Chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc cụm từ “sống ảo”, nhưng bạn có từng nghe qua về “nỗ lực ảo” chưa. Nếu sống ảo là cách bạn xây dựng hình tượng “giả” trên mạng xã hội vậy nỗ lực ảo có tương tự không hay đề cập đến vấn đề nào khác? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Nỗ lực ảo là gì?
Nỗ lực ảo là việc thực hiện những hành động có vẻ như để đạt được mục tiêu nào đó, nhưng thực tế lại không mang lại kết quả cụ thể hoặc không có hiệu quả thực sự. Những hành động này chỉ là làm màu vẻ bề ngoài hay để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang nỗ lực ảo?
– Thiếu kết quả cụ thể: Bạn luôn bận rộn nhưng không đạt được thành tựu rõ ràng.
– Công việc hình thức: Thường tham gia vào các nhiệm vụ không mang lại giá trị thực sự.
– Kiệt sức nhưng không tiến bộ: Mệt mỏi sau khi làm việc nhưng không thấy tiến triển.
– Không có mục tiêu rõ ràng: Làm việc không hướng đến mục tiêu cụ thể.
– Thiếu ưu tiên: Bạn làm mọi thứ mà không phân biệt công việc quan trọng.
– Thường xuyên làm ngoài giờ: Làm thêm giờ mà không cải thiện hiệu quả.
– Thiếu thỏa mãn: Không hài lòng với công việc dù làm nhiều.
– Đánh giá bằng sự bận rộn: Hiệu quả công việc được đo bằng sự bận rộn thay vì kết quả.
Ví dụ về nỗ lực ảo
– Trong môi trường làm việc: Nhân viên làm nhiều việc chỉ để thể hiện mình đang rất bận rộn nhưng thực chất những công việc đó không mang lại giá trị hoặc không giúp đạt được mục tiêu của công ty. Ví dụ, tham gia nhiều cuộc họp không cần thiết hoặc chuẩn bị nhiều báo cáo không được sử dụng.
– Trong cuộc sống cá nhân: Đặt ra kế hoạch cụ thể nhưng chỉ hào hứng thực hiện được vài ngày sau đó lại dành nhiều thời gian lướt mạng xã hội mà không có mục đích cụ thể.
Nguyên nhân nào dẫn đến nỗ lực ảo?
Nỗ lực ảo thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một số nguyên nhân chính có thể kể đến như:
Áp lực từ môi trường xung quanh
Áp lực từ môi trường xung quanh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nỗ lực ảo. Sự kỳ vọng cao từ cấp trên có thể khiến nhân viên cảm thấy họ phải tỏ ra bận rộn và nỗ lực không ngừng để tránh bị đánh giá thấp, mặc dù công việc thực sự có thể không cần thiết.
Đồng thời, văn hóa cạnh tranh trong môi trường làm việc thúc đẩy các nhân viên cố gắng thể hiện mình đang làm việc nhiều hơn so với thực tế. Thêm vào đó, áp lực xã hội luôn phải thành công và sự chăm chỉ cũng có thể dẫn đến việc cá nhân cảm thấy phải chứng minh giá trị qua việc thể hiện nỗ lực ảo.
Thiếu định hướng, mục tiêu rõ ràng
Khi không có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái làm việc không có kế hoạch cụ thể, dẫn đến thực hiện những nhiệm vụ không mang lại giá trị thực tế mà chỉ để giết thời gian hay tỏ ra bận rộn để lấp đầy sự thiếu định hướng. Ngoài ra, không có kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả hay không biết cách ưu tiên công việc cũng có thể dẫn đến làm việc quá nhiều mà không mang lại kết quả tương xứng.
Sợ bị phê bình
Nỗi sợ bị chỉ trích hoặc bị đánh giá thấp có thể khiến bạn làm nhiều việc chỉ để tránh bị phê bình, thay vì tập trung vào những việc thực sự quan trọng và mang lại kết quả. Bên cạnh đó, nếu môi trường làm việc đo lường hiệu quả bằng khối lượng công việc thay vì chất lượng và hiệu quả sẽ rất dễ khuyến khích nhân viên nỗ lực ảo.
Khao khát chứng tỏ bản thân
Mong muốn chứng tỏ năng lực và giá trị bản thân có thể khiến bạn thực hiện nhiều công việc không cần thiết chỉ để gây ấn tượng với người khác. Điều này đặc biệt phổ biến ở những người mới bắt đầu sự nghiệp, khi họ cảm thấy áp lực phải chứng minh bản thân mình với đồng nghiệp và cấp trên.
Ngoài ra, những người đang muốn thăng tiến nhanh chóng trong công việc cũng thường có xu hướng này. Họ lo ngại rằng nếu không tỏ ra làm việc chăm chỉ, họ sẽ không được đánh giá cao và không có cơ hội thăng tiến. Chính vì vậy, họ đầu tư nhiều thời gian và công sức vào những công việc hình thức thay vì tập trung vào những nhiệm vụ thực sự quan trọng và mang lại hiệu quả cao.
