Nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp Đại học thường băn khoăn trước ngã ba đường là nên đi làm hay tiếp tục học thạc sĩ. Thậm chí nhiều người sau khi đi làm vài năm cũng bắt đầu cân nhắc việc học thạc sĩ. Vậy có nên học thạc sĩ hay không? Các điều kiện để học thạc sĩ là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu tất tần tật thông tin về học thạc sĩ qua bài viết sau của Việc Làm 24h.
Có nên học thạc sĩ không?
Đây là câu hỏi băn khoăn của không ít bạn trẻ. Mặc dù tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân đã đủ để đáp ứng chuyên môn cho nhiều công việc, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng có nhiều cạnh tranh, giáo dục chuyên môn cao như các bậc học sau đại học sẽ giúp người lao động tự tin hơn cho nhiều vị trí, nhất là các vị trí quản lý cấp cao.
Bên cạnh đó, với người muốn chuyển ngành hoặc đổi sang vị trí công việc khác, việc học thạc sĩ không chỉ mang lại kiến thức giúp quá trình chuyển ngành suôn sẻ mà còn mở ra con đường “chính thống” để bước sang một ngành khác, đặc biệt là những ngành nghề có đặc thù yêu cầu bằng cấp như giáo dục, quản lý…
Một ưu điểm thứ hai giúp trả lời có nên học thạc sĩ không là bậc học này giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ Đối tượng tham gia các lớp học thạc sĩ là những người đã tốt nghiệp hoặc đi làm một vài năm. Học viên của lớp cũng đa dạng lứa tuổi và nhiều kinh nghiệm sống. Vì thế, “bạn học” trong môi trường thạc sĩ cũng trưởng thành và thực tế hơn. Nếu biết tận dụng, đây sẽ là tiền đề giúp bạn mở rộng mạng lưới kết nối và tạo tiền đề cho phát triển sự nghiệp.
Điều kiện học thạc sĩ
Bạn có thể tham gia học thạc sĩ theo hệ trong nước hoặc học thạc sĩ tại các trường nước ngoài.
Theo Điều 5, Quy chế tuyển sinh và đào tạo Thạc sĩ ban hành kèm Thông tư 23/2021/TT/BGDĐT quy định về điều kiện học thạc sĩ như sau:
- Đã tốt nghiệp Đại học hoặc đủ điều kiện tốt nghiệp Đại học, hoặc có trình độ tương đương trở lên với ngành học phù hợp (*). Riêng với chương trình định hướng nghiên cứu thì yêu cầu cần tốt nghiệp loại khá trở lên hoặc có các công trình khoa học liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu, học tập.
(*): ngành học phù hợp là ngành đào tạo ở trình độ đại học có trang bị nền tảng chuyên môn cần thiết để chương trình đào tạo thạc sĩ của chuyên ngành tương ứng và quy định cụ thể trong chuẩn đầu vào của chương trình thạc sĩ. Cơ sở đào tạo quy định những trường hợp cần học bổ sung trước khi dự tuyển.
- Năng lực ngoại ngữ cần đạt từ bậc 3 trở lên (dựa theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc tại Việt Nam). Ứng viên phải có các văn bằng, chứng chỉ sau:
– Bằng tốt nghiệp Đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc bằng tốt nghiệp Đại học có chương trình chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài
– Bằng tốt nghiệp Đại học do cơ sở đào tạo cấp đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ
– Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương
- Đáp ứng theo các yêu cầu khác theo chuẩn chương trình do Bộ GD- ĐT ban hành theo quy định.
Học thạc sĩ mất bao lâu
Bên cạnh quyết định có nên học thạc sĩ không, thời gian cũng như chi phí của việc học cũng khiến nhiều người băn khoăn.
Trên thực tế, thời gian đào tạo thạc sĩ ngắn hơn so với bậc học Đại học. Cụ thể, thời gian đào tạo Thạc sĩ theo hình thức tập trung là 2 năm và hình thức không tập trung là 3 năm. Thời gian học có thể là cuối tuần, buổi tối trong tuần hoặc học các ngày trong tuần tuỳ theo lịch trình của từng chương trình.
Ngoài ra, nhiều trường Đại học nước ngoài hoặc Đại học trong nước có liên kết quốc tế cũng cung cấp các chương trình học thạc sĩ online, thuận tiện cho những ai có nhu cầu.
Chi phí học thạc sĩ cũng được quy định theo mức học phí riêng của từng ngành học và từng trường. Mức chi phí có thể tính dựa trên số tín chỉ hoặc theo từng kỳ học. Để biết chính xác mức học phí cụ thể cho chương trình học bạn đang quan tâm, bạn nên truy cập trực tiếp vào website của trường để tìm hiểu.
Ngoài ra, khá nhiều chương trình thạc sĩ có các loại học bổng từ bán phần đến toàn phần tuỳ theo từng trường và từng ngành học. Các thông tin này cũng được đăng tải trực tiếp trên website của từng trường. Bạn có thể tìm hiểu các thông tin này trước khi quyết định lựa chọn.
Cách học thạc sĩ hiệu quả
Thực chất, việc học thạc sĩ có mang lại hiệu quả như mong muốn hay không còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: lựa chọn được chương trình uy tín, đáp ứng đủ kỳ vọng, sự chuẩn bị đầy đủ trước khi theo học, kiên nhẫn và cân đối được thời gian lẫn tài chính trong quá trình học…
Trước khi học
Để trả lời rõ nhất cho câu hỏi có nên học thạc sĩ hay không, bạn cần đặt những câu hỏi như:
- Tại sao cần học thạc sĩ?
- Tại sao chọn ngành học này?
- Tại sao chọn chương trình này?
- Bạn muốn làm gì sau khi có được tấm bằng cao học?
Đừng chỉ nên quyết định học thạc sĩ vì “không biết nên làm gì sau khi tốt nghiệp” hay vì ảnh hưởng của ai đó (bạn bè, gia đình, xã hội…). Bạn thực sự nên xem xét đến định hướng nghề nghiệp cũng như mong muốn của bản thân trước khi quyết định.
Chọn chương trình
Để có một chương trình học thạc sĩ hiệu quả, bạn nên chú ý một số lưu ý như:
- Bằng cấp của chương trình đó có được công nhận?
- Trình độ chuyên môn của giảng viên có tốt không?
- Chương trình có cung cấp các kiến thức, công nghệ đổi mới phù hợp với nhu cầu xã hội không?
Bên cạnh đó, mạng lưới quan hệ trong bậc học thạc sĩ khá quan trọng, bạn có thể tìm hiểu mạng lưới cựu sinh viên, các đối tác doanh nghiệp, các cơ hội trao đổi… Cơ sở đào tạo và nội dung chương trình có thực sự mạnh để giúp bạn tiếp tục phát triển sự nghiệp sau khi học xong hay không. Ngoài ra, những chương trình tốt còn giúp bạn cải thiện kỹ năng quản lý bản thân, sắp xếp thời gian, làm việc nhóm hay phát triển khả năng lãnh đạo.
Xem thêm: Bỏ túi 8 kỹ năng làm việc nhóm cần phải biết để làm việc hiệu quả
Trong khi học
Sau khi trả lời xong câu hỏi có nên học thạc sĩ và lựa chọn được chương trình phù hợp, điều quan trọng nhất là làm sao tận dụng được quá trình học hiệu quả nhất.
Chương trình học tại bậc thạc sĩ tương đối khác so với bậc đại học đòi hỏi bạn cần nỗ lực hơn để đưa bản thân ra khỏi vòng an toàn để trưởng thành và phát triển. Hãy tận dụng tốt những cơ hội sẵn có từ nhà trường như:
- Ngày hội việc làm
- Kết nối với hội cựu sinh viên
- Các chương trình tham quan, nghiên cứu mô hình doanh nghiệp thực tế
Đồng thời, bạn nên thử thách bản thân với nhiều vị trí khác nhau như: làm việc nhóm, thực tập, công tác.
Bên cạnh đó, khi học thạc sĩ, bạn còn phải đối diện với áp lực thời gian lẫn tài chính. Bạn phải vừa đi học và vừa đi làm. Do đó, cân đối thời gian sao cho phù hợp vừa đảm bảo quá trình lên lớp, vừa vẫn đảm bảo công việc thực sự sẽ khiến bạn vất vả gấp đôi so với bậc Đại học.
Xem thêm: Trào lưu FIRE là gì? Làm thế nào để được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm?
Tuy nhiên, chính những kinh nghiệm quý giá trong quá trình học thạc sĩ sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn cũng như tạo bàn đạp tốt cho những cơ hội nghề nghiệp sau này.
Lời kết
Trên đây, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã cung cấp cho bạn những thông tin cũng như lời khuyên giải đáp cho băn khoăn có nên học thạc sĩ.
Câu trả lời tuỳ thuộc thực sự vào mong muốn phát triển nghề nghiệp trong tương lai của bạn. Trên thực tế, điều quý giá nhất của bất cứ chương trình học nào không chỉ là những kiến thức hàn lâm từ giảng đường hay tấm bằng nhận về mà là những trải nghiệm, kỹ năng mềm, cũng như kết nối bạn có được trong quá trình học để làm hành trang cho bước đường sự nghiệp tiếp theo.
Có câu nói: “hành trình quan trọng hơn đích đến”. Điều này cũng đúng với quá trình học thạc sĩ. Hi vọng, bài viết hữu ích này sẽ giúp bạn đang băn khoăn có nên học thạc sĩ tìm được cho mình thêm tự tin để làm chủ hành trình của mình.
Xem thêm: Người tham chiếu là gì? Cách đưa thông tin người tham chiếu vào CV hợp lý