Retail Therapy: Khi người trẻ vung tiền mua sắm để chạy trốn áp lực

Khi muốn giải tỏa áp lực công việc, nhiều dân văn phòng thường có xu hướng vung tiền “mua” niềm vui, hạnh phúc bằng việc mua sắm. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát bản thân trước những cám dỗ mà thói quen mua sắm vô độ mang lại, một ngày không xa bạn sẽ trở thành “tù nhân” của vòng xoáy hào nhoáng này. Retail Therapy là gì? Làm cách nào dân văn phòng có thể tận dụng liều thuốc giải sầu công việc Retail Therapy đúng cách? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h

Retail Therapy là gì?

Theo tâm lý học, Retail Therapy là liệu pháp mua sắm nhằm giảm căng thẳng, lo lắng và tạo ra cảm giác hạnh phúc, tự tin, thư giãn, sảng khoái, nhờ đó thiết lập động lực và cải thiện tâm trạng hiệu quả. Khái niệm “Retail Therapy” được biết đến lần đầu tiên vào năm 1986 trên tờ Chicago Tribune. Tuy được xem là phương thuốc chữa các bệnh tâm lý nhưng Retail Therapy cũng chính là con dao 2 lưỡi khi trở thành một thói quen không lành mạnh nếu bị lạm dụng quá tay.

Vì sao nhiều người vung tiền mua sắm chữa lành tâm hồn?

retail therapy
Hiện nay, dân văn phòng là đối tượng bị Retail Therapy chi phối

Mua sắm đi đôi với mua hạnh phúc

Sau thời gian làm việc vất vả hoặc đối mặt với cảm xúc căng thẳng, khó chịu, mệt mỏi dồn nén, nhiều người nảy sinh tâm lý muốn tự thưởng cho bản thân. Việc dành nhiều thời gian khám phá thiên đường mua sắm như tìm kiếm món đồ yêu thích, cho vào giỏ hàng, tâm lý trông chờ đơn hàng được giao,… giúp nhiều người giải tỏa năng lượng. 

Tất cả những điều này như một cú hích khiến não bộ ưu ái sản sinh các dopamine và oxytocin. Trong khi oxytocin giúp chúng ta gác lại âu lo, dopamine lại là chất dẫn truyền thần kinh giúp chúng ta tận hưởng trọn vẹn sự hạnh phúc ngắn hạn. 

Lấy lại cảm giác kiểm soát mọi thứ xung quanh

Khi gặp khó khăn và cảm thấy mọi thứ không theo ý muốn, nhiều người tin rằng việc mua và sở hữu một vài món đồ có thể khôi phục sức mạnh của bản thân. Trong quá trình mua sắm, bạn có nhiều sự lựa chọn và chủ động tự quyết định quyền sở hữu những món đồ mong muốn. Nghiên cứu của Đại học Michigan năm 2014 còn cho thấy, được mua sắm những thứ mình thích có thể mang lại cảm giác kiểm soát lên đến 40 lần so với việc không được mua sắm. 

Tạm quên lo âu, gác lại muộn phiền

Với sản phẩm đa dạng, lối thiết kế tinh tế cùng giao diện thu hút trên các ứng dụng mua sắm,… khiến nhiều người bị “thao túng tâm lý”. Tổ hợp bắt mắt này kích thích toàn bộ các giác quan và phân tán sự chú ý của chúng ta ra khỏi những vấn đề đang tồn đọng trong tâm trí. Từ đó khiến não bộ rời xa hiện thực, tự động thay thế những lo âu, muộn phiền bằng viễn cảnh tươi sáng, thoải mái, tích cực khi mua sắm.

Xem thêm: Thực hành kỹ thuật Worry Time để giúp bạn giảm stress, tăng hiệu quả công việc

Điều gì xảy ra khi lạm dụng liều thuốc chữa lành Retail Therapy? 

retail therapy
Lạm dụng Retail Therapy để mua giây phút bình yên liệu có xứng đáng?

Việc sử dụng mua sắm như một cách để vượt qua căng thẳng chỉ là cách đánh lạc hướng bản thân tạm thời, nếu không được kiểm soát, điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.

Vung tay quá trán, mua sắm bốc đồng 

Xu hướng tiêu tiền để mua sắm nhằm giải tỏa căng thẳng khiến nhiều người chạy theo cảm xúc và không suy nghĩ kỹ về tính cần thiết hay giá trị thực sự của sản phẩm. Niềm vui mua sắm sẽ trở thành cơn ám ảnh nếu bạn chi quá tay, không kiểm soát được ví tiền, dẫn đến lãng phí tiền bạc.

Niềm vui chóng vánh, ví tiền rỗng đáy: Lạm dụng Retail Therapy để mua giây phút bình yên liệu có xứng đáng?

Lạm dụng Retail Therapy chỉ mang đến “một tâm trạng tốt hơn” ngắn ngủi, chóng vánh; hệ luỵ là một túi tiền rỗng và một bộ não vừa áp lực công việc tồn đọng vừa áp lực tài chính. Nhiều người chi tiền vượt quá khả năng tài chính của bản thân để khỏa lấp tâm hồn, nhưng thực chất lại không thể giải quyết triệt để vấn đề đang gặp phải.

Vòng tuần hoàn không hồi kết

Dù đã dặn lòng không được mạnh tay mua sắm nữa, nhưng khi lương đến, não bộ lại quay lại lối mòn “chỉ mua sắm mới mang lại niềm vui” dù bạn đang trong tâm trạng bình thường. Nhiều người phụ thuộc vào việc trị liệu mua sắm và sống trong cảm giác thỏa mãn chóng vánh đó mà quên mất vấn đề gốc rễ nằm ở đâu. Để rồi vòng tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại, sau tất cả, bạn không biết cách ngừng “kê đơn” Retail Therapy chữa lành tâm hồn cho mình như thế nào.

Xem thêm: Healing là gì? Bật mí TOP 5 bộ phim healing xoa dịu tâm hồn đáng xem

Tận dụng Retail Therapy đúng cách như thế nào?

retail therapy
Biến Retail Therapy trở thành liệu pháp xoa dịu nỗi đau bằng mua sắm trong khuôn khổ

Tận dụng Retail Therapy để xoa dịu căng thẳng không phải việc làm sai trái, tuy nhiên để tận hưởng niềm vui mua sắm đúng nghĩa, các bạn nên thiết lập kế hoạch tận dụng Retail Therapy đúng cách:

Tạo quỹ mua sắm cố định: Các bạn có thể thiết lập một ngân sách cố định hằng tháng để giới hạn khả năng chi tiêu của bản thân. Điều này giúp bạn tránh chi tiêu quá tay, ngăn bạn khỏi “cơn nghiện” chốt đơn và quẹt thẻ.

Giới hạn tần suất mua sắm: Hãy đặt ra một vài nguyên tắc quy tắc ”bất khả kháng” cho bản thân để hạn chế chi tiêu vô tội vạ và tránh những cám dỗ mua sắm không cần thiết. Bạn có thể hạn chế tần suất mua sắm để giám sát tiền bạc hiệu quả hơn.

Có kế hoạch mua sắm rõ ràng: Hãy mua sắm có mục đích và cân nhắc trước khi quyết định thanh toán bất kỳ món đồ nào. Thay vì mua sắm theo cảm hứng, bạn nên đặt mục tiêu cụ thể cho việc mua sắm và xem xét các tính ứng dụng của sản phẩm. Chẳng hạn như mua một chiếc áo mới để đi làm hoặc mua một đôi giày mới cho bộ sưu tập của bạn. Việc này sẽ giúp bạn giữ được tinh thần tiết kiệm và tập trung vào mục đích chính là tìm kiếm những sản phẩm thực sự có giá trị.

Dành thời gian cho bản thân cân nhắc trước khi quyết định: Hãy chia nhu cầu mua sắm thành 2 cột cần và muốn, các bạn có thể dành thời gian tìm hiểu về món đồ trong khoảng 1 – 2 ngày. Việc này vừa giúp bạn cải thiện tâm trạng căng thẳng hiện tại vừa để bản thân được cân nhắc kỹ lưỡng mình có thực sự cần đến khi tâm trạng đã bình thường trở lại không.

Thường xuyên dọn dẹp và soạn lại các đồ dùng của bản thân: Việc này không chỉ giúp bạn nhận ra tác hại của việc mua sắm không cần thiết mà còn tìm lại những món đồ đã mua và còn có thể sử dụng được. Điều này vừa giúp bạn suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định vung tiền chi tiêu, vừa tận dụng những món đồ “quen hoá lạ” để làm mới không gian mà không cần phải mua sắm thêm. Đồng thời, không gian sạch sẽ và gọn gàng giúp tâm trạng trở nên tốt hơn và giảm stress hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu nguồn cơn gây ra trạng thái lo âu, căng thẳng là công việc, đồng nghiệp,.., thì việc vung tay chi tiền để mua sắm thực sự không thể giải quyết triệt để. Áp lực khiến bạn khó kiểm soát nhu cầu cá nhân, do đó, bạn nên nhìn vào gốc rễ vấn đề, chấp nhận đối diện và bắt tay giải quyết điều phiền não.

Bên cạnh đó, các bạn có thể dành thời gian cho việc tạo ra và chi tiền cho một vài thói quen lành mạnh, có mục đích rõ ràng cho bản thân như đan len, vẽ tranh, làm bánh, tập thể dục,… để phân tán năng lượng tiêu cực. Đừng quên giữ vững lập trường và thực hiện theo những nguyên tắc đã đặt ra, điều này sẽ giúp bản thân không sa ngã trước những lý do hấp dẫn của việc mua sắm vô tội vạ.

Kết luận

Thay vì vung tay quá trán miễn vui là được, để rồi niềm vui chóng vánh kéo theo nhiều hệ luỵ “túng quẫn” trong tương lai, hãy kiểm soát Retail Therapy và biến nó trở thành cơ chế đối phó căng thẳng, áp lực công việc một cách lành mạnh. Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều về Retail Therapy và tỉnh táo trước những nhu cầu phung phí tiền bạc của cá nhân. 

Xem thêm: 10 kỹ năng Product Marketing cần thiết để Marketer bứt phá trong sự nghiệp

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục