Đại lý thuế là gì? Nhân viên đại lý thuế ra sao có nhiệm vụ gì?

Hệ thống thuế là một phần thiết yếu trong nền kinh tế, việc thực hiện các nghĩa vụ thuế ngày có nhiều quy định và thủ tục hành chính cần tuân thủ. Cùng với đó là ngành nghề đại lý thuế ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Nhân viên đại lý thuế là ai? Công việc của đại lý thuế là gì? Có nên thi chứng chỉ đại lý thuế không và điều kiện dự thi chứng chỉ đại lý thuế như thế nào? Mời bạn đọc cùng theo dõi qua bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.

Đại lý thuế là gì?

đại lý thuế
Nhân viên đại lý thuế là ai? Tiêu chuẩn của nhân viên là gì?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư số 51/2017/TT-BTC: Đại lý thuế là doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Các thủ tục về thuế bao gồm: Đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị giảm thuế, miễn thuế hoàn thuế,… và các thủ tục hành chính thuế thay người nộp thuế khác. 

Nhân viên đại lý thuế là ai? 

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư số 10/2021/TT-BTC, nhân viên là người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế do Tổng cục Thuế cấp, làm việc tại đại lý thuế và được Cục Thuế thông báo đủ điều kiện hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Tiêu chuẩn của nhân viên đại lý thuế

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 10/2021/TT-BTC

– Nhân viên phải là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài được phép cư trú và làm việc tại Việt Nam, không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 105 Luật Quản lý thuế năm 2019, cụ thể như sau:

  • Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.
  • Người đang bị cấm hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, kế toán, kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Người đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế liên quan đến thuế, tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  • Người bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, về kế toán, kiểm toán mà chưa hết thời hạn 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt trong trường hợp bị phạt cảnh cáo hoặc chưa hết thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt bằng hình thức khác.

– Có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế được Tổng cục Thuế cấp.

– Là người đại diện theo pháp luật hoặc có hợp đồng lao động làm việc tại đại lý.

– Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, chương trình cập nhật kiến thức theo quy định tại Chương IV Thông tư số 10/2021/TT-BTC.

Công việc của nhân viên đại lý thuế là gì? 

đại lý thuế
Bạn đang tìm hiểu công việc của nhân viên?

Theo hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế do Bộ Tài chính ban hành được quy định tại Điều 17 Thông tư số 10/2021/TT-BTC, công việc cụ thể như sau:

  • Thực hiện các công việc trong phạm vi hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế đã ký giữa đại lý thuế và người nộp thuế.
  • Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng, quản lý chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế theo quy định.
  • Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu của cá nhân liên quan đến đăng ký hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế cho đại lý, bao gồm: Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, tài liệu chứng minh về giờ cập nhật kiến thức, giấy phép lao động (đối với người nước ngoài), văn bản có thông tin kết thúc làm việc tại đại lý thuế khác (nếu có).
  • Trường hợp thông tin cá nhân có liên quan đến các tài liệu trên có thay đổi, nhân viên đại lý thuế có trách nhiệm cung cấp cho đại lý biết về các thông tin thay đổi để đại lý thuế thông báo với Cục Thuế.
  • Chậm nhất 30 ngày trước ngày không tiếp tục hành nghề (trừ trường hợp bị đình chỉ, chấm dứt hành nghề) phải thông báo bằng văn bản với nơi đang làm việc.
  • Chấp hành các quy định về kiểm tra liên quan đến hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
  • Giữ bí mật thông tin cho tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ.
  • Tham dự các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức để đảm bảo đủ số giờ theo quy định.

Nguyên tắc đăng ký hành nghề

Theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 10/2021/TT-BTC:

1. Nguyên tắc đăng ký hành nghề:

a) Việc đăng ký hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế được thực hiện thông qua đại lý thuế nơi người đăng ký hành nghề là đại diện theo pháp luật hoặc có hợp đồng lao động làm việc.

b) Nhân viên đại lý thuế được hành nghề kể từ ngày được Cục Thuế thông báo đủ điều kiện hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

c) Tại một thời điểm, người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế chỉ được hành nghề tại 01 đại lý thuế.

d) Nhân viên đại lý thuế không được hành nghề trong thời gian bị đình chỉ hoặc bị chấm dứt hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

2. Người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kiểm tra thông tin, tài liệu mà người đăng ký hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế cung cấp; xác nhận các điều kiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư này đối với nhân viên đại lý thuế.

3. Đại lý thuế cung cấp thông tin nhân viên cho Cục Thuế (nơi đại lý thuế đóng trụ sở) khi đăng ký cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế theo quy định tại Điều 22 Thông tư này hoặc khi thông báo thay đổi thông tin nhân viên theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 24 Thông tư này.

Có nên thi chứng chỉ đại lý thuế không? Điều kiện dự thi là gì?

đại lý thuế
Điều kiện dự thi chứng là gì, có khó không, hồ sơ yêu cầu ra sao? 

Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư số 10/2021/TT-BTC, người dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế là người Việt Nam hoặc người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên, phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành khác mà có tổng số đơn vị học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học của các môn học kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, phân tích hoạt động tài chính từ 7% trở lên trên tổng số học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học cả khóa học.

3. Có thời gian công tác thực tế về thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên. Thời gian công tác thực tế được tính cộng dồn từ thời gian tốt nghiệp ghi trên bằng đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi;

4. Nộp đầy đủ hồ sơ dự thi, chi phí dự thi theo quy định.

Bên cạnh đó, khoản c Điều 5 Thông tư số 10/2021/TT-BTC quy định người đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế phải gửi hồ sơ dự thi đến hội đồng thi thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế: Giấy xác nhận thời gian công tác theo Mẫu 1.2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này hoặc sổ bảo hiểm xã hội chứng minh thời gian công tác theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 10/2021/TT-BTC (bản scan). 

Nhân viên bị chấm dứt hành nghề khi nào?

Theo quy định quản lý hành nghề đối với nhân viên tại khoản 4 Điều 16 Thông tư số 10/2021/TT-BTC, việc chấm dứt hành nghề đối với nhân viên cụ thể như sau:

a) Nhân viên đại lý thuế bị chấm dứt hành nghề nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a1) Hết thời gian đình chỉ hành nghề mà nhân viên không khắc phục được sai phạm.

a2) Hành nghề tại 02 đại lý thuế trở lên tại một thời điểm.

a3) Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

a4) Vi phạm khoản 4 Điều 105 Luật Quản lý thuế.

b) Cục Thuế (nơi đại lý thuế đóng trụ sở) ban hành quyết định chấm dứt hành nghề đối với nhân viên theo Mẫu 2.3 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Nhân viên bị chấm dứt hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, nếu đã khắc phục được các sai phạm, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 14 Thông tư này thì được đăng ký hành nghề theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư này. Riêng các trường hợp bị chấm dứt hành nghề theo điểm a3, a4 khoản 4 Điều này, thì được đăng ký hành nghề sau 12 tháng kể từ ngày khắc phục được các sai phạm.

Kết luận

Đại lý thuế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định. Cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng nhân viên ngày càng cao, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Hy vọng bài viết này của Vieclam24h.vn đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Chúc bạn thành công. 

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.

Xem thêm: Quyết toán thuế là gì? Hướng dẫn kê khai thông tin trên tờ khai quyết toán thuế TNCN

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục