Hiring Freeze hay đóng băng tuyển dụng là một chiến lược được các công ty sử dụng trong thời kỳ khó khăn hoặc suy thoái kinh tế. Là một nhà tuyển dụng, nếu công ty ra chỉ thị Hiring Freeze, bạn sẽ làm gì trong thời gian này? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá những cách để người làm nhân sự đi qua mùa đóng băng tuyển dụng qua bài viết dưới đây.
Hiring Freeze là gì?
Hiring Freeze đề cập đến việc doanh nghiệp ngừng tuyển dụng nhân viên mới cho các vị trí còn trống. Tình trạng này thường chỉ là tạm thời với mục tiêu giảm chi phí. Đây là kết quả của sự khó khăn về tài chính, ngay cả những công ty lớn cũng lựa chọn đóng băng tuyển dụng trong bối cảnh kinh tế suy thoái hoặc dư thừa lao động.
Việc đóng băng tuyển dụng có thể là ngắn hạn hoặc dài hạn và có thể giúp doanh nghiệp tránh sa thải nhân viên. Hiring Freeze không có nghĩa là ngừng hoàn toàn mọi hoạt động tuyển dụng mà là dừng mọi nỗ lực cho việc tìm kiếm cũng như không tạo ra vị trí mới. Đối với những vị trí thiết yếu, doanh nghiệp vẫn cần tuyển nhân viên để đáp ứng nhu cầu.
Tại sao doanh nghiệp lại quyết định Hiring Freeze?
Đóng băng tuyển dụng thường xảy ra ở những công ty đang gặp khó khăn nhưng cũng có thể ở một số công ty thành công đang tìm cách tối ưu tỷ suất lợi nhuận.
Một trong những yếu tố chính của Hiring Freeze là tình hình kinh tế. Trong những giai đoạn kinh tế suy thoái, giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Bằng cách tối ưu hóa tài chính và không tăng thêm chi phí cho quá trình tuyển dụng mới, các công ty có thể tập trung vào việc duy trì hoạt động hiện tại ổn định.
Ngoài ra, sự không chắc chắn về tương lai khi các công ty dự đoán và đánh giá rủi ro từ các yếu tố khách quan cũng là nguyên nhân dẫn đến quyết định Hiring Freeze. Khi đó việc đóng băng tuyển dụng được xem là giải pháp an toàn giúp công ty tránh những quyết định đào tạo và tuyển dụng mới có thể không hợp lý trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, quyết định về Hiring Freeze cũng có thể xuất phát từ nhu cầu tái cơ cấu tổ chức. Trong quá trình này, công ty cần điều chỉnh cấu trúc tổ chức hoặc giảm quy mô nhân sự để tối ưu hóa hiệu suất và năng suất làm việc. Việc đóng băng tuyển dụng có thể đi kèm với các biện pháp như đào tạo lại nhân viên hiện tại, thiết lập lại quy trình làm việc hoặc thậm chí là chuyển đổi nhân sự từ các vị trí không cần thiết sang các vị trí quan trọng hơn.
Cuối cùng, quyết định về tuyển dụng mới cũng phụ thuộc vào chiến lược dài hạn của công ty. Các doanh nghiệp chọn Hiring Freeze để tập trung vào việc phát triển kỹ năng của nhân viên hiện tại, tạo điều kiện cho sự đổi mới và sáng tạo hoặc chuẩn bị mở rộng quy mô trong tương lai khi điều kiện thị trường trở nên lý tưởng hơn.
Xem thêm: 4 bí quyết chủ động tìm kiếm ứng viên tài năng cho doanh nghiệp
Sự khác biệt giữa sa thải và Hiring Freeze là gì?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều công ty thực hiện sa thải và Hiring Freeze cùng lúc khiến nhiều người lầm tưởng hai khái niệm này giống nhau. Tuy nhiên, trên thực tế chúng có sự khác biệt và được thể hiện qua bảng sau:
Hiring Freeze | Sa thải |
Tạm dừng hoạt động tuyển dụng nhân viên mới, ngoại trừ các vị trí cần thiết. | Người lao động bị cho thôi việc |
Các vị trí trống không được “lấp đầy” trong một khoảng thời gian. | Việc sa thải có thể là tạm thời hoặc vô thời hạn. |
Nhân viên hiện tại có thể bị hoãn thăng chức. | Một số công ty lớn có thể thông báo trước và chi trả bồi thường sa thải nhân viên. |
Không tăng lương, thưởng để tiết kiệm ngân sách. | Sa thải thường xảy ra như một giải pháp cắt giảm chi phí. |
Nhà tuyển dụng nên làm gì khi công ty quyết định Hiring Freeze?
1. Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng
Thương hiệu nhà tuyển dụng là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp nổi bật với hình ảnh “môi trường làm việc đáng mơ ước”. Trong thời gian Hiring Freeze, hãy dành thời gian xây dựng hình ảnh này để có nhiều kết quả tích cực hơn. Thương hiệu nhà tuyển dụng sẽ làm nổi bật văn hóa, giá trị của công ty. Đây chính là lý do giải thích tại sao nhiều doanh nghiệp lại thu hút được nhiều ứng viên đến vậy.
Ngoài ra, thương hiệu nhà tuyển dụng không chỉ tác động đến quyết định của ứng viên mà còn cả nhân viên của doanh nghiệp. Nhân viên có xu hướng gắn bó với những công ty mà họ tôn trọng và cảm thấy hài lòng.
2. Cải thiện quy trình tuyển dụng
Bạn có thể tận dụng khoảng thời gian Hiring Freeze này để xem xét các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề trong quy trình tuyển dụng đã nhận thấy từ lâu (nếu có) nhưng chưa có thời gian để tập trung toàn bộ sức lực vào đó. Trước tiên hãy tìm hiểu nhanh các số liệu và dữ liệu tuyển dụng để xác định một số thông tin chi tiết ban đầu về những gì bạn có thể thay đổi. Một số dữ liệu có thể kể đến như chi phí mỗi lần tuyển dụng, nguồn tuyển dụng, tỷ lệ chấp nhận công việc.
Sau đó, việc phân tích những dữ liệu này sẽ giúp bạn xác định điểm bất ổn và đưa ra giải pháp phù hợp. Nếu bạn phát hiện nhiều ứng viên ứng tuyển bỏ ngang trong giai đoạn đánh giá trước phỏng vấn có thể cho thấy bài đánh giá của bạn quá dài, khó hoặc thậm chí không liên quan đến vị trí công việc. Vì vậy khiến ứng viên mất hứng thú và tác động đến trải nghiệm tổng thể của họ. Giải pháp đưa ra sẽ là thay đổi bài đánh giá hoặc tìm ra các công cụ đánh giá hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, bạn có thể cập nhật lại hướng dẫn tuyển dụng mới, chẳng hạn như sổ tay tuyển dụng, thông tin đào tạo… Ý tưởng này sẽ giúp bạn và đồng nghiệp sắp xếp lại mọi thứ trôi chảy hơn khi hoạt động tuyển dụng trở lại.
Xem thêm: 4 điều cần nhớ giúp tránh lãng phí ngân sách tuyển dụng cho doanh nghiệp
3. Chuẩn bị cho tương lai
Hãy xem Hiring Freeze là một bước lùi cho những bước tiến tích cực hơn và hoạt động tuyển dụng sẽ trở lại đúng hướng với tốc độ và cường độ cao hơn trước. Từ giờ cho đến lúc đó, bạn nên chủ động và tận dụng thời gian để chuẩn bị cho tương lai bằng những hoạt động như:
– Trao đổi với các bộ phận liên quan về nhu cầu hiện tại, cách họ muốn nhóm mình phát triển như thế nào. Nếu công ty đang trong quá trình tái cấu trúc, họ có thể không cung cấp thông tin rõ ràng ngay lập tức nhưng bạn nên khai thác các kỹ năng hay vai trò tiềm năng mà công ty cần.
– Phát triển nguồn nhân tài qua các kênh như LinkedIn, mạng xã hội.
4. Đầu tư vào bản thân
Phát triển kỹ năng tuyển dụng của bản thân là một ý tưởng không tồi cho thời gian trống này. Khi guồng quay làm việc hàng ngày nhanh chóng, bạn sẽ không có thời gian để bắt kịp các xu hướng tuyển dụng. Nhưng giờ đây, bạn đã có thời gian để đọc blog, nghe podcast, xem video về các nội dung tuyển dụng, nhân sự để nâng cao kỹ năng. Việc này không chỉ giúp bạn cập nhật thông tin đầy đủ mà còn giúp phát triển góc nhìn và chiều sâu về nghề nghiệp.
Ngoài ra, đừng ngần ngại tham gia các khóa đào tạo hoặc hội thảo mới để tăng cường kiến thức chuyên môn. Đây có thể là cơ hội tuyệt vời để nắm vững những kỹ năng mới hoặc thậm chí là để chuyển đổi sang các lĩnh vực liên quan mà bạn luôn muốn khám phá. Việc học hỏi không bao giờ có hạn và thời gian Hiring Freeze là cơ hội tuyệt vời để bạn đầu tư vào sự phát triển cá nhân, chuẩn bị cho những cơ hội mới sẽ đến trong tương lai.
Tóm lại, quyết định về việc đóng băng tuyển dụng không chỉ là một biện pháp tiết kiệm chi phí mà còn là một chiến lược toàn diện giúp công ty duy trì sự linh hoạt và thích ứng trong môi trường đầy thử thách. Do đó, với tư cách là nhà tuyển dụng, bạn có thể tận dụng thời gian này để lùi lại và chuẩn bị cho những bước phát triển trong tương lai. Với những thông tin trên, hy vọng đã mang đến một góc nhìn mới cho bạn đọc về Hiring Freeze. Để làm mới nguồn ứng viên cho doanh nghiệp, nhà tuyển dụng hãy liên hệ Việc Làm 24h ngay nhé!
Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Việc Làm 24h để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!
Xem thêm: 4 lợi ích khi tuyển thực tập sinh mà doanh nghiệp không thể bỏ qua