Bất kỳ người lao động nào cũng muốn được đầu quân cho những công ty “ngon”. Tiêu chuẩn “ngon” của mỗi người sẽ có sự khác biệt đôi chút. Tuy nhiên đa số đều hướng tới các công ty MNC. Vậy công ty MNC là gì, có gì khác biệt mà lại là ước mơ của nhiều người? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Công ty MNC là gì? Cách thức hoạt động như thế nào?
MNC là viết tắt của từ Multinational Corporation có nghĩa là công ty đa quốc gia hoặc tập đoàn đa quốc gia. Đây là những tổ chức có trụ sở chính đặt tại một quốc gia cố định để quản lý và những văn phòng, nhà máy sản xuất ở những quốc gia khác.
Cấu trúc và hoạt động của các công ty đa quốc gia MNC có sự khác nhau tùy thuộc vào ngành, quy mô và sản phẩm mà họ sản xuất. Có quan điểm cho rằng tập đoàn đa quốc gia là bất kỳ tổ chức nào có ít nhất một chi nhánh nước ngoài. Lại có những ý kiến khác yêu cầu tổ chức cần tạo ra ít nhất 25% doanh thu từ nước ngoài để đạt được danh hiệu là công ty đa quốc gia MNC. Tuy nhiên, yêu cầu cơ bản đó là đầu tư trực tiếp vào quốc gia khác bằng cách điều hành một phần hoạt động kinh doanh ở đó. Dưới đây là một số đặc điểm điển hình của các MNC:
– Số lượng tài sản lớn: để trở thành MNC, một tổ chức cần có số lượng tài sản lớn bao gồm tài sản hữu hình cũng như tài chính.
– Mạng lưới rộng khắp: nhiều MNC có mạng lưới trải dài đến nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó họ cần bố trí nhân lực điều hành từng chi nhánh để quản lý các hoạt động sản xuất, bán hàng, Marketing…
– Tăng trưởng liên tục: vì có nhiều chi nhánh nên mức ảnh hưởng của MNC luôn được mở rộng, từ đó đưa doanh thu ngày một tăng trưởng.
Có những loại hình tập đoàn đa quốc gia nào?
Dưới đây là 4 loại hình tập đoàn đa quốc gia phổ biến nhất:
1. Tập đoàn phi tập trung (decentralized corporation)
Decentralized corporation có trụ sở ở nước sở tại và nhiều văn phòng, cơ sở, tài sản ở các quốc gia khác. Các chi nhánh này hoạt động theo cơ cấu phân quyền với cách quản lý riêng. Điều này giúp tổ chức mở rộng quy mô nhanh chóng trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định tại từng quốc gia, khu vực trên thế giới.
2. Tập đoàn toàn cầu tập trung (centralized global corporation)
Centralized global corporation là những tổ chức có trụ sở chính đặt ở quốc gia cố định. Các nhà quản lý cấp cao sẽ ở đây và điều hành, giám sát tất cả chi nhánh, hoạt động của tổ chức. Họ cũng sẽ là những người đưa ra các quyết định quan trọng trong nước và quốc tế. Những chi nhánh khác cần phải báo cáo và nhận được sự chấp thuận từ họ. Các tập đoàn này thường tìm kiếm cơ hội tăng doanh thu bằng cách mua tài nguyên, nguyên liệu giá rẻ từ nước ngoài.
3. Bộ phận quốc tế chuyên biệt trong tổ chức (international division within a corporation)
Các công ty có thể tách biệt hoạt động trong nước với hoạt động quốc tế bằng cách tạo ra một bộ phận chuyên biệt. Bộ phận này có trách nhiệm giám sát hoạt động của chi nhánh ở nước ngoài. Mặc dù cấu trúc này sẽ giúp các công ty MNC tiếp cận đối tượng rộng hơn và đưa ra quyết định phù hợp với các nền văn hóa khác nhau, nhưng việc duy trì hình ảnh thương hiệu đồng nhất là một thách thức lớn.
4. Tập đoàn xuyên quốc gia (transnational corporation)
Transnational corporation hoạt động theo cơ cấu công ty mẹ – công ty con. Theo đó, công ty mẹ giám sát, quản lý và chỉ đạo hoạt động trong nước cũng như nước ngoài. Các công ty con có thể sử dụng tài sản của công ty mẹ, chẳng hạn như dữ liệu nghiên cứu và phát triển (R&D). Ngoài ra các công ty con cũng có thể là các thương hiệu khác nhau.
Sự khác biệt giữa các công ty thông thường và MNC là gì?
Điểm khác biệt lớn giữa MNC và các công ty trong nước là phạm vi hoạt động và mức độ ảnh hưởng. Cụ thể như sau:
1. Phạm vi hoạt động về mặt địa lý
MNC hoạt động ở nhiều quốc gia, trong khi các công ty trong nước chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các MNC thành lập nhiều công ty con, chi nhánh hoặc liên doanh ở nhiều quốc gia nên họ hiện diện trên toàn cầu và thâm nhập vào thị trường quốc tế.
2. Tiếp cận thị trường
Vì hoạt động ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới nên MNC có cơ sở khách hàng lớn hơn. Ngược lại, các công ty trong nước có phạm vi tiếp cận thị trường hẹp hơn, giới hạn trong quốc gia của họ.
3. Văn hóa và pháp lý
Các MNC khi quyết định hoạt động ở một quốc gia nào đó đều cần tìm hiểu cũng như điều chỉnh sao cho phù hợp với bối cảnh văn hóa, pháp lý của quốc gia này. Chẳng hạn như điều hướng sản xuất sản phẩm, chiến lược tiếp thị, hoạt động kinh doanh để hòa hợp với phong tục, ngôn ngữ, thói quen và quy định địa phương. Với các công ty trong nước, vì đã có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa cũng như pháp luật nên sẽ dễ dàng tối ưu hóa hoạt động ở nhiều khía cạnh khác nhau.
4. Phân bổ nguồn lực
Các MNC thường có lợi thế về việc tiếp cận các nguồn lực trên toàn cầu, bao gồm nhân lực, tài chính, công nghệ… Họ có thể tận dụng thế mạnh của các quốc gia khác nhau để tối ưu hóa hoạt động và đạt được lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, các công ty trong nước thường dựa vào nguồn lực sẵn có ở nước họ. Vì vậy sẽ hạn chế khả năng tiếp cận với chuyên môn, công nghệ tiên tiến cũng như các yếu tố khác.
5. Rủi ro
Hoạt động ở nhiều quốc gia cũng mang lại rủi ro cao cho các MNC. Chẳng hạn như bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị, biến động tiền tệ, các quy định thương mại quốc tế hay những điều kiện thị trường khác nhau giữa các quốc gia. Với các công ty trong nước thì có mức rủi ro tương đối thấp vì hoạt động của họ mang tính địa phương hơn.
Những khác biệt này không phải là có thể khác nhau tùy thuộc vào ngành, quy mô và những khía cạnh cụ thể của các công ty. Ngoài ra, toàn cầu hóa và sự hợp tác giữa các nền kinh tế đã dẫn đến sự liên kết, phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa MNC và công ty trong nước, làm mờ đi ranh giới khác biệt trong một số trường hợp.
Tại sao MNC lại là mơ ước của nhiều người?
Được làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia là mong ước của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Từ lúc còn trên ghế nhà trường, nhiều bạn đã định hướng vào MNC và nỗ lực rất nhiều để thực hiện ước mơ của mình. Vậy lợi ích khi làm việc tại MNC là gì?
1. Cơ hội học hỏi và phát triển sự nghiệp
Các MNC thường hoạt động ở nhiều thị trường khác nhau với sự đa dạng về sản phẩm. Điều này mang đến cho nhân viên cơ hội học hỏi và phát triển kỹ năng. Bạn có thể tham gia vào các dự án quốc tế, trải nghiệm ở các phòng ban khác nhau, học cách làm việc trong môi trường đa dạng. Từ đó trau dồi và phát triển các kỹ năng mềm như quản lý dự án, kỹ năng xử lý vấn đề hay khả năng làm việc với đồng nghiệp từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Ngoài ra, một điều dễ nhận thấy là các tập đoàn đa quốc gia thường đầu tư mạnh vào đào tạo và phát triển nhân viên. Bạn có thể được tham gia vào các khóa học, chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực cá nhân và đóng góp cho tập đoàn.
2. Lương và phúc lợi hấp dẫn
Một trong những lợi ích hàng đầu khi làm việc ở các MNC đó là mức lương và chính sách phúc lợi tốt. Điều này đến từ việc họ có tài chính vững mạnh, tốc độ tăng trưởng ổn định. Vì vậy, nếu được làm việc ở MNC, bạn sẽ có thu nhập cao cũng như phúc lợi tốt hơn so với các công ty khác.
3. Cơ hội thăng tiến
Các tập đoàn đa quốc gia thường có cơ cấu tổ chức phức tạp và nhiều vị trí quản lý. Điều này tạo cơ hội thăng tiến nhanh chóng cho những người có năng lực cũng như đam mê. Khi biết cách nắm bắt cơ hội, luôn trau dồi phát triển bản thân, cống hiến hết mình cho công việc, bạn sẽ được công ty ghi nhận và có nhiều cơ hội thăng tiến trong tương lai.
4. Môi trường làm việc đa dạng
Điều mà dường như là “độc nhất vô nhị” ở MNC đó là sẽ được làm việc với đội ngũ nhân viên đến từ nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau. Điều này tạo ra một môi trường làm việc đa dạng, giúp bạn mở rộng kiến thức và tầm nhìn của mình. Đồng thời mang đến những trải nghiệm quý giá không chỉ trong công việc mà còn ở cuộc sống cá nhân.
Xem thêm: 7 lời khuyên để đảm bảo công tư phân minh trong môi trường làm việc
5. Cơ hội làm việc toàn cầu
Làm việc cho MNC có thể mở ra cơ hội nghề nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau. Bạn có thể trải nghiệm cuộc sống và làm việc tại các khu vực trên thế giới, giúp bạn phát triển kỹ năng quản lý đa quốc gia và mở rộng mạng lưới quan hệ cá nhân.
Làm việc ở MNC thật sự là cơ hội tuyệt vời và đáng giá. Tuy nhiên, để được đầu quân vào các tập đoàn đa quốc gia đòi hỏi bạn cần có kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm… Để sở hữu những điều này, bạn nên có kế hoạch phát triển bản thân dài hạn và kỷ luật đạt được mục tiêu của mình. Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về MNC là gì. Nếu bạn muốn ứng tuyển vào các tập đoàn quốc gia, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Nghệ thuật giao tiếp lôi cuốn khiến sếp muốn lắng nghe bạn chia sẻ nhiều hơn!