Một trong những vấn đề không mong muốn nhất khi đi làm đó là công ty nợ lương. Tuy nhiên, nếu chẳng may rơi vào tình huống này, cách xử lý theo trình tự pháp luật gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Quy định về chế độ trả lương của công ty
Bộ luật Lao động 2019 có quy định rõ ràng về nguyên tắc công ty trả lương nhân viên tại Khoản 1 Điều 94 như sau:
Doanh nghiệp phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp có thể trả lương cho người được ủy quyền hợp pháp.
Về thời hạn chi trả tiền lương, tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về kỳ hạn thanh toán tiền lương cho người lao động như sau:
Người lao động được hưởng lương theo đúng giờ công làm việc của mình. Ngoài ra, còn có thể được thanh toán chi trả tiền lương theo hình thức trả gộp nhưng đảm bảo không được quá 15 ngày phải được trả gộp một lần. Thời điểm trả lương do hai bên quy định và phải có tính chu kỳ.
Xem thêm: Sao kê lương là gì? Tiết lộ cách sao kê lương đơn giản mà bạn cần biết
Doanh nghiệp có được phép nợ lương nhân viên không?
Công ty có thể nợ lương của nhân viên nhưng trên cơ sở là:
– Do sự cố bất khả kháng và doanh nghiệp đã tìm đủ mọi cách khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.
– Thời hạn chậm bảo đảm không được quá 30 ngày.
Đồng thời khi công ty nợ lương phải đền bù cho người lao động một khoản tiền lãi theo Khoản 4 Điều 97 Bộ Luật Lao động 12019 như sau:
– Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Khi bị công ty nợ lương, nhân viên có được phép tự nghỉ việc không?
Khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Lao động 2019 có quy định khi người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải thông báo trước cho doanh nghiệp trước 3 ngày hoặc 30 ngày hoặc 45 ngày tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động hiện tại.
Tuy nhiên với trường hợp công ty nợ lương nhân viên, người lao động không có nghĩa vụ phải thông báo trước. Cụ thể tại Điểm B Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động quy định nhân viên có quyền chấm dứt hợp đồng lao động không cần thông báo trước khi không được trả lương hoặc trả không đúng thời hạn, trừ trường hợp tại Khoản 4 Điều 97 nợ lương vì lý do bất khả kháng và đã tìm cách khắc phục nhưng không thể thanh toán đúng thời hạn và không chậm quá 30 ngày.
Người lao động nên làm gì khi bị công ty nợ lương?
Khi doanh nghiệp không trả nợ lương hoặc được trả nhưng không đủ, không đúng hạn, người lao động có thể:
Cách 1: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty
Khi ký hợp đồng, người lao động và doanh nghiệp đã có quan hệ lao động nên mọi vấn đề phát sinh đều có thể giải quyết bằng thỏa thuận. Do đó, trong trường hợp công ty nợ lương, trước tiên hãy gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo yêu cầu giải quyết. Nếu công ty có phản hồi hợp lýđồng ý, đây là cách giải quyết nhanh chóng và đơn giản nhất. Ngược lại công ty vẫn cố tình không trả lương sau nhiều lần, người lao động cần thực hiện theo quy định pháp luật.
Xem thêm: Có nên chọn việc làm lương cao, vị trí tốt nhưng không phải đam mê của bạn?
Cách 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Căn cứ Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, việc khiếu nại tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ được tiếp nhận sau khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới doanh nghiệp mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định đó.
Thời hạn thụ lý: 7 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), ở khu vực đi lại khó khăn không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.
Nếu khiếu nại lần hai không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định, người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính.
Cách 3: Hòa giải thông qua hòa giải viên lao động
Thời hiệu yêu cầu: 6 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hạn giải quyết: 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động.
Ở phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết, người lao động có thể yêu cầu hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết.
Cách 4: Giải quyết bởi hội đồng trọng tài lao động
Thời hiệu yêu cầu: 9 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm. Lưu ý: khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu tòa án giải quyết.
Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày ban trọng tài lao động được thành lập. Quyết định về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này, bên còn lại có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Cách 5: Khởi kiện công ty nợ lương tại tòa án
Thời hiệu yêu cầu: 1 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Người lao động gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của tòa án.
Làm thế nào nếu sau khi kết thúc hợp đồng lao động nhưng công ty vẫn còn nợ lương?
Trách nhiệm thanh toán tiền lương cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 1 và 2 BLLĐ như sau:
Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
– Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
– Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
– Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã
– Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
Do đó khi doanh nghiệp không trả nợ lương sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo như quy định, người lao động có thể thực hiện các cách như trên để đảm bảo lợi ích của mình.
Qua bài viết trên hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về các trình tự pháp lý có thể thực hiện khi rơi vào tình huống bị công ty nợ lương. Để theo dõi các chủ đề khác về thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi người lao động, cùng các cơ hội việc làm hấp dẫn hãy cập nhật Việc Làm 24h nhé!
Xem thêm: Làm sao để xây văn hóa cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy tinh thần nhân viên?