Giống như cơ thể con người phải khám sức khỏe định kỳ thì việc đánh giá sức khỏe thương hiệu là yếu tố vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo thương hiệu đủ khỏe mạnh để tạo nền tảng vững chắc cho các chiến lược kinh doanh. Vậy Brand Health Check là gì? Tại sao nên đo lường sức khỏe thương hiệu? Có các phương pháp đánh giá sức khỏe thương hiệu nào? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.
Brand Health là gì?
Brand Health – Sức khỏe thương hiệu là mức độ hiệu quả và tầm ảnh hưởng của các hoạt động truyền thông khách hàng mục tiêu và doanh nghiệp. Đo lường sức khỏe thương hiệu giúp doanh nghiệp thiết lập và đạt được mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
Brand Health Check là gì?
Brand Health Check là phương pháp đánh giá mức độ hiệu quả của các hoạt động Marketing, nhằm giúp doanh nghiệp nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thương hiệu trên thị trường. Từ đó tối ưu hóa chiến lược kinh doanh để nâng cao vị thế thương hiệu.
Các chỉ số thường được sử dụng để đánh giá sức khỏe thương hiệu bao gồm:
- Brand Awareness – Mức độ nhận diện thương hiệu
Mức độ nhận diện thương hiệu càng cao, thì khả năng khách hàng biết đến và đặt niềm tin vào thương hiệu càng lớn. Một thương hiệu có mức độ nhận diện cao sẽ dễ dàng thu hút được sự chú ý của khách hàng, tăng doanh số bán hàng và giúp xây dựng lòng tin, sự tín nhiệm đối với thương hiệu.
- Brand Reputation – Mức độ uy tín thương hiệu
Một thương hiệu có mức độ uy tín cao sẽ được khách hàng tin tưởng và đặt niềm tin vào sản phẩm, dịch vụ cũng như thông điệp truyền thông, nhờ đó thu hút được một lượng lớn khách hàng tiềm năng và duy trì được khách hàng hiện có. Ngoài ra, mức độ uy tín của thương hiệu cũng ảnh hưởng đến khả năng thiết lập các mối quan hệ với đối tác và nhà đầu tư.
- Brand Equity – Tài sản thương hiệu
Tài sản thương hiệu mạnh mẽ sẽ giúp thương hiệu tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng cường giá trị thương hiệu trên thị trường.
- Brand Positioning – Định vị thương hiệu
Brand Positioning là quá trình thiết lập hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Nhờ đó, thương hiệu trở nên độc đáo, tạo ấn tượng sâu sắc và khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khác.
- Employee Engagement – Mức độ gắn kết của nhân viên với thương hiệu
Sức khỏe thương hiệu còn nằm ở tỷ lệ nhân viên nghỉ việc thấp và tỷ lệ hài lòng của nhân viên trong quá trình làm việc. Những nhân viên tự hào với công việc thường có xu hướng chia sẻ bản sắc thương hiệu và lan tỏa năng lượng tích cực đến nhiều người khác. Chỉ số này chỉ ra mối tương quan giữa tỷ lệ gắn bó thương hiệu với tỷ lệ ủng hộ của khách hàng.
Doanh nghiệp cần tiến hành phân tích kỹ lưỡng và tập trung vào những khía cạnh mang lại lợi ích cho thương hiệu để nhờ đó lắp ghép chúng thành một bức tranh tổng thể về sức khỏe thương hiệu.
Xem thêm: Tung hoành trong lĩnh vực Marketing với 21 thuật ngữ Brand Marketing quan trọng
Vì sao nên đo lường sức khỏe thương hiệu?
Sức khỏe thương hiệu chính là vũ khí cạnh tranh sắc bén của thương hiệu trong cuộc đua giành thị phần gắt gao trên thị trường. Các doanh nghiệp tiến hành đo lường sức khỏe thương hiệu nhằm phát hiện điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội, thách thức mà thương hiệu gặp phải trên “đường đua”. Những chỉ số Brand Health cung cấp nhiều thông tin giá trị giúp doanh nghiệp điều chỉnh các hoạt động truyền thông và kế hoạch Marketing hiệu quả.
Liên tục theo dõi và đánh giá sức khỏe thương hiệu giúp doanh nghiệp nắm rõ có nên đầu tư vào chiến dịch truyền thông không, ngân sách bao nhiêu, thời điểm nào thích hợp, phương pháp nào mang đến kết quả tốt nhất,… để triển khai hoạt động quảng bá.
Khám phá các phương pháp đánh giá brand health
Các phương pháp đánh giá sức khỏe thương hiệu giúp doanh nghiệp phát triển chiến lược định vị thương hiệu thích hợp, bao gồm các thông điệp quảng cáo, hình ảnh thương hiệu, trải nghiệm khách hàng và các chiến lược marketing khác, nhằm đưa thương hiệu chạm đúng nhịp cảm xúc với khách hàng mục tiêu.
1. Đọc báo cáo Brand Health
3 thành phần chính của báo cáo Brand Health bao gồm:
Awareness (Nhận biết) và Usage (Công dụng): Các chỉ số này giúp doanh nghiệp xác định Thương hiệu của bạn phân phối sản phẩm gì, các công dụng và chức năng của sản phẩm đó,…
Positioning (Vị trí): Chỉ số này đo lường vị trí của thương hiệu trong tâm trí khách hàng so với các đối thủ cạnh tranh.
Delivery (Phân phối): Chỉ số này giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ và thông điệp mà thương hiệu truyền tải trong các chiến dịch,…
2. Lắng nghe dư luận trên mạng xã hội – Social media listening
Social listening là cách các doanh nghiệp đánh giá mức độ nhận diện và danh tiếng thương hiệu trên các nền tảng số. Lắng nghe công chúng đang nghĩ về thương hiệu trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tik Tok,… hoặc các trang blog, diễn đàn,… về tên thương hiệu, từ khoá, hashtag thương hiệu hoặc hashtag riêng của từng chiến dịch quảng cáo, tên sản phẩm hoặc dịch vụ,… Điều này giúp doanh nghiệp xác định tình cảm mà người dùng trên mạng xã hội dành cho thương hiệu và đo lường mức độ phủ sóng của thương hiệu nhanh chóng.
Lưu ý : Phương pháp này có thể không hiệu quả nếu đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp không dành nhiều thời gian trên mạng xã hội.
3. Khảo sát thị trường – Market Research
Một cách đánh giá sức khỏe thương hiệu khác đó là khảo sát thị trường nhằm đánh giá mức độ nhận biết và quan tâm của công chúng đối với thương hiệu so với đối thủ cạnh tranh. Thậm chí bạn có thể thu thập các dữ liệu brand awareness và brand positioning từ ý kiến đánh giá của nhóm đối tượng hiểu biết chuyên sâu về thương hiệu (focus group). Các chỉ số này sẽ phát huy tác dụng và thiết lập chủ đề rõ ràng để xác định các chiến lược kinh doanh phù hợp cho thương hiệu.
4. Phân tích phản hồi của khách hàng
Uy tín và mức độ phủ sóng của thương hiệu còn phụ thuộc vào mức độ gắn kết của khách hàng. Doanh nghiệp cần lắng nghe và theo dõi tỷ lệ hài lòng của khách hàng và chú ý khắc phục những sai sót trong các ý kiến phản hồi không hài lòng. Điều này vừa thể hiện sự tôn trọng dành cho khách hàng vừa giúp doanh nghiệp xác định mức độ yêu – ghét của khách hàng để đưa ra cách cải thiện hiệu quả.
Xem thêm: Feedback là gì? Tiết lộ 7 bước tiếp nhận và phản hồi feedback khách hàng đúng chuẩn
5. Thước đo theo dõi brand health
NPS (Net Promoter Score) và CSAT là hai chỉ số quan trọng trong việc đánh giá lòng trung thành của khách hàng và độ hài lòng của họ với sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, NPS và CSAT cũng cung cấp thông tin quan trọng về khách hàng và đưa ra các đề xuất cải tiến cho doanh nghiệp.
NPS
NPS được sử dụng để đánh giá cảm xúc của khách hàng về thương hiệu dựa trên câu hỏi đơn giản “Khả năng bạn sẽ giới thiệu Sản phẩm Y/ Dịch vụ Z cho một người bạn hoặc đồng nghiệp của bạn là bao nhiêu?”
Người trả lời đánh giá từ 0 đến 10, với điểm số 9 hoặc 10 được xem là người quảng bá, điểm số từ 7 đến 8 là người bị động và điểm số từ 0 đến 6 là người phản đối.
Điểm NPS được tính bằng cách lấy phần trăm người quảng bá trừ phần trăm người phản đối.
Với NPS, khách hàng được phân loại thành 3 nhóm khác nhau, từ đó doanh nghiệp có thể xác định được những điều cần cải thiện để giữ chân những khách hàng hài lòng và cố gắng chuyển đổi những khách hàng không hài lòng thành những khách hàng trung thành hơn.
CSAT
Đối với CSAT, doanh nghiệp có thể thực hiện khảo sát khách hàng bằng câu hỏi như sau “Bạn đánh giá tổng thể sự hài lòng của mình với Sản phẩm Y/ Dịch vụ Z như thế nào?”
Người trả lời sử dụng thang đánh giá từ 1 đến 5:
1 – Rất không hài lòng
2 – Không hài lòng
3 – Bình thường
4 – Hài lòng
5 – Rất hài lòng
Điểm CSAT được tính bằng công thức sau: (Số khách hàng hài lòng (4 và 5) / Tổng số phản hồi) x 100 = Tỷ lệ khách hàng hài lòng.
