Trong hành trình thăng trầm của cuộc sống, chúng ta thường phải đối mặt trước những trở ngại bủa vây khiến tâm trí rối ren, mệt nhoài. Khả năng phục hồi (resilience) chính là ngọn đèn dẫn đường mang đến sức mạnh giúp chúng ta thích ứng, đối mặt và vượt qua những đổi thay hiệu quả. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá sâu hơn Resilience là gì và cách phát triển kỹ năng này trong cuộc sống hằng ngày qua bài viết dưới đây nhé!
Resilience nghĩa là gì?
Resilience – Khả năng phục hồi, là khả năng đối mặt, thích nghi, hồi phục và phát triển sau những thử thách, thất bại và các trở ngại, biến cố, nghịch cảnh gây áp lực trong suốt cuộc đời. Resilience không chỉ là cách vượt qua khó khăn đơn thuần, những người có sức bật tinh thần thường coi những khó khăn, thử thách là cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân.
Tuy nhiên, khả năng phục hồi không đồng nghĩa với việc không hề cảm thấy căng thẳng, đau khổ, mệt mỏi khi đối diện trước những nghịch cảnh cuộc đời. Resilience giúp chúng ta chấp nhận và kiên nhẫn, nỗ lực vượt qua những đau khổ về mặt tinh thần. Tư duy Resilience là tư duy cầu tiến, mang đến khả năng thích nghi nhanh chóng và duy trì sức mạnh tinh thần để chúng ta quyết tâm hướng đến mục tiêu phía trước. Có thể bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng, sụp đổ ngay giây phút tình huống xấu xảy ra, nhưng điều quan trọng là cách mà bạn nhìn nhận tình huống như thế nào cũng như vượt qua nó ra sao.
Xem thêm: AQ là gì? Bật mí các cách cải thiện chỉ số AQ để vượt qua khó khăn, thử thách
Ý nghĩa của Resilience là gì? Có nên phát triển và nuôi dưỡng khả năng phục hồi không?
Resilience giúp bạn trưởng thành và phát triển từng giây phút
Khi đối diện trước những tình huống bế tắc, mất phương hướng, chúng ta thường hành động theo 3 cơ chế phản ứng phổ biến:
(1) Phân tích, mổ xẻ vấn đề ngay lập tức.
(2) Gạt nước mắt, dẹp nỗi đau và cố gắng nghĩ về những điểm tích cực.
(3) Phản ứng lại bằng cách than thở, khóc lóc, tìm kiếm sự an ủi.
Khi khả năng phục hồi thấp, bạn có thể rơi vào bẫy của cơ chế số 3 và phải mất rất nhiều thời gian để quay lại nhịp sống cũ. Trái lại, khi khả năng phục hồi cao, bạn có xu hướng tìm hiểu căn nguyên vấn đề, đưa ra các bài học và tìm kiếm các giải pháp để thoát khỏi lối mòn.
Chẳng hạn như, bạn đã tìm việc hơn 2 tháng nay nhưng đều bị từ chối ngay vòng phỏng vấn. Nếu khả năng phục hồi cao, bạn sẽ ngồi lại và xem xét toàn bộ quá trình chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, rà soát những phản hồi từ nhà tuyển dụng. Thay vì chán nản, nhờ sức bật tinh thần, bạn tìm ra mấu chốt vì sao bị từ chối và rút ra những kinh nghiệm để phỏng vấn thành công cho những lần sau.
Có thể thấy, Resilience giúp ích trước, trong và cả sau quá trình đối mặt khó khăn, huấn luyện mỗi người cách giải quyết vấn đề. Khả năng phục hồi giúp bạn tập trung vào vấn đề đang đối mặt, nhìn nhận khách quan, và đưa ra những giải pháp để bản thân có cơ hội học hỏi để phát triển và trưởng thành hơn. Mỗi lần học được cách kiểm soát tình huống, khả năng phục hồi của bạn sẽ được nâng cấp, cho đến một ngày bạn có năng lực vượt qua những trở ngại.
Resilience giúp bạn làm chủ cuộc sống
Rèn luyện khả năng phục hồi giúp bạn làm rõ lý tưởng sống bản thân, bạn là người có thể kiểm soát những gì xảy ra với bạn và không bao giờ phải trở thành nạn nhân của nghịch cảnh. Resilience giúp bạn học cách tự thấu hiểu, biết cách đối mặt với cảm xúc tiêu cực và tạo ra môi trường tích cực để bản thân được thể hiện tốt nhất. Nhờ đó, bạn có thể duy trì tinh thần lạc quan trong mọi tình huống và không bị vùi dập bởi những khó khăn, mà thậm chí còn biến chúng thành động lực để tiến xa hơn.
Những gì đã xảy ra trong quá khứ sẽ chẳng thể nào thay đổi, chẳng hạn kết quả những cuộc phỏng vấn ở ví dụ trên, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm tốt hơn trong những lần tiếp theo. Biết đâu bạn sẽ được chọn trong buổi phỏng vấn vào tuần tới thì sao nhỉ? Chính vì thế, ngay cả khi cuộc sống vô tình hay hữu ý mang đến những tình thế khó khăn, bạn vẫn có thể bình tĩnh và tận dụng nghịch cảnh để làm bàn đạp tiến về phía trước và nắm lấy cơ hội tỏa sáng.
Resilience giúp bạn tìm thấy niềm vui trong mọi nghịch cảnh
Thế giới mà chúng ta đang sống luôn chuyển động không ngừng, những khó khăn, thử thách khiến chúng ta vô tình quên mất cách bình thản đón nhận và tìm cách thích nghi. Dù đã tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty, trang bị cho mình những kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm hay rút kinh nghiệm từ tất cả các buổi phỏng vấn trước đó, nhưng nhà tuyển dụng đã sớm tìm được ứng viên phù hợp. Thay vì chìm đắm trong tình trạng tiêu cực, hãy chấp nhận và dẫu biết rằng sẽ khó khăn, nhưng bạn nên tư duy bình thường hóa mọi chuyện.
Khả năng phục hồi cho bạn cơ hội hiểu rõ năng lực và giá trị của bản thân. Khi đã cố gắng nhưng kết quả không như ý, bạn nên hiểu rằng bạn không phải người phù hợp nhất với vị trí công việc ấy mà thôi. Resilience cho phép bạn thấy rõ mỗi bước tiến trong quá trình vượt qua khó khăn. Khi nhận ra sự tiến bộ và cố gắng của bản thân, bạn sẽ bước ra khỏi những suy nghĩ than trách số phận và tiếp tục kiên định đi tìm một công việc phù hợp với khả năng của mình.
Xem thêm: Vì sao bạn mãi kìm hãm bản thân trong những niềm tin giới hạn?
Liệu trình nuôi dưỡng và phát triển Resilience là gì?
Resilience không phải là một khả năng thiên bẩm mà nó có thể được phát triển và rèn luyện theo thời gian. Không phải ai sinh ra cũng lạc quan, mạnh mẽ và quyết đoán, quá trình nuôi dưỡng và phát triển Resilience đòi hỏi rất nhiều cố gắng, nỗ lực và đấu tranh nội tâm.
Mỗi người có những mức độ Resilience khác nhau, một số người có thể có mức độ Resilience tự nhiên cao hơn do các yếu tố di truyền hoặc môi trường gia đình hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay cả những người không “sẵn có” Resilience vẫn có thể phát triển khả năng này thông qua việc rèn luyện tâm lý, học cách đối mặt với áp lực, khó khăn và thực hành tư duy cầu tiến. Vậy liệu trình nuôi dưỡng và phát triển Resilience là gì?
1. Tự nhận thức bản thân để resilience là gì?
Hiểu rõ bản thân từ cảm xúc đến tư duy và hành động, cho phép chúng ta nhận biết cảm xúc đang hiện diện bên trong. Điều này giúp chúng ta tìm hiểu nguyên nhân và cách tác động của cảm xúc đối với hành vi và quyết định của mình. Không chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân, tư duy nhận thức bản thân còn giúp bạn hiểu rõ mức độ hành vi của bản thân tác động đến những người xung quanh như thế nào. Nhờ đó, chúng ta có thể xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn và tạo ra tương tác tích cực.
Hơn nữa, khi nhìn nhận công tâm điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, chúng ta có thể xác định giá trị cá nhân để tiếp cận cuộc sống một cách tích cực. Đồng thời, chúng ta cho bản thân mình có cơ hội cải thiện từ việc rèn luyện những kỹ năng mới cho đến việc khắc phục những điểm còn hạn chế của bản thân.
2. Học cách xây dựng những mối quan hệ bền vững
Ừ thì bạn có thể chọn cho mình lối sống lowkey, ít kết nối, tuy nhiên, những mối quan hệ gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp,… lại là một trong những nhân tố quan trọng trong việc hình thành tư duy, cảm xúc cá nhân. Họ có thể là người nâng đỡ, dìu dắt và hỗ trợ bạn, hoặc chấp nhận chính con người thật của bạn trong mọi hoàn cảnh dù tốt hay xấu. Họ là người cho bạn cảm nhận sự an toàn để chia sẻ, tìm kiếm lời khuyên hoặc thậm chí trở thành những đối tác quan trọng trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia vào các cộng đồng tín ngưỡng hoặc tinh thần tích cực để kết nối với những người có cùng tần số và mở rộng tầm nhìn.
Xem thêm: Những nguyên tắc ngầm khi giao tiếp, kết bạn với đồng nghiệp nơi công sở
3. Kinh nghiệm là vốn liếng thành công
Hãy nhớ lại những khó khăn, thử thách mà bạn đã từng vượt qua trước đây. Chính bạn là người hiểu rõ mình đã cố gắng như thế nào, cách bản thân mạnh mẽ ra sao. Kinh nghiệm từ những thất bại giúp chúng ta đưa ra những nước cờ khôn ngoan hơn cho các dự định trong tương lai. Những bài học dạy chúng ta cách đối phó khó khăn và áp lực, nhờ đó phát triển lòng kiên nhẫn và sự tự tin. Chúng ta hiểu rằng mọi thứ đều cần thời gian cũng như nỗ lực để đạt được và điều này giúp chúng ta không bao giờ từ bỏ.
4. Mang trong mình những hy vọng tiến về phía trước
Trên thực tế, chúng ta đều là những người sinh ra với vô vàn cảm xúc, đan xen giữa những cảm xúc tích cực là những cảm xúc tiêu cực. Đó là bản chất con người mà chúng ta khó có thể thay đổi được, tuy nhiên, khó không đồng nghĩa với không thể thay đổi. Bạn có thể học cách áp chế những suy nghĩ tiêu cực không mong muốn và thay vào đó là những suy nghĩ lành mạnh hơn. Hãy để những suy nghĩ tích cực đó soi đường chỉ lối cho bạn trong những bước đi tiếp theo trên hành trình cuộc đời.
Hơn nữa, bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể sống cho hiện tại và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Một tâm thế mong đợi những thay đổi có thể xảy ra giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe tinh thần bản thân hiệu quả.
5. Chủ động đối diện, mạnh mẽ vượt qua
Chúng ta luôn cần rất nhiều thời gian để chấp nhận và vượt qua sau mỗi thất bại, nhưng sẽ có thời điểm mà bạn biết mình phải gạt đi nước mắt và nỗ lực để sống tốt hơn. Sau khi trải qua những khó khăn, thử thách; bạn hãy chấp nhận kết quả không mong muốn, đối diện và xử lý vấn đề. Đặc biệt là khi mọi việc đã không thể vãn hồi, bạn biết mình nên chấp nhận và không cố gắng thay đổi một cách vô ích. Đồng thời, nhìn nhận lại giá trị của bản thân và kiên định với những bài học được rút ra. Nhờ đó, bạn mang trong mình một tâm thế mới để tiếp tục tập trung vào những kế hoạch, dự định sắp tới.
6. Sống mỗi ngày thật ý nghĩa
Hãy biến mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa theo cách của bạn. Bạn là người biết rõ điều gì sẽ mang bạn đến thành công và hạnh phúc. Mỗi ngày mang đến những cơ hội học hỏi và tận hưởng hoàn toàn khác nhau, điều quan trọng là cách mà bạn đón nhận. Đó có thể đơn giản là tận hưởng hương vị của món ăn, cảm nhận ánh nắng mặt trời và thấy trái tim đập trong từng khoảnh khắc. Hãy mở lòng học những kỹ năng mềm, trau dồi vốn liếng kiến thức, kinh nghiệm,… và áp dụng chúng vào công việc và cuộc sống. Hãy sống với mục đích sống rõ ràng, để bạn luôn hướng đến một tương lai thật ý nghĩa.
Kết luận
Resilience là một khía cạnh tư duy quan trọng, giúp con người không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Như một ngọn đèn sáng trong tâm trí hỗn loạn của mỗi người, Resilience thúc đẩy chúng ta tìm kiếm cơ hội từ những khó khăn và phát triển bản thân từ những trải nghiệm đáng quý. Mong rằng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h đã giúp các bạn hiểu Resilience là gì và cách phát triển kỹ năng Resilience như một người bạn đồng hành trung thành trên hành trình cuộc đời.