Mất thẻ bảo hiểm y tế là một trong những sự cố gây phiền toái trong việc sử dụng các quyền lợi liên quan đến dịch vụ y tế. Vậy bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải làm sao? Mất thẻ bảo hiểm y tế có đi khám được không? Làm lại thẻ bảo hiểm y tế mất bao lâu? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, cùng theo dõi nhé!
Mất thẻ bảo hiểm y tế phải làm sao?
Theo Công văn số 2701/BHXH-TST, khi bị mất hoặc hỏng thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể đến trực tiếp cơ quan BHXH gần nhất để làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT, không phân biệt địa bàn. Bên cạnh đó, người tham gia BHYT còn có thể xin cấp lại thẻ BHYT qua Trang thông tin Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua ứng dụng VssID.
Mất thẻ bảo hiểm y tế làm lại ở đâu? Thủ tục cấp lại thẻ BHYT 2023
Khi bị mất thẻ bảo hiểm y tế, người tham gia BHYT có thể làm thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT bằng một trong 3 cách sau:
Cách 1: Thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT trực tiếp tại tổ chức BHXH
Người bị mất thẻ bảo hiểm y tế đến trực tiếp đơn vị hoặc điểm thu BHYT để được hướng dẫn làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người bị mất thẻ BHYT cần chuẩn bị bộ hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT theo quy định. Thành phần hồ sơ bao gồm:
(1) Đơn đề nghị cấp lại thẻ BHYT theo mẫu 02/THE được ban hành kèm theo Quyết định số 700/2006/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam về việc cấp, quản lý và sử dụng Thẻ bảo hiểm y tế.
(2) Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK1-TS.
(3) Bảng kê thông tin (mẫu D01-TS) do người sử dụng lao động chuẩn bị.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT tại tổ chức BHXH
Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ như trên, người xin cấp thẻ BHYT nộp hồ sơ tại một trong các địa điểm được quy định dưới đây:
- Cơ quan, tổ chức BHXH cấp huyện nếu người tham gia BHYT thuộc đối tượng thuộc BHXH cấp huyện quản lý.
- Cơ quan, tổ chức BHXH cấp tỉnh nếu người tham gia BHYT thuộc đối tượng thuộc BHXH cấp tỉnh quản lý.
Bước 3: Nộp phí cấp lại thẻ BHYT
Theo khoản 4 điều 18 Luật BHYT năm 2014 người đề nghị cấp lại thẻ BHYT nộp lệ phí cấp lại thẻ theo mức lệ phí được quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tuy nhiên Điểm a Khoản 2 Điều 23 Luật Phí và lệ phí năm 2015 quy định: “Bãi bỏ khoản 4 Điều 18 của Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi và bổ sung một số điều theo Luật số 46/2014/QH13.” Vậy là quy định về việc nộp lệ phí khi cấp lại thẻ BHYT đã bị bãi bỏ, người thực hiện thủ tục này không phải mất phí.
Bước 4: Giải quyết hồ sơ
Cơ quan BHXH tiến hành kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đủ điều kiện thì tổ chức BHYT cấp lại thẻ BHYT cho người đề nghị xin cấp lại thẻ BHYT.
Thời hạn giải quyết hồ sơ cấp lại thẻ BHYT là trong vòng 7 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được đơn đề nghị. Trong thời gian chờ thẻ người bị mất thẻ BHYT vẫn được hưởng các quyền lợi BHYT bình thường.
Bước 5: Nhận lại thẻ BHYT mới
Người mất thẻ bảo hiểm y tế có thể lựa chọn đăng ký nhận lại thẻ bằng 1 trong 3 cách sau:
- Nhận qua đường bưu điện;
- Nhận trực tiếp tại đơn vị đang làm việc;
- Nhận trực tiếp tại tổ chức BHXH theo lịch hẹn;
Cách 2: Thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia
Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã triển khai các thủ tục liên quan đến Bảo hiểm xã hội, trong đó có thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT do hỏng hoặc mất. Người tham gia BHYT có thể thực hiện thủ tục cấp lại thẻ BHYT online theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Chọn Đăng ký tài khoản cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc chọn Đăng nhập bằng tài khoản cá nhân.
Bước 2: Trong giao diện mới, nhấn chọn Tiện ích >> Bảo hiểm xã hội >> Bấm Cập nhật >> Điền thông tin mã số BHXH để hoàn tất.
Bước 3: Tiếp theo, nhấn chọn Dịch vụ công trực tuyến ở Trang chủ.
Chọn cơ quan thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiếp tục nhấn Tìm kiếm.
Chọn Cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế”
Bước 4: Nhấn chọn Danh sách dịch vụ công >> Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất >> Nộp trực tuyến.
Bước 5: Màn hình sẽ tự động chuyển sang giao diện Cổng dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam. Các thông tin đề nghị cấp lại thẻ BHYT sẽ tự động hiển thị. Người xin cấp lại BHYT nhập “Mã số Bảo hiểm xã hội” và “Mã kiểm tra”, chọn “Tra cứu” và nhập thông tin còn thiếu để hoàn tất.
Khi lựa chọn địa chỉ nhận hồ sơ, người xin cấp thẻ BHYT có thể lựa chọn nhận tại “Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả” hoặc nhận “Qua dịch vụ bưu chính”.
Xem thêm: Cách tra cứu giá trị thẻ BHYT đơn giản và nhanh chóng mà người lao động cần biết
Bước 6: Hoàn thành, người xin cấp lại thẻ sẽ nhận được thông báo Nộp hồ sơ thành công qua màn hình hiển thị và qua tin nhắn gửi về số điện thoại đăng ký. Ngoài ra, các bạn cũng có thể chủ động tra cứu quá trình xử lý hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT trên trang Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam.
Lưu ý:
- Trường hợp người xin cấp thẻ BHYT chọn nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính sẽ được gửi thẻ BHYT mới về tận nhà theo địa chỉ nhận hồ sơ đã đăng ký.
- Trường hợp đăng ký nhận hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thì phải đến trực tiếp cơ quan BHXH để nhận thẻ BHYT.
Cách 3: Thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT trực tuyến qua VssID
Bước 1: Mở ứng dụng VssID
Bước 2: Đăng nhập vào tài khoản VssID hoặc nhấn chọn Đăng ký tài khoản nếu chưa có tài khoản. Tại màn hình chính ứng dụng, nhấn chọn Dịch vụ công.
Bước 3: Chọn dịch vụ “Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất“ >> Chọn “Địa chỉ nhận kết quả” >> “Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả” > Nhấn gửi vậy là bạn sẽ có địa chỉ và Email của Cơ quan BHXH để đến nhận thẻ BHYT mới.
Bước 4: Nếu chọn phương thức “Qua dịch vụ bưu chính”, điền các thông tin bao gồm Địa chỉ nhận, Số nhà, Tên đường,… rồi nhấn Gửi. Cước phí dịch vụ bưu chính sẽ do người xin cấp thẻ BHYT tự chi trả.
Bước 5: Cơ quan BHXH Việt Nam sẽ gửi mã OTP để Xác nhận và hoàn thành quy trình cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất.
Làm lại thẻ bảo hiểm y tế mất bao lâu?
Căn cứ Khoản 3, Điều 18, Luật BHYT năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định thời gian cấp lại thẻ BHYT như sau: “Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ, tổ chức bảo hiểm y tế phải cấp lại thẻ cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia bảo hiểm y tế vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.”
Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 30, Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ban hành ngày 14/04/2017 quy định thời hạn cấp thẻ BHYT từ ngày 01/05/2017 như sau:
- Trường hợp không thay đổi thông tin: Thời gian cấp lại thẻ BHYT trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp thay đổi thông tin: Thời gian cấp lại thẻ BHYT không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp người tham gia đang điều trị bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, thời gian thực hiện trong ngày khi nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp cấp lại thẻ BHYT do bị mất hoặc đổi thẻ BHYT do rách hỏng mà không thay đổi thông tin sẽ rất nhanh nhằm đảm bảo lợi ích cho người tham gia, đặc biệt là trường hợp đang phải điều trị bệnh
Mất thẻ bảo hiểm y tế có đi khám được không?
Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT, người tham gia BHYT khi đi khám hoặc chữa bệnh chỉ cần xuất trình giấy hẹn kết quả cấp lại thẻ BHYT và các giấy tờ chứng minh nhân thân theo quy định như CMND, CCCD hoặc hộ chiếu là có thể tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT. Bên cạnh đó, người tham gia BHYT vẫn hưởng các quyền lợi liên quan đến dịch vụ BHYT như bình thường trong thời gian chờ cấp lại thẻ.
Kết luận
Khi bị mất thẻ bảo hiểm y tế, việc làm lại thẻ ngay lập tức là điều cần thiết để đảm bảo người tham gia BHYT không bị gián đoạn khi sử dụng các quyền lợi liên quan. Hy vọng bài viết trên của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã giúp bạn nắm được thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT nhanh chóng nhất hiện nay. Đừng quên theo dõi các bài viết mới nhất của Việc Làm 24h về BHYT, BHXH để đảm bảo quyền lợi của bản thân nhé!
Xem thêm: Bảo hiểm y tế trái tuyến là gì? BHYT trái tuyến được hưởng bao nhiêu phần trăm?