Người trẻ hay người già, muốn cống hiến hay không là ở mình

Người trẻ hay người già, muốn cống hiến hay không là ở mình. Tôi ngưỡng mộ văn hóa Mỹ vì họ chẳng bận tâm già hay trẻ, ai muốn vinh quang trong lao động đều có thể thể hiện bản thân.

Văn hóa trân trọng công việc

Tôi làm nghề viết văn, viết báo tự do. Cuộc sống và công việc không có gò bó nên chưa thấm lắm cái cảm giác buộc phải đi cày, đi làm ra sao. Nhưng cho đến ngày tôi đặt chân lên đất Mỹ, tôi khá bất ngờ và lạ lẫm khi chứng kiến sự nhiệt tình của những người lao động ở xứ sở tự do này.

Có thể thật sự người Mỹ không hẳn yêu thích công việc mà họ đang làm, nhưng họ biết gác lại cảm xúc cá nhân qua một bên. Họ ý thức được rất rõ công việc đem lại sự an toàn, no đủ cho cuộc sống và những người thân trong gia đình của họ. Đó là lý do họ trân trọng công việc và sẵn sàng hết mình với nó.

nguoi-tre-hay-nguoi-gia-muon-cong-hien-hay-khong-la-o-minh-hinh-anh-1
Người Mỹ trân trọng công việc và sẵn sàng hết mình với nó

Nhiều lần đi ăn nhà hàng, tôi bắt gặp nhiều du học sinh Việt đi làm nhân viên phục vụ trong các nhà hàng Việt Nam. Một tay họ bê ba tô phở nóng, mồ hôi trên trán thì nhễ nhại. Tôi tin rằng nhiều cô cậu trong số đó khi còn ở Việt Nam, đến việc cho đồ vào máy giặt cũng không phải làm vì đã có bố mẹ và giúp việc.

Nhưng đây là xứ Mỹ, chi phí sinh hoạt thì đắt đỏ nên tinh thần tự lập tự cường khiến cho bất kỳ ai có lười nhác đến đâu cũng phải cố gắng. Một anh kỹ sư thất nghiệp vẫn tỏ ra vui vẻ khi tạm thời chấp nhận lao động chân tay để mưu sinh và chẳng mấy ai bận tâm hay đánh giá vị trí của người khác vì người Mỹ bận rộn lắm.

Muốn cống hiến hay không là do mình

Tôi nhớ lại cô hàng xóm của tôi ở Việt Nam cách đây bốn năm. Khi cô về hưu với tâm trạng vừa vui vừa buồn. Cô nghĩ bản thân cô đã chính thức già nên giờ chỉ sống cho qua ngày. Suốt ngày cô thui thủi trong căn bếp nhỏ với chiếc đài cattsete, luẩn quẩn ra vô với con mèo mướp. Các con của cô đều lập gia đình riêng và có những lo toan của họ. Xem ra, người lớn tuổi ở Việt Nam dù còn sức khỏe, trí tuệ minh mẫn vẫn có mặc cảm và họ thường nghỉ bản thân mình vô dụng.

Các công ty bây giờ chỉ tuyển nhân viên từ 22 đến 35 tuổi, ngoài 35 không được coi là trẻ nữa. Nhiều người thường có suy nghĩ rằng tuổi già sức yếu, làm việc gần một đời rồi nên nghỉ ngơi thôi. Do đó, phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam cảm thấy buồn chán, cô đơn và thừa thãi. Nhiều người muốn phụ con cái bán hàng thì sợ thiên hạ nói con cái mình bất hiếu nên để cha mẹ làm.

nguoi-tre-hay-nguoi-gia-muon-cong-hien-hay-khong-la-o-minh-hinh-anh-2
Người cao tuổi Việt Nam thường cảm thấy buồn chán, cô đơn

Trở lại với đất Mỹ, mỗi lần đi siêu thị là tôi lại bắt gặp rất nhiều người cao tuổi đứng soát hóa đơn mua hàng ở cửa ra. Có bà lão bảy mươi tay run nhưng vẫn mỉm cười, cảm ơn khách hàng rối rít. Bà ta còn gắn lông mi giả, tô son như cô gái đôi mươi.

Tôi rút ra được một suy nghĩ rằng người trẻ hay người già, muốn cống hiến hay không là ở mình. Tôi ngưỡng mộ văn hóa Mỹ vì họ chẳng bận tâm già hay trẻ, ai muốn vinh quang trong lao động đều có thể thể hiện bản thân. Nơi xứ Mỹ cờ hoa rực rỡ, một anh Tây vừa đạp xe trên đường, vừa nhặt ve chai và giơ tay chào tôi vui vẻ. Một cô thu ngân vừa phục vụ khách hàng, vừa hát. Một nhân viên ngân hàng đón khách ở tận cửa và luôn luôn mỉm cười. Họ luôn tận tụy, cần mẫn và say mê để truyền cảm hứng cho nhau.

Chia sẻ của đọc giả Vân Khánh

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục