Chế độ ốm đau BHXH tính như thế nào, thủ tục hưởng ra sao?

Sức khỏe là tài sản quý giá của con người, nhưng không ai có thể tránh khỏi ốm đau bệnh tật. Chế độ ốm đau BHXH là một trong những giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho người lao động. Để hiểu rõ hơn về chế độ này, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về chế độ hưởng BHXH khi ốm đau, quy trình thủ tục và cách tính chế độ ốm đau hưởng BHXH qua bài viết này dưới đây nhé!

Chế độ ốm đau BHXH là gì?

chế độ ốm đau bhxh
Chế độ ốm đau là gì?

Đây là một trong những chính sách an sinh xã hội ý nghĩa mà người tham gia BHXH được hưởng khi bản thân hoặc con cái bị ốm đau bệnh tật. Chính sách này hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho người lao động khi phải nghỉ việc tạm thời để điều trị ốm đau bệnh tật hoặc hồi phục sức khỏe. Tiền trợ cấp từ chế độ ốm đau sẽ đảm bảo thu nhập tạm thời cho người lao động nhằm mục đích duy trì cuộc sống cũng như trở lại công việc nhanh chóng.

Đối tượng thuộc chế độ hưởng BHXH khi ốm đau

Căn cứ Khoản 1, Điều 3, Mục I Thông tư số 59/2015/TT – BLĐTBXH quy định điều kiện được hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tham gia đóng BHXH như sau:

a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.

c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau

a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng các chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CPNghị định số 126/2015/NĐ-CP

b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

Xem thêm: Gộp sổ BHXH là gì? Thủ tục gộp sổ BHXH nhanh chóng cập nhật 2023

Cách tính chế độ ốm đau hưởng BHXH

chế độ ốm đau bhxh
Bạn đã biết cách tính chế độ ốm đau hưởng BHXH chưa?

1. Đối với người lao động trong điều kiện bình thường

Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động trong điều kiện bình thường.

  • Tối đa 30 ngày/năm, nếu đóng BHXH dưới 15 năm;
  • Tối đa 40 ngày/năm, nếu đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
  • Tối đa 60 ngày/năm, nếu đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;

Mức hưởng chế độ ốm đau= (Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc / 24) x 75% x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau BHXH

Trong đó, số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau của người lao động càng lớn thì mức hưởng nhận được sẽ càng cao.

Ví dụ: Chị X bị sốt xuất huyết, phải nghỉ 14 ngày làm việc, X đã đóng BHXH được 3 năm. Mức lương đóng BHXH của chị X là 4.420.000 đồng. Vậy mức hưởng chế độ ốm đau BHXH của chị X = (4.420.000/24) x 75% x 14 = 1.933.750 đồng.

2. Đối với người lao động làm các ngành nghề nặng nhọc, độc hại

Người lao động làm trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại được tăng thêm 10 ngày/năm so với người lao động làm trong điều kiện bình thường.

  • Tối đa 40 ngày/năm, nếu đóng BHXH dưới 15 năm;
  • Tối đa 50 ngày/năm, nếu đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
  • Tối đa 70 ngày/năm, nếu đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;

3. Đối với người lao động nghỉ ốm dài ngày

Người lao động được nghỉ dài ngày theo danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày tại Thông tư 46/2016/TT-BYT của Bộ Y Tế thì thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

  • 180 ngày/năm bao gồm nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần.
  • Nếu tiếp tục điều trị quá 180 ngày thì thời gian hưởng sẽ bằng mức thấp hơn nhưng tối đa bằng thời gian tham gia đóng BHXH.

Trường hợp 1: Đối với người lao động nghỉ ốm đau dài ngày của những tháng nghỉ trọn tháng

Mức hưởng chế độ ốm đau BHXH dài ngày = Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Trường hợp 2: Đối với người lao động nghỉ ốm đau dài ngày của số ngày nghỉ không trọn tháng

Mức hưởng chế độ ốm đau của số ngày nghỉ không trọn tháng = (Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc / 24) x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Trong đó tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%): 

(1) Nếu người lao động có 180 ngày nghỉ ốm đau dài ngày thì Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau = 75% tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

(2) Nếu người lao động có số ngày nghỉ ốm dài ngày < 180 ngày.

  • 65% tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đóng BHXH > 30 năm.
  • 55% tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đóng BHXH từ đủ 15 năm < x < 30 năm.
  • 50% tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đóng BHXH < 15 năm.

Xem thêm: Cách tra cứu quá trình đóng BHXH đơn giản, nhanh chóng nhất hiện nay

4. Đối với con cái của người lao động bị ốm

Theo Khoản 1, Điều 27 của Luật BHXH 2014, người lao động nghỉ việc để chăm sóc con cái dưới 7 tuổi ốm đau và có giấy chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì thời gian hưởng chế độ BHXH như sau:

  • 20 ngày/năm nếu con dưới 3 tuổi
  • 15 ngày/năm nếu con từ 3 tuổi trở lên đến dưới 7 tuổi

Trong trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH và cùng nghỉ việc để chăm con thì cả 2 đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau.

Mức hưởng chế độ ốm đau = (Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc / 24) x 75% x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Thủ tục hưởng chế độ BHXH

chế độ ốm đau bhxh
Thủ tục hưởng chế độ ốm đau BHXH ra sao?

1. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau BHXH

Người lao động đáp ứng đầy đủ các điều kiện hưởng chế độ BHXH khi ốm đau tiến hành thông báo cho doanh nghiệp và chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ theo quy định. Tùy theo từng trường hợp mà người lao động cần cung cấp các giấy tờ cần thiết để doanh nghiệp gửi hồ sơ cho cơ quan BHXH.

Trường hợp điều trị nội trú:

– Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. 

  • Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; 
  • Trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.

– Trường hợp chuyển tuyến khám chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

Trường hợp điều trị ngoại trú:

Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH khi ốm đau theo mẫu C65-HD.

  • Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
  • Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ được thay bằng bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.

2. Thủ tục nộp hồ sơ

Cách 1: Gửi hồ sơ hưởng chế độ ốm đau trực tiếp

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

  • Danh sách hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và phục hồi sức khỏe theo mẫu 01B-HSB
  • Phiếu giao nhận hồ sơ hưởng trợ cấp ốm đau theo mẫu PGNHS 201.
  • Giấy chứng nhận hưởng BHXH bản gốc

Bước 2: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến cơ quan BHXH nơi người lao động tham gia bằng hình thức bưu điện. 

Bước 3: Cơ quan BHXH sẽ tiếp nhận và tiến hành xử lý hồ sơ theo đúng quy định của Pháp luật. 

Bước 4: Doanh nghiệp nhận kết quả, tiền trợ cấp chế độ ốm đau sẽ được chuyển cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển đến tay người lao động.

Xem thêm: Người lao động cần biết chính sách BHXH, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2022

Cách 2: Gửi hồ sơ hưởng chế độ ốm đau online

Bước 1: Doanh nghiệp đăng nhập vào tài khoản BHXH => Chọn hồ sơ online số 630A 

Bước 2: Cơ quan BHXH tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, sau đó gửi email thông báo xác nhận hồ sơ điện tử.

Bước 3: Doanh nghiệp kết xuất mẫu hồ sơ 630A, bản gốc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và thông báo tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH được gửi về email. Sau đó gửi bộ hồ sơ đến cơ quan BHXH theo đường bưu điện.

Bước 4: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trong vòng 06 ngày làm việc.

Bước 5: Doanh nghiệp nhận kết quả, tiền trợ cấp sẽ được chuyển cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển đến tay người lao động.

Kết luận

Đây là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ người lao động khi mất khả năng làm việc do bệnh tật ốm đau. Việc hiểu rõ chế độ hưởng BHXH khi ốm đau cũng như cách tính chế độ giúp mọi người tận dụng và đảm bảo quyền lợi mà chế độ này mang lại. Hy vọng rằng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và sử dụng chế độ ốm đau hiệu quả.

Xem thêm: Tờ rời bảo hiểm xã hội là gì? Mất tờ rời BHXH có xin cấp lại được không?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục