Khi nào cần phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN)? Đối tượng nào phải quyết toán thuế? Quyết toán thuế TNCN cần lưu ý gì? Hạn cuối là khi nào? Hiện nay, khái niệm về thuế thu nhập cá nhân không phải là mới mẻ đối với người Việt Nam. Tuy nhiên các cá nhân thường chưa hiểu đúng và đầy đủ về trách nhiệm đối với nghĩa vụ kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân để thực hiện thanh toán các khoản về thuế. Vì vậy, bài viết dưới đây Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp các bạn hiểu và thực hiện đúng các thủ tục để quyết toán thuế TNCN.
1. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là gì?
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân hiểu đơn giản là việc tiến hành các công việc kê khai số thuế trong một năm tính thuế của cá nhân. Bao gồm các vấn đề về số thuế cần phải nộp thêm, hoàn trả số thuế đã nộp thừa và bù trừ thuế vào kỳ tiếp theo.
Bởi nếu không thực hiện nghĩa vụ này, cá nhân sẽ gặp phải những rắc rối như sau:
- Đối với cá nhân phải nộp thêm thuế mà không thực hiện kê khai quyết toán đúng thời hạn, nếu cơ quan thuế phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính.
- Đối với cá nhân nộp thừa mà không thực hiện kê khai quyết toán thuế đúng thời hạn sẽ không được hoàn trả lại số thuế đã nộp thừa cũng như không được áp dụng chế độ bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.
2. Trường hợp cá nhân tự quyết toán thuế
Cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp sau:
1/ Người thường trú hoặc tạm trú có nguồn thu từ tiền lương, tiền công đã nộp thuế nhưng thừa so với thực tế phải nộp hoặc phải nộp thêm thuế , mà có đề nghị bù trừ hoặc hoàn trả vào kỳ khai thuế tiếp theo thì người đó có nghĩa vụ thực hiện quyết toán thuế.
2/ Người cư trú có nguồn thu từ tiền lương, tiền công nếu có mặt tại Việt nam dưới 183 ngày tính theo ngày dương lịch trong năm, tuy nhiên, lại có số ngày từ 183 ngày trở lên có mặt tại Việt Nam khi tính trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt.
3/ Người cư trú là cá nhân nước ngoài chấm dứt hợp đồng lao động tại Việt Nam thực hiện quyết toán thuế với Cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.
4/ Người cư trú có nguồn thu từ tiền lương, tiền công và thuộc trường hợp được giảm thuế do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì cá nhân tự khai quyết toán thuế mà không được ủy quyền.
5/ Người có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công giao kết hợp đồng lao động tối thiểu 03 tháng tại nhiều nơi nhưng tại thời điểm quyết toán không làm việc tại bất kỳ tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào.
6/ Trường hợp người không giao kết hợp đồng lao động, hoặc giao kết hợp đồng lao động dưới 03 tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có nguồn thu tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10%.
3. Mức lương bao nhiêu phải nộp thuế TNCN?
Theo quy định hiện hành, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế TNCN khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng.
Thu nhập tính thuế trên đây là thu nhập từ tiền lương, tiền công đã trừ các khoản sau: Các đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo; Thu nhập được miễn thuế TNCN; Các khoản không tính thuế như một số khoản phụ cấp, trợ cấp…
Ngoài ra, theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, người lao động ký hợp đồng thử việc mà có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì doanh nghiệp, tổ chức thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động.
Theo quy định, người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm nuôi dưỡng. Bao gồm:
- Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
- Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định. Bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Xem thêm: Thu nhập bao nhiêu thì được hoàn thuế thu nhập cá nhân, bao lâu nhận được?
4. Thời hạn quyết toán thuế TNCN 2024
Theo khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TNCN đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm như sau:
- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với trường hợp hồ sơ quyết toán thuế năm.
- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với trường hợp hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.
- Chậm nhất là ngày 15/12 của năm trước liền kề đối với trường hợp hồ sơ kê khai thuế khoán của hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
5. Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế. Căn cứ phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và mẫu Tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, hồ sơ quyết toán thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công muốn trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế như sau:
- Tờ khai quyết toán thuế TNCN theo mẫu số 02/QTT-TNCN.
- Phụ lục bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế phụ thuộc theo mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN.
- Chứng từ chứng minh số thuế đã được khấu trừ, số thuế đã tạm nộp trong năm hoặc đã nộp ở nước ngoài (nếu có).
- Giấy chứng nhận khấu trừ thuế (bản sao) ghi rõ đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào hoặc bản sao chứng từ ngân hàng trùng với số thuế đã nộp ở nước ngoài và có xác nhận của người nộp thuế.
- Hoá đơn chứng từ chứng minh người nộp thuế đã đóng góp các khoản vào quỹ từ thiện, quỹ khuyến học hoặc quỹ nhân đạo (Bản sao).
- Tài liệu chứng minh người nộp thuế đã trả tiền của đơn vị hoặc tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài (nếu có).
Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế sẽ quyết định. Cụ thể, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.
Hồ sơ cũng cần kèm theo bản sao Giấy chứng nhận khấu trừ thuế (ghi rõ đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào) do cơ quan trả thu nhập cấp; hoặc Bản sao chứng từ ngân hàng đối với số thuế đã nộp ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế trong trường hợp theo quy định của luật pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp.
Xem thêm: Hướng dẫn cách đăng ký mã số thuế cá nhân nhanh nhất hiện nay
5. Thủ tục quyết toán thuế 2024?
Hiện nay, có hai hình thức quyết toán thuế là quyết toán trực tiếp tại trụ sở của cơ quan thuế và quyết toán trực tuyến. Cá nhân, tổ chức có thể thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân online mà không cần đến trực tiếp cơ quan thuế.
Bước 1: Truy cập vào hệ thống Thuế điện tử của Tổng cục Thuế theo địa chỉ: Thuế điện tử của Tổng cục thuế và đăng nhập.
Bước 2: Đăng nhập bằng cách nhập thông tin mã số thuế, nhập mã kiểm tra để đăng nhập.
Bước 3: Chọn “Quyết toán thuế” –> Chọn “Kê khai thuế trực tuyến”
Bước 4: Điền nội dung kê khai trực tuyến
Bước 5: Chọn “Tiếp tục” để Khai tờ khai quyết toán thuế
Bước 6: Sau khi điền xong thì Chọn “Hoàn thành kê khai”.
Bước 7: Chọn “Kết xuất XML” để lưu file điện tử này (không thay đổi tên file).
Bước 8: Chọn “Nộp tờ khai”, nhập mã kiểm tra để xác thực nộp tờ khai và chọn “Tiếp tục”
Bước 9: In tờ khai
Sau khi chọn “Kết xuất XML”, hệ thống sẽ gửi về file bạn khai báo theo định dạng XML.
Bạn cài itaxviewer để mở file tờ khai theo định dạng XML –>> In —> Ký tên người khai thuế.
Bước 10: Cầm theo CMND/CCCD, chứng từ khấu trừ thuế, Tờ khai thuế vừa in đế nộp tại Bộ phận một cửa của cơ quan thuế đã nộp tờ khai.
Trên đây là tất cả các thông tin về cá nhân tự quyết toán thuế năm 2024. Bạn đọc hãy dành thời gian để hoàn thành và nộp hồ sơ đúng hạn. Bạn đừng quên cập nhật thường xuyên các chính sách tiền lương, BHXH mà người lao động cần biết cùng các cơ hội việc làm hấp dẫn trên Việc Làm 24h nhé!
Xem thêm: Quyết toán thuế là gì? Hướng dẫn kê khai thông tin trên tờ khai quyết toán thuế TNCN