Có một câu nói bông đùa rằng thời buổi hiện đại từ con nít đến người lớn đều có áp lực. Tuy đùa nhưng không sai, học hành cũng có áp lực của học hành. Cứ nhìn vào các sĩ tử chuẩn bị thi đại học là hiểu ngay. Trước các kỳ thi quan trọng, nhiều bạn trẻ thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng quá độ do áp lực. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về chủ đề này và cách vượt qua áp lực thi cử ở bài viết dưới đây.
Áp lực thi cử đến từ đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp lực trước kỳ thi đại học, tốt nghiệp THPT như:
Gia đình
Kỳ vọng vào con cái là điều tồn tại ở hầu hết các gia đình, đặc biệt là trước ngưỡng cửa bước vào tương lai. Nhiều cha mẹ sẵn sàng dành nhiều thời gian, công sức để lo lắng chu toàn từ việc chọn trường, chọn ngành đến các địa điểm ôn thi uy tín. Quan điểm cố hữu phải học đại học hay phải đỗ vào trường danh tiếng khiến nhiều cha mẹ vô tình tạo áp lực và bỏ qua năng lực của con cái. Kỳ vọng quá lớn mà không nhìn nhận đủ khía cạnh sẽ tạo ra gánh nặng tâm lý phải đạt đúng theo mong ước của gia đình khiến nhiều bạn trẻ mệt mỏi, thậm chí sợ hãi.
Bản thân
Áp lực tạo nên kim cương là câu nói truyền cảm hứng nhưng chỉ có thể tạo nên kim cương nếu bạn biết cách kiểm soát áp lực. Khi chưa vững vàng và lao đầu bất chấp, áp lực sẽ “nuốt chửng” bạn và tạo ra phản ứng ngược. Tâm lý muốn thể hiện bản thân, vượt qua người khác, phải đỗ vào trường danh giá để chứng tỏ năng lực, không muốn phụ kỳ vọng của ba mẹ…. đều là những suy nghĩ tự đưa các bạn vào thế khó.
Xem thêm: Bạn sẽ làm gì để giảm căng thẳng trong công việc?
Nguyên nhân khách quan khác
Hiện nay bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, một số trường còn tổ chức kỳ thi xét tuyển đại học riêng. Về mặt tích cực, xu hướng này sẽ mở rộng thêm cơ hội cho các sĩ tử, tuy nhiên lại sẽ thêm áp lực bởi phải trải qua nhiều kỳ thi. Ôn luyện song song sẽ khiến lượng kiến thức tiếp thu càng lớn khi trải đều các môn. Đây cũng là áp lực vì cần chia thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý để cân bằng cả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển đại học.
Ảnh hưởng của áp lực thi cử là gì?
Những tưởng áp lực thi cử cũng chỉ dừng lại ở mức mệt mỏi, căng thẳng về thể chất và tinh thần. Nhưng nghiêm trọng hơn, không ít bạn trẻ bị stress, mắc hội chứng lo âu, trầm cảm… và phải nhập viện điều trị. Trong thời gian ôn thi, những lo lắng như không theo được guồng học, sợ thi rớt, áp lực lớn vượt quá sức chịu đựng… có thể dẫn đến những triệu chứng về sinh lý như ăn uống kém, đau đầu, ngủ không sâu giấc, tập trung kém, hồi hộp trống ngực… và diễn biến tâm lý bất thường như tự làm đau bản thân, khó khăn trong kiểm soát hành vi, hội chứng lo âu.
Làm thế nào để giảm áp lực thi cử?
Có thể thấy những ảnh hưởng của áp lực thi cử là không hề nhỏ. Do đó nếu tình trạng này không được phát hiện sớm và giải quyết phù hợp sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe, tinh thần và giảm chất lượng học tập, kết quả thi cử. Vì vậy, cần tìm hiểu, tự biết cách giảm áp lực để phát huy tốt nhất năng lực của bản thân. Dưới đây là một số cách để đối phó với áp lực các bạn có thể áp dụng như:
1. Ôn luyện có kế hoạch
Lập kế hoạch ôn luyện là cách hữu hiệu để các bạn sắp xếp, phân bổ thời gian hợp lý với nguyện vọng của bản thân. Để lập kế hoạch, yêu cầu có sự hiểu rõ bản thân về năng lực ở các môn học, môn nào cần ưu tiên, cách học tốt nhất, lịch trình học như thế nào. Từ đó bạn sẽ lập thời gian biểu phù hợp để đạt kết quả ôn luyện tốt nhất.
2. Không nên học tập quá sức
Gần đến kỳ thi, nhiều bạn lại lao vào ôn luyện bất chấp thời gian, thức khuya dậy sớm là điều thường thấy. Tuy nhiên điều này rất dễ gây kiệt sức nếu cố gắng chống chọi trong một thời gian. Bên cạnh đó, cũng không nên ôm đồm quá nhiều kiến thức cùng một lúc, điều này dễ dẫn đến trạng thái quá tải. Bạn nên nhận thức rõ ràng về năng lực của bản thân cũng như phương pháp học tập hiệu quả để đi đúng hướng và tiến bộ nhanh hơn, đồng thời giảm áp lực thi cử, hạn chế nguy cơ rơi vào trạng thái stress.
3. Chú ý đến lối sống lành mạnh
Trong thời gian nhạy cảm này lại càng phải chú ý đến sức khỏe hơn. Đặc biệt là chế độ ăn uống và giấc ngủ. Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố góp phần quyết định sức khỏe tinh thần, đặc biệt là vào những ngày ôn luyện kín lịch. Còn nếu ngủ không đủ giấc sẽ khiến các bạn dễ bị stress hơn bình thường. Việc để cơ thể thiếu chất, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và ghi nhớ. Do đó cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin và ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày để luôn ở trong trạng thái tốt nhất và ổn định nhất.
Xem thêm: Thực đơn giảm cân nhanh gọn, dễ chuẩn bị dành cho dân văn phòng
4. Dành thời gian để giải trí, nghỉ ngơi để hạn chế áp lực thi cử
Thư giãn là một trong những cách giải tỏa áp lực thi cử hiệu quả. Nếu mệt mỏi, hãy dành thời gian để vui chơi, giải trí thông qua những hoạt động yêu thích của bản thân. Cơ thể cũng cần nghỉ ngơi sau khi tập trung cao độ, do đó đừng bắt ép chính mình quá mức. Đồng thời không nên tự tạo áp lực cho bản thân. Đôi lúc áp lực sẽ không thể trở thành động lực mà còn khiến bạn vất vả và mệt mỏi hơn gấp bội phần.
Xem thêm: 10 bí quyết ngủ ngon dù căng thẳng giúp dân văn phòng sạc lại năng lượng
5. Chia sẻ với người thân, bạn bè
Độ tuổi 18 không còn là trẻ con, nhưng nếu gọi là trưởng thành vẫn chưa đúng. Do đó chắc chắn các bạn sẽ gặp một số thay đổi về tâm lý cũng như khó khăn trong định hướng hay lựa chọn cho tương lai. Do đó, sẽ có nhu cầu chia sẻ căng thẳng, lo lắng hay phiền muộn. Những lúc như vậy cần tâm sự với những người bạn tin tưởng để thoát khỏi suy nghĩ bề bộn trong tâm trí. Nếu im lặng, vô tình chúng sẽ tích tụ lại và khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng hay mắc hội chứng rối loạn lo âu.
Áp lực thi cử là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể chọn cách vượt qua và biến chúng thành “kim cương”. Học giỏi là điều kiện cần, tâm lý vững vàng là điều kiện đủ để bạn đạt kết quả tốt nhất. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc đã có thêm những ý tưởng mới để kiểm soát áp lực thi cử. Việc Làm 24h chúc các sĩ tử luôn tự tin và có một kỳ thi thành công và làm được những công việc mình yêu thích.
Xem thêm: Millennials là gì? Thế hệ này có vai trò như thế nào trong lực lượng lao động?