Giới thiệu về bản thân
Đây là câu hỏi ban đầu giúp nhà tuyển dụng “định vị” giá trị của bạn, bạn sẽ thường xuyên gặp nó nên hãy chuẩn bị một cách hoàn hảo ngay tại nhà. Đừng quá miên man về cuộc đời của mình, chỉ tập trung vào thông tin cá nhân, phương châm làm việc, tính cách, tinh thần làm việc, khi nào bạn cảm thấy hạnh phúc với công việc? Khả năng của bạn là gì?
Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?
Đừng bao giờ phàn nàn lương thưởng hoặc bất bình với sếp cũ nhé. Hãy đưa ra một câu trả lời thông minh luôn mang hơi hướng tích cực như bạn mong muốn tìm kiếm một môi trường mới hoặc thử thách bản thân. Nếu dừng lại ở câu trả lời chung chung này thì nhà tuyển dụng sẽ không khỏi nghi hoặc. Thay vào đó, hãy chia sẻ thêm những thách thức đó là gì, dự định của bạn như thế nào? Nên nhớ, càng cụ thể, rõ ràng sẽ càng đáng tin.
Vì sao tôi nên chọn bạn?
Tại sao họ nên tuyển dụng bạn ư? Đã đến lúc PR bản thân rồi đây, hãy lục lọi mọi thế mạnh mà bạn có, nên nhớ phải phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển để thuyết phục nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, ai cũng có thể liệt kê hàng tá kỹ năng và kiến thức đã học dù có thật hay không. Để tạo nên sự tin tưởng, bạn hãy nêu ví dụ cụ thể công việc bạn đã làm, tình huống bạn đã trải qua… Từ đó kết luận lại rằng bạn sẽ mang lại những giá trị gì cho công ty đang ứng tuyển, tại sao họ nên trân trọng bạn?
Sự linh hoạt điều chỉnh câu trả lời sẽ giúp bạn đưa ra những điều nhà tuyển dụng đang mong đợi, đừng quên thể hiện sự nhiệt huyết và thái độ tích cực, tự tin.
Tại sao bạn ứng tuyển vào công việc này?
Nhiều ứng viên chỉ đi rải hồ sơ mà chưa thực sự hiểu rõ mô tả công việc cũng như môi trường công ty. Hãy để nhà tuyển dụng nhận ra bạn thực sự quan tâm và mong muốn vị trí mà họ đang tìm kiếm bằng cách liệt kê sơ lựợc mô tả công việc, bạn ấn tượng với công việc nào nhất và môi trường công ty, hoạt động xã hội của công ty khiến bạn hào hứng thế nào?
Ngoài ra, bạn có thể đưa ra vài định hướng trong tương lai cho công việc này nếu được nhận, nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những người mong muốn gắn bó và phát triển lâu dài cùng công ty.
Điểm yếu của bạn là gì?
Câu hỏi này được nhà tuyển dụng sử dụng để kiểm tra khả năng giữ bình tĩnh của bạn.Không ai hoàn hảo cả nên hãy trả lời câu hỏi trên một cách thành thật và biến chúng trở nên tích cực hơn. Một mẹo hay là trả lời dựa vào bản mô tả công việc, có hàng tá yêu cầu, hãy chọn ra một yêu cầu mà bạn nghĩ bạn cần phải cải thiện hơn và thể hiện rằng bạn đã cố gắng khắc phục điều đó.
Hy vọng những gợi ý trên đây có thể giúp bạn gỡ rối và tạo được ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng ở những lần phỏng vấn tới nhé!