Nỗ lực ảo gây ra những hệ lụy nào?
Nỗ lực ảo dù có vẻ ngoài là chăm chỉ và cống hiến nhưng thực tế lại mang đến nhiều hậu quả như:
– Lãng phí thời gian, công sức: Khi tập trung vào những công việc không mang lại giá trị thực sự, bạn sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, nguồn lực mà không đạt được mục tiêu mong muốn. Thay vì đầu tư vào những hoạt động mang lại hiệu quả thì bạn lại bị cuốn vào những công việc không cần thiết.
– Giảm hiệu suất, động lực làm việc: Nhận thấy nỗ lực của mình không mang lại kết quả sẽ làm bạn nản lòng, chùn bước. Ở môi trường công sở, khi nhân viên cảm thấy công việc của họ không có ý nghĩa hoặc không được công nhận, họ sẽ mất đi sự nhiệt tình và tinh thần làm việc.
– Căng thẳng: Làm việc quá nhiều mà không thấy kết quả chắc chắn sẽ gây ra mệt mỏi về tinh thần cũng như thể chất.
– Thất bại trong việc đạt được mục tiêu dài hạn: Khi thời gian, công sức bị lãng phí vào những nỗ lực ảo, các mục tiêu dài hạn quan trọng khả năng cao sẽ bị bỏ lỡ. Điều này dẫn đến sự thất bại trong việc phát triển bền vững và đạt được những thành tựu lớn hơn.
Làm thế nào để biến nỗ lực ảo thành nỗ lực thật?
Để biến nỗ lực ảo thành nỗ lực thật, bạn nên thay đổi cách tiếp cận công việc và tập trung vào các phương pháp làm việc hiệu quả hơn như:
1. Xác định rõ mục tiêu
Sử dụng mô hình SMART là cách để đảm bảo mục tiêu của bạn cụ thể (Specific), đo lường được (Measurable), có thể đạt được (Achievable), liên quan (Relevant) và có thời hạn (Time-bound).
Xem thêm: Phương pháp SMART là gì? Cách cực hữu ích ứng dụng SMART vào công việc
2. Lập kế hoạch chi tiết
– Phân chia công việc thành các bước nhỏ: Thay vì chỉ làm việc một cách chung chung, hãy lập danh sách các nhiệm vụ cụ thể cần hoàn thành để đạt được mục tiêu.
– Ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng: Sử dụng ma trận Eisenhower để xác định và tập trung vào những nhiệm vụ khẩn cấp trước.
3. Theo dõi, đánh giá tiến độ
– Đặt các mốc kiểm tra thường xuyên: Định kỳ đánh giá tiến độ công việc và điều chỉnh kế hoạch nếu cần thiết sẽ giúp bạn nhận ra những nỗ lực ảo để thay đổi.
– Sử dụng công cụ quản lý công việc: Các công cụ như Trello, Asana,… sẽ giúp hỗ trợ quá trình theo dõi tiến độ và đảm bảo bạn đang tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng.
4. Xây dựng thói quen làm việc khoa học
– Tạo các thói quen làm việc hiệu quả: Hình thành thói quen làm việc vào những khung giờ cố định, nghỉ ngơi hợp lý và duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường năng suất làm việc.
– Sử dụng các kỹ thuật quản lý thời gian: Phương pháp Pomodoro, Getting Things Done là những cách để bạn tổ chức công việc một cách hiệu quả.
– Giảm thiểu sự phân tâm: Tạo môi trường làm việc yên tĩnh, hạn chế sử dụng mạng xã hội trong thời gian làm việc để tránh trì hoãn không cần thiết.
Loại bỏ nỗ lực ảo là điều cần thiết để cải thiện hiệu quả làm việc cũng như tăng chất lượng cuộc sống. Hãy luôn hướng đến những nỗ lực thực sự, có giá trị để phát triển bền vững. Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về nỗ lực ảo là gì, đừng quên theo dõi blog của Vieclam24h.vn để cập nhật những chủ đề thú vị mỗi ngày nhé!
Hiện nay, các bạn có thể tạo CV xin việc đúng chuẩn và tải các mẫu CV dễ dàng ngay trên Vieclam24h.vn hoàn toàn miễn phí chỉ trong vài cú nhấp chuột. Đặc biệt, mỗi mẫu CV đều có hướng dẫn cụ thể giúp bạn ghi điểm trước nhà tuyển dụng. Chỉ trong vài phút, các bạn đã có thể sở hữu một CV nhân viên chuyên nghiệp và đầy ấn tượng.
Xem thêm: Fake Work: Giả vờ bận rộn nhưng thật ra chẳng làm gì