Trong thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, sở hữu Talent Pool sẽ rất hữu ích để bộ phận nhân sự có thể tối ưu hóa quy trình tuyển dụng. Talent Pool là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết.
Talent Pool là gì?
Thuật ngữ “Talent Pool” trong tiếng Anh thường được sử dụng để mô tả một nhóm người có khả năng, kỹ năng đặc biệt trong một lĩnh vực cụ thể. Talent Pool có thể áp dụng cho các lĩnh vực như doanh nghiệp, nghệ thuật, thể thao…
Trong ngữ cảnh doanh nghiệp, Talent Pool được hiểu là việc quản lý nhân sự và tìm kiếm các ứng viên phù hợp để đáp ứng nhu cầu công việc của tổ chức. Các công ty thường xuyên duy trì Talent Pool để dễ dàng tiếp cận và tuyển dụng những ứng viên tiềm năng khi có nhu cầu. Thông thường, bộ phận nhân sự sẽ sàng lọc và chọn ra một nhóm ứng viên cụ thể để tuyển dụng nội bộ hoặc lập kế hoạch kế nhiệm.
Những tiêu chí chính để xây dựng Talent Pool bao gồm:
– Theo địa điểm: chẳng hạn như Pool ứng viên Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh…
– Theo vị trí: Pool kinh doanh, nhân sự, Marketing, kế toán…
– Theo năng lực chuyên môn: Pool quản lý, truyền thông, lãnh đạo…
– Theo thời gian: Pool full-time, part-time, freelancer, intern…
Tại sao doanh nghiệp lại cần Talent Pool?
Sở hữu Talent Pool sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nói chung và quá trình tuyển dụng nói riêng:
– Cải thiện thời gian tuyển dụng: Tuyển dụng có thể mất vài tuần hoặc vài tháng tùy thuộc vào vai trò và thị trường việc làm. Với Talent Pool, bộ phận nhân sự sẽ tiết kiệm được thời gian bằng cách chọn các ứng viên sẵn có để liên hệ và xếp lịch phỏng vấn. Ngoài ra, còn tối ưu công sức tìm kiếm, sàng lọc ứng viên mới vì đã có thông tin trong cơ sở dữ liệu.
– Giảm chi phí: Tuyển dụng cũng cần đến chi phí như quảng cáo hay sử dụng các nền tảng tuyển dụng khác nhau. Với Talent Pool, doanh nghiệp có thể giảm chi phí này khi tuyển dụng trực tiếp từ nguồn sẵn có.
– Cải thiện sự đa dạng: Sở hữu Talent Pool là cơ hội để tiếp cận với nhiều ứng viên có nền tảng, kinh nghiệm và phong cách khác nhau.
– Nâng cao trải nghiệm của ứng viên: Khi có Talent Pool, bộ phận nhân sự có thể cải thiện trải nghiệm ứng viên bằng cách liên lạc và phản hồi được cá nhân hóa. Đồng thời, còn thu hút ứng viên tham gia các sự kiện hay cơ hội tuyển dụng của doanh nghiệp. Điều này sẽ làm tăng sự quan tâm và tin tưởng của ứng viên đối với thương hiệu tuyển dụng.
Tìm kiếm nguồn Talent Pool ở đâu?
Có nhiều cách để tìm kiếm nguồn Talent pool phụ thuộc vào lĩnh vực và mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.
Ứng viên cũ
Đây là những ứng viên đã vào đến những vòng cuối cùng của quy trình tuyển dụng nhưng chưa phù hợp với doanh nghiệp ở thời điểm nào đó trong quá khứ. Vì vậy đây là những ứng viên tiềm năng để bộ phận nhân sự lưu vào cơ sở dữ liệu.
Trang web tuyển dụng và mạng xã hội
– Sử dụng các website tuyển dụng như LinkedIn, Vieclam24h.vn… để tìm kiếm và kết nối với những người có kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp.
– Tham gia các hội nhóm chuyên ngành trên các mạng xã hội để tìm kiếm và tương tác với những ứng viên tiềm năng.
Sự kiện và hội nghị ngành
– Tham gia các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên ngành để gặp gỡ và kết nối với những người tài năng.
– Tham gia ngày hội tuyển dụng để tiếp cận nguồn ứng viên đa dạng.
Trường đại học và các tổ chức giáo dục
– Liên kết với trường đại học, cao đẳng hoặc các tổ chức giáo dục để tìm kiếm sinh viên xuất sắc, tiềm năng.
– Tham gia vào các chương trình thực tập để xây dựng mối quan hệ với người trẻ có tiềm năng.
Headhunter
Thuê các công ty, cá nhân tư vấn tuyển dụng để tìm kiếm và đánh giá ứng viên.
Xem thêm: Headhunter là gì? Làm gì để trở thành headhunter doanh nghiệp nào cũng cần
4 bước xây dựng và quản lý Talent Pool hiệu quả
Xây dựng và quản lý Talent Pool đòi hỏi kế hoạch phù hợp. Dưới đây là 4 bước giúp bạn thực hiện công việc này hiệu quả hơn:
1. Xác định nhu cầu
Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là xác định rõ nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại, tương lai. Quá trình này bao gồm việc điều chỉnh nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu tổng thể của tổ chức, chẳng hạn như muốn tăng doanh số bán hàng, bạn có thể cần tuyển thêm nhân viên kinh doanh. Bên cạnh đó còn đánh giá một số tiêu chí mà doanh nghiệp kỳ vọng về cả chuyên môn và kỹ năng mềm.
2. Xây dựng kế hoạch tìm kiếm
Chiến lược tìm kiếm là yếu tố quyết định sự thành bại của quá trình xây dựng Talent Pool. Sử dụng đa dạng nguồn tuyển dụng như trang web chuyên ngành, mạng xã hội, sự kiện ngành… Hãy tập trung vào cả tìm kiếm trực tuyến lẫn truyền thống để đảm bảo nguồn đa dạng ứng viên.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các công cụ HRM để theo dõi và quản lý thông tin ứng viên. Việc tích hợp công nghệ sẽ giúp tối ưu hóa quá trình tìm kiếm, sàng lọc và đánh giá.
3. Xây dựng danh sách ưu tiên
Nhằm tối ưu chất lượng của Talent Pool, bạn nên đánh giá, phân loại ứng viên có tiềm năng và kỹ năng phù hợp nhất với nhu cầu của tổ chức. Để hoàn thành công việc này, bạn có thể gắn thẻ tag hoặc xếp hạng từng ứng viên trong Talent Pool để khi có nhu cầu, bạn sẽ biết nên liên hệ với ứng viên nào. Ngoài ra cũng nên cập nhật danh sách này đều đặn để đảm bảo sự chính xác và hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
4. Quản lý Talent Pool
Việc quản lý Talent Pool nhằm đảo bảo ứng viên luôn gắn bó và hiểu được mọi kỳ vọng của doanh nghiệp. Với các nhóm bên ngoài, bạn có thể thường xuyên gửi mail để thông báo các cơ hội tuyển dụng hay thông tin về các sự kiện của công ty. Đây cũng là một cách gián tiếp để phát triển thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đối với Talent Pool nội bộ bạn hãy đánh giá sự tiến bộ của nhân viên để theo dõi quá trình phát triển của họ.
Những thách thức trong việc xây dựng Talent Pool
Xây dựng Talent Pool cần có thời gian và công sức. Bạn có thể sẽ gặp một số khó khăn nếu mới bắt đầu biết đến khái niệm này. Dưới đây là những khó khăn phổ biến mà nhà tuyển dụng gặp phải và cách vượt qua:
Thiếu sự đa dạng
Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn có nguồn nhân lực đa dạng để thúc đẩy sự sáng tạo với nhiều quan điểm từ những người có kinh nghiệm và nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, sự đa dạng không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được. Danh tiếng của doanh nghiệp là một rào cản để ứng viên nộp đơn và những thành kiến nội bộ từ các nhân viên hiện tại có thể cản trở nỗ lực đa dạng hóa của bộ phận nhân sự.
Để khắc phục điều này, bạn nên đăng quảng cáo việc làm hay chọn nhiều hình thức tuyển dụng để thu hút nhiều ứng viên hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia vào các sự kiện tuyển dụng tại các trường đại học, cao đẳng để tránh phân biệt tuổi tác.
Nguồn lực nội bộ hạn chế
Có thể bạn nhận thấy nhu cầu và vấn đề về nguồn nhân lực nhưng không có đủ nguồn lực cần thiết để thay đổi. Bạn không có phần mềm phù hợp để hỗ trợ, không có đủ thành viên để đảm nhiệm công việc này hoặc không có nhiều chi phí để đầu tư.
Nếu bạn tin rằng doanh nghiệp sẽ đạt được nhiều lợi ích từ Talent Pool nhưng cần nhiều nguồn lực hơn để phát triển nguồn lực đó hiệu quả, hãy trao đổi trực tiếp với cấp trên. Khi bạn đưa ra được lý do đủ mạnh để thuyết phục ban lãnh đạo, khả năng cao bạn sẽ được hỗ trợ tối đa.
Quản lý Talent Pool không chỉ là một bước tuyển dụng mà còn là một chiến lược dài hạn để xây dựng và duy trì mối quan hệ với ứng viên tiềm năng. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về chủ đề này và có thêm ý tưởng để tối ưu hóa công việc. Đừng quên theo dõi blog của Vieclam24h.vn mỗi ngày để cập nhật những bài viết bổ ích khác nhé!
Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Vieclam24h.vn để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!
Xem thêm: 9 phần mềm HRM tốt nhất doanh nghiệp không thể bỏ qua