Với CSAT, doanh nghiệp có thể đánh giá được hiệu quả của các chiến dịch Marketing, sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng NPS và CSAT đều là chỉ số định lượng và không thể đưa ra được thông tin chi tiết về những vấn đề cụ thể của khách hàng. Vì vậy, để có thể đáp ứng nhu cầu thông tin chi tiết hơn, các doanh nghiệp cần phải kết hợp sử dụng NPS và CSAT với các phương pháp khảo sát khác.
Cải thiện sức khỏe doanh nghiệp bằng Brand Health Check như thế nào?
Dựa vào Brand Health Check, các doanh nghiệp có thể khắc phục điểm yếu, phòng ngừa rủi ro và phát hiện điểm mạnh để xây dựng thương hiệu luôn khỏe mạnh. Hãy bắt đầu với kế hoạch 3 bước cải thiện sức khỏe doanh nghiệp như sau:
Bước 1: Chẩn đoán vấn đề
Một thương hiệu có thể “suy kiệt sức khoẻ” với nhiều dấu hiệu khác nhau như:
- Sức ảnh hưởng trên thị trường giảm nhiệt đáng kể.
- Khách hàng than phiền về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
- Khách hàng dần mất lòng trung thành về thương hiệu.
- Đối thủ đang bắt đầu chiếm ưu thế.
- Dư luận không còn nhắc đến thương hiệu trên các phương tiện truyền thông nữa.
- …
Nếu không nhận ra các dấu hiệu này sớm, sức khỏe thương hiệu có thể trong tình trạng đáng báo động. Doanh nghiệp nên bình tĩnh thu thập và phân tích dữ liệu để chẩn đoán vấn đề đang gặp phải như chỉ số suy giảm thị phần, số liệu khách hàng mất lòng trung thành, sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác,… Những số liệu này cần được phân tích kỹ lưỡng để tìm ra mối quan hệ giữa chúng, tránh đưa ra quyết định quá vội vàng khiến “xôi hỏng bỏng không”.
Bước 2: Thiết lập mục tiêu và hành động
Sau khi đã xác định được các vấn đề gây ra suy giảm sức khỏe thương hiệu, doanh nghiệp cần thiết lập danh sách các mục tiêu muốn đạt được. Các mục tiêu nhằm mục đích cải thiện sức khỏe thương hiệu cần phải được đo lường dựa theo mục tiêu chiến lược ngắn hạn và dài hạn cụ thể. Chẳng hạn như:
- Cải thiện NPS (Net Promoter Score) và các chỉ số thể hiện sự trung thành của khách hàng.
- Mức độ hiệu quả của chiến dịch trước và sau khi triển khai.
- Tăng cường thị phần.
- Cải thiện quy trình tiếp thị của thương hiệu.
- Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
- …
Hơn nửa, doanh nghiệp nên tiến hành thiết lập kế hoạch hành động với các hoạt động cần thiết, nguồn lực thực hiện và lịch trình phân công rõ ràng. Điều này nhằm đảm bảo các bộ phận, phòng ban và nhân viên liên quan thiết lập mục tiêu cụ thể, dễ dàng phối hợp với nhau và nỗ lực hết mình theo đúng kế hoạch. Trong quá trình hành động, doanh nghiệp nên theo dõi sát sao, đánh giá kết quả của mỗi hoạt động, so sánh với kế hoạch ban đầu và điều chỉnh nếu cần thiết.
Bước 3: Đo lường tiến độ
Để đo lường tiến độ, doanh nghiệp cần thiết lập các chỉ số cụ thể. Ví dụ, nếu mục tiêu của doanh nghiệp là cải thiện chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp có thể đo lường số lượng sản phẩm bán ra, số lượng sản phẩm được khách hàng trả lại và số lượng khiếu nại khách hàng,…
Doanh nghiệp có thể đo lường tiến độ cải thiện sức khỏe thương hiệu bằng các cuộc khảo sát khách hàng hoặc đo lường tương tác và hiệu quả các chiến lược quảng cáo trên mạng xã hội,… Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo các chiến lược đang diễn ra đúng hướng mà còn giúp xác định những nỗ lực của doanh nghiệp có đem lại hiệu quả phục hồi thương hiệu hay không và mức độ cải thiện ra sao.
Kết luận
Tưởng tượng thương hiệu như cơ thể con người, sức khỏe chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công. Nhờ Brand Health Check, các doanh nghiệp có thể đo lường sức khỏe thương hiệu và tối ưu các chiến lược kinh doanh cũng như kế hoạch Marketing để xây dựng sự tin cậy, lòng trung thành của khách hàng và nâng cao mức độ phủ sóng của thương hiệu trên thị trường. Hy vọng bài viết trên của Việc Làm 24h đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ Brand Health Check là gì cũng như những phương pháp đánh giá sức khoẻ thương hiệu đúng chuẩn. Hãy để Việc Làm 24h đồng hành cùng bạn trên con đường tìm kiếm nguồn nhân lực Marketing hiệu quả!
Xem thêm: TikToker là gì? Có nên theo đuổi nghề TikToker để kiếm tiền?