Theo luật kinh doanh, cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu cổ phần của một công ty cổ phần (CP) và được trả lợi nhuận theo hình thức nhận cổ tức. Mời bạn cùng theo dõi bài viết sau của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để hiểu hơn cổ đông là gì cũng như những thông tin cần biết.
Cổ đông là gì?
Luật Doanh nghiệp năm 2014, Khoản 2, Điều 3 định nghĩa: cổ đông hay cổ đông hiện hữu là cá nhân hoặc tổ chức đang sở hữu tối thiểu một cổ phần của một công ty CP. Trong đó, cổ phần là vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau. Một công ty cổ phần phải bắt buộc có ít nhất 03 cổ đông, không hạn chế số cổ đông tối đa.
Khoản 18, Điều 4, Luật chứng khoán 2019 quy định: cổ đông sở hữu từ 5% cổ phiếu của một công ty trở lên được gọi là cổ đông lớn và có quyền biểu quyết.
Có những loại cổ đông nào?
Ngoài định nghĩa cổ đông là gì, Luật Doanh nghiệp còn chia cổ đông thành 3 nhóm gồm: cổ đông sáng lập, cổ đông phổ thông, và cổ đông ưu đãi.
Cổ đông sáng lập là gì?
Đây là những cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách các cổ đông sáng lập công ty CP. Nói đơn giản, họ chính là người đầu tiên góp vốn thành lập công ty CP. Các cổ đông sáng lập cần cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% cổ phần phổ thông được chào bán tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký.
Cổ đông phổ thông là gì?
Người sở hữu cổ phần phổ thông chính là cổ đông phổ thông. Đó là cổ phần được phát hành rộng rãi của doanh nghiệp, bao gồm cổ phần trên thị trường sơ cấp (phát hành lần đầu) và thị trường thứ cấp (mua bán trên thị trường chứng khoán hoặc qua thừa kế, chuyển nhượng…).
Cổ đông chiến lược là gì?
Cổ đông chiến lược là nhà đầu tư (NĐT) có năng lực tài chính tốt, cam kết bằng văn bản hợp tác lâu dài, và giúp công ty cổ phần hoá trong các lĩnh vực sau:
- Chuyển giao công nghệ mới
- Đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực
- Nâng cao năng lực tài chính
- Quản trị, cung ứng nguồn nguyên liệu
- Phát triển thị trường
Cổ đông ưu đãi là gì?
Có 3 loại cổ đông ưu đãi như sau:
Cổ đông ưu đãi biểu quyết: là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết với số phiếu biểu quyết nhiều hơn cổ đông phổ thông. Số phiếu biểu quyết của cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ được quy định cụ thể trong điều lệ công ty.
Thông thường, chỉ tổ chức do Chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực trong 3 năm, kể từ ngày công ty được nhận giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn này, cổ phần ưu đãi sẽ chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
Xem thêm: Hợp đồng điện tử là gì? Các phần mềm uy tín để ký hợp đồng điện tử
Cổ đông ưu đãi cổ tức: là cổ đông đang nắm giữ cổ phần được trả cổ tức theo mức ổn định hàng năm hoặc cao hơn so với cổ tức của cổ phần phổ thông.
Cổ đông ưu đãi hoàn lại: là cổ đông đang sở hữu cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp. Tiêu chuẩn này dựa trên yêu cầu của người sở hữu hoặc theo điều kiện ghi tại cổ phiếu cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Ngoài 3 loại hình cổ đông ưu đãi trên, tuỳ theo điều lệ từng công ty sẽ có thêm các loại cổ đông ưu đãi khác.
Nghĩa vụ và quyền của cổ đông
Tuỳ theo từng loại hình cổ đông, pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ khác nhau. Để hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ cổ đông là gì, bạn có thể theo dõi bảng sau:
Loại cổ đông | Quyền và nghĩa vụ |
---|---|
Cổ đông phổ thông | Tham dự Đại hội cổ đông, có quyền biểu quyết trực tiếp hoặc qua đại diện uỷ quyền.Tự do chuyển nhượng cổ phần, nhận cổ tức theo quy địnhƯu tiên mua cổ phần theo mức chào bán tương ứng Khi công ty giải thể hay phá sản, sẽ nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ cổ phần sở hữu. |
Cổ đông phổ thông | Được thanh toán đúng và đủ số cổ phần theo cam kết. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông trừ khi công ty hoặc người khác mua lại.Trong trường hợp rút vốn một phần hoặc người khác mua lại cổ phần, cổ đông và người hưởng lợi liên quan phải cùng chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị của cổ phần đã rút cũng như các thiệt hại xảy ra. Chấp hành theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. |
Cổ đông sáng lập | Có quyền như cổ đông phổ thông trừ quyền chuyển nhượng.Số cổ đông sáng lập cần cùng nhau đăng ký ít nhất 20% cổ phần phổ thông chào bán tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký.Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho người không phải cổ đông sáng lập dưới sự chấp nhận của Đại hội đồng cổ đông. Sau thời hạn 03 năm, hạn chế với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ. |
Cổ đông ưu đãi | Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông cùng các quyền như cổ đông phổ thông, tuy nhiên không được chuyển nhượng cổ phần cho người khác. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức: có quyền nhận cổ tức theo quy định, nhận tài sản tương ứng tỷ lệ cổ phần sở hữu, cổ phần ưu đãi sẽ hoàn lại khi công ty giải thể hoặc công ty phá sản. Ngoài ra, cổ đông này các quyền khác như quyền phổ thông, cổ đông sở hữu cổ phần Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại: có các quyền như cổ đông phổ thông, trừ quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông và đề cử nhân sự vào HĐQT, Ban kiểm soát. |
Đại hội đồng cổ đông là gì
Theo Khoản 1 trong Điều 138 Luật doanh nghiệp năm 2020, Đại hội đồng cổ đông nằm trong cơ cấu tổ chức công ty CP và bao gồm toàn bộ cổ đông có quyền biểu quyết. Có thể nói, đây là bộ phận quyết định cao nhất trong công ty cổ phần.
Nghĩa vụ và quyền của Đại hội đồng cổ đông là gì? Cụ thể như sau:
- Thông qua định hướng phát triển công ty
- Quyết định các loại cổ phần, tổng số cổ phần theo từng loại được quyền chào bán, và mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần.
- Bầu hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT và Kiểm soát viên
- Quyết định đầu tư hoặc bán lại tài sản có trị giá từ 35% trên tổng số giá trị tài sản ghi nhận trong báo cáo tài chính mới nhất, ngoại trừ trường hợp điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác.
- Quyết định sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ công ty
- Thông qua các báo cáo tài chính mỗi năm
- Xem xét xử lý vi phạm của các thành viên HĐQT và kiểm soát viên gây thiệt hại cho công ty và các cổ đông.
- Quyết định giải thể
- Quyết định tổ chức lại công ty
- Quyết định thù lao, thưởng, lợi ích của HĐQT và ban kiểm soát
- Phê duyệt quy chế hoạt động nội bộ, hoạt động HĐQT và ban kiểm soát.
- Phê duyệt danh sách đơn vị kiểm toán độc lập, quyết định bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi cần thiết.
- Quyền và các nghĩa vụ khác được quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 và điều lệ công ty.
Tạm kết
Cổ đông là thành phần không thể thiếu trong các công ty cổ phần giúp công ty phát triển. Bài viết trên của Việc Làm 24h hy vọng mang tới cho bạn đọc những thông tin cơ bản về cổ đông là gì, cổ đông lớn là gì, cổ đông hiện hữu là gì, phân loại cổ đông cũng như quyền và nghĩa vụ của từng loại. Đừng quên thường xuyên theo dõi Việc Làm 24h để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích cùng cơ hội việc làm hấp dẫn.
Xem thêm: Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì: Tất cả những gì bạn cần biết về loại hình này