Interpersonal skills là một kỹ năng mềm được các nhà tuyển dụng rất xem trọng khi đánh giá ứng viên hoặc nhân viên. Kỹ năng này là đòn bẩy giúp các nhân viên trong công ty cộng tác hiệu quả với nhau và kiến tạo một môi trường công sở lành mạnh. Vậy cụ thể Interpersonal Skills là gì? Làm thế nào để trở thành một người được đánh giá “Interpersonal Skills tốt”?
Interpersonal Skills là gì?
Interpersonal Skills có thể được hiểu là một bộ kỹ năng xã hội, giúp bạn xây dựng vòng kết nối vững chắc trong môi trường công sở.
Một nhân viên được đánh giá “Interpersonal Skills tốt” thường sở hữu tính cách dễ chịu, thái độ tích cực và luôn hướng đến giải pháp xử lý vấn đề thay vì lý do bao biện. Họ thường hoà đồng, dễ hợp tác với người khác và ưu tiên lợi ích tập thể. Đặc biệt, họ rất linh hoạt trong công việc, thích giao thiệp và được đồng nghiệp yêu mến, tin tưởng.
Để hoàn thiện kỹ năng này, giỏi giao tiếp thôi là chưa đủ. Bạn còn phải biết lắng nghe, thấu cảm. Bạn phải xây dựng được uy tín cá nhân, khiến đồng nghiệp tin tưởng và yêu mến.
Như vậy, Interpersonal Skills không phải là một kỹ năng đơn lẻ mà là một tập hợp gồm nhiều kỹ năng mềm quan trọng, giúp bạn giao tế hiệu quả với người khác, cả bên trong và bên ngoài công ty.
Tại sao người có interpersonal skills được doanh nghiệp săn đón?
Có thể bạn không thích điều này, nhưng sự thật là chúng ta giao tiếp nơi công sở nhiều hơn nói chuyện với người thân trong gia đình. Khi đi làm, bạn bắt buộc phải trao đổi và tương tác với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, nhà cung cấp,… Interpersonal skill chính là chìa khóa tạo nên sự khác biệt giữa một đồng nghiệp dễ mến hay khó hợp tác.
“Sức hút” của người sở hữu Interpersonal Skills là gì?Để tạo một môi trường làm việc lành mạnh, các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm ứng viên có kỹ năng xã hội tốt, vừa có thể làm việc hiệu quả, vừa có mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp và các bên liên quan khác.
Một ứng viên có Interpersonal Skills tốt sẽ dễ hòa nhập, nhanh thích ứng với môi trường làm việc. Họ có khả năng giúp đồng nghiệp vui vẻ, thoải mái, tạo động lực và cảm giác dễ chịu khi làm việc cùng.
Nếu phải giao tiếp với khách hàng thường xuyên, nhân sự làm chủ được kỹ năng Interpersonal Skills sẽ thấu hiểu khách hàng tốt hơn, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng và giữ chân họ lâu hơn.
Thậm chí, cả ở những vị trí việc làm không trực tiếp giao thiệp với bên ngoài, một nhân sự có Interpersonal Skills tốt cũng vô cùng “đắt giá”. Họ có thể nhanh chóng nắm bắt được những điểm trọng yếu của công việc, dễ dàng trình bày, chia sẻ ý tưởng. Đồng thời, họ cũng biết cách lắng nghe và xử lý khéo léo những vấn đề phát sinh trong công việc.
Một số ví dụ về Interpersonal Skills tại công sở
Như đã nói ở trên, interpersonal skills là một bộ gồm nhiều kỹ năng liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ, hợp tác hiệu quả giữa người với người nơi công sở.
Những kỹ năng “nhận dạng” người có interpersonal skills là gì?
- Đó là:
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng lắng nghe tích cực
- Khả năng đồng cảm
- Kỹ năng giải quyết xung đột
- Kỹ năng làm việc theo nhóm
- …
Xem thêm: Bỏ túi 8 kỹ năng làm việc nhóm cần phải biết để làm việc hiệu quả
Mỗi người đều có phong cách xã giao riêng, tùy thuộc vào tính cách và bản năng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phát triển và cải thiện Interpersonal skills của mình để làm việc hiệu quả nơi công sở, từ đó từng bước thăng tiến trong công việc.
Rèn luyện kỹ năng Interpersonal Skills như thế nào?
Interpersonal skills tốt là nền tảng cho các mối quan hệ xã hội và giúp công việc của bạn trôi chảy hơn. Bạn có thể hoàn thiện bộ kỹ năng này bằng cách thực hành hàng ngày.
Để cải thiện Interpersonal Skills của bạn, hãy thử các bước sau:
Tìm ra điều cần cải thiện
Đầu tiên, hãy xác định lĩnh vực nào trong Interpersonal Skills mà bạn làm chưa tốt. Hãy hỏi đồng nghiệp, người quản lý, gia đình hoặc bạn bè,… và ghi nhận lại.
Quan sát người khác
“Học thầy không tày học bạn”, đừng quên nhìn xung quanh, xem đồng nghiệp, sếp của bạn giao tế như thế nào nơi làm việc. Hãy quan sát và lắng nghe cách họ sử dụng ngôn ngữ và cử chỉ cơ thể. Lưu ý cách họ nhấn nhá giọng nói khi thuyết trình, tốc độ nói và cách họ tương tác với người khác trong công ty.
Học cách kiểm soát cảm xúc của bạn
Đừng tranh luận khi bạn đang mất bình tĩnh. Bạn có sẽ giao tiếp hiệu quả hơn nếu có thái độ tích cực và không căng thẳng hay khó chịu.
Xem thêm: Kỹ năng kiềm chế cơn nóng giận hiệu quả để không làm bản thân và người khác tổn thương
Suy ngẫm về các mối quan hệ công việc của bạn
Vào cuối ngày, hãy điểm lại những vấn đề phát sinh, nghĩ xem bạn đã thật sự phản ứng tốt trong những tình huống xã giao đó chưa? Liệu bạn có thể làm gì để cải thiện không? Ngoài những điều chưa hoàn hảo, bạn cũng nên ghi nhận những tình huống đã giải quyết tốt để phát huy.
Thực hành các kỹ năng mới
“Học đi đôi với hành”, bạn đã quan sát và suy ngẫm đủ rồi. Bây giờ, bạn hãy áp dụng những điều đã học để xây dựng các mối quan hệ mới trong công việc. Ví dụ: bạn có thể đăng ký tham gia một một câu lạc bộ trong công ty hoặc đơn giản bắt chuyện với một đồng nghiệp trong giờ nghỉ trưa.
Tương tác và đánh giá cao đồng nghiệp xung quanh bạn
Hãy dành thời gian quan tâm đến bạn bè cũng như đồng nghiệp của bạn và nỗ lực để tương tác với họ. Đừng ngại khen ngợi đồng nghiệp nếu họ đã xử lý tốt một vấn đề khó nhằn hoặc họ đóng góp cho đội một ý tưởng mới mẻ.
Hãy mời đồng nghiệp của bạn một ly cà phê để cảm ơn nếu họ giúp bạn làm gì đó, đồng thời chủ động hỗ trợ đồng nghiệp khi cần. Bạn cũng có thể gợi ý nhóm của mình đi đâu đó vào cuối tuần để có thời gian hiểu nhau hơn,… Những bước nhỏ này có thể giúp bạn xây dựng các mối quan hệ tích cực và bền chặt tại nơi làm việc.
Tham gia các lớp học kỹ năng
Đăng ký tham dự các hội thảo hoặc khóa học có thể giúp bạn cải thiện Interpersonal Skills và những kỹ năng mềm khác. Có rất nhiều khóa học miễn phí trên mạng mà bạn có thể tham gia nếu quỹ thời gian hạn hẹp. Nhưng với những kỹ năng liên quan đến giao tiếp, ứng xử, bạn nên dành thời gian tham dự trực tiếp để đạt hiệu quả cao hơn.
Tìm một mentor
Hãy tìm một ai đó mà bạn tôn trọng, nhờ họ giúp bạn hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu. Mentor có thể là một đồng nghiệp đáng tin cậy, một người bạn, một thành viên trong gia đình hoặc bất kỳ ai có kỹ năng tốt. Có câu “khi người học trò đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”, chỉ cần bạn quyết tâm rèn luyện, sẽ có ai đó xuất hiện hỗ trợ bạn.
Tự ghi lại giọng nói của bạn
Hãy thu âm hoặc tự quay video quá trình bạn tự giới thiệu hoặc trình bày một vấn đề bất kỳ. Sau đó, bạn có thể nghe lại, xác định điều gì cần cải thiện hoặc phát huy, chẳng hạn như giọng nói, tốc độ nói, cách diễn đạt, lựa chọn từ ngữ hoặc ngôn ngữ cơ thể. Việc ghi âm và kiểm tra định kỳ có thể giúp bạn đánh giá Interpersonal Skills của mình tiến bộ ra sao theo thời gian.
Kết luận
Không có gì chán nản hơn là thức dậy, đến chỗ làm với những khuôn mặt lạnh tanh. Làm việc trong môi trường thiếu gắn kết sẽ vô cùng chán nản. Nếu làm chủ được các kỹ năng xã hội, bạn có thể dần dần xây dựng được các mối quan hệ tích cực và gần gũi với đồng nghiệp. Nhờ đó, bạn hoàn thành các dự án nhóm suôn sẻ và hiệu quả hơn.
Ngoài việc giúp các cá nhân trong công ty cộng tác hiệu quả hơn, Interpersonal Skills còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần và năng suất của cả công ty. Vì vậy, kỹ năng này ngày càng được doanh nghiệp đánh giá cao và săn đón. Rèn luyện Interpersonal Skills mỗi ngày sẽ giúp bạn có những giờ làm việc vui vẻ và năng suất.
Sau khi hiểu được Interpersonal Skills là gì và “sức hút” của bộ kỹ năng này, hy vọng bạn sẽ tìm được cách “nâng tầm” bản thân phù hợp nhé! Đừng quên theo dõi những bài viết của Việc Làm 24h để “bắt trọn” bộ kỹ năng giúp bạn vững vàng nơi công sở và thăng tiến trong công việc.