Mỗi lần xem phim cung đấu hoặc nhìn bạn bè chơi game, chắc hẳn chúng ta sẽ trầm trồ vì quá trình thay tên đổi cấp bậc của những nhân vật chính. Sự phát triển ấy chứng minh một chân lý: thành công đều cần sự chuẩn bị và nỗ lực trong thời hạn đủ dài. Công việc cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, nếu bạn mong muốn trở thành quản lý ở độ tuổi 25 thì thời điểm hợp lý nhất để đi làm là… 18-19 tuổi, bắt đầu với vị trí thực tập sinh.
Hành trình leo rank từ thực tập sinh lên quản lý
Kết thúc kỳ I ở Học viện Ngoại giao, chưa tròn 19 tuổi, tôi đi làm. Đó là một lựa chọn không dễ dàng bởi nhiều năm trước đó, tôi chỉ loanh quanh trong trường học, miệt mài với sách vở và hoạt động ngoại khóa. Sinh viên ngày nay có rất nhiều lý do để bước ra cổng trường và lăn vào đời với đủ mọi trải nghiệm. Riêng tôi thuở ấy, động lực thúc đẩy “con mọt sách” bước ra đời lại là những áp lực. Vì kết quả học ở trường không như ý, vì choáng ngợp trước bạn bè đồng trang lứa và vì… thiếu tiền, tôi chọn đi làm.
Xem thêm: Áp lực đồng trang lứa peer pressure là gì? Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa
Thị trường việc làm sôi động, thông tin tuyển dụng luôn đầy ắp trên những trang tin nổi tiếng, điển hình như Việc Làm 24h. CV được gửi đi, sau những ngày đợi chờ trong thấp thỏm lo âu, cuối cùng tôi cũng được nhận vào làm thực tập sinh truyền thông tại một studio với quy mô khiêm tốn. Khoảnh khắc đó không hạnh phúc và hân hoan như tưởng tượng, thay vào đó, tôi sợ.
Xem thêm: Cách làm CV cho sinh viên mới ra trường, giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng
Muôn vàn nỗi sợ của thực tập sinh
Sinh viên đi thực tập và làm thêm có muôn vàn nỗi sợ. Liệu đơn vị tiếp nhận có phù hợp với mình? Mấy tháng sắp tới sẽ trôi qua trong yên bình hay sóng gió? Kết thúc thời gian làm việc, mình có học hỏi được gì không? Trong kinh tế có khái niệm chi phí cơ hội, hiểu đơn giản là khi ta chọn đầu tư tất cả vốn liếng vào bất động sản thì sẽ mất đi cơ hội làm giàu bằng chứng khoán hoặc sản xuất kinh doanh. Sinh viên, ừ thì không có tiền nhưng thời gian chính là vốn quý nhất. Khi lựa chọn làm việc tại một cơ quan nhất định, tức là chúng ta chấp nhận quay lưng với những cơ hội phát triển ngoài kia. Liệu có đáng không?
Loanh quanh trong sợ hãi và lo âu, tôi vẫn bắt đầu kỳ thực tập như đã hẹn với đơn vị tuyển dụng. “Mình sẽ cố gắng lăn xả trong công việc để không bỏ phí thời gian”, ngày nào tôi cũng tự nhắc bản thân trước khi bước vào phòng làm việc. Đó là một studio chụp ảnh quảng cáo với diện tích khoảng 40m2, nằm trên tầng 3 của một căn nhà nhỏ.
Nghe nói sinh viên Ngoại giao thường đi thực tập ở cơ quan báo chí, Đài Truyền hình, phòng ban trong tổ chức nhà nước và công ty lớn… Nơi tôi đến hoàn toàn khác biệt: không biển hiệu, không danh tiếng lẫy lừng, không có mức lương cụ thể. Ở đó chỉ có những con người đam mê nghệ thuật cùng hàng loạt cú sốc đang chờ!
Cú sốc đầu tiên đó là quá nhiều thứ mới mẻ và lạ lẫm, muốn làm được việc, tôi phải học rất nhiều. Bước ra khỏi cổng trường, tôi mới hiểu thế nào là sự vô tận của tri thức và sự hữu hạn của hiểu biết cá nhân. Chẳng hạn, để viết bài cho website, tôi cần học về thương mại điện tử và cách trình bày thông tin trên các trang bán hàng. Phụ trách biên tập nội dung cho fanpage, tôi phải học thiết kế, chụp ảnh bằng máy cơ và chỉnh sửa qua Adobe Photoshop CS3 hoặc Lightroom. Thuật ngữ, từ mới, sự cố khi làm việc xuất hiện mỗi ngày, nhưng khó khăn chưa dừng lại.
Cú sốc thứ hai là khối lượng công việc phát sinh trong quá trình thực tập. Khi phỏng vấn tuyển dụng, không ai nói rằng thực tập sinh truyền thông sẽ cần lau nhà, dọn dẹp phòng ốc, là ủi quần áo cho các show chụp quảng cáo. Vậy mà tôi đã làm hết, hệt như một nhân viên tạp vụ của studio. Có những ngày hỗ trợ ekip với bộ sưu tập lớn cả trăm sản phẩm, tôi mệt tới nỗi về nhà nằm bẹp đến tận sáng hôm sau. Nếu không vì lời nhắc ban đầu: “Mình sẽ cố gắng lăn xả trong công việc để không bỏ phí thời gian”, tôi đã không đủ động lực để đi hết từng nhiệm vụ.
Đến giờ tôi cũng chẳng còn nhớ ngày ấy được trả lương khoảng bao nhiêu? Chỉ biết rằng hết kỳ thực tập, tôi trở thành nhân viên và đảm nhận công việc khó hơn. Tới khi nghỉ làm, tôi có thêm thầy thêm bạn, có thêm rất nhiều kiến thức và kỹ năng mới. Ở giữa một tập thể năng động và cá tính, tôi càng tự tin theo đuổi đam mê bếp bánh và được anh chị hỗ trợ làm blog cũng như phát triển kinh doanh bánh trái qua mạng xã hội.
Và cú sốc cuối cùng phải đến 6 năm sau mới xuất hiện. Một ngày mùa hè năm 2020, sếp cũ gọi điện và đề nghị tôi về làm quản lý cho studio. Tôi đã không còn là cô sinh viên 19-20 tuổi ngây ngô, studio bé nhỏ cũng đã trở thành đơn vị sản xuất hình ảnh & video quảng cáo với quy mô lớn gấp nhiều lần. Và đây là cuộc hội thoại giữa tôi và sếp:
– Vì sao anh muốn giao vị trí quản lý cho em? Em vẫn còn ít tuổi…
– Đơn giản thôi, anh tin vào khả năng học hỏi và tinh thần trách nhiệm của em. Lúc sinh viên em đến đây và lăn xả như thế nào, giờ cứ thế phát huy là được. Tâm huyết bao nhiêu năm của anh giờ giao lại cho em.
Đó chính là câu chuyện về hành trình leo “rank” từ thực tập sinh lên quản lý mà tôi thường kể lại với sinh viên khi đi đi dạy.
Khát khao phát triển, khai mở bản thân
Mỗi lần trò chuyện, tôi đều nhận ra khao khát tìm hiểu bản thân và phát triển trong sự nghiệp của sinh viên trẻ. Thực ra, thị trường trước nay không thiếu việc, chỉ thiếu người làm được việc. Những trang tin tuyển dụng như Việc Làm 24h đăng tải vô số cơ hội nghề nghiệp mỗi ngày, vấn đề nằm ở sự lựa chọn và dấn thân của mỗi cá nhân. Không có nhiều người vừa bước vào thị trường lao động đã được bổ nhiệm làm sếp, làm quản lý hay lãnh đạo. Quá trình thăng tiến đều bắt đầu từ vị trí rất khiêm tốn, chẳng hạn thực tập sinh hoặc cộng tác viên.
Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân. Nếu ngày hôm nay bạn đặt chân đến một công ty nhỏ, thực hiện những công việc quá dễ hoặc quá khó, hãy cứ làm thật nghiêm túc và học hỏi để nhiệm vụ được hoàn thành. “Mình cần cố gắng lăn xả trong công việc để không bỏ phí thời gian”, sự dấn thân sẽ mang đến kiến thức, trải nghiệm và rất nhiều thay đổi về năng lực và trình độ. Những nỗ lực học hỏi của hiện tại sẽ được đền đáp vào một ngày nào đó trong tương lai.