Định hướng nghề nghiệp trong tương lai đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển sự nghiệp sau này. Không chỉ đối với những bạn trẻ mới ra trường mà ngay cả những người đi làm lâu năm, đôi khi họ cũng không hiểu rõ bản thân mình muốn gì để vạch ra kế hoạch phát triển đúng đắn cho bản thân ngay từ đầu. Trong bài viết sau, Việc Làm 24h sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích về hoạt động định hướng nghề nghiệp cũng như các cách tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân để bạn có thêm tự tin phát triển sự nghiệp nhé.
Định hướng nghề nghiệp là gì?
Định hướng nghề nghiệp dùng để chỉ những hành động đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp và có lộ trình phát triển chúng trong tương lai. Trong đó, hoạt động định hướng tương tự với việc bạn cần vẽ ra một con đường, sẽ có những dấu mốc cũng như những mục tiêu cần đạt được trên con đường đó.
Điều này cũng tương tự với việc bạn cần tự xác định được hướng đi và lập ra một lộ trình phù hợp để có thể đi đến bất cứ đâu. Bạn cần nắm được điểm đến của chính mình cũng như cần phải trải qua những gì để đạt được đích đến đó.
Giống như hoạt động định hướng nghề nghiệp chính là bạn đang vẽ ra một con đường cho sự nghiệp của bản thân, trên con đường đó bạn cần vạch ra những bước đi đúng đắn và hợp lý để đạt được những mục tiêu trong nghề nghiệp và phát triển nghề nghiệp đó trong tương lai xa.
Vai trò của định hướng nghề nghiệp trong việc phát triển sự nghiệp cá nhân
Định hướng nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp một cá nhân phát triển sự nghiệp của bản thân.
Việc định hướng nghề nghiệp sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn. Từ đó, công việc này có thể giúp bạn có nguồn thu nhập tốt trong cuộc sống cũng như thoả mãn niềm đam mê của bạn. Những quyết định thiếu đúng đắn có thể kéo theo hệ quả nghiêm trọng khi bạn có thể có một công việc nhưng không đam mê nó, không phù hợp với nó cũng như không có ý chí trong công việc. Về lâu dài có thể khiến bạn trở nên chán nản, bất lực và cảm thấy không còn động lực để làm việc.
Nếu bạn được định hướng nghề nghiệp đúng đắn, bạn sẽ giảm thiểu những nguy cơ liên quan đến làm trái ngành, trái nghề, nguy cơ bỏ nghề nghiệp, làm nhiều nghề khác nhau thậm chí đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Điều này vừa khiến bạn đánh mất thời gian, vừa làm lung lay sự kiên nhẫn của bạn đối với sự nghiệp.
Tiếp theo, việc có định hướng nghề nghiệp có thể sẽ giúp bạn đạt được những thành công trong tương lai nhanh hơn. Bởi chỉ khi làm đúng nghề nghiệp phù hợp với bản thân, với niềm yêu thích bên trong bạn, bạn mới phát huy tối đa trí tuệ, công sức cũng như đam mê của mình cho công việc.
Khi có định hướng nghề nghiệp, bạn cũng sẽ xác định được nhanh chóng mục tiêu học tập của bản thân. Bạn biết mình cần trang bị những kiến thức và kỹ năng mềm gì thông qua những khoá học nào. Từ đó, bạn có thể tiết kiệm được thời gian cũng như tiền bạc sử dụng cho việc học, hạn chế lãng phí vào những ngành học không phù hợp.
Những yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp
Khi định hướng nghề nghiệp cho bản thân, bạn cần thực sự cân nhắc đến các yếu tố có thể tác động đến định hướng nghề nghiệp của chính mình. Thông thường sẽ có những yếu tố cơ bản sau có thể tác động đến quyết định của bạn:
- Thiên hướng cá nhân: Việc định hướng nghề nghiệp cần xuất phát từ tài năng, sở thích cũng như thiên hướng cá nhân của bạn. Chỉ khi được làm đúng công việc phù hợp với thiên hướng của bản thân bạn mới có thể lĩnh hội kiến thức nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bạn cũng sẽ dễ dàng cân bằng công việc, cuộc sống và thỏa mãn những kỳ vọng của mình nếu chọn nghề nghiệp phù hợp với thiên hướng của mình.
- Thứ mà bạn thực sự muốn làm: Mỗi công việc, ngành nghề đều có những yêu cầu riêng về năng lực chuyên môn và những kỹ năng riêng biệt. Vì thế, bên cạnh việc xác định được thiên hướng của bản thân, bạn cũng nên liệt kê những ngành nghề hợp với bạn, từ đó, xem xét nhận ra những nghề nghiệp bạn thực sự muốn theo đuổi.
- Cân nhắc về lợi ích tài chính: Khi đã xác định được thiên hướng cá nhân cũng như bản thân mình thực sự muốn làm công việc nào, bạn cần tìm hiểu xem thu nhập từ công việc đó có thể đáp ứng được kỳ vọng về tài chính của bạn không. Tài chính cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp kích thích khả năng làm việc cũng như đáp ứng những nhu cầu của bạn trong cuộc sống.
Xem thêm: Lương khoán là gì? Những lưu ý cho người lao động khi thỏa thuận lương khoán
Các cách tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân
Xác định sở thích, sở trường
Làm công việc phù hợp với sở thích và sở trường tăng khả năng thành công của bạn hơn rất nhiều. Lý do là bởi khi được làm những công việc mình thích, mình giỏi, bạn sẽ có thêm niềm đam mê cũng như động lực, sự quyết tâm để thực hiện nó so với những công việc bạn không thích và cũng không sử dụng được thế mạnh nào của bạn.
Bạn có năng khiếu ca hát? Bạn có thể trở thành một ca sĩ, một Youtuber tự đăng tải những ca khúc của mình để tìm kiếm sự yêu thích từ người nghe. Bạn có năng khiếu với toán học hay những con số, bạn có thể theo đuổi công việc liên quan đến kế toán, kiểm toán hay lập trình viên.
Hãy dành thời gian suy nghĩ xem bản thân mình có sở trường và sở thích gì, sau đó hãy chọn cho mình những ngành học tương tự để trau dồi, tích luỹ kiến thức để phục vụ cho công việc.
Định vị bản thân qua trắc nghiệm tính cách
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng những bài trắc nghiệm tính cách để định vị bản thân cũng như được gợi ý những công việc phù hợp với tính cách của bạn.
Một số bài kiểm tra tính cách thường được các chuyên gia hướng nghiệp gợi ý sử dụng có thể kể đến:
- Trắc nghiệm tính cách MBTI: Khám phá xu hướng tính cách (hướng ngoại/hướng nội), điểm mạnh, điểm yếu,… để biết được bạn phù hợp với những kiểu công việc nào
- Mô hình DISC: Đọc vị cá nhân theo các đặc điểm tính cách nổi bật của bạn như: Thủ lĩnh (D – Dominance); Tạo ảnh hưởng (I – Influence); Kiên định (S – Steadiness); Tuân thủ (C – Compliance).
- Holland Code – Trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp: Bài kiểm tra chia chúng ta thành 6 mật mã, dựa trên tính cách, môi trường, phương diện làm việc của mỗi con người, bao gồm:
- R – Realistic (Nhóm Kỹ thuật)
- I – Investigative (Nhóm Nghiên cứu)
- A – Artistic (Nhóm Nghệ Thuật)
- S – Social (Nhóm Xã hội)
- E – Enterprising (Nhóm Quản lý)
- C – Conventional (Nghiệp vụ)
Xem thêm: Bạn có phải là người sở hữu trí thông minh cảm xúc, kiểm tra EQ ngay hôm nay
Tìm hiểu lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp
Định vị được bản thân mình là ai, mình phù hợp với những gì, tiếp theo, bạn cần đi tìm công việc phù hợp với những gì mình đã xác định.
Hãy lấy giấy bút, gạch đầu dòng những ngành nghề bạn thấy phù hợp với năng lực của bản thân và bạn cảm thấy yêu thích nó. Bạn có thể cân nhắc một số tiêu chí dưới đây để chọn cho mình một công việc phù hợp:
- Nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường
- Giá trị nghề nghiệp mang tới
- Kiến thức và kỹ năng chuyên môn yêu cầu
- Chi phí và thời gian học tập, đào tạo
- Bạn có năng lực, phẩm chất nào phù hợp với nghề?
- Lộ trình phát triển và mức thu nhập theo cấp độ chuyên môn
- Nơi làm việc mong muốn trong tương lai
Lập kế hoạch định hướng nghề nghiệp lâu dài
Khi đã lựa chọn được điểm xuất phát của mình – công việc đầu tiên muốn theo đuổi, hãy lập kế hoạch 05 năm của bạn. Bản kế hoạch càng chi tiết càng tốt để bạn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ của mình.
Nên chia theo từng giai đoạn cụ thể, về mặt chuyên môn lẫn phát triển bản thân. Ở mỗi giai đoạn, hãy xác định cụ thể về:
- Bạn muốn học được gì
- Chinh phục những thành tựu gì
- Làm thế nào để bạn học hỏi và đạt được những điều đó?
Từ đấy, bạn sẽ hình dung cụ thể hơn về chính bản thân mình sau khi trải qua từng giai đoạn. Bạn có hài lòng với kế hoạch này chưa? Đừng quên ghi lại các vị trí làm việc mà bạn nên nắm giữ qua từng giai đoạn. Đó chính là những bước tiến trong sự nghiệp mà bạn cần vươn đến.
Liệt kê những kỹ năng cần hoàn thiện
Bạn có thể liệt kê những kỹ năng của bản thân cần có mà bạn thấy quan trọng trong công việc, sau đó lên lịch tập luyện và trau dồi những kỹ năng này.
Dưới đây là một số kỹ năng cần thiết cho tất cả mọi ngành nghề bạn có thể tham khảo:
- Kỹ năng quản lý thời gian: Việc quản lý thời gian tốt không chỉ giúp bạn kiểm soát công việc hiệu quả mà còn nghiêm túc đảm bảo thực hiện mọi việc theo đúng kế hoạch định hướng nghề nghiệp
- Kỹ năng giao tiếp: Có kỹ năng giao tiếp tốt đồng nghĩa với việc bạn có thể kết nối với mọi người xung quanh như đồng nghiệp, bạn bè, nhà quản lý,… Điều này giúp bạn tích cực phát triển trong công việc cũng như được hỗ trợ rất nhiều trong sự nghiệp cá nhân
- Kỹ năng ngoại ngữ: Nếu bạn có thêm một ngoại ngữ, bạn sẽ có thêm cơ hội cho việc làm hấp dẫn trên con đường sự nghiệp với thu nhập nhiều hơn.
Học thêm khóa học bổ sung
Bạn có thể tìm thêm những khóa học bổ sung về kiến thức và kỹ năng cần thiết cho một công việc mới cùng những đãi ngộ với mức thu nhập mơ ước.
Chẳng hạn nếu bạn muốn trở thành một Graphic Designer, chắc chắn nếu không học chuyên ngành liên quan đến thiết kế tại trường Đại học, Cao đẳng,… thì bạn sẽ cần tham gia một lớp kỹ năng thiết kế từ các tổ chức bên ngoài để có thể đáp ứng được công việc.
Xem thêm: Tự học là gì? Bật mí các bí quyết xây dựng thói quen tự học hiệu quả
Tham gia một số buổi hướng nghiệp
Nếu bạn có thời gian, bạn có thể tham gia một số buổi hướng nghiệp tại trường Đại học, hoặc một số Job Fair được các doanh nghiệp phối hợp để có thêm những thông tin cần thiết cho công việc tương lai.
Khi tham gia, các bạn sẽ được lắng nghe những chia sẻ từ các chuyên gia cũng như người làm việc trong ngành để từ đó có cái nhìn tổng quan hơn về ngành.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký tham gia workshop online hay webinar về hướng nghiệp để được cung cấp thông tin cần thiết về công việc cũng như có sự chuẩn bị để bắt đầu theo đuổi một công việc thật tốt.
Liệt kê những nguồn tìm việc hiệu quả
Một số nguồn tìm việc bạn có thể tham khảo có thể kể đến các nền tảng tìm việc, mạng xã hội, người quen,… Đây là những nguồn tìm việc khá tin cậy mà bạn có thể tận dụng. Đối với những trang web và mạng xã hội, bạn nên chọn những trang tin uy tín, có nhiều người sử dụng để tránh bị lừa đảo cũng như tiết kiệm được thời gian cho bản thân.
Đối với những việc làm được giới thiệu từ người thân, bạn có thể yên tâm phần nào nhưng cũng cần tìm hiểu thêm thông tin về công ty, sản phẩm, tình hình kinh doanh, môi trường làm việc, sếp và đồng nghiệp ra sao.
Lưu ý khi định hướng nghề nghiệp
Bạn có thể tham khảo một số lưu ý dưới đây để định hướng nghề nghiệp cho bản thân một cách thuận lợi hơn.
Có rất nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi trào lưu công việc cũng như những định hướng nghề nghiệp không phù hợp từ gia đình. Mặc dù có thể những lời khuyên từ những người đi trước là vô cùng đáng quý, tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ bản thân mình và đánh giá lời khuyên, ý kiến đó một cách khách quan nhất.
Bạn cũng không nên chọn nghề theo xu hướng đám đông, thấy nghề nào đang được ưa chuộng thì theo nghề đó bất chấp việc chính bản thân mình cảm thấy không phù hợp.
Cách tốt nhất để nhận biết bản thân mình có phù hợp với một nghề nào đó hay không chính là tự bản thân trải nghiệm trực tiếp. Ngay từ khi còn đi học, bạn có thể tìm hiểu và nắm bắt những cơ hội thực tập, trải nghiệm công việc mà mình muốn hướng tới để xem bản thân có thực sự phù hợp với công việc đó hay không.
Trên đây là một số thông tin về định hướng nghề nghiệp cũng như cách tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Việc Làm 24h hy vọng thông qua bài viết này các bạn có thể có thêm cơ sở để lựa chọn cho mình một công việc phù hợp cũng như có đường lối phát triển sự nghiệp cá nhân trong tương lai. Đừng quên truy cập Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi bạn đã định hình được nghề nghiệp phù hợp nhé!
Xem thêm: Giải mã câu hỏi không học đại học thì làm gì, có thể thành công không?