Nhiều nhân viên bỏ việc cứ đổ lỗi cho sếp mà không biết mình sai ở đâu

Nhiều nhân viên bỏ việc cứ đổ lỗi cho sếp mà không biết mình sai ở đâu. Đôi khi chúng ta quy hết trách nhiệm cho sếp để mình có cái cớ làm việc bê tha, hời hợt. Bản thân nhận lương của người ta thì dù thế nào cũng phải làm cho tốt. Thái độ kém thì sẽ bị phàn nàn. Tôi đã sai khi không nhận ra khuyết điểm của mình và không chịu thay đổi.

Đổ lỗi cho sếp

Mỗi khi nhắc đến vấn đề thích hay không thích công việc đang làm, cảm nhận về sếp thường được đề cập đến nhiều nhất. Tôi đã làm việc dưới quyền của nhiều vị sếp có tâm và có tầm. Nhưng có người lúc nào cũng khiến tôi nổi điên. Thậm chí có sếp còn làm tôi thấy cuộc đời thật bế tắc và khiến tôi tìm cách thoái lui.

Làm việc nhiều năm ở nhiều vị trí khác nhau, đến tuổi 28 tôi mới nhận ra một điều rằng: đổ lỗi cho sếp có thể khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn nhưng vấn đề thực sự lại nằm ở chính tôi.

Một năm trước, tôi và sếp cũ của mình có thảo luận về các khó khăn mà nhóm kinh doanh của tôi đang gặp phải. Tính tình sếp tôi vốn ngay thẳng nên không ngần ngại mà đi thẳng vào vấn đề. Sếp yêu cầu tôi có gì muốn nói thì cứ mạnh dạn nói ra, vì sếp không phải người giỏi đọc ý nghĩ người khác. Thế là chỉ chờ có thế, tôi tuôn ra hết những bực tức, những mệt mỏi của tôi và đồng đội khi làm việc. Sau khoảng 30 phút nói chuyện, sếp tôi luôn lắng nghe và ghi chú lại. Còn tôi thì như con chim sẻ lâu ngày không được hót nên hót cho đã. Sau đó, sếp bắt đầu cùng tôi thảo luận về hướng giải quyết cho từng khó khăn.

nhieu-nhan-vien-bo-viec-cu-do-loi-cho-sep-ma-khong-biet-minh-sai-o-dau-hinh-anh-1
Tôi tuôn ra hết những bực tức, những mệt mỏi của tôi và đồng đội khi làm việc (ảnh minh họa)

Tôi nhận ra sếp của tôi tuy bề ngoài không thân thiện, lạnh lùng nhưng chỉ cần chúng tôi cần giúp đỡ và lên tiếng thì sếp luôn sẵn lòng. Từ sau lần đó, tôi có nói với nhóm mình rằng khi nào mọi người cảm thấy quá sức, hãy nói với sếp. Muốn lên chức nhưng ngại, hãy thảo luận với sếp. Đừng bao giờ chờ đợi sếp sẽ đến và chủ động trò chuyện với chúng ta, vì sếp còn có rất nhiều việc khác phải làm.

Khó chịu với sếp

Thế nhưng chính tôi là người không làm được. Tôi bắt đầu phát sinh nhiều cuộc nói chuyện không vui với trưởng phòng của mình. Nguyên nhân là do anh ta không hài lòng với công việc của nhóm tôi, đặc biệt là tôi nên nhiều lần than phiền với sếp.

Sau đó thì sếp có gọi tôi vào nói chuyện. Tôi nói với sếp rằng mọi chuyện ổn và chẳng có gì to tát. Nhưng sếp khá hoang mang vì trưởng phòng lại nói với sếp theo một hướng hoàn toàn khác. Sau đó sếp bảo tôi về làm việc để sếp xem xét lại. Bản thân tôi là trưởng nhóm, tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu vì mọi chuyện đang rối nhưng các thành viên trong nhóm không chia sẻ được gì.

Thời gian sau tôi cảm thấy bị sếp đối xử bất công và bị đồng nghiệp trù dập. Tôi có cảm giác như sếp không còn muốn nghe tôi nói cũng như mất lòng tin vào tôi. Sếp không còn giao cho tôi làm nhóm trưởng nữa. Tệ hơn là lương thưởng cho nhân viên cố gắng cuối tháng cũng không có tên của tôi dù thành tích doanh số của tôi khá nhất. Việc này đã khiến tôi làm việc như một cỗ máy sắp hết pin. Tôi nộp báo cáo chậm deadline. Mỗi ngày tôi chỉ hoàn thành một nửa số công việc được giao rồi ngồi chơi và không muốn làm gì.

nhieu-nhan-vien-bo-viec-cu-do-loi-cho-sep-ma-khong-biet-minh-sai-o-dau-hinh-anh-2
Mỗi ngày tôi chỉ hoàn thành một nửa số công việc được giao rồi ngồi chơi và không muốn làm gì (ảnh minh họa)

Những gì sếp làm tôi đều cảm thấy khó chịu. Trước đây hễ sếp gửi email cho nhân viên là tôi mở ra đọc ngay. Nhưng sau sự việc trên thì có email từ sếp là tôi thấy chướng mắt. Tôi không còn tách biệt cảm xúc và công việc nữa. Đi chơi cuối tuần mà có sếp là tôi cáo bệnh. Sếp mời ăn uống là tôi xin rút. 6 tháng sau thì tôi bỏ việc.

Thế nhưng đó là chuyện của 1 năm trước. Đến bây giờ tôi đã nhận ra mình của 1 năm trước thật trẻ con. Quan hệ giữa sếp và nhân viên vốn dĩ không đơn giản, nhưng tôi có thể kiểm soát và thay đổi. Bản thân tôi đã sai khi không nhìn lại mình. Nhiều nhân viên bỏ việc cứ đổ lỗi cho sếp mà không biết mình sai ở đâu. Đôi khi chúng ta quy hết trách nhiệm cho sếp để mình có cái cớ làm việc bê tha, hời hợt. Bản thân nhận lương của người ta thì dù thế nào cũng phải làm cho tốt. Thái độ kém thì sẽ bị phàn nàn. Tôi đã sai khi không nhận ra khuyết điểm của mình và không chịu thay đổi.

Chia sẻ của H.Lam

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục