trên website tuyển dụng hoặc các trình soạn thảo văn bản. Bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng để trình bày hình thức đơn xin việc phù hợp. Lưu ý rằng việc sử dụng font chữ chuyên nghiệp, cách căn lề đồng đều và sử dụng ngôn từ lịch sự là một phần quan trọng để đơn xin việc được chỉn chu trước nhà tuyển dụng.
7. Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi đơn xin việc
Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi đơn xin việc là một bước quan trọng để đảm bảo rằng đơn xin việc của bạn hoàn thiện, chính xác và chuyên nghiệp. Không nên gửi cùng một đơn xin việc mẫu cho nhiều vị trí công việc hoặc công ty khác nhau.
Nếu bạn cần gửi kèm các thông tin khác như bản sao CMND/CCCD, bằng cấp, chứng chỉ,… hãy chuẩn bị và đính kèm đầy đủ. Trước khi gửi đơn xin việc, hãy tạo bản sao lưu để tham khảo lại nếu cần và đảm bảo rằng bạn không bị mất bản gốc quan trọng.
Tham khảo một số đơn xin việc mẫu chuyên nghiệp
Đơn xin việc mẫu 1: Tại đây.
Đơn xin việc mẫu 2: Tại đây.
Kết luận
Trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh như hiện nay, cách viết đơn xin việc đúng chuẩn giúp bạn trở nên nổi bật và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Sự tỉ mỉ trong từng dòng chữ, sự tập trung vào những chi tiết nhỏ và khả năng thể hiện bản thân một cách chân thành sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến cơ hội làm việc mà bạn mong đợi. Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ đã giúp bạn hiểu rõ cách viết đơn xin việc trong hồ sơ.
Xem thêm: Kiểm soát cảm xúc: Làm gì để không nổi điên nơi công sở?