Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy nhiễu động. Nếu bạn làm việc trong một văn phòng mở, rất có thể bạn sẽ phải chiến đấu với sự phân tâm hàng ngày: từ việc đồng nghiệp nói chuyện điện thoại ồn ào cho đến thông báo email liên tục hiện trên màn hình.
Tất cả đều có thể khiến bạn có một buổi sáng tồi tệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ kết thúc cả ngày làm việc trong tình trạng “chẳng làm được việc gì ra hồn”. Hãy hít một hơi thật sâu và thử một trong những phương pháp này để giúp bạn quay trở lại với nhịp làm việc hiệu quả.
1. Tạm nghỉ ngơi
Nếu công việc của bạn có giờ nghỉ trưa, hoặc cho phép nhân viên ra ngoài trong thời gian nhất định, bạn hãy tranh thủ rời chỗ làm và vận động một chút để nạp lại năng lượng.
Chuyên gia tư vấn Elizabeth Grace Saunders đưa ra lời khuyên: Bạn nên tập thể dục hoặc chạy ra ngoài trong chốc lát, như vậy, bạn sẽ có thời gian riêng tư để “sạc pin” cho trí óc và quay trở lại bàn làm việc trong trạng thái tỉnh táo, tập trung. Kể cả khi đã vào cuối ngày và bạn không có việc gì sau giờ làm, bạn vẫn có thể trở lại khi mọi người bắt đầu tan sở. Như vậy, bạn có thể hoàn thành công việc mà không bị phân tâm.
2. San sẻ lo lắng
Đôi khi, bạn bị phân tâm bởi những mối lo nghĩ của chính mình, và không thể nào làm được việc gì khác. Cảm giác này còn trở nên tồi tệ hơn nếu bạn cô đơn. Một biện pháp hiệu quả là hãy chia sẻ những lo lắng của bạn với ai đó, có thể là một đồng nghiệp đáng tin cậy, một người bạn hay người thân trong gia đình bạn.
Theo Edward Hallowell, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực rối loạn tập trung và là tác giả cuốn sách “Driven To Distraction At Work: How To Focus And Be More Productive, told Evans” (tạm dịch: Làm thế nào để làm việc tập trung và hiệu quả hơn): Ngay khi bạn nói chuyện với ai đó, cảm giác khó chịu của bạn sẽ giảm dần.
3. Nghĩ đến toàn cảnh
Thật dễ dàng bị sa lầy trong sự trì hoãn nếu bạn có một danh sách to-do list (những việc phải làm) quá dài. Nhưng nếu thiếu động lực là nguyên nhân khiến bạn phân tâm, việc bạn cần làm là chuyển tâm trí vào những ưu tiên “chiến lược”.
Điều này có nghĩa, bạn cần phải nghĩ xem liệu những nhiệm vụ trong danh sách có thực sự là động lực trong chiến lược công việc của bạn không, hay chúng chỉ đơn thuần là việc quản lý thời gian và đem lại rất ít giá trị cho bạn (thậm chí không mang lại nhiều hiệu quả). Khi bạn xác định được những nhiệm vụ trước mắt đóng góp như thế nào vào mục tiêu tổng quát của bạn, bạn sẽ có động lực lớn hơn để tiếp tục làm việc.
4. Mở cửa tâm trí
Đôi khi chống lại sự phân tâm là một cuộc chiến khó khăn, và việc tốt nhất để tập trung trở lại là hãy cứ để mọi việc tự nhiên. Khi sự thiếu tập trung của bạn là do thiếu cảm hứng, thì biện pháp này càng thêm hữu dụng.
Theo Shelley H. Carson, tác giả cuốn Your Creative Brain: Seven Steps To Maximize Imagination, Productivity And Innovation In Your Life (tạm dịch: 7 Bước để tối đa hóa sự sáng tạo, năng suất và tiến bộ trong cuộc sống): Việc chấp nhận sự phân tâm cho phép bạn tiếp nhận rất nhiều thông tin và kết nối chúng theo những cách mới lạ. Tuy nhiên, để gặt hái được lợi ích, Carson khuyên rằng, chúng ta phải nhìn vào chúng theo một cách “không phán xét”. Thay vì tự trách bản thân đã mất tập trung, hãy mở cửa cho những suy nghĩ lộn xộn và chờ xem những giải pháp sáng tạo sẽ đến.
5. Thử làm điều khác biệt
Làm nhiều việc cùng lúc là một nhiệm vụ khủng khiếp, nhưng đôi khi nó có thể là công cụ tuyệt vời khi những công việc lẻ tẻ không đem lại tác dụng.
Chuyên gia tư vấn Elizabeth Grace Saunders cho biết, bí quyết là thử nghiệm cách thức chuyển đổi công việc nào hiệu quả với bạn. Theo đó, việc thay đổi liên tục từ việc này sang việc khác giúp bạn có động lực hoàn tất những công việc vụn vặt và tẻ nhạt. Như vậy, trong một khoảng thời gian nhất định, bạn có thể hoàn thành nhiều công việc và tránh được sự phân tâm hay trì hoãn khi phải thực hiện những công việc lẻ tẻ ít hứng thú.
Nguồn: Cafebiz