Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn khá xa lạ với xu hướng SaaS và điện toán đám mây. Đây chính là lý do vì sao các đơn vị cung cấp SaaS không ngừng nâng cấp, cải tiến để giải pháp này có thể tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp Việt. Vậy SaaS là gì? Phần mềm dưới dạng SaaS có vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu chi tiết về SaaS qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Giới thiệu tổng quan về SaaS
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình SaaS vào bộ máy vận hành và quản lý. Giải pháp này mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp doanh nghiệp hoạt động trôi chảy và khoa học hơn. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ SaaS là gì, nhất là các doanh nghiệp truyền thống, đang trong giai đoạn số hóa.
SaaS là gì?
SaaS là viết tắt của từ gì?
SaaS là viết tắt của cụm từ “Software as a Service” (tạm dịch: phần mềm dạng dịch vụ). Đây là thuật ngữ được dùng để miêu tả mô hình kinh doanh mà trong đó các ứng dụng phần mềm được cung cấp thông qua Internet. Thay vì tải xuống và cài đặt ứng dụng trên máy tính cá nhân hoặc máy chủ, người dùng có thể truy cập, sử dụng các phần mềm dưới dạng SaaS thông qua trình duyệt web hoặc ứng dụng di động.
Với mô hình này, người dùng sẽ không phải lo lắng về việc quản lý duy trì phần mềm hay giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần chi trả cho nhà cung cấp dịch vụ SaaS để sử dụng các ứng dụng phần mềm của họ.
SaaS xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các ứng dụng văn phòng cho đến ứng dụng quản lý khách hàng (CRM), quản lý dịch vụ tài chính (FaaS), quản lý tài sản (EAM),… Đã có không ít doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình SaaS để giảm chi phí, tăng năng suất và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Nguồn gốc hình thành SaaS là gì?
SaaS manh nha xuất hiện từ những năm 1960 với các dịch vụ ban sơ như IBM’s time-sharing hay remote job entry (RJE). Tuy nhiên, mãi đến những năm 1990, khi Internet trở nên phổ biến, SaaS mới thực sự bắt đầu nở rộ.
Salesforce và NetSuite được xem là 2 đơn vị tiên phong trong việc cung cấp các ứng dụng SaaS cho doanh nghiệp. Những ứng dụng này giúp doanh nghiệp quản lý khách hàng, tài chính và vận hành bộ máy hoạt động một cách hiệu quả.
Trong những năm 2000, SaaS đã trở thành một phần của Cloud (điện toán đám mây). Một số nhà cung cấp SaaS như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure hay Google Cloud Platform đã mang dịch vụ Cloud đến các doanh nghiệp, hỗ trợ họ truy cập ứng dụng và dữ liệu từ xa.
Ngày nay, SaaS đã trở thành một mô hình kinh doanh phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý khách hàng cho đến quản lý tài sản và tài chính.
Nguyên lý hoạt động của mô hình SaaS là gì?
Khi đã hiểu rõ SaaS là gì cũng như lịch sử hình thành của giải pháp công nghệ này, bạn cần biết SaaS hoạt động ra sao.
Về bản chất, SaaS là một mô hình kinh doanh phần mềm trực tuyến, trong đó nhà cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp phần mềm trực tuyến cho khách hàng thông qua một trình duyệt web hoặc ứng dụng di động.
Khách hàng sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp và trả một khoản phí định kỳ, thường là hàng tháng hoặc hàng năm. Nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm bảo trì, nâng cấp và cập nhật phần mềm để đảm bảo tính năng cũng như an ninh của hệ thống.
Mô hình SaaS mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng, bao gồm: giảm chi phí phần mềm, tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng phần mềm và giảm thời gian triển khai. Đồng thời, mô hình này cũng đặt ra nhiều thách thức về độ an tin thông tin và quản lý dữ liệu.
Một số thuật ngữ liên quan SaaS là gì?
SaaS Product là gì?
SaaS Product là sản phẩm phần mềm dưới dạng dịch vụ, được cung cấp qua mô hình đăng ký. Với các sản phẩm này, người dùng có thể truy cập và sử dụng dựa trên mạng lưới Internet.
Một số SaaS Product phổ biến là: Email Marketing, CRM, phần mềm quản lý dự án, kế toán trực tuyến,… Người dùng không cần phải mua và cài đặt các SaaS Product trực tiếp vào máy tính, thay vào đó, bạn chỉ cần truy cập ứng dụng thông qua trình duyệt web của mình.
SaaS Company là gì?
SaaS Company là các công ty phần mềm cung cấp sản phẩm dưới dạng dịch vụ (SaaS) cho doanh nghiệp. Những công ty này triển khai, phát triển và quản lý ứng dụng phần mềm trên Cloud, cho phép người dùng truy cập vào sản phẩm thông qua mạng Internet.
SaaS Company tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm phần mềm chuyên ngành cho doanh nghiệp hoặc cá nhân. Thông thường, SaaS Company sẽ áp dụng mô hình đăng ký và tính phí theo nhu cầu sử dụng của khách hàng. Nhờ đó, các doanh nghiệp, cá nhân có thể tiết kiệm chi phí trong việc mua sắm cũng như cài đặt phần mềm trên máy tính. Đồng thời, người dùng cũng có thể truy cập, sử dụng phần mềm bất cứ khi nào và ở đâu trên thế giới.
Lợi ích của SaaS đối với doanh nghiệp là gì?
Tiết kiệm chi phí đầu tư
Khi sử dụng SaaS, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu tư. Đó là vì doanh nghiệp không cần mua bản quyền phần mềm hoặc trả phí cho việc cài đặt phần mềm trên máy tính.
Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần trả phí đăng ký và sử dụng phần mềm trên nền tảng trực tuyến. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn và có thể sử dụng ngân sách đó cho các hoạt động khác.
Tiết kiệm chi phí vận hành và bảo trì
Với SaaS, nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm quản lý và bảo trì phần mềm. Vì vậy, doanh nghiệp không cần phải thuê thêm nhân viên để quản lý phần mềm, trả phí bảo trì, cập nhật phiên bản mới hay quản lý dữ liệu. Toàn bộ hoạt động này sẽ do nhà cung cấp SaaS đảm nhiệm.
Truy cập mọi lúc, mọi nơi
Giải pháp SaaS cho phép người dùng truy cập phần mềm mọi lúc, mọi nơi bắt bất kỳ thiết bị nào có kết nối Internet. Tính năng này đặc biệt hữu ích đối với những doanh nghiệp có hầu hết nhân viên làm việc từ xa hoặc sở hữu chi nhánh tại nhiều địa điểm khác nhau.
Xem thêm: Viral là gì, làm sao để tạo các chiến dịch viral trong Marketing?
Cải thiện khả năng mở rộng
Doanh nghiệp có thể mở rộng số lượng người dùng và tính năng sử dụng phần mềm khi ứng dụng giải pháp SaaS. Đặc biệt, doanh nghiệp không cần phải mua thêm bất kỳ phần mềm hoặc phát sinh thêm chi phí nào khác. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng chỉ định người dùng mới hoặc nâng cấp các gói dịch vụ của mình.
Dễ dàng cài đặt, cập nhật
Khi sử dụng SaaS, người dùng sẽ luôn được cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm mà không cần lo lắng về việc cài đặt hay cập nhật thủ công. Nhà cung cấp SaaS sẽ thực hiện việc cập nhật và nâng cấp phần mềm để đảm bảo tính ổn định, an toàn cho người dùng. Nhờ đó, doanh nghiệp luôn được trải nghiệm phiên bản phần mềm mới nhất.
Đảm bảo an toàn thông tin
Nhà cung cấp SaaS có trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng. Họ sử dụng những công nghệ bảo mật để bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng. Chính vì thế, doanh nghiệp không cần phải lo lắng về việc bảo mật thông tin khi sử dụng phần mềm trên nền tảng SaaS.
Tính linh hoạt và đa dạng
SaaS cung cấp cho doanh nghiệp nhiều lựa chọn về phần mềm với đa dạng tính năng và gói dịch vụ khác nhau. Doanh nghiệp có thể chọn gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu và kinh phí của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thử nghiệm các phần mềm khác nhau để tìm ra phần mềm tốt nhất cho hoạt động của mình.
Điểm hạn chế của SaaS là gì?
Phụ thuộc vào kết nối Internet
Do phần mềm SaaS hoạt động trên nền tảng Cloud, doanh nghiệp phải phụ thuộc vào kết nối internet để sử dụng phần mềm. Nếu kết nối Internet chậm hoặc bị gián đoạn, hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, vì phụ thuộc vào Cloud, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quản lý dữ liệu. Khi nhà cung cấp SaaS gặp bất kỳ sự cố nào, doanh nghiệp có thể bị mất toàn bộ dữ liệu quan trọng.
Độ tin cậy của nhà cung cấp SaaS là gì?
SaaS phụ thuộc vào nhà cung cấp phần mềm. Nếu nhà cung cấp không đảm bảo tính ổn định, an toàn hoặc chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Phí sử dụng
Dù SaaS là giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì phần mềm, nhưng chi phí sử dụng phần mềm SaaS không hề rẻ. Doanh nghiệp sẽ phải trả phí sử dụng hàng tháng hoặc hàng năm để sử dụng phần mềm trên nền tảng Cloud.
Khả năng tùy biến hạn chế
Trên thực tế, phần mềm SaaS được thiết kế để phục vụ cho nhiều khách hàng. Vậy nên, doanh nghiệp không thể tùy chỉnh phần mềm theo yêu cầu của mình. Đặc tính này sẽ làm hạn chế khả năng sử dụng phần mềm trong việc giải quyết các vấn đề đặc thù của doanh nghiệp.
Kết luận
Nhìn chung, SaaS được xem như một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tiềm ẩn nhiều hạn chế nhất định. Chính vì thế, để trải nghiệm SaaS hiệu quả, bạn cần cân nhắc đến mục tiêu, nhu cầu và ngân sách của doanh nghiệp. Qua bài viết trên, Việc Làm 24h hy vọng bạn đã hiểu SaaS là gì cũng như tầm quan trọng của SaaS đối với doanh nghiệp. Đừng quên theo dõi Việc Làm 24h để không bỏ lỡ những bài viết hữu ích dành cho doanh nghiệp nhé!
Xem thêm: Làm Brand chỉ có thể chọn các công ty FMCG là “bến đỗ” duy nhất?