Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngành hệ thống thông tin quản lý cũng đang phát triển nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội việc làm tiềm năng. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về ngành học này qua bài viết.
Ngành hệ thống thông tin quản lý là gì?
Ngành hệ thống thông tin quản lý (Management Information Systems – viết tắt là MIS) là ngành học về thiết bị (máy móc, phần cứng, phần mềm…), con người và quy trình thu thập, đánh giá, phân tích, phân phối thông tin để phục vụ cho mục tiêu của tổ chức, doanh nghiệp.
Nói cách khác, MIS kết hợp giữa IS (hệ thống thông tin) và M (quản lý) – là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin với quản lý kinh doanh có phạm vi ứng dụng lớn, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường lao động.
Nhiều người nhầm lẫn rằng MIS tương tự như ngành khoa học máy tính hay công nghệ thông tin. Thực tế, ngành nghề này này tập trung vào quá trình thiết kế, vận hành và quản trị hệ thống phân tích dữ liệu, thông tin giúp kết nối với các bên liên quan trong tổ chức, doanh nghiệp và nâng cao hoạt động, đạt được lợi thế cạnh tranh.
Trong doanh nghiệp, các vị trí liên quan đến ngành nghề này đóng vai trò giúp quản lý thông tin, dữ liệu và nhân sự theo cách hiệu quả hơn. Bởi vậy, đây được xem là ngành học tiềm năng không chỉ cung ứng nhân sự cho lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn trong lĩnh vực quản lý và kinh tế.
Ngành hệ thống thông tin quản lý học gì?
Sinh viên theo ngành học về hệ thống thông tin quản lý sẽ được cung cấp kiến thức về lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực kinh tế, cùng nhiều kỹ năng mềm. Cụ thể:
Kiến thức chuyên môn
- Kiến thức về kinh tế và quản lý: xác suất thống kê, toán, kinh tế vĩ mô – vi mô, luật quốc tế, kinh doanh, quan hệ quốc tế, marketing… Những môn học này nhằm giúp sinh viên hiểu được các chỉ số quan trọng trong nền kinh tế, cách nền kinh tế vận hành, các xu hướng của nền kinh tế hiện đại.
- Kiến thức về công nghệ thông tin: kỹ thuật lập trình, tin học cơ sở, cấu trúc dữ liệu, thiết kế web, lập trình web, toán tin học… Những môn học này cung cấp cho sinh viên kiến thức về lập trình, cách thức hoạt động của website, cách lưu trữ và đồng nhất dữ liệu…
- Bên cạnh các kiến thức chung trên, sinh viên có thể đi sâu vào các chuyên ngành giúp định hướng nghề nghiệp như:
+ Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP – Enterprise Resources Planning).
+ Phân tích, thiết kế hệ thống: tính toán, thiết kế và phân tích một phần mềm, một hệ thống.
+ Phân tích dữ liệu kinh doanh.
+ Hệ thống về thông tin kế toán.
+ Thương mại điện tử.
Các kỹ năng mềm
Bên cạnh các kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được đào tạo thêm các kỹ năng mềm để hỗ trợ đắc lực cho công việc như:
+ Tư duy logic.
+ Làm việc độc lập.
+ Kỹ năng quản trị.
+ Chịu được áp lực.
Ngành học hệ thống thông tin quản lý ra trường làm gì?
Hiện nay, nhu cầu của thị trường về nhân lực ngành hệ thống thông tin quản lý tương đối cao. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành học này có thể đảm nhận nhiều vị trí trong các cơ quan, doanh nghiệp:
- Chuyên viên thiết kế, quản lý hệ thống thông tin.
- Chuyên viên phân tích hệ thống thông tin: đảm nhận nhiệm vụ tổng hợp, nghiên cứu thông tin trong doanh nghiệp, tổ chức.
- Chuyên viên phân tích kinh doanh (BA – Business Analyst): đảm nhận chuyên môn phân tích điểm mạnh, điểm yếu của hoạt động kinh doanh, từ đó đưa ra giải pháp hiệu quả.
- Nhân viên phân tích dữ liệu (Data Analyst).
- Kỹ sư dữ liệu (Data Engineer).
- Khoa học dữ liệu (Data scientist).
- Quản trị hệ thống thông tin.
- Chuyên viên đào tạo, hướng dẫn ở bộ phận quản lý dự án.
- Nhân viên tư vấn ERP: tư vấn thiết kế hệ thống ERP cho doanh nghiệp.
- Chuyên viên quản lý cơ sở dữ liệu (DA – Database Administrator).
Ngoài các nghề nghiệp trên, bạn có thể lựa chọn học tiếp lên cao để tham gia vào công tác nghiên cứu, giảng dạy về hệ thống quản lý thông tin tại các trường cao đẳng hoặc trường đại học.
Bên cạnh đó, với những kiến thức cơ bản trên, sinh viên ngành học hệ thống thông tin quản lý còn có thể chuyển đổi sang nhiều ngành nghề khác như:
- Kỹ sư phần mềm (Software engineer): phát triển phần mềm, cập nhật tính năng, viết code, sửa lỗi phần mềm, tích hợp phần mềm vào hệ thống, nâng cấp, bảo trì, khắc phục hệ thống…
- Lập trình web (Web developer): lên kế hoạch sản xuất, lập trình website, phân phối website theo nhu cầu của doanh nghiệp, bảo mật thông tin, bảo mật website…
- IT analyst: thiết kế hệ thống công nghệ cho khách hàng, giám sát công nghệ, thực hiện đào tạo về kỹ thuật và công nghệ cho nhân viên…
- IT technician: hỗ trợ cài đặt phần cứng cho khách hàng hoặc tổ chức, bảo trì, nâng cấp phần cứng, hỏng hóc, cấu hình phần mềm, sao lưu, quản lý kỹ thuật…
- Management analyst: tổng hợp thông tin hệ thống, triển khai, quản lý hệ thống nhằm tối ưu quy trình vận hành.
