Khi còn mãi sống trong sự sợ hãi thì theo đuổi ước mơ là một nhu cầu xa xỉ

Nếu bây giờ hỏi bạn rằng, ngày xưa bạn ước mơ cái gì, thì tôi tin rằng sẽ có hàng trăm thứ ước mơ mà bạn mong muốn sau này lớn lên phải đạt được, phải trở thành hiện thực. Tôi đã từng ước mơ rất nhiều.

Tôi ước rằng mình trở thành một giáo viên khi thấy cô tôi rất đẹp và dịu dàng ngày đứng giảng trên lớp. Lớn hơn một chút, tôi lại ước rằng mình trở thành một diễn viên xuất chúng, vì coi quá nhiều phim nên muốn được như họ. Sau này lớn hơn một tí nữa, khi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài rồi, tôi lại ước gì mình có thể khởi nghiệp, xây dựng công ty riêng, sở hữu nhân viên của mình và có những chiến lược hay như những gì đã được thấy trên Internet.

Khi đi đây đi đó được vài nơi, tôi lại ước rằng sau đi ra trường, tôi sẽ dành thời gian hai tháng để đi du lịch rồi mới đi làm. Và đặc biệt, trong tôi luôn âm ỉ giấc mơ trở thành một họa sĩ khi tôi vô tình biết rằng mình rất thích vẽ lại những gì xung quanh mình.

Có rất nhiều giấc mơ huy hoàng theo tôi trưởng thành ngày qua ngày, cứ mỗi lần lớn hơn một chút là một giấc mơ lại thay đổi. Nhưng bạn nghĩ xem, tôi đã thực hiện được bao nhiêu giấc mơ trong những giấc mơ trên?

Không là gì cả, không có gì trở thành hiện thực cả. Giấc mơ tự nhiên từ đó cứ nhỏ bé lại và dần biến mất khi tôi trưởng thành. Tôi không làm giáo viên nữa vì nghĩ rằng ngành đó sẽ kham khổ và không thể thực hiện được. Ba mẹ tôi cũng không muốn cho tôi theo ngành này vì nghĩ rằng nó sẽ không có một sự phát triển về sau này. Tôi cũng không làm diễn viên nữa, vì ước mơ lúc nhỏ quá trẻ con và chưa suy xét đến nhiều việc khác nhau. Mặc dù, nó thật sự không phải là ước mơ tôi muốn trở thành nhất nhưng lại nhận được rất nhiều bình phẩm từ bạn bè. Chúng bảo gia đình mày có đủ tiền cho mày chỉnh chu lại hình thức hay không, tụi điện ảnh, sân khấu chỉ toàn những đứa nhà có điều kiện thôi. Ngoài ra, tôi cũng không thể bắt đầu khởi nghiệp được vì gia đình không ủng hộ, bản thân lại không có đủ vốn để trang trải cho ước mơ đó của mình. Tôi cũng không đi du lịch thêm đâu nữa, vì sau khi ra trường tôi đã bù đầu vào đi làm, kiếm tiền, không có đủ thời gian cho bản thân mình nữa.

khi-con-mai-song-trong-su-so-hai-thi-theo-duoi-uoc-mo-la-mot-nhu-cau-xa-xi-hinh-anh-1
Có rất nhiều giấc mơ huy hoàng theo tôi trưởng thành ngày qua ngày, cứ mỗi lần lớn hơn một chút là một giấc mơ lại thay đổi

