Công việc phát triển phần mềm là gì, cơ hội nghề nghiệp ra sao?

Sự lớn mạnh không ngừng của công nghệ đã tạo cơ hội cho sự phát triển của nhiều ngành nghề trong đó có công việc phát triển phần mềm. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về công việc này qua bài viết sau. 

Phát triển phần mềm là công việc gì?

Với sự phát triển của máy tính và công nghệ, chúng ta đang sử dụng phần mềm ở mọi lúc mọi nơi như: Microsoft Word, Power Point, Excel, trình duyệt Chrome, Cốc Cốc, Safari, Facebook, Google tìm kiếm…

Phát triển phần mềm là quá trình tạo ra các sản phẩm phần mềm sử dụng trên các thiết bị công nghệ (máy tính, điện thoại, máy móc điều khiển…). Cụ thể, công việc này bao gồm quá trình khởi tạo, triển khai, thiết kế và hỗ trợ phần mềm. 

phát triển phần mềm
Công việc về phát triển một phần mềm bao gồm khởi tạo, triển khai, thiết kế và hỗ trợ.

Các loại phần mềm hiện nay

Hiện nay có 3 loại phần mềm được phát triển chính sau đây:

  • Phần mềm hệ thống: là việc phát triển các phần mềm có nhiệm vụ vận hành, quản lý các phần cứng của máy tính.
  • Phần mềm ứng dụng: là việc phát triển nhiều loại phần mềm đa dạng với công dụng khác nhau đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của các khách hàng thời buổi số hoá. 
  • Phần mềm độc hại: đây là những phần mềm được tạo ra với mục đích xấu nhằm ăn cắp thông tin hoặc phá hoại, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Quy trình phát triển phần mềm

Quy trình phát triển phần mềm (Software Development Life Cycle – viết tắt là SDLC) gồm 6 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: nghiên cứu và xác định nhu cầu của khách hàng hoặc các bên liên quan.
  • Giai đoạn 2: phân tích yêu cầu của khách hàng hoặc yêu cầu của thị trường để hiểu rõ hơn về mong muốn thiết kế phần mềm. Các thông số kỹ thuật, yêu cầu chi tiết sẽ được tổng hợp thành tài liệu có tên là Software Requirement Specification – tài liệu đặc tả yêu cầu của phần mềm.
  • Giai đoạn 3: Tiến hành thiết kế phần mềm – từ các dữ liệu trên, người quản lý sẽ chọn ra mô hình phát triển nên phần mềm phù hợp, vạch ra kiến trúc tổng thể, đồng thời tính đến các yếu tố như thời gian, ngân sách, công nghệ cần sử dụng, rủi ro…
  • Giai đoạn 4: Lập trình để đưa các thông số đã thiết lập vào phần mềm
  • Giai đoạn 5: Kiểm thử (testing) nhằm phát hiện liệu phần mềm có lỗi nào hay không và khắc phục trước khi đưa cho khách hàng
  • Giai đoạn 6: Triển khai và bảo trì – ở giai đoạn này bạn đưa sản phẩm đến tay khách hàng để bắt đầu sử dụng và tiến hành bảo trì định kỳ. Giai đoạn triển khai có thể chia thành giai đoạn thử nghiệm Beta (dùng thử để thu thập phản hồi từ người dùng thực tế) và giai đoạn chính thức (khi phần mềm được hoàn thiện hơn và chính thức phân phối rộng rãi ra thị trường). Sau khi phần mềm được phân phối rộng rãi tới tay khách hàng, đơn vị tạo ra phần mềm sẽ thành lập nhóm chuyên gia chuyên về bảo trì hỗ trợ khách hàng giải quyết các phát sinh nếu có trong quá trình sử dụng. 
phát triển phần mềm
Một phần mềm thông thường được ra đời sau khi trải qua 6 giai đoạn.

Mô hình phát triển phần mềm

Bên cạnh quy trình, hiểu rõ về các mô hình phát triển phần mềm thường được sử dụng hiện nay sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về công việc của kỹ sư phần mềm khi phối hợp cùng các bộ phận khác và khách hàng khi triển khai dự án phần mềm tại doanh nghiệp.

Sau đây là các mô hình được sử dụng phổ biến hiện nay.

Waterfall

Waterfall là mô hình thường áp dụng cho các dự án

  • Có quy mô nhỏ và vừa với yêu cầu rõ ràng, hầu như không thay đổi.
  • Dự án yêu cầu sự kiểm soát chặt, ngân sách dự đoán trước
  • Dự án tuân thủ theo nhiều nguyên tắc chặt chẽ.

Mô hình này thường được áp dụng theo trình tự nhất định của mỗi giai đoạn phát triển phần mềm, trong đó bước tiếp theo sẽ không được thực hiện nếu bước trước đó chưa hoàn thành. Các giai đoạn của mô hình này đều được ghi chép lại chặt chẽ và chỉ có thể kiểm thử khi đã hoàn thiện sản phẩm cuối cùng, do đó việc sửa lỗi cũng thường tốn kém, khó khăn và mất thời gian. 

phát triển phần mềm
Mô hình thác nước.

V-Model (Mô hình V)

Mô hình này thường áp dụng cho các loại hình dự án sau:

  • Dự án yêu cầu chặt chẽ, không có lỗi, không thời gian chết (vd như phần mềm dùng trong y tế, phần mềm quản lý chuyến bay).
  • Dự án ngắn hạn, ít thay đổi về công nghệ, được nhóm phát triển hiểu rõ. 

Đây là mô hình dạng tuyến tính, tiến hành song song 2 hoạt động: phát triển và kiểm thử. Mỗi giai đoạn của dự án đều cần chạy kiểm thử.

Mô hình này đòi hỏi tính kỷ luật cao, giai đoạn tiếp theo chỉ diễn ra khi giai đoạn trước đó đã hoàn thành. Tester (nhân viên kiểm thử) tham gia dự án ngay từ đầu để tìm ra lỗi và khắc phục từ sớm. 

Iterative & Incremental model (Lặp lại & tăng dần)

Mô hình này thường áp dụng cho các loại hình dự án sau:

  • Dự án phần mềm lớn
  • Dự án công nghệ mới cần có thời gian để nhóm phát triển học tập thêm

Đặc điểm của mô hình này là lặp đi lặp lại từ khi bắt đầu đến tận khi hoàn thành. Cuối mỗi lần lặp, một phiên bản phần mềm mới sẽ tạo ra nhưng vẫn trên phiên bản lặp lần trước đảm bảo sự nhất quán. Đồng thời, do phần mềm được chia thành từng phần nên cần có đặc tả hoàn chỉnh về kỹ thuật ngay từ đầu dù có thể thay đổi một chút trong quá trình phát triển. Đặc biệt mô hình này yêu cầu có thêm sự tham gia của khách hàng trong quá trình phát triển sản phẩm. 

phát triển phần mềm
Mô hình lặp lại và tăng dần.

Agile Model 

Mô hình này phù hợp với nhiều dạng dự án cần có sự tham gia và tương tác của khách hàng. Đặc điểm của mô hình Agile là việc phát triển nên phần mềm được lặp đi lặp lại thông qua giao tiếp liên tục, phản hồi sớm từ khách hàng giúp cải thiện chất lượng phần mềm tốt hơn.

Đồng thời, tác vụ trong quá trình phát triển được chia thành nhiều module nhỏ cung cấp những tính năng cụ thể. Các bản cập nhật cải tiến phần mềm được liên tục ra mắt cho tới phiên bản hoàn thiện nhất.

Hạn chế của mô hình này là có giai đoạn bảo trì tương đối phức tạp. 

Xem thêm: Agile là gì? Ứng dụng như thế nào trong công việc để đạt hiệu quả tốt nhất?

Spiral model (xoắn ốc)

Mô hình này được thực hiện theo nhiều pha từ thiết lập mục tiêu, đánh giá rủi ro, phát triển sản phẩm, lập kế hoạch cho pha tiếp theo. 

Đây là sự tối ưu từ mô hình Waterfall, thường được sử dụng trong dự án lớn, đắt tiền và có nhiều yêu cầu phức tạp. Ưu điểm của mô hình này là dễ kiểm soát lỗi và phát hiện lỗi xuyên suốt quá trình phát triển sản phẩm.

Hạn chế của mô hình này là đòi hỏi người quản lý phải có kỹ năng tốt để đánh giá rủi ro kịp thời. 

phát triển phần mềm
Mô hình xoắn ốc.

Mô hình Scrum

Đây là dạng mô hình gần tương tự với mô hình Agile, trong đó lập trình viên chia nhỏ thành các module nhỏ để phát triển. Module hoàn thiện theo quy trình vòng lặp gọi là Sprint. Mỗi vòng lặp diễn ra trong vòng từ 2 đến 4 tuần. Quá trình phát triển dựa trên ý kiến khách hàng để điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp. Nhờ tính linh hoạt cao, mô hình này phù hợp với các dự án thường xuyên thay đổi. 

Ưu điểm của mô hình này là giúp thành viên nhóm phát triển thêm nhiều kỹ năng, đồng thời dễ dàng phát hiện, khắc phục lỗi trong khi triển khai từng vòng lặp. Mô hình này đặc biệt phù hợp với những dự án có yêu cầu ban đầu chưa rõ ràng. 

Hạn chế của mô hình này là khó hoạch định ngân sách và thời gian, đồng thời nhóm phát triển phần mềm cần liên tục trao đổi thông tin với khách hàng để dự án đi đúng hướng. 

phát triển phần mềm
Mô hình Scrum.

Xem thêm: Scrum là gì? Phương pháp quản lý và phát triển dự án hiệu quả mà bạn nên biết

Mô tả công việc phát triển phần mềm

Ở vị trí nhân viên phát triển nên phần mềm, bạn sẽ thực hiện những công việc chính sau:

  • Viết tài liệu về quy trình để phát triển phần mềm theo yêu cầu
  • Nghiên cứu và đưa ra kế hoạch để phát triển, vận hành các sản phẩm phần mềm, giải pháp công nghệ, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra. 
  • Thiết kế tổng quan (high-level design) các bước giải quyết và thiết kế chi tiết (detailed design) đưa ra hướng xử lý cho từng chi tiết công việc.
  • Thực hiện viết code và kiểm tra lỗi dựa theo kế hoạch và ý tưởng đã vạch ra.
  • Kiểm tra và đánh giá chất lượng của ứng dụng hoặc phần mềm sau khi hoàn tất quá trình lập trình, đảm bảo phần mềm hoạt động ổn định và không xảy ra lỗi.
  • Thực hiện bảo trì, khắc phục sự cố nếu có, lập kế hoạch sửa chữa hoặc khắc phục các lỗi liên quan trong quá trình tạo ra phần mềm. 
  • Triển khai các giải pháp có liên quan đến công nghệ, phần mềm trong doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động kinh doanh.
  • Đào tạo cho người dùng về cách sử dụng phần mềm sau khi chuyển giao cho khách hàng hoặc nhận chuyển giao từ nhà cung cấp. 
phát triển phần mềm
Nhiệm vụ chính của nhân viên phát triển ra một phần mềm là nghiên cứu yêu cầu và triển khai phần mềm đáp ứng đúng yêu cầu đó.

Thu nhập của nhân sự phát triển phần mềm

Ngành phát triển phần mềm là một trong những ngành nghề có mức thu nhập trung bình tương đối cao hiện nay. Cụ thể, mức lương khởi điểm là 7 đến 10 triệu, khi có từ 1-3 năm kinh nghiệm, mức lương nâng lên dao động từ 12 đến 20 triệu đồng/ tháng thậm chí lên đến 30 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, mức lương hàng tháng thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại hình công ty, số năm kinh nghiệm, địa điểm làm việc…

Học ngành gì để làm việc phát triển phần mềm?

Hiện nay, bạn có thể học các ngành liên quan đến kỹ thuật phần mềm tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng có chuyên ngành đào tạo công nghệ thông tinh, công nghệ phần mềm, kỹ thuật phần mềm như:

  • ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia HN
  • ĐH công nghệ thông tin – ĐH Quốc gia TP HCM
  • ĐH FPT
  • ĐH Công nghiệp HN
  • ĐH Swinburne Việt Nam

Để trở thành kỹ sư phát triển phần mềm, bên cạnh kiến thức về toán, môn học chuyên ngành, bạn cần nắm vững các loại ngôn ngữ lập trình như C/C++. C#/.Net, Java, PHP/MySQL, Python…, nắm vững kiến thức về nền tảng xây dựng phần mềm, kiến thức về hệ thống, kỹ thuật máy tính, mạng, an toàn thông tin, bảo mật thông tin cũng như nắm được yêu cầu công việc thực tế sau này.

Ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) là những kỹ năng cần chú ý bởi hầu hết các tài liệu chuyên ngành phần mềm hiện nay đều được viết bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, bạn còn cần đầu tư cho bản thân kỹ năng tự học, nhanh nhạy nắm bắt những thay đổi không ngừng của công nghệ, cập nhật xu hướng mới về ngành nghề mỗi ngày. 

Xem thêm: Phần mềm SEO là gì? Tiết lộ 7 phần mềm SEO tốt nhất dành cho thợ xây website

Lời kết

Trên đây là những chia sẻ từ Việc Làm 24h về công việc phát triển phần mềm, những thông tin về ngành nghề, yêu cầu công việc cũng như kỹ năng yêu cầu. Bài viết mong rằng giúp bạn hiểu hơn về việc này cũng như có sự chuẩn bị tốt hơn nếu dự định trở thành kỹ sư tạo ra phần mềm trong tương lai. 

Đừng quên thường xuyên theo dõi Việc Làm 24h để không bỏ lỡ cơ hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực phát triển phần mềm mới nhất.

Xem thêm: HTML là gì? Từ newbie thành chuyên gia HTML với loạt website tự học

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục