Bệnh nghề nghiệp là cụm từ quen thuộc với người lao động. Tuy nhiên để hiểu tường tận về bệnh nghề nghiệp là gì, có những bệnh nghề nghiệp nào thì không phải ai cũng hiểu rõ. Ở bài viết này, hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu rõ hơn về chủ đề này nhé!
Bệnh nghề nghiệp là gì?
Theo khoản 9, điều 3 của Bộ Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đã nêu rõ về định nghĩa bệnh nghề nghiệp là gì: “Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.”
Có thể hiểu đây không phải là những bệnh lý thông thường do bẩm sinh, di truyền hay do môi trường sống, mà đến từ môi trường làm việc. Những yếu tố độc hại của điều kiện lao động có thể kể đến như: nhiệt độ khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh), tiếng ồn quá lớn, tiếp xúc với nhiều hóa chất…
Bệnh nghề nghiệp có thể chữa khỏi nhưng cũng có một số bệnh để lại di chứng hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bệnh nghề nghiệp đã trở thành mối quan tâm và được đưa vào hệ thống luật pháp ở các nước trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. ILO – Tổ chức Lao động quốc tế có một số công ước về bệnh nghề nghiệp như Công ước số 18 (1925), Công ước số 142 (1934), Công ước số 121 (1964).
Tiêu chí xác định bệnh nghề nghiệp là gì?
Dưới đây là các tiêu chí theo quy định về cách xác định bệnh nghề nghiệp:
- Giới hạn tiếp xúc tối thiểu: đây là mức tiếp xúc thấp nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây nên bệnh nghề nghiệp.
- Thời gian tiếp xúc tối thiểu: là thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp.
- Thời gian bảo đảm: là khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó.
Khi người lao động bị bệnh nhưng giới hạn tiếp xúc và thời gian tiếp xúc chưa đạt tới mức tối thiểu sẽ không được xem là mắc bệnh nghề nghiệp.
Danh mục các bệnh nghề nghiệp là gì?
Ở nước ta, Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định 34 nghề nghiệp được Cơ quan BHXH thanh toán chế độ bệnh nghề nghiệp khi đủ điều kiện. Danh mục bệnh nghề nghiệp được chia thành 5 nhóm:
Các bệnh phổi và phế quản
Bệnh nghề nghiệp liên quan đến phổi và phế quản thường gặp ở người lao động làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn như nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, xưởng gỗ, xưởng vải… Các bệnh về phổi và phế quản bao gồm:
- Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.
- Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp.
- Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp.
- Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp.
- Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp.
- Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.
- Bệnh hen nghề nghiệp.
Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp
Nếu làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với nhiều hóa chất sẽ rất dễ mắc các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp này. Ví dụ như làm ở xưởng nhuộm, nhà máy sản xuất pin, sản xuất thuốc trừ sâu… Danh mục bệnh nghề nghiệp thuộc nhóm này bao gồm:
- Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp.
- Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng.
- Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp.
- Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp.
- Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp.
- Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp.
- Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp.
- Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.
- Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp.
- Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.
Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý
Người lao động làm việc nặng về tay chân hoặc các giác quan chịu nhiều áp lực từ bên ngoài có nguy cơ mắc các bệnh này:
- Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.
- Bệnh giảm áp nghề nghiệp.
- Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.
- Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ.
- Bệnh phóng xạ nghề nghiệp.
- Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.
Các bệnh da nghề nghiệp
Nhóm bệnh này xuất hiện ở người lao động thường xuyên làm việc ở ngoài trời, môi trường nhiệt độ cao, môi trường ẩm… trong thời gian dài. Danh mục các bệnh da nghề nghiệp là:
- Bệnh nốt dầu nghề nghiệp.
- Bệnh sạm da nghề nghiệp.
- Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.
- Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài.
- Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.
Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp
Người lao động làm việc ở phòng nghiên cứu, phòng mổ, bệnh viện… là nhóm người có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp:
- Bệnh Leptospira nghề nghiệp.
- Bệnh viêm gan virus B nghề nghiệp.
- Bệnh lao nghề nghiệp.
- Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Bệnh viêm gan virus C nghề nghiệp.
- Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.
Điều tra bệnh nghề nghiệp là gì?
Trong những trường hợp cần thiết, điều tra bệnh nghề nghiệp sẽ được thực hiện để xác định nguyên nhân gây ra bệnh mãn tính cho người lao động. Kết quả này là cơ sở để giải quyết chế độ chính xác, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Các trường hợp tiến hành điều tra bệnh nghề nghiệp là gì?
Điều 14 Thông tư 28/2016/TT-BYT đã nêu rõ các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp bao gồm:
Điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp khi:
- Người lao động yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp có liên quan đến bản thân mà chưa được giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
- Người sử dụng lao động có yêu cầu.
- Doanh nghiệp, cơ sở lao động có nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc nhiều người bị ốm, mắc bệnh trong cùng một thời điểm.
- Kết quả quan trắc môi trường lao động vượt giới hạn cho phép nhưng không có trường hợp người lao động được phát hiện bệnh nghề nghiệp hoặc cơ sở lao động không thực hiện quan trắc môi trường lao động và khám sức khỏe cho người lao động.
- Cơ quan BHXH yêu cầu.
Điều tra lại bệnh nghề nghiệp khi:
- Tổ chức, cá nhân có kiến nghị về kết quả điều tra bệnh nghề nghiệp.
- Phục vụ hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.
Điều tra lần cuối bệnh nghề nghiệp được áp dụng khi:
- Tổ chức, cá nhân có kiến nghị đối với kết quả điều lại bệnh nghề nghiệp.
Điều tra bệnh nghề nghiệp được thực hiện như thế nào?
Theo khoản 2, điều 18 của Thông tư 28/2016/TT-BYT, quy trình điều tra bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo trình tự sau:
- Xem xét hiện trường cơ sở lao động.
- Thu thập vật chứng, tài liệu có liên quan đến bệnh nghề nghiệp.
- Xem xét hồ sơ quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp, cơ sở lao động.
- Phỏng vấn trực tiếp người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng liên quan khác đến việc quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp, cơ sở lao động.
- Tổ chức khám và làm xét nghiệm cần thiết đối với các trường hợp người lao động nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp (nếu cần).
- Các nội dung khác do Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp chỉ định trong trường hợp cần thiết.
Thời hạn điều tra bệnh nghề nghiệp là bao lâu?
Thời hạn là tối đa 45 ngày kể từ ngày quyết định thành lập đoàn Điều tra bệnh nghề nghiệp.
Ai là người thanh toán chi phí điều tra bệnh nghề nghiệp?
Kinh phí điều tra bệnh nghề nghiệp được quy định ở điều 20 Thông tư 28/2016/TT-BYT như sau:
- Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thành lập: do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
- Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có kiến nghị điều tra thành lập: do tổ chức, cá nhân có kiến nghị thanh toán.
Chế độ bệnh nghề nghiệp (trợ cấp bệnh nghề nghiệp) được tính như thế nào?
Để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động cần đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là gì?
Theo điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2018, khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐBNN) người lao động sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:
- Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp của Thông tư 15/2016/TT-BYT.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp.
Lưu ý: nếu người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn lao động trong công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ.
Xem thêm: Trào lưu FIRE là gì? Làm thế nào để được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm?
Cách tính chế độ bệnh nghề nghiệp
Khi được xác định mắc bệnh nghề nghiệp, người lao động có thể hưởng một hoặc nhiều khoản từ chế độ bệnh nghề nghiệp:
Trợ cấp một lần
Điều kiện để người lao động hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp 1 lần theo điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 là bị suy giảm khả năng lao động từ 5% – 30%.
Cách tính trợ cấp 1 lần như sau: Mức trợ cấp 1 lần = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cụ thể:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm lao động: suy giảm 5% được hưởng 5 lần mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm theo 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở (mức lương cơ sở tùy thuộc vào thời điểm mắc bệnh nghề nghiệp).
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ BHTNLĐBNN: từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5 tháng. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được hưởng thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị mắc bệnh nghề nghiệp.
Công thức tính: Mức trợ cấp 1 lần = (5 x Lương cơ sở + (m-5) x 0,5 x Lương cơ sở)) + (0,5 x Lương đóng vào quỹ BHTNLĐBNN + (t-1) x 0,3 x Lương đóng vào quỹ BHTNLĐBNN))
Trong đó:
- m: mức suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp.
- t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ BHTNLĐBNN.
Ví dụ: Ông A là được xác định mắc bệnh nghề nghiệp vào 07/2020, mức suy giảm khả năng lao động là 20%. Ông A có 10 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hệ số là 3,66. Mức lương cơ sở tại thời điểm 07/2020 là 1.600.000đ. Mức trợ cấp bệnh nghề nghiệp 1 lần của A được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm lao động: 5 x 1.600.000 + (20-5) x 1.600.000 = 20.000.000đ.
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ BHTNBNN: 0,5 x 3,66 x 1.600.000 + (10-1) x 0,3 x 1.600.000 = 18.739.200đ
- Mức trợ cấp 1 lần: 20.000.000 + 18.739.200 = 38.739.200đ.
Trợ cấp hàng tháng
Theo quy định người lao động mắc bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Cách tính trợ cấp hàng tháng như sau: Mức trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ BHTNLĐBNN.
Cụ thể:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động: suy giảm 31% được hưởng 30% mức lương cơ sở. Sau đó, cứ giảm thêm 1% sẽ hưởng tính thêm 2% mức lương cơ sở.
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ BHTNLĐBNN: từ 1 năm trở xuống được hưởng 0,5%, cứ thêm mỗi năm đóng sẽ được thêm 0,3% mức tiền lương đóng quỹ BHTNLĐBNN của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị.
Ví dụ: Bà B mắc bệnh nghề nghiệp vào 8/2020, bị suy giảm khả năng lao động 40%. Bà E có 12 năm đóng vào quỹ BHTNLĐBNN, mức tiền lương vào 7/2020 là 5.000.000đ. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.600.000đ. Trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng của bà E được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động: 30% x 1.600.000 + (40-31) x 2% x 1.600.000 = 768.000đ/tháng.
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ BHTNLĐBNN: 0,5% x 5.000.000 + (12 – 1) x 0,3% x 5.000.000 = 190.000đ/tháng
- Mức trợ cấp hàng tháng: 768.000 + 190.000 = 958.000đ/tháng.
Xem thêm: Phụ cấp lương là gì? Quy định các khoản phụ cấp theo lương người lao động cần biết
Dân văn phòng hay mắc bệnh nào?
Là lực lượng lao động của thời đại công nghệ kỹ thuật, dân văn phòng dường như là công việc “sướng” với sự nhàn nhã, không nặng tay nặng chân, môi trường máy lạnh đầy đủ, không đầu tắt mặt tối… Tuy nhiên phải là người ở trong cuộc mới thấu, dân văn phòng cũng dễ mắc bệnh như bất kỳ nghề nào khác, dù không được quy định trong pháp luật như bệnh nghề nghiệp đặc hữu nhưng dân văn phòng cũng nên đề phòng những bệnh phổ biến sau:
Các bệnh về xương khớp
Với dân văn phòng, các bệnh về xương khớp dễ gặp nhất là thoái hóa đốt sống cổ, hội chứng ống cổ tay, đau lưng, nhức mỏi xương khớp… Nguyên nhân của các căn bệnh này là ngồi lâu ở một tư thế, ngồi sai tư thế, ít vận động… Đối với hội chứng ống cổ tay, bệnh lý thường gặp là cảm giác đau, tê các đầu ngón tay do sử dụng chuột máy tính thường xuyên.
Các bệnh về đường tiêu hóa
Vì thói quen ăn uống qua loa, không đúng bữa… do bận rộn nên dân văn phòng rất dễ mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa. Một số căn bệnh có thể kể đến như viêm dạ dày, táo bón, loét dạ dày… Không nên xem thường dấu hiệu của những căn bệnh này, vì nếu để lâu sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ chuyển biến nặng hơn.
Suy giảm thị lực
Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh nghề nghiệp ở dân văn phòng. Việc tiếp xúc với ánh sáng máy tính thường xuyên và liên tục là nguyên nhân lớn nhất khiến mắt bị suy giảm thị lực, gây các bệnh lý như quáng gà, khô mắt,…
Căng thẳng và rối loạn sức khỏe tinh thần
Không chỉ áp lực về công việc mà những mối quan hệ, tranh chấp,… là nhân tố khiến dân văn phòng cảm thấy kiệt sức. Stress, căng thẳng sẽ dẫn đến việc rối loạn giấc ngủ, đau đầu, trầm cảm,…
Xem thêm: Bóng ma trầm cảm gây hoảng sợ cho dân văn phòng: Làm sao để vượt qua?
Cách để dân văn phòng phòng tránh bệnh
– Điều chỉnh tư thế khi ngồi làm việc. Thường xuyên đứng lên đi lại, vận động nhẹ nhàng giữa giờ làm việc.
– Ăn uống lành mạnh, đúng giờ.
– Hạn chế các loại đồ uống có cồn.
– Uống nhiều nước lọc và tăng khẩu phần ăn trái cây, rau xanh.
– Tập thể dục, yoga, gym, chơi thể thao…
– Cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giải tỏa áp lực bằng những đam mê, sở thích cá nhân như vẽ, hát, đọc sách…
Với bài viết trên hy vọng đã mang đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc về chủ đề bệnh nghề nghiệp là gì. Chúng ta đều cần có công việc để kiếm sống. Tuy nhiên sức khỏe cũng là vốn quý, vì vậy hãy cố gắng cân bằng mọi thứ để có cuộc sống viên mãn hơn. Cùng đón đọc những bài viết tiếp theo từ Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để cập nhật các thông tin công sở mới nhất nhé! Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới, đừng quên truy cập Nghề Nghiệp Việc Làm 24h ngay hôm nay.
Xem thêm: Người lao động cần biết chính sách BHXH, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2022