- Information security analyst (chuyên viên phân tích bảo mật): giám sát hệ thống máy tính liên quan đến các bảo mật, cài đặt, vận hành và kiểm tra lỗ hổng bảo mật, chống thâm nhập trái phép…
- Systems administrator (quản trị hệ thống): quản sát máy chủ, giám sát hiệu suất, khắc phục, nâng cấp hệ thống, cài đặt cấu hình phần cứng, phần mềm…
- Data manager (quản trị dữ liệu): giám sát hệ thống dữ liệu, thu thập, khắc phục các sự cố dữ liệu.
- Network engineer (kỹ sư mạng): đánh giá, duy trì, điều chỉnh hiệu suất mạng, xây dựng cấu hình, giải quyết sự cố mạng…
Xem thêm: Backend là gì? Những điều cần biết để trở thành Backend Developer
Mức lương của nhân sự trong ngành hệ thống thông tin quản lý
Mức lương của ngành này dao động từ 10 triệu đồng đến 35 triệu đồng. Nếu số năm kinh nghiệm tăng lên và thăng tiến lên các vị trí cao hơn, mức lương có thể dao động lên đến 45 triệu đồng – 55 triệu đồng.
Lưu ý rằng, mức lương này tuỳ thuộc vào vị trí, công ty, địa điểm làm việc cũng như năng lực của từng người. Tuy nhiên, so với thị trường việc làm hiện nay, đây là một mức lương hấp dẫn. Bởi vậy, tính cạnh tranh trong ngành nghề này cũng tương đối cao.
Ngành hệ thống thông tin quản lý học trường nào? Điểm chuẩn ra sao
Như vậy, bạn đã có cái nhìn sơ lược về ngành học hệ thống thông tin quản lý. Nếu muốn theo học ngành này, bạn có thể tham khảo thông tin từ các trường Đại học (ĐH) có đào tạo chuyên ngành này như:
- Trường ĐH Khoa học tự nhiên
- Trường ĐH Công nghệ (trực thuộc ĐH Quốc gia HN)
- Trường ĐH Kinh tế – Luật
- Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
- Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM
- Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Các khối thi tuyển sinh ngành hệ thống thông tin quản lý gồm:
- A00 (Toán, hoá, lý)
- A01 (Toán, Anh, Lý)
- A02 (Toán, Lý, Văn)
- A10 (Toán, GDCD, Lý)
- A16 (Toán, Văn, KHTN)
- C15 (Văn, KHXH, Toán)
- D01 (Toán, Anh, Văn)
- D07 (Toán, Anh, Hoá)
- D09 (Toán, Anh, Sử)
- D03 (Toán, Văn, tiếng Pháp)
- D90 (Toán, tiếng Anh, KHTN)
- D96 (Toán, tiếng Anh, KHXH)
Sau đây là bảng điểm chuẩn ngành học hệ thống thông tin quản lý từ một số trường Đại học
STT | Mã ngành | Tên trường | Điểm chuẩn | Môn thi |
1 | 7340405 | ĐH Kinh tế quốc dân | 27.5 | A00, A01, D01, D07 |
2 | 7340405 | ĐH Kinh tế TP HCM | 27.1 | A00, A01, D01, D07 |
3 | 7340405 | Học viện Ngân hàng | 26.35 | A00, A01, D01, D07 |
4 | 7340405 | ĐH Ngân hàng TP HCM | 24.55 | A00, A01, D01, D07 |
5 | 7340405 | ĐH Kinh Tế – ĐH Đà Nẵng | 23.75 | A00, A01, D01, D90 |
6 | 7340405 | ĐH Mở TP HCM | 23.5 | A00, C03, D01, D07 |
7 | 7340405 | Trường Quốc Tế – ĐH Quốc Gia HN | 22.5 | A00, A01, D01, D03, D06, D96, D97 |
8 | 7340405 | ĐH Công nghệ TP HCM | 19 | A00, A01, C01, D01 |
9 | 7340405 | ĐH Nha Trang | 17 | A01, D01, D07, D96 |
10 | 7340405 | ĐH Kinh Tế – ĐH Huế | 16 | A00, A01, C15, D01 |
Để biết điểm chuẩn theo từng năm cũng như yêu cầu tuyển sinh chi tiết cho ngành học hệ thống thông tin quản lý của từng trường ĐH, bạn nên truy cập trực tiếp vào trang tin tuyển sinh của trường để nắm thông tin cụ thể.
Lời kết
Trên đây là những thông tin tổng hợp từ Việc Làm 24h về ngành học hệ thống thông tin quản lý. Mong rằng bài viết phần nào có được review ngành hệ thống thông tin quản lý sơ lược, từ đó có được sự cân nhắc lực chọn ngành nghề phù hợp với mong muốn trong tương lai.
Xem thêm: Ngành báo chí học trường gì? Cơ hội công việc khi ra trường như thế nào?