Gặp nhiều loại người khác nhau là trường hợp mà không một nhà quản lý nào có thể tránh khỏi. Nếu bạn may mắn gặp được nhiều nhân viên tận tâm với công việc, cống hiến hết mình vì công ty, trung thực thật thà thì bạn dễ dàng quản lý nhân sự hơn. Nhưng nếu gặp phải những nhân viên khó bảo thì bạn nên làm gì, dùng quyền quản lý sa thải ngay hay là tiếp tục “chịu đựng”? Đâu sẽ là giải pháp thu phục nhân viên khó bảo mà một nhà quản lý giỏi nên áp dụng? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu ngay nhé!
1. Giữ bình tĩnh
Làm việc với những nhân viên khó bảo rất dễ cảm thấy ức chế, căng thẳng và giận dữ, tuy nhiên bạn đừng vì thế mà nóng giận quát tháo cấp dưới ngay giữa văn phòng. Hãy biết cách kiềm chế cảm xúc và giữ im lặng trong những tình huống cần thiết, bởi hành động la mắng lúc này chỉ có thể giúp giải tỏa cảm xúc nhất thời, nhưng sẽ khiến bạn mất đi sự tôn trọng từ nhân viên cũng như cơ hội giải quyết vấn đề. Lời khuyên dành cho bạn là hãy hít thở thật sâu, uống một cốc nước, đi ra ngoài để “hạ hỏa” và suy nghĩ thấu đáo hơn về mọi chuyện trước khi đưa ra bất cứ hành động hay quyết định nào. Từ đó, tư vấn nhân viên giải quyết vấn đề mà nhân viên đang mắc phải.
Xem thêm: Bóng ma trầm cảm gây hoảng sợ cho dân văn phòng: Làm sao để vượt qua?
2. Tìm hiểu nguyên nhân
Không phải ngẫu nhiên mà nhân viên có thái độ bất phục cấp trên, vì thế hãy chủ động quan sát và tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề nhằm tìm ra hướng khắc phục tốt nhất. Bạn nên bắt đầu từ việc nhìn nhận lại cách quản lý và ứng xử của mình, liệu bạn có quá cứng nhắc, có hiểu rõ vấn đề khi đặt mình vào vị trí của nhân viên và đã thật sự hòa đồng với cấp dưới của mình chưa? Tự đánh giá để từng bước khắc phục và hoàn thiện mình là điều mà các nhà quản lý thông minh nên làm, điều này giúp hòa giải mâu thuẫn và khắc phục vấn đề “khó ở” của nhân viên.
Điều bạn nên làm là sắp xếp một cuộc trò chuyện thân mật dựa trên tinh thần chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân bất đồng để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Nếu lý do bắt nguồn từ sự hiểu lầm thì bạn đừng ngần ngại chia sẻ, giải thích để hóa giải các vướng mắc. Trong trường hợp nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân nhân viên, thì nhà quản lý cũng nên thể hiện sự cảm thông, cho cấp dưới cơ hội giãi bày, chắc hẳn họ sẽ tự nhận ra những điều chưa đúng. Đồng thời, bạn cũng nên sử dụng nghệ thuật “thu phục lòng người” bằng kỹ năng giao tiếp nhẹ nhàng chỉ ra khuyết điểm để cảm hóa những nhân viên khó bảo này.
3. Có chiến lược giao việc “đặc biệt”
Song song với việc tìm hiểu nguyên nhân, nhà quản lý cũng nên có những chiến lược giao việc với “khẩu phần đặc biệt” cho nhân viên khó bảo của mình. Bởi họ tuy là những người thường hay tranh luận và tỏ ra bất đồng trong các quyết định liên quan đến công việc, nhưng lại có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Vậy, đối với những nhân viên này, nhà quản lý cần có chiến lược giao việc thông minh để phát huy thế mạnh là phát huy tinh thần trách nhiệm, hạn chế tính “bốc đồng” và cái tôi quá lớn đi.
Thứ nhất, bạn hãy làm ngược lại với thông lệ, thay vì giao việc và hướng nhân viên làm việc theo một quy trình nhất định, bạn hãy để cho cấp dưới có cơ hội sáng tạo và đổi mới trong cách làm việc, miễn sao đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả công việc.
Thứ 2, tuyệt đối không quát tháo, như đã nêu ở phần trên do đặc điểm tính cách của nhân viên khó bảo là cái tôi lớn và có quan điểm riêng, nên việc sử dụng các biện pháp mạnh sẽ không có tác dụng, thậm chí còn khiến họ trở nên khó bảo hơn, thậm chí gây nảy sinh mâu thuẫn, làm trái lại yêu cầu của bạn. Thay vì “ra lệnh” trong công việc, nhà quản lý nên cùng cấp dưới bàn bạc để đi đến thống nhất cách làm việc sao cho cả hai bên đều cảm thấy “dễ chịu” và mang lại hiệu quả cao nhất.
Thứ 3, hãy tận dụng điểm mạnh của nhân viên bằng cách giao việc luôn đi kèm lời giải thích về tầm quan trọng của công việc. Là một người có tinh thần trách nhiệm trong công việc, nên nếu bạn cho cấp dưới thấy tầm quan trọng của công việc đang làm, họ sẽ phấn đấu hết mình.
Xem thêm: Tại sao không nên so sánh nhân viên với nhau? Đâu là kỹ năng quản lý giỏi nên có
4. “Nhu cương” đúng lúc
Bạn nên bắt đầu bằng việc thể hiện sự rộng lượng và niềm nở đúng tầm của một người lãnh đạo. Hãy lên kế hoạch “tụ tập” sau những giờ làm việc để cả hai bên có cơ hội hiểu nhau hơn, trò chuyện thân mật, tháo gỡ những hiểu lầm hoặc mâu thuẫn trước đó do bất đồng quan điểm trong cách làm việc. Nhà quản lý cũng đừng ngại chia sẻ với cấp dưới như người bạn để họ cảm nhận được sự chân thành và không ngại bộc bạch những suy nghĩ của chính họ. Khéo léo trò chuyện để nhân viên nhận ra khuyết điểm, sau đó hướng dẫn, giúp khắc phục tình hình là nghệ thuật ứng xử thu phục lòng người của một nhà quản lý thông minh. Đối mặt và giải quyết vấn đề theo nguyên tắc cứng rắn và mềm dẻo đúng lúc được xem là giải pháp tối ưu nhất.
Xem thêm: Team Bonding là gì, những hoạt động Team Bonding cực vui cho dân văn phòng
Tóm lại
Quản lý nhân viên cần cả một nghệ thuật và người quản lý giỏi là người biết linh hoạt trong cách giải quyết vấn đề, và tùy vào từng tình huống mà cương nhu đúng lúc. Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thể thu phục các nhân viên khó bảo nhằm mang lại hiệu quả cao trong công việc cũng như sự hòa thuận, đồng lòng nhất trí trong tập thể.
Xem thêm: Những sai lầm của người lãnh đạo dễ gây căng thẳng cho nhân viên