2 bài học đắt giá tôi nhận được từ thất bại trong đàm phán lương

Cách đây không lâu, tôi nhận việc ở một tổ chức phi chính phủ (NGO), ví trí này nói chung không đòi hỏi kỹ năng gì cao siêu cả nhưng khối lượng công việc thì nhiều, đòi hỏi mức độ chi tiết và cẩn thận khá lớn, đặc biệt là trong giao tiếp với văn bản. Chính vì nó không yêu cầu kỹ năng gì cao siêu khi đọc trong bảng mô tả công việc nên tôi cũng tự hạ thấp bản thân mình để đề xuất một mức lương chi cao hơn mức lương cũ không bao nhiêu và chập nhận ở mức thấp hơn so với những bạn khác trong đội với tính chất công việc tương đương nhau. Thêm vào đó, khi bước vào đàm phán lương, tôi đã bỏ cuộc quá sớm, nói thẳng ra là tôi đã không chiến đấu cho mức lương mong muốn của mình. Khi nhà tuyển dụng đề xuất tôi mức lương và yêu cầu tôi lựa chọn: một là tôi nhận nó hai là tôi từ bỏ vị trí ứng tuyển, và không cho tôi cơ hội đàm phán. Đang đứng trước 2 sự lựa chọn là nên ở lại hay ra đi, tôi lại được nhận thêm một lời đề nghị nhận việc từ một tổ chức khác cho vị trí quản lý . Họ đề xuất tôi một mức lương mà tôi cảm thấy không hài lòng và không xứng đáng nếu tôi đảm nhận công việc đó.

2-bai-hoc-dat-gia-toi-nhan-duoc-tu-that-bai-trong-dam-phan-luong-hinh-anh-1
Khi nhà tuyển dụng đề xuất tôi mức lương và yêu cầu tôi lựa chọn: một là tôi nhận nó hai là tôi từ bỏ vị trí ứng tuyển, và không cho tôi cơ hội đàm phán

Bạn có biết tôi đã đưa ra sự lựa chọn như thế nào không? Trong lúc quá chán nản với công việc hiện tại, tôi đã vội vàng chấp nhận mức lương tại NGO để có thể chuyển việc ngay lập tức. Thời gian làm việc tại NGO tôi mới nhận ra một điều rằng, mình đã quá ngu ngốc trong quá trình đàm phán lương. Tôi đã có một cơ hội khá tốt nhưng lại không tự nắm bắt lấy.Sai lầm đầu tiên đó là tự đánh giá bản thân mình quá thấp tương đồng với vị trí mình làm, sai lầm thứ hai đó là không biết tận dụng cơ hội. Nếu như lúc đó tôi sử dụng offer của bên thứ hai để tăng giá trị cho bản thân mình, và cho nhà tuyển dụng thấy được vấn đề rằng nếu không làm việc cho anh ta, tôi vẫn có một cơ hội hấp dẫn hơn đang chờ đơi. Có lẽ nếu tôi đưa ra lời đề nghị này, nhà tuyển dụng bên NGO sẽ xem xét và nâng mức giá lương của tôi cao hơn nếu họ nhận ra được giá trị thật sự của tôi. Chính vì tuột mất cơ hội này mà tôi luôn mang tâm trạng ấm ức, khó chịu và cảm thấy quá ngu ngốc trong suốt khoảng thời gian làm việc tại NGO. Làm việc với tâm trạng đó, khiến tôi dần chán nản và không muốn tiếp tục công việc vì tôi nghĩ rằng mình xứng đáng phải được đền đáp với số tiền lương cao hơn thế.

Câu chuyện vẫn không dừng tại đó, khi tôi lại mắc sai lầm lần hai. Sai lầm lần này có thể nói rằng cũng chính vì không tự tin vào bản thân mình mà tôi lại tiếp tục bỏ cuộc trong cuộc chiến đàm phán lương với nhà tuyển dụng. Trong lúc lại bất mãn với công việc ở NGO, tôi tiếp tục tìm kiếm công việc mới và nhận được một offer của công ty nước ngoài. Tôi ngây thơ điền mức lương hiện tại của mình vào trong đơn đăng kí trong khi lại không tìm hiểu xem thị trường ngành này như thế nào, vốn dĩ lương bổng của nó có thể gấp 3-4 lần mức lương hiện tại của tôi. Công ty tuyển dụng tôi có thuê nhân lực bên ngoài để khảo sát thị trường lương của những vị trí tương tự tại Việt Nam và họ đề xuất cho tôi một mức lương và nói như vậy đã là cao lắm rồi. So với mong muốn của tôi, mức lương đề xuất của doanh nghiệp là không đủ, tôi vẫn muốn cao hơn. Tuy nhiên, với dữ liệu thống kê này, nhà tuyển dụng tất nhiên sẽ từ chối mức lương mà tôi mong muốn. Ắt hẳn rằng khi được nhận vào công ty nước ngoài, bạn sẽ mong muốn có một mức lương cao hơn những đề xuất của các công ty nội địa. Nhưng không, đứng trước tình thế có cơ sở dữ liệu và con số rõ ràng khiến tôi bị khớp và không thẳng thắn thuyết phục nhà tuyển dụng. Nếu lúc đó, tôi có thể nói rằng những dữ liệu kia chỉ có tính chất tham khảo và mức lương bao nhiêu là hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, khả năng và kiến thức của tôi có thể cống hiến cho vị trí này, tôi có thể chứng minh cho họ thấy rằng mình có thể làm được điều gì đó ngoài những gì đã thể hiện trong CV thì biết đâu tôi lại nhận được một mức lương cao hơn mức lương hiện tại thì sao. Và tất nhiên, tôi đã không nói điều đó cho nhà tuyển dụng.

2-bai-hoc-dat-gia-toi-nhan-duoc-tu-that-bai-trong-dam-phan-luong-hinh-anh-2
Sai lầm cũng chính vì không tự tin vào bản thân mình mà tôi lại tiếp tục bỏ cuộc trong cuộc chiến đàm phán lương với nhà tuyển dụng

Hai bài học của tôi khiến tôi ấm ức và nhớ mãi cho đến tận bây giờ. Và hiện tại bây giờ, tôi vẫn đang làm tại công ty nước ngoài đó, mức lương cũng đã tăng lên sau vài năm cống hiến nhưng sai lầm ngày đầu về chuyện đàm phán lương vẫn theo tôi suốt vì sự ngốc nghếch của mình. Việc đánh giá thấp bản thân và thiếu tư tin dẫn tới việc bản thân tôi mất rất nhiều cơ hội. Và thông thường thì cơ hội tốt chỉ đến duy nhất một lần. Cho dù tôi có cố gắng làm việc chăm chỉ và hiệu quả cao như thế nào, nếu không đòi hỏi, không đề xuất thì rất ít nhà tuyển dụng chủ động đề nghị tăng lương hay có mức lương xứng đáng với bản thân. Chính vì thế, đừng bỏ cuộc trong cuộc chiến với nhà tuyển dụng, tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến bạn đọc rằng, cho dù thật sự bản thân bạn không tự tin thì cũng nên cố gắng gắng tỏ ra tự tin, hiểu được giá trị bản thân mình để biết cách tìm đến những quyền lợi tốt nhất, đừng để như tôi mang tâm trạng làm việc mòn mỏi tháng ngày chỉ vì biết rằng mình có thể xứng đáng kiếm được mức lương nhiều hơn thế này.

Có thể bạn nói tiền không phải là thứ quan trọng nhất, nhưng khi đi làm rồi tôi mới hiểu, tôi không tin ai cũng dành gần nửa cuộc đời làm việc mà lại không vì đồng tiền. Lương quan trọng lắm, nó thể hiện bản thân tôi như thế nào, thể hiện giá trị của tôi ra làm sao, nó còn là nguồn sống và đôi khi là công cụ để gìn giữ rất nhiều mối quan hệ. Thế nên, đàm phán lương rất quan trọng, được xem là bước khởi điểm cho mức lương của bạn. Và quan trọng hơn cả là đừng bao giờ đánh mất sự tự tin và giá trị của bản thân mình, nêu không bạn sẽ lại mắc những sai lầm không đáng có của tôi, đánh mất đi cá giá trị bản thân xứng đáng nhận được.

Chia sẻ từ độc giả giấu tên

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục