Người Việt quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”. Do đó, những người làm ăn buôn bán, chủ nhà hàng, doanh nghiệp thường làm lễ cúng khai trương đầu năm để cầu mong năm mới buôn bán kinh doanh thuận buồm xuôi gió. Bài viết sau của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ mách bạn những mẹo nhỏ để chuẩn bị mâm cúng khai trương thật tươm tất, trọn vẹn.
Ý nghĩa tục cúng khai trương đầu năm
Hàng năm, cứ vào đầu xuân, khi người người đón tết tại gia đình xong xuôi và trở lại với công việc, ngày đầu tiên mở cửa hàng hoặc khởi động năm làm việc mới cũng là lúc làm lễ cúng khai trương để cầu chúc cho một năm kinh doanh hanh thông, bán đắt buôn may, lộc về tấn tới.
Người Việt quan niệm: trên mỗi mảnh đất đai, sông núi đều có thần linh cai quản, giám sát. Nghi thức cúng là để trình diện vị thần cai quản vùng đất trong năm mới và cầu mong thần phù hộ, trợ giúp cho công việc làm ăn kinh doanh của công ty, cửa hàng gặp nhiều thuận lợi, may mắn.
Buổi lễ thường diễn ra vào ngày đẹp với các lễ vật được chuẩn bị chu đáo từ trước. Lễ cúng đơn giản, thường được tiến hành vào giờ hoàng đạo hợp tuổi với người chủ cửa hàng hoặc chủ doanh nghiệp.
Xem thêm: Bỏ túi ngay những quán cafe mở xuyên Tết ở Sài Gòn năm 2023
Chuẩn bị cúng khai trương
Để có lễ cúng ngày khai trương thuận lợi, bạn cần sự chuẩn bị chu đáo từ việc chọn ngày giờ làm lễ, chuẩn bị mâm lễ cúng, bài văn khấn tới các bước thực hiện đúng thứ tự.
Chọn ngày giờ đẹp
Theo quan niệm, ngày hoàng đạo là những ngày lành, đại cát đại lợi được thiện thần cai quản. Công việc thực hiện vào những ngày, giờ này thường sẽ diễn ra suôn sẻ, thành công theo như ý muốn. Người ta tra cứu theo lịch vạn niên, chọn ngày và giờ hoàng đạo phù hợp với tuổi người đứng đầu đơn vị (công ty, cửa hàng) để làm ngày, giờ cúng khai trương.
Thông thường, ngày khai trương đầu năm là ngày chẵn như mùng 2, mùng 4, mùng 6 Âm lịch… Bởi, những ngày này được cho là đại diện của sự sung túc, tài lộc đầy đủ.
Chuẩn bị lễ cúng khai trương
Bên cạnh chọn ngày giờ đẹp, lễ cúng cho khai trương đầu năm trọn vẹn không thể thiếu mâm cúng chu đáo, đủ đầy.
Các món đồ lễ thường gồm:
- Trái cây cúng khai trương (5 loại quả màu sắc đẹp, tươi, tuỳ theo vùng miền) tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc;
- Lọ hoa tươi (cắm 5 – 7 bông hoa hồng, hoa đồng tiền hoặc hoa cúc…) tượng trưng cho may mắn về tiền bạc;
- 3 đĩa xôi hoặc bánh chưng;
- 3 bát chè;
- 3 chén (ly) nước sạch;
- Cặp nến (đèn cầy) hoặc cặp đèn dầu;
- Bánh kẹo, mứt tết;
- Rượu trắng;
- Thuốc lá;
- Trà;
- Trầu cau;
- Tiền vàng;
- 1 đĩa gạo trắng;
- 1 đĩa muối;
- 1 con gà luộc (có thể thay bằng khoanh giò, đầu heo, thịt heo tuỳ theo địa phương và theo quy mô);
- Hương (nhang)
Trên đây là các món đồ cúng lễ khai trương tham khảo. Tuỳ theo tập tục của từng địa phương và theo quy mô của từng đơn vị mà bạn chuẩn bị mâm cúng cho phù hợp.
Các bước thực hiện nghi thức cúng khai trương
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, tới ngày giờ hoàng đạo, bạn thực hiện cách cúng khai trương theo thứ tự sau:
Bước 1: Bày biện đồ cúng lên bàn thờ. Nếu không có bàn thờ thì chuẩn bị một chiếc bàn sạch tại vị trí trang trọng trong công ty hoặc cửa hàng rồi bày đồ cúng lễ lên đó. Cách bày biện là “đông bình, tây quả” – tức bình hoa để phía đông, mâm quả để phía tây. Nếu không có bát hương, bạn có thể chuẩn bị một cốc gạo để cắm hương.
Bước 2: Tới giờ hoàng đạo, bạn thắp đèn cầy và châm 3 nén nhang rồi cắm vào bát hương hoặc cốc gạo đã chuẩn bị. Chủ lễ vái 3 vái rồi đứng nghiêm trang đọc văn khấn khai trương đầu năm.
Toàn thể cán bộ nhân viên cùng làm lễ cầu một năm làm ăn thuận lợi. Ảnh: tpiland.vn
Bước 3: Sau khi nhang cháy hết (thường là 2/3 cây nhang), chủ lễ tiến hành vái tạ thần linh rồi hạ lễ, rải gạo muối, hoá tiền vàng và tán lộc các lễ vật khác.
Bước 4: Hoàn tất lễ cúng rồi, các đơn vị buôn bán có thể mở hàng lấy may cho người hợp tuổi, các doanh nghiệp sản xuất tiến hành mở máy… coi như khởi động năm sản xuất, kinh doanh mới.
Văn khấn cúng khai trương
Bạn có thể tham khảo bài văn khấn cúng khai trương đầu năm như sau:
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
Kính lạy chín phương Trời.
Kính lạy mười phương Chư Phật,
Kính lạy Quan Đương niên Hành khiển
Kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng,
Kính lạy chư vị Ngũ phương, Ngũ thổ, các vị cai quản Long Mạch
Kính lạy các vị Tài thần định phúc Táo quân, chư vị Tôn thần.
Kính lạy các vị Thần linh cai quản đất này.
Tín chủ con tên là…
Sinh năm …
Địa chỉ tại…
Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Tín chủ con thành tâm sắm sửa lễ vật, hương hoa trà quả, cùng nén tâm hương dâng lên trước án, lòng thành khẩn tấu: con xây cất (hoặc thuê) một ngôi hàng tại xứ: (nêu chi tiết địa chỉ) …… (Nếu đây là cơ quan, văn phòng hoặc nhà xưởng thì bạn khấn là tín chủ con hiện là Giám đốc/ Thủ trưởng hoặc nêu chức danh…cùng với toàn thể công ty), hôm nay muốn khai trương khởi đầu cho việc kinh doanh (sản xuất) phục vụ nhân sinh, phục vụ sinh hoạt.
Chúng con thành tâm chọn ngày lành tháng tốt sắm sửa lễ vật dâng lên trước án để cáo yết với Tôn thần, cùng dâng Bách linh, cúi mong soi xét.
Chúng con kính mời quan Đương niên, ngài Đương cảnh, quan Thần linh Thổ địa, ngài Định phúc Táo quân cùng các vị định chúa Long Mạch, tất cả các vị Thần linh cai quản khu vực này linh thiêng giáng về hương án, thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành.
Cúi xin các ngài phù hộ chúng con buôn bán hanh thông, công việc thuận lợi, lộc tài vượng tiến, cầu nguyện gì cũng thành.
Tín chủ lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ cùng các chư Hương linh y thảo phụ mộc ngụ quanh quất khu vực này, hãy tới đây thụ hưởng lễ vật, đồng thời phù trì cho tín chủ con kinh doanh may mắn.
Lễ bạc tâm thành,
Trước án kính lễ,
Cúi xin chứng giám,
Cẩn cáo.
Những điều cần lưu ý khi cúng khai trương đầu năm
Để làm lễ cúng dịp khai trương đầu năm thuận lợi, bạn nên lưu ý các điểm sau:
- Người đọc văn khấn, chủ cúng lễ thường là gia chủ (với hộ kinh doanh gia đình), giám đốc công ty hoặc người phụ trách cửa hàng. Ngoài ra, toàn thể nhân viên cùng nên tham gia lễ tăng sự thành kính.
- Nếu năm nay tuổi không tốt với tài mệnh của người cúng lễ thì có thể chọn người khác hợp mệnh hơn để đứng ra chủ lễ, mang tài lộc cho năm mới.
- Nếu cửa hàng hoặc công ty không đặt bàn thờ, bạn có thể đày bàn cúng lễ ở ngoài sân phía trước cửa doanh nghiệp, cửa hàng.
- Nên liệt kê sẵn danh sách cúng khai trương cần những gì để chuẩn bị cho chu đáo, tránh thiếu sót khi mua sắm lễ cúng
- Người tham gia lễ cúng cần ăn mặc chỉnh tề, trang nghiêm.
- Người đọc văn khấn cần lưu ý đọc to, rõ ràng.
- Bạn có thể in bài văn cúng ra giấy, sau khi đọc xong thì hoá cùng với tiền vàng.
Lời kết
Khai trương mở hàng là nghi lễ quan trọng mỗi dịp đầu năm, nhất là với những người làm ăn, kinh doanh, buôn bán. Hi vọng bài viết của Việc Làm 24h giúp bạn có thêm thông tin tham khảo để chuẩn bị cho buổi cúng khai trương đầu năm thuận lợi.
Xem thêm: Bật mí tuổi xông đất năm 2023 giúp gia chủ đón ngàn vận may, thu nhiều tài lộc