Bạn có nhớ những chai Coca Cola được in tên đã làm mưa làm gió như thế nào trên thị trường không? Mọi người đều mua những chai được cá nhân hóa và chụp hàng ngàn bức ảnh để chia sẻ trên mạng xã hội. Ý tưởng này đã được hoan nghênh ở 80 quốc gia khác nhau, các nền tảng truyền thông xã hội tràn ngập với những bức ảnh của Coca Cola. Đây có thể là một trong những chiến dịch UGC thành công nhất mọi thời đại. Vậy bạn đã biết UGC là gì chưa? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về UGC qua bài viết dưới đây.
Giải mã UGC hay UGC content là gì?
UGC là viết tắt của từ User-Generated Content – một thuật ngữ đề cập đến dạng nội dung liên quan đến sản phẩm, thương hiệu được tạo ra bởi khách hàng. UGC có nhiều dạng như đánh giá, video đập hộp, hình ảnh trên mạng xã hội. Khi khách hàng trở nên “khó tính” và “cảnh giác” với tất cả những nội dung, chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp thì UGC chính giải quyết vấn đề nan giải này. Các UGC creator mang đến những nội dung chân thực, không bóng bẩy và trải nghiệm thực tế trong quá trình sử dụng. Đây chính là điều mà khách hàng cần, vì vậy UGC dần chiếm ưu thế trong các hoạt động tiếp thị.
Một ví dụ điển hình là vào năm 2021, người dùng TikTok Trinidad Sandoval đã đăng tải video cho thấy tác dụng của kem dưỡng mắt thương hiệu Peter Thomas Roth. Sự lan truyền của một video đơn giản ghi lại thói quen buổi sáng của Trinidad đã khiến sản phẩm này cháy hàng chỉ trong một tuần. Trong khi số lượng hàng bán này đáng lẽ phải mất tận 6 tháng. Hay gần gũi hơn là “chiến thần” Hà Linh, người đã tự phá kỷ lục bán hàng của chính mình trong các lần livestream cho những thương hiệu đình đám.
Giá trị của UGC là gì?
Giá trị thực sự của UGC nằm ở tính xác thực của nội dung. Các số liệu sau đây là bằng chứng cho sức mạnh của loại nội dung này:
– Báo cáo State of UGC 2023 cho thấy 93% nhà tiếp thị đồng ý rằng người tiêu dùng tin tưởng nội dung do khách hàng tạo ra hơn so với nội dung của thương hiệu.
– Theo báo cáo của Nosto, 79% khách hàng nói rằng UGC có tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của họ. Đồng thời nhận thấy UGC có ảnh hưởng hơn 9,8 lần so với nội dung của KOLs/Influencers trong quá trình lựa chọn sản phẩm.
Lợi ích cụ thể của UGC là gì?
1. UCG là bằng chứng xã hội ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người dùng
Bằng chứng xã hội là sự xác thực mà khách hàng cần và UGC làm được điều này. Mọi người tin tưởng nhau (people trust people) chứ không phải tin vào các nhà tiếp thị. Do đó, khách hàng chuyển sang dạng nội dung của người dùng để tìm kiếm thông tin thực tế về sản phẩm.
UGC cũng có thể thúc đẩy khả năng tiếp cận và tăng trưởng trên mạng xã hội. Vì hầu hết khách hàng đều sẵn sàng chấp nhận những đề xuất, ý kiến về sản phẩm từ những người dùng khác. Ví dụ với việc phát hành iPhone 6, Apple khuyến khích người dùng chụp ảnh hàng ngày từ điện thoại của họ. Sau đó tải chúng lên mạng xã hội và sử dụng hashtag #ShotOnIphone6. Apple đã chọn những hình ảnh đẹp nhất để giới thiệu ở nhiều nền tảng khác nhau trên toàn thế giới. Ý tưởng này đã mang lại những đánh giá tích cực cho sản phẩm.
Như vậy, UGC là cách hữu hiệu để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, tác động cũng như chuyển đổi họ thành người mua hàng. Khi khách hàng nhìn thấy người khác cũng sử dụng sản phẩm, họ sẽ tin tưởng và an tâm hơn. Theo khảo sát của Stackla, 60% người tiêu dùng cho biết nội dung từ bạn bè, người thân sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.
2. Xây dựng lòng trung thành với thương hiệu
UGC nuôi dưỡng lòng trung thành với thương hiệu vì người tạo ra nội dung chứ không phải các nỗ lực tiếp thị của doanh nghiệp. Do đó, các công ty có thể tạo dựng mức độ tin cậy cao bằng cách tôn trọng tiếng nói và khuyến khích họ tham gia vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Điều này xuất phát từ tâm lý mong muốn được thuộc về cộng đồng của con người. UGC sẽ thúc đẩy cảm giác này bằng cách xây dựng một nhóm người và hoan nghênh tiếng nói của từng cá nhân.
Xem thêm: Brand Equity là gì? Chiến lược vàng xây dựng tài sản thương hiệu bền vững
3. Tối ưu về chi phí
UGC là một lựa chọn tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm mà không có nhiều ngân sách cho KOLs/Influencers hay quảng cáo truyền hình. Do đó hãy khéo léo tạo những nội dung UGC một cách tự nhiên.
4. Hỗ trợ SEO nhờ UGC là gì?
Các đánh giá tích cực của khách hàng sẽ nâng cao khả năng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) của doanh nghiệp. Khách hàng chủ yếu đăng UGC có liên kết ngược đến trang web sản phẩm. Do đó sẽ tăng cường hiệu quả của hoạt động SEO.
UGC có những loại nội dung nào?
UGC không giới hạn quy mô hay sản phẩm. Từ các thương hiệu xa xỉ đến sản phẩm bình dân đều có các UGC creator tạo ra những nội dung phù hợp. Vậy các loại nội dung phổ biến của UGC là gì?
– Ảnh và video trên mạng xã hội: đây là nội dung phổ biến và thu hút nhất. Trong đó, TikTok là mạng xã hội có nhiều UGC hiện nay. Với định dạng video ngắn, người dùng dễ dàng tạo ra những trải nghiệm với sản phẩm. Hình thức này sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên, khi có người mua hàng, UGC creator sẽ nhận được hoa hồng từ doanh nghiệp.
– Đánh giá: một trong những loại UGC tốt nhất là đánh giá, xếp hạng của khách hàng. Các bài đánh giá ở trang mua hàng hay hồ sơ doanh nghiệp trên Google là tài nguyên quý giá của doanh nghiệp.
– Hỏi đáp ở các diễn đàn, group Facebook: đây là nơi người dùng tham gia vào các cuộc thảo luận về sản phẩm.
– Đập hộp: theo dữ liệu từ Google, thời lượng người dùng xem các video đập hộp trên Youtube tương đương với việc xem phim “Love Actually” hơn 20 triệu lần, tương đương 2,5 tỷ phút.
Làm thế nào để tích hợp UGC vào chiến lược tiếp thị?
Một nghiên cứu về UGC của công ty nghiên cứu thị trường Dynata thực hiện cho khách hàng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng có khả năng mua hàng nhiều hơn nếu thương hiệu cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa. Dữ liệu này chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều minh chứng cho tầm quan trọng của việc tích hợp UGC vào chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp. Sau đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng cho các hoạt động triển khai UGC:
1. Đánh giá
Trước khi đưa ra quyết định mua hàng, hầu hết khách hàng đều đọc các bài đánh giá sản phẩm. Để tích hợp UGC đánh giá vào các chiến dịch tiếp thị, doanh nghiệp nên khuyến khích khách hàng để lại nhận xét cho sản phẩm ở các nền tảng như Facebook, Google, TikTok và các trang web của bên thứ ba. Các hình thức khuyến khích như đánh giá nhận phiếu giảm giá, điểm thưởng hoặc quà tặng…
Khi chọn cách này, sẽ có cả đánh giá tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên cả hai đều phục vụ cho việc xây dựng, cải thiện hình ảnh thương hiệu. Những nhận xét tiêu cực là cơ hội để doanh nghiệp có tự đánh giá lại và cải thiện sản phẩm.
2. Cuộc thi sáng tạo sử dụng hashtag
Những cuộc thi này là một lựa chọn tuyệt vời để các doanh nghiệp tăng nhận thức thương hiệu thông qua hashtag. Đồng thời cũng là cách để tăng doanh số bán hàng. Để kết hợp hình thức UGC này, doanh nghiệp nên tạo nội dung hashtag độc đáo và dễ nhớ.
Ví dụ: một trang web so sánh khách sạn Trivago đã phát động một cuộc thi ảnh trên Instagram và sử dụng hashtag #trivagofaves. Những người tham gia phải chia sẻ ảnh gốc về các khách sạn yêu thích của họ được liệt kê trên Trivago cùng với hashtag để giành được 500USD. Cuộc thi này đã thu hút hơn 37.000 lượt xem và tạo ra vô số bài đăng về các khách sạn hàng đầu cùng với các chương trình khuyến mãi của đối tác.
Xem thêm: Hashtag là gì? Bật mí cách gắn và đo lường hashtag mang lại hiệu quả cao
3. Video của chiến lược UGC là gì?
Video có thể kết nối với khách hàng nhanh chóng bằng nhiều nội dung độc đáo. Khả năng chia sẻ và lan truyền của video còn thúc đẩy đáng kể lượng người theo dõi thương hiệu. Ngoài ra, khi mọi người nhìn thấy khách hàng thật quay video trải nghiệm mua sắm, du lịch hay sử dụng sản phẩm có thể tạo niềm tin cũng như tác động đến quyết định mua hàng của họ. Bằng cách lựa chọn và sử dụng video từ khách hàng, doanh nghiệp sẽ có các video thể hiện đúng thông điệp muốn truyền tải.
4. Nội dung theo mùa
Các mùa và ngày lễ là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thông qua UGC. Trong những dịp đặc biệt này, thương hiệu có thể kết nối về mặt cảm xúc với khách hàng. Để tận dụng UGC hiệu quả nhất, doanh nghiệp nên nghiên cứu khách hàng mục tiêu và có kế hoạch chỉn chu. Chẳng hạn tổ chức các cuộc thi, yêu cầu khách hàng chia sẻ hình ảnh, đăng video… Ví dụ Starbucks từng tổ chức #RedCupContest hàng năm vào tháng 12. Khách hàng sẽ chia sẻ ảnh về những chiếc cốc cà phê theo yêu cầu của Starbucks trên mạng xã hội để có cơ hội giành được thẻ quà tặng.
Đừng cố bán quá nhiều sản phẩm, hãy trưng bày và để khách hàng nói về chúng là cách mà UGC hoạt động. Mặc dù mang đến hiệu quả cao tuy nhiên bạn nên nhớ bạn làm được thì người khác cũng vậy. Sự khác biệt nằm ở cách thức tạo ra UGC. Do đó trước khi bắt tay thực hiện bất kỳ hoạt động nào, việc nghiên cứu, tìm hiểu và lên kế hoạch là rất quan trọng. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về UGC là gì và có thêm những ý tưởng mới áp dụng UGC cho doanh nghiệp. Để tìm việc Marketing lương cao, hãy truy cập Việc Làm 24h với vô vàn job ngon mỗi ngày.
Xem thêm: Tăng doanh số gấp 10 lần nhờ áp dụng hiệu ứng lan truyền trong Marketing