Được mệnh danh là “làm dâu trăm họ”, nghề nhân sự chia làm nhiều mảng khác nhau và dành cho những ai say mê làm việc với con người. Bên cạnh tuyển dụng, C&B, hành chính thì L&D cũng rất quan trọng và ngày càng phổ biến hơn ở các doanh nghiệp. Vậy L&D là gì, công việc cụ thể và mức lương trong ngành này như thế nào? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
L&D là gì?
L&D là viết tắt của Learning & Development, có nghĩa đào tạo và phát triển, thuộc một phần trong công việc của nghề nhân sự. Trước đây, mọi người thường sử dụng Training & Development nhưng dần đã chuyển sang Learning & Development vì thuật ngữ này truyền đạt chính xác hơn các hoạt động đào tạo, phát triển.
Không còn dừng lại ở việc tổ chức các khóa học như cách mọi người hay nghĩ về đào tạo và phát triển, mà đã mở rộng phạm vi bằng những phương pháp khác nhau nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và hỗ trợ nhân viên phát triển toàn diện trong mọi khía cạnh của công việc. Một số hoạt động mở rộng của L&D có thể kể đến như coaching, sharing, mentoring,…
L&D là làm gì?
Công việc chính của L&D là cung cấp các chương trình đào tạo, khóa học và hoạt động phát triển cá nhân để nâng cao kỹ năng, kiến thức và năng lực của nhân viên. L&D không chỉ hỗ trợ nhân viên trong việc nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc hiện tại mà còn giúp họ phát triển toàn diện, từ kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, đến lãnh đạo và giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, L&D còn thúc đẩy việc học hỏi liên tục cũng như phát triển sự nghiệp của nhân viên. Các chương trình L&D hỗ trợ nhân viên xây dựng kế hoạch sự nghiệp, định hình mục tiêu và hướng dẫn họ về những bước tiến xa hơn trong tương lai. L&D cũng thường liên quan đến việc đánh giá hiệu suất nhân viên, cung cấp phản hồi để họ có thể tự đánh giá và phát triển bản thân.
Một số công việc chi tiết khi đảm nhiệm vị trí này như:
Tìm hiểu nhu cầu học tập
Để hiểu rõ nhu cầu học tập của nhân viên, người làm L&D thường thực hiện các phương pháp như khảo sát, thông báo qua email, phỏng vấn trực tiếp. Nhờ vậy, họ có thể biết được kiến thức và kỹ năng mà nhân viên muốn phát triển là gì.
Lên kế hoạch chương trình đào tạo
Dựa trên nhu cầu, người làm L&D tập hợp ý kiến từ ban lãnh đạo và nhân viên để xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng giai đoạn. Trong đó, L&D Manager đảm nhận vai trò lên kế hoạch tổng thể, còn L&D Executive thực hiện kế hoạch chi tiết và triển khai các hoạt động đào tạo.
Triển khai các hoạt động
Công việc triển khai chi tiết bao gồm các bước như lên lịch học, thông báo cho nhân viên, chuẩn bị nội dung và tài liệu cho buổi học. Ngoài ra, L&D cũng có thể tham gia trực tiếp vào quá trình giảng dạy. Sau mỗi khóa học, họ thu thập phản hồi từ người tham gia để đánh giá và cải thiện chất lượng đào tạo.
Đánh giá và đo lường hiệu quả trong L&D là gì?
Sau khi thu thập phản hồi, bộ phận L&D sẽ đánh giá sự hài lòng của nhân viên, tác động của chương trình đào tạo đối với hiệu suất làm việc và kết quả kinh doanh của tổ chức. Từ đó có thể đưa ra các quyết định để cải thiện chương trình đào tạo hoặc tập trung vào các lĩnh vực cần thiết.
Hỗ trợ các phòng ban khác
Công việc của bộ phận L&D không chỉ giới hạn ở bộ phận họ đang làm việc mà còn liên quan đến nhiều phòng ban khác trong tổ chức. Họ cần hỗ trợ và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ để cùng hướng tới mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Các vị trí của bộ phận L&D là gì?
Về cơ bản, L&D vẫn trực thuộc và dưới sự quản lý của phòng nhân sự. Đối với các tập đoàn, công ty lớn sẽ có bộ phận L&D riêng tùy vào phân bổ của từng doanh nghiệp. Nhìn chung sẽ có 2 vị trí phổ biến đó là L&D Manager và L&D Executive.
Trách nhiệm của L&D Manager là gì?
L&D Manager là người đứng đầu và chịu trách nhiệm trong việc định hình, lên kế hoạch các chương trình đào tạo và phát triển nhân sự. Dưới đây là một số công việc chính của L&D Manager:
– Phân tích nhu cầu đào tạo: thông qua việc tìm hiểu và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
– Lập kế hoạch chiến lược đào tạo: xây dựng chiến lược đào tạo dựa trên mục tiêu và nhu cầu. Đồng thời định hình hướng đi cho việc phát triển kỹ năng mềm, kiến thức của nhân viên nhằm đáp ứng các yêu cầu công việc.
– Quản lý ngân sách: phân bổ nguồn lực tài chính hiệu quả để đảm bảo các chương trình đào tạo được triển khai đúng thời hạn và đạt được mục tiêu đề ra.
– Xây dựng mối quan hệ với các đối tác: tìm kiếm, đánh giá và thiết lập mối quan hệ với đối tác để các chương trình đào tạo đáp ứng được chất lượng và yêu cầu của tổ chức.
– Đánh giá: theo dõi và đánh giá hiệu quả của các chương trình đào tạo dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.
– Tư vấn và hỗ trợ nhân viên về các lộ trình đào tạo, phát triển cá nhân. Đồng thời giúp họ xác định mục tiêu sự nghiệp cũng như lựa chọn các chương trình phù hợp.
– Báo cáo: chuẩn bị báo cáo thường kỳ về tiến độ và hiệu quả của các chương trình đào tạo cho ban lãnh đạo và bộ phận liên quan trong tổ chức. Bằng cách này, tổ chức sẽ hiểu rõ những đóng góp của L&D đối với sự phát triển của doanh nghiệp và nhân viên.
Mức lương đối với vị trí L&D Manager thường dao động từ 30 – 45 triệu đồng/tháng.
Công việc của L&D Executive là gì?
L&D Executive là người thực hiện, triển khai các hoạt động theo yêu cầu của L&D Manager. Dưới đây là một số công việc cụ thể mà L&D Executive thường thực hiện:
– Hợp tác với các bộ phận và nhân viên để khảo sát, thu thập thông tin, xác định các kiến thức, kỹ năng cần được phát triển.
– Tham gia vào việc lên kế hoạch, chuẩn bị nội dung, tài liệu, địa điểm, giảng viên và các nguồn lực cần thiết khác cho các buổi đào tạo.
– Trong quá trình đào tạo, L&D Executive hỗ trợ việc quản lý, giải quyết vấn đề, đảm bảo các hoạt động diễn ra suôn sẻ. Nếu doanh nghiệp có hệ thống đào tạo trực tuyến (e-learning), L&D Executive sẽ phụ trách quản lý nội dung, đảm bảo cập nhật liên tục và theo dõi tiến độ học tập của nhân viên.
– Thu thập phản hồi từ nhân viên sau mỗi buổi đào tạo.
– Hỗ trợ nhân viên trong việc chọn lựa các khóa học hoặc chương trình đào tạo thích hợp.
– Báo cáo về tiến độ, kết quả của các chương trình đào tạo với L&D Manager và chia sẻ thông tin này với các bộ phận liên quan.
– Lưu trữ cơ sở dữ liệu về các chương trình đào tạo, tài liệu học tập để dễ dàng truy cập khi cần thiết.
Mức lương của L&D Executive nằm ở khoảng 8 – 15 triệu đồng/tháng tùy vào mức độ công việc và cấu trúc bộ phận của doanh nghiệp.
Xem thêm: Executive là gì? Tổng hợp các vị trí Executive hot nhất hiện nay trên thị trường
Các kỹ năng cần thiết để trở thành L&D là gì?
Để làm việc trong lĩnh vực (L&D), bạn cần phát triển một số kỹ năng cần thiết trong việc đào tạo và phát triển nhân sự như:
– Kiến thức chuyên môn: có hiểu biết sâu về nguyên tắc và phương pháp đào tạo cũng như nắm vững các xu hướng trong lĩnh vực này.
– Kỹ năng giao tiếp: khả năng truyền đạt thông tin rõ ràng và hiệu quả.
– Kỹ năng lắng nghe: hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của người học thông qua việc lắng nghe.
– Kỹ năng tổ chức: đòi hỏi có năng lực trong việc tổ chức, quản lý các buổi đào tạo, từ việc chọn địa điểm, chuẩn bị tài liệu đến điều phối.
– Kỹ năng tư duy sáng tạo: để phát triển các phương pháp đào tạo mới và hấp dẫn.
Hiện nay, các doanh nghiệp đa phần đều coi trọng việc đào tạo và phát triển nhân viên để đáp ứng nhu cầu cũng như ngày càng phát triển hơn. Do đó, đầu tư vào nguồn nhân lực hiện có chính là giải pháp tối ưu. Vì vậy cơ hội việc làm cho L&D cũng vì thế mà mở rộng hơn. Với những thông tin trên hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về L&D là gì, công việc và mức lương như thế nào. Để tìm việc L&D mới nhất, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Bật mí 4 lý do trượt phỏng vấn có thể bạn không ngờ tới