Đã bao giờ bạn gặp một người sếp, đồng nghiệp hay có bạn bè thậm chí người thân thích kiểm soát người khác không. Họ muốn kiểm soát tất cả mọi thứ từ việc lớn cho đến việc nhỏ và khiến môi trường xung quanh ngột ngạt. Những người có tính cách như vậy được gọi là Control Freak. Control Freak có biểu hiện gì, làm thế nào để đối phó với người kiểm soát quá mức? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Control Freak là gì?
Control Freak là thuật ngữ được sử dụng để mô tả người có xu hướng muốn kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống, không chỉ về bản thân mình mà còn về những người xung quanh và các tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Người có tính cách này thường cảm thấy không thoải mái hoặc lo lắng khi họ không kiểm soát được mọi thứ và có xu hướng áp đặt ý kiến, quyết định của mình lên người khác. Điều này dễ dẫn đến mâu thuẫn trong mối quan hệ, gây ra căng thẳng cho cả bản thân cũng như những người xung quanh.
Hành vi kiểm soát quá mức này thường có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là xuất phát từ những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ, khiến họ sinh ra cảm giác mất kiểm soát và lo lắng. Điều này thúc đẩy họ phản ứng bằng cách tìm cách kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống để bảo vệ bản thân.
Tiếp đến là sự thiếu tự tin. Những người không tự tin vào khả năng của mình thường cần phải kiểm soát mọi tình huống để cảm thấy an toàn và tự tin hơn. Vì họ cho rằng việc kiểm soát mọi thứ sẽ giúp họ tránh được rủi ro.
Một yếu tố khác nữa là nỗi sợ hãi về sự thất bại. Người có tính cách Control Freak có thể lo sợ mọi thứ sẽ rơi vào hỗn loạn nếu họ không kiểm soát mọi tình huống. Do đó, họ áp đặt ý kiến hoặc quyết định của mình lên người khác để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo ý muốn của họ.
Dấu hiệu nhận biết người có tính cách Control Freak
Dù ở môi trường công sở hay gia đình, bạn bè hay bất kỳ mối quan hệ nào thì Control Freak cũng có những biểu hiện sau:
– Quản lý đến từng chi tiết: Những người có hành vi kiểm soát thường quản lý hay thậm chí săm soi kỹ lưỡng từng chi tiết một. Họ khó có thể tin tưởng người khác hay để mọi người làm theo cách của mình mà cảm thấy cần phải giám sát mọi hành động.
– Áp đặt quan điểm: Không ngừng áp đặt tư tưởng, suy nghĩ của mình lên người khác là dấu hiệu rõ ràng của người có tính cách Control Freak. Họ tin rằng mọi điều họ nói là cách đúng đắn duy nhất nên ra sức chống lại tất cả phản biện từ người khác.
– Không sẵn sàng chia sẻ, ủy quyền: Hầu hết những người có tính cách này thường gặp khó khăn trong việc chia sẻ trách nhiệm hay ủy quyền. Họ thích toàn quyền kiểm soát mọi khía cạnh và không tin tưởng vào người khác.
– Cứng nhắc trong hành vi và kỳ vọng: Vì tính bảo thủ, không linh hoạt về cách mọi thứ hoạt động nên họ dễ trở nên kích động, thất vọng nếu mọi việc đi chệch ra khỏi quỹ đạo kiểm soát của họ.
– Luôn cần được trấn an: Vì cảm giác không an toàn nên họ phải thường xuyên tìm kiếm những cách trấn an ở bên ngoài như liên tục yêu cầu cập nhật, xác thực hay bày tỏ sự nghi ngờ ngay cả khi mọi thứ đang đi đúng hướng.
Làm thế nào để đối phó với người có tính cách Control Freak?
1. Nhận ra vấn đề không phải ở bạn
Một trong những bước đầu tiên để đối phó với những người thích kiểm soát là nhận ra hành vi của họ không nhằm vào bạn. Họ hành động vì nhu cầu kiểm soát của chính họ, điều này không liên quan nhiều đến năng lực hay giá trị của bạn. Hãy hiểu rằng việc họ cố gắng kiểm soát bạn là phản ánh sự bất an của chính họ và nỗi sợ bị tổn thương vì chỉ qua hành vi kiểm soát họ mới có được cảm giác an toàn.
Bằng cách nhận ra điều này, bạn có thể tách mình ra khỏi hành vi của họ về mặt cảm xúc, tránh bị tác động bởi họ cũng như duy trì ý thức về giá trị bản thân. Từ đó tập trung vào việc tìm kiếm những giải pháp để đối phó với xu hướng Control Freak.
Xem thêm: Thiên kiến kẻ tồn tại là gì? Làm thế nào để vượt qua thiên kiến kẻ tồn tại?
2. Đặt ranh giới và khẳng định bản thân
Bạn cần đặt ranh giới bằng cách xác định rõ ràng điều gì có thể chấp nhận được và điều gì không khi tương tác với người Control Freak. Chẳng hạn như không gian cá nhân, nhiệm vụ công việc, khả năng đưa ra quyết định… Ngoài ra nên truyền đạt ranh giới với họ quyết đoán đồng thời thể hiện rõ nhu cầu được tự chủ và tôn trọng của bạn.
Những người thích kiểm soát thường có quan điểm riêng về mọi thứ và áp đặt lên mọi người. Vì vậy, bạn cần khẳng định bản thân mạnh mẽ để họ biết rằng bạn coi trọng những suy nghĩ, quyết định của mình. Tránh tham gia vào các cuộc tranh luận không cần thiết hay biện minh cho hành động của mình. Thay vì tranh cãi với họ, hãy cố gắng tìm ra một thỏa hiệp làm hài lòng cả hai bên để giảm bớt căng thẳng và tạo ra động lực tích cực hơn.
Khi khẳng định bản thân, hãy sử dụng chủ ngữ mình/tôi quyết đoán để thiết lập quyền tự chủ trong khi vẫn duy trì giọng điệu tôn trọng. Ví dụ như “tôi đánh giá cao ý kiến đóng góp của bạn nhưng tôi muốn có cơ hội để làm việc theo cách của mình.”
3. Chăm sóc và tập trung vào nhu cầu của bản thân
Đối phó với người thích kiểm soát thường khiến bạn kiệt sức về tinh thần khi luôn rơi vào trạng thái bực bội, thất vọng. Do đó bạn cần ưu tiên chăm sóc bản thân nhiều hơn. Hãy thường xuyên dành thời gian cho các hoạt động mang lại niềm vui, giúp bạn thư giãn. Bên cạnh đó đừng quên nhắc nhở chính mình về giá trị của bản thân.
Những người Control Freak thường có xu hướng cầu toàn và mong muốn mọi việc phải được thực hiện đúng đắn theo ý họ. Vì vậy, bạn cần nhớ là không cần liên tục chứng tỏ bản thân hay tìm kiếm sự chấp thuận, công nhận từ họ. Đồng thời, nhận ra khả năng và giá trị của mình ngay cả khi bị họ loại bỏ.
4. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài
Bạn có thể tìm kiếm một bên thứ ba trung lập để có thể điều hướng những bế tắc của cuộc trò chuyện và hỗ trợ tìm ra giải pháp cho hai bên. Hòa giải đặc biệt có giá trị ở nơi làm việc vì giúp giải quyết xung đột và tìm ra giải pháp mang tính xây dựng. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình cũng mang lại cảm giác trấn an qua việc lắng nghe, đồng cảm và đưa ra lời khuyên có giá trị để bạn vượt qua những thách thức khi đối phó với người có tính cách Control Freak.
Đối phó với người Control Freak là một trải nghiệm đầy thử thách nhưng không phải là không thể. Điều quan trọng là bạn cần xây dựng cũng như ý thức được giá trị bản thân để khẳng định quyền tự chủ, đưa ra quyết định phù hợp và tin tưởng vào chính mình. Với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về Control Freak là gì cũng như cách đối phó với người thích kiểm soát. Đừng quên theo dõi blog của Vieclam24h.vn để khám phá thêm nhiều chủ đề bổ ích khác nhé!
Việc làm gợi ý
ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Passive Aggressive là gì? Phải làm gì khi đồng nghiệp là người gây hấn thụ động?