Năm 2015, sau khi nghỉ việc tôi nộp hồ sơ vào một bệnh viện thẩm mỹ xin làm Biên tập viên. Một tuần sau nhà tuyển dụng gọi đến mời tôi phỏng vấn. Trước cuộc phỏng vấn nào tôi cũng đều có thói quen tra Google Maps để nhớ đường đi nhưng dù sao tôi cũng là dân tỉnh, đường thành phố thì như cái mê cung, cộng thêm cơn ác mộng đường một chiều khiến cho ngày hôm đó đã nóng càng thêm nóng.
Tôi mua một cái bìa hồ sơ khá đắt để giấy tờ vào cẩn thận, không quên bao thêm một cái bìa nhựa phòng trường hợp đi phỏng vấn trời đổ mưa. Đơn xin việc và sơ yếu lý lịch tôi viết nắn nót bằng tay sạch đẹp, rõ ràng. Bằng cấp, chứng chỉ, CMND đều photo và công chứng đầy đủ hết. Tôi muốn mọi việc được thuận buồm xuôi gió.
Chạy vòng mấy con đường tôi cũng tìm ra cái địa chỉ. Nó nằm trên một con đường một chiều, lại nằm ngay ngã ba có cây xăng nên tôi cố ghi nhớ để lúc về còn biết đường đi. Bệnh viện đó khoảng hai ba tầng, chỗ để xe ngay đằng trước. Tôi vào và tiếp tân bảo tôi ngồi chờ. Sau tôi có một bạn nữ cũng đến phỏng vấn. 15 phút sau thì có một chị đi thang máy xuống dẫn chúng tôi lên văn phòng. Thật ra thì tôi chỉ được phỏng vấn ở chỗ đón tiếp khách chứ không được vào văn phòng.
Cái chị đã dẫn chúng tôi lên đây cũng là người phỏng vấn. Chị ta giới thiệu là trưởng phòng marketing và bắt đầu nói về bệnh viện, văn phòng, công việc tôi sẽ làm. Suốt buổi chị ấy cứ trình bày, rồi hỏi tôi “Em nhắm em làm được không?”. Tôi thì dĩ nhiên là trả lời “Em tin mình sẽ làm được”.
Rồi chị ta hỏi “Em muốn mức lương bao nhiêu?. Tôi lúc đó chỉ nghĩ trong đầu là đưa ra mức lương cao quá sợ người ta cho về luôn, với lại mình là tay ngang chưa nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên học hỏi là chính. Nghĩ thế nên tôi trả lời “Dạ em hi vọng lương từ 4 triệu rưỡi đến 4 triệu tám”. Chị ta cười khẩy rồi nói với tôi mức đó thấp, nên đề xuất mức lương 5 triệu vì công việc nhiều. Tôi nghe và gật đầu theo.
Rồi chị ta tiếp tục cười và hỏi “Tại sao em nghỉ việc ở công ty cũ?”. Thật ra tôi chẳng có kinh nghiệm trả lời câu này vì chỉ mới nghỉ việc ở 1 công ty nên tôi cũng thành thật. Tôi nói công ty cũ làm gần 1 năm nhưng không có hợp đồng hay bảo hiểm lao động gì nên tôi muốn tìm công việc khác để phát triển. Thái độ chị phỏng vấn khá gay gắt và nói “Nếu em quan trọng cái hợp đồng như thế thì chắc em cũng không hợp chỗ này. Chỗ này làm việc trên 1 năm mới có hợp đồng lao động. Em đi làm công ty tư nhân ít ai ký hợp đồng cho em lắm vì nhân sự tuyển vô ra thường xuyên. Chị thấy em là người thực dụng”.
Tôi ngẩn ra, không biết nói gì vì chưa bao giờ đi phỏng vấn tôi bị nhà tuyển dụng nói là người thực dụng. Lại thêm phần tức giận vì tôi nghĩ đó là cái quyền hạn tối thiểu mà nhân viên nào chẳng mong muốn rõ ràng. Tuy nhiên, tôi cố bình tĩnh giải thích rằng hợp đồng chỉ là một phần trong quyết định nghỉ việc, chủ yếu là ở công ty cũ tôi không còn phát triển được nữa, tôi muốn thử thách mình hơn. Chị ta nói công việc này tan ca trễ 1 tiếng, hỏi tôi nhắm làm được không. Tôi trả lời “Em làm được”. Thái độ chị ta dửng dưng và nói “Chị cho em suy nghĩ lại, nếu làm thì để lại hồ sơ chị xem, còn không thì về”. Tôi tiếp tục nói “Dạ em xin làm mà chị”. Rồi chị ta kêu tôi về nhà chờ email chị ấy gửi bài test.
Đến giờ bài test tôi gửi cho chị ấy không có phản hồi. Tôi không rõ rằng lý do im lặng đó là vì tôi không hoàn thành tốt bài test hay vì lý do thực dụng mà chị phỏng vấn đã nói với tôi. Tuy nhiên bài học tôi rút ra được rằng cho dù lý do nghỉ việc ở công ty cũ là gì đi chăng nữa cũng không nên thành thật với nhà tuyển dụng. Có rất nhiều cách trả lời khác nhau, tôi hối hận vì đã chọn cách thành thật! Chúng ta nên biết cách khéo léo để trở nên tốt đẹp hơn và tránh gây ra những tình huống xấu, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm như thế này, có thể ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp sau này của bản thân. Đó có lẽ là một bài học mà tôi luôn nhớ, vừa cảm thấy hụt hẫng vì cái tôi quá cao của tuổi trẻ, lại vừa cảm thấy mình quá dại, quá thiếu kinh nghiệm trên trường đời. Đi một ngày đàng chắc chắn sẽ học được một sàng khôn.
Chia sẻ từ độc giả Trần Nguyễn T.H