Ngày còn bé, hẳn ai cũng đã từng chịu đựng nỗi ám ảnh “con nhà người ta” ít nhất một lần. Ngay cả khi đã trưởng thành, nhiều lúc bạn cảm thấy áp lực, cô đơn, tự ti khi bạn bè đồng trang lứa ngày càng thành công, còn bản thân mình vẫn dường như đang dậm chân tại chỗ. Đó chính là Peer pressure (Áp lực đồng trang lứa) – một trong những câu chuyện không phải của riêng ai trong xã hội hiện đại ngày nay. Vậy Peer pressure từ đâu sinh ra? Bài viết sau của Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu hơn về peer pressure là gì cũng như làm sao để vượt qua áp lực này.
Peer Pressure là gì?
Peer Pressure được định nghĩa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng từ một nhóm cộng đồng xã hội (cùng độ tuổi, cùng lớp, cùng lĩnh vực chuyên môn, đồng nghiệp…) khiến cá nhân đó phải thay đổi thái độ, thay đổi giá trị hoặc thay đổi hành vi để phù hợp với chuẩn mực của nhóm cộng đồng này.
Hội chứng peer pressure có thể bắt gặp ở bất cứ độ tuổi nào, từ thanh thiếu niên tới người trưởng thành.
Đó có thể là áp lực từ chuyện học hành, so sánh điểm số với bạn cùng lớp. Đó có thể là “văn hoá nhậu” với đồng nghiệp trong công ty, khi dẫu biết ảnh hưởng của rượu bia nhưng lại không thể khước từ chuyện bị “ép” uống để hoà nhập với hội nhóm.
Đó có thể là khi những người trong cùng lứa tuổi đã đi vào quỹ đạo ổn định, có sự nghiệp riêng, gia đình nhỏ, còn bản thân thì vẫn bị coi là “lông bông”. Đó là áp lực khi bạn thất bại còn những người cùng mình khởi nghiệp năm ấy đều thành công.
Đó là áp lực khi bạn đã bước qua 30 mà chưa kết hôn, người ta con cái đầy nhà còn mình đi về lẻ bóng. Ngay cả khi trong mắt người khác bạn có nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ nhưng vẫn luôn có những áp lực khác mang tên sự tự do, quỹ thời gian, niềm hạnh phúc…
Peer pressure bủa vây từ những câu so sánh của người xung quanh: lời nói của bố mẹ, anh chị, người thân hay đến từ chính sự mặc cảm, tự ti của bản thân so với những người đồng trang lứa.
Vì sao bạn cảm thấy có peer pressure?
Lý do khiến chúng ta rơi vào peer pressure là gì? Đó là mong muốn hoà nhập, quan điểm xã hội, chủ nghĩa tập thể, và từ hệ quả của mạng xã hội.
- Mong muốn hoà nhập: đây là bản năng của loài người hình thành từ lối sống cộng đồng xa xưa. Chúng ta đều mong muốn được hòa nhập, được công nhận vào một cộng đồng để được bảo vệ, có thức ăn và duy trì nòi giống. Muốn vậy, bạn cần giống với những thành viên khác trong cộng đồng thông qua việc điều chỉnh hành vi, niềm tin của bản thân để phù hợp với hệ giá trị của cộng đồng bạn muốn tham gia.,
- Quan điểm xã hội: là những lối suy nghĩ, hành vi được chấp nhận, được coi là đúng đắn, phù hợp và mong đợi trong các thành viên trong cùng một nhóm cộng đồng. Chuẩn mực này được chia sẻ qua hành động, lời nói của những người trong nhóm trực tiếp hay gián tiếp. Ví dụ: làm thêm giờ trở thành quy tắc ngầm ở công ty nên không ai dám về đúng giờ vì sợ bị đánh giá là thiếu nỗ lực.
- Chủ nghĩa tập thế: đây là nét văn hoá được đề cao ở Á Đông, nhấn mạnh sự phụ thuộc qua lại giữa con người cũng như tầm quan trọng của tập thể. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người lớn lên trong môi trường nhấn mạnh nền văn hoá tập thể thường chịu ảnh hưởng của sự “so sánh xã hội” nhiều hơn so với những người theo chủ nghĩa cá nhân. Sự so sánh này này thể hiện sự xác định bản thân, phân biệt, và đánh giá địa vị của một người so với người khác.
Xem thêm: Tại sao không nên so sánh nhân viên với nhau? Đâu là kỹ năng quản lý giỏi nên có
- Mạng xã hội: đây là mộtmôt trong các nguyên nhân không nhỏ góp phần khiến peer pressure ngày càng ảnh hưởng tới nhiều người. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng những người càng thường xuyên kiểm tra mạnh xã hội càng có nguy cơ trầm cảm cao gấp 2.7 lần. Khi nhìn thấy người khác khoe sự thú vị, thành công, sung túc sẽ làm tăng sự đố kỵ và thôi thúc cảm giác cần phải bắt kịp.
Hậu quả của peer pressure là gì?
Peer Pressure có thể mang lại cả sự tích cực lẫn tiêu cực. Người ta có thể vì áp lực này mà phấn đấu để mạnh mẽ hơn, thành đạt hơn, nhưng cũng có thể vì áp lực này mà trở nên thiếu kiềm chế, bi quan.
Ý nghĩa tích cực của nó là tăng thêm động lực giúp con người cố gắng phát triển. Thông thường, bạn cảm nhận được sự áp lực không hẳn là chứng tỏ bạn kém cỏi hay lười nhác. Đó chỉ là sự khẳng định rằng bạn đang trên đà phát triển và mong muốn nỗ lực, khao khát thành công cũng như có trách nhiệm hơn với chính mình. Bên cạnh đó, khi tiếp xúc, gần gũi với những người giỏi giang, tích cực sẽ giúp bạn phát triển theo cùng xu hướng tích cực đó.
Tuy nhiên, ở mặt bên kia, những cá nhân chưa thực sự ổn định về nhân cách, chưa thiết lập được giá trị bản thân và phải chịu peer pressure trong thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý. Đó là cảm giác tự ti, chán ghét, tự hạ thấp bản thân, mất đi niềm tin. Và cuối cùng, chúng ta bị hao mòn hết động lực để cố gắng.
Đặc biệt với người trẻ, áp lực luôn đè nặng trên vai còn có thể dẫn đến những triệu chứng như trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc căng thẳng kéo dài. Việc tìm ra giải pháp để vượt qua tình trạng này là cần thiết và đem đến cơ hội để hiểu hơn về bản thân mình.
Xem thêm: Bóng ma trầm cảm gây hoảng sợ cho dân văn phòng: Làm sao để vượt qua?
Cách vượt qua peer pressure
Vậy cách vượt qua peer pressure là gì? Sau đây là những gợi ý:
- Trân trọng bản thân: thay vì tìm kiếm sự chú ý và ghi nhận từ bên ngoài, bạn nên chú ý đến những điều thực sự phù hợp với bản thân, những điều khiến cơ thể và tinh thần mình thoải mái. Đó có thể là những hoạt động bạn yêu thích, những nhân vật có ảnh hưởng tích cực tới bạn, tự tìm niềm vui cho bản thân và ít phụ thuộc vào đánh giá của những người không liên quan.
- Nhận ra giá trị của mình: có người vụt sáng ở tuổi 22, cũng có người mãi 88 tuổi mới thành công như người ông lão sáng lập KFC, khi nhận ra giá trị của chính mình, kiênkiện định sống đúng với giá trị cốt lõi đó, cảm giác tội lỗi hay thua kém khi so sánh với người khác sẽ biến mất. Bạn nhận ra mỗi cá thể có những giá trị và hành trình riêng, đó là lúc bạn vượt qua peer pressure. đơn giản nhất.
Xem thêm: Cách tạo động lực cho bản thân để tránh nhàm chán trong công việc
- Không cố để hoà nhập hay được công nhận: thay vì cố gắng thay đổi bản thân để hoà nhập với những người xung quanh, bạn hãy dùng sự độc nhất hoặc cá tính của mình để thu hút và tìm tới những cộng đồng phù hợp, nơi bạn được là chính mình. Đừng quên sự đa dạng chỉ đem lại cho bạn góc nhìn nhiều màu sắc về cuộc sống. mà thôi.
- Biết giới hạn của bản thân: học cách đặt ranh giới cá nhân, truyền đạt những giới hạn này với người khác. Việc luôn đặt mọi chuyện trong giới hạn sẽ giúp bạn không bị lợi dụng, không đánh đổi sức khoẻ, giá trị, tinh thần hay niềm tin của bản thân vì bất cứ điều gì khác tiêu cực từ người khác.
- Đừng quên bạn luôn có lựa chọn: đó là lựa chọn bạn muốn tham gia cộng đồng nào, lựa chọn quen với ai, chọn tin tưởng vào giá trị nào, chọn lắng nghe điều gì, chọn theo dõi những điều gì trên mạng xã hội, phản ứng trước vấn đề nào, từ đó tránh chọn phải những điều không phù hợp nhất với bản thân.
Xem thêm: Body Shaming là gì? Đừng để lời nói trở thành vũ khí sát thương nơi công sở
- Ai cũng có lựa chọn của riêng mình: ai cũng có lựa chọn riêng của họ và dựa theo những tiêu chuẩn riêng của họ. Việc tôn trọng lựa chọn của người khác cũng giúp bạn bao dung hơn với lựa chọn của bản thân.
- Bao dung với chính mình: nếu thời điểm này bạn cảm thấy thua kém bạn bè đồng lứa, bạn cảm thấy thất bại vì từng ra quyết định sai… hãy tha thứ và bao dung cho những lỗi sai của chính mình. Điều quan trọng hơn là bạn nhận ra và tiếp tục đi theo con đường đúng với giá trị của mình chứ không phải giá trị của người khác.
Xem thêm: Tư duy tích cực là gì? Bật mí bí quyết giúp bạn tích cực trong mọi hoàn cảnh
Tạm kết
Có câu nói “không có áp lực, không có kim cương”. Peer pressure cũng chỉ là một trong số vô vàn áp lực chúng ta đối mặt trong cuộc sống hàng ngày.
Có một sự thật khác là bạn sẽ không bao giờ loại bỏ hoàn toàn mọi áp lực. Đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Áp lực giữ cho chúng ta sống kỷ luật hơn, thức tỉnh khỏi giấc mơ, lôi ta dậy khỏi sự lười biếng.
Tuy nhiên, Albert Einstein từng nói : “Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó thì cả đời con cá sẽ luôn nghĩ rằng mình thật ngu ngốc”. Câu chuyện về cách thoát khỏi Peer pressure chỉ đơn giản là bạn nhận ra mình là con cá và thế mạnh của mình là dưới nước chứ không phải leo cây.
Hi vọng, bài viết trên của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã giúp bạn hiểu hơn peer pressure là gì cũng như biết cách để tự vượt qua áp lực này.
Xem thêm:Top 10++ việc làm thời vụ Tết phù hợp cho sinh viên và dân văn phòng