Và…có khi nào ước mơ của bạn ở bên này chiến tuyến, còn hơn 7 tỷ người còn lại thì ở bên kia hay không? Họ đáp những hòn đá mang tên “giỏi”, “thành công”, “xuất sắc”, “hoàn hảo” sang phía bạn. Họ buông những lời nói để ngăn cản bạn đến với ước mơ. Tôi cũng vậy! Đi đến với cái giấc mơ trở thành một họa sĩ của mình là một khó khăn lớn. Họ nói tôi phải khác biệt một tí, họ nói đó là ngành không được thu nhập cao, họ nói nó không có khả năng phát triển. Ba mẹ, gia đình lại càng hoang mang cho tương lai nghề nghiệp của tôi khi không cầm bút mà lại cầm cọ vẽ. Lúc đầu tôi còn cố gắng chống đỡ nhưng dần dần tôi đã thấy mình cứ chìm dần, chìm dần vào giữa những hòn đá áp lực đó. Tôi cũng bắt đầu suy nghĩ rằng, sự thật ngành đó có thể cho tôi một nền tảng tốt cho gia đình khi trưởng thành hay không? Hay có ai cảm nhận được nét vẽ của tôi hay không? Cũng từ đấy, nỗi sợ hãi bắt đầu nổi lên. Sự thật rằng, đâu ai dễ để kiếm được nhiều tiền từ ngành họa sĩ. Chuyện cơm áo gạo tiền đôi lúc nó còn lớn hơn cả cái khao khát sống với đam mê. Ai cũng lo lắng mọi việc mình làm không được như kỳ vọng của gia đình và xã hội. Sợ rằng mình sẽ khiến những người tin tưởng phải thất vọng. Đôi khi, nỗi sợ người khác thất vọng về chúng ta còn lớn cả nỗi sợ về việc chúng ta sắp làm. Xây dựng mơ ước của mình không được thì cam chịu chấp nhận để người khác thuê mình về xây giấc mơ của người ta. Sự nghiệp mơ ước ngay từ bước khởi đầu đã bị dập tắt vì những lý do rất đơn giản thế thôi. Chỉ vì mình nghĩ mình không thể nên nó mặc nhiên không thể. Vâng, nỗi sợ hãi dần dà đã khiến tôi không còn muốn mơ ước điều gì. Nếu có thể sống và kiếm được tiền đã tự cảm thấy như vậy là ổn lắm rồi, nhiều khi chẳng cần phải sống với ước mơ. Thế nên bây giờ, tôi chỉ sống với công việc của mình, ngày ngày làm một công việc bình thường, quần quật với nó và dần quên mất mình đã từng khao khát trở thành cái gì. Ước mơ thì càng bé, nỗi sợ hãi thì càng lớn đến mức chúng bão hòa với nhau tôi cũng không nhận ra điều đó nữa.

khi-con-mai-song-trong-su-so-hai-thi-theo-duoi-uoc-mo-la-mot-nhu-cau-xa-xi-hinh-anh-2
Xây dựng mơ ước của mình không được thì cam chịu chấp nhận để người khác thuê mình về xây giấc mơ của người ta

Thế đấy, đến bây giờ bạn đã thực hiện được ước mơ của mình chưa? Dù bạn còn trẻ hay là những người đã đi qua thêm một chặng đường thanh xuân nữa thì bây giờ bạn có điều gì muốn nói với chính bản thân của mình không? Chúng ta đang đi tìm kiếm một công việc chỉ để trang trải cuộc sống hàng ngày theo quy luật tự nhiên của cuộc sống: học- ra trường – kiếm việc làm, hay chúng ta đang thực sự sống với những ước mơ của mình. Tôi không biết rồi hàng trăm hàng tỉ những ước mơ được xây dựng ngoài kia, sẽ có bao nhiêu cái ước mơ kiên nhẫn, mạnh mẽ vượt qua giới hạn, thách thức của sự sợ hãi để đi về phía đích. Tôi chỉ biết riêng tôi, đã đi qua tuổi trẻ của mình rồi, nhưng lại bỏ dở ước mơ giữa lưng chừng sóng gió cuộc đời. Thật vậy, nếu cứ mãi sống trong nỗi sợ hãi thì theo đuổi ước mơ thật sự là một điều sa sỉ. Làm một công việc mà bạn không toàn tâm toàn ý vì nó thì liệu có tôn trọng công việc đó hay không, có tôn trọng giấc mơ mà bản thân đã xây dựng hay không và đặc biệt là có tôn trọng bản thân mình hay không?

Chia sẻ từ độc giả giấu tên

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục