Bạn là người năng động, thích tổ chức và lên kế hoạch thực hiện chương trình, sự kiện? Ước mơ của bạn là trở thành leaders cho một sự kiện tầm cỡ? Vậy theo đuổi ngành tổ chức sự kiện sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Trong bài viết dưới đây, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lĩnh vực đầy thú vị này!
Tìm hiểu đôi nét về ngành tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện là ngành gì?
Đây là một ngành học khá mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành đã phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh. Hiện tại, đây là một trong những ngành nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Về cơ bản, ngành tổ chức sự kiện là một lĩnh vực chuyên về việc lên kế hoạch, thiết kế, tổ chức và quản lý các sự kiện hoặc hoạt động kết nối cộng đồng. Tổ chức sự kiện liên quan đến việc tạo ra và quản lý những trải nghiệm đặc biệt cho một nhóm người, từ cuộc họp nhỏ đến hội thảo lớn, triển lãm, concert, đám cưới, sự kiện thể thao,…
Công việc chính trong ngành rất đa dạng, bao gồm: định hình mục tiêu sự kiện, lên kế hoạch chi tiết, xác định nguồn lực cần thiết, tạo ra các hoạt động, trải nghiệm phù hợp,… Mục tiêu của các hoạt động này là đảm bảo sự kiện được diễn ra suôn sẻ và thành công.
Để trở thành một nhân sự tổ chức sự kiện, bạn cần đảm bảo những kỹ năng cần thiết, như quản lý thời gian, giao tiếp, làm việc nhóm, sáng tạo, quảng cáo và tiếp thị, giải quyết vấn đề,… Đồng thời, ngành này cũng đòi hỏi sự linh hoạt, khả năng chịu áp lực về thời gian và sức khỏe.
Ngành tổ chức sự kiện hiện mang lại rất nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Khi theo đuổi ngành học này, bạn có thể làm việc trong các công ty tổ chức sự kiện, công ty quảng cáo, khách sạn, trung tâm hội nghị,… Ngoài ra, nếu có đủ kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn, bạn có thể tự mở công ty tổ chức sự kiện riêng.
Tầm quan trọng của ngành tổ chức sự kiện
Trong bối cảnh hiện tại, ngành tổ chức sự kiện đóng vai trò rất quan trọng. Sự phát triển của lĩnh vực này mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho các doanh nghiệp, thương hiệu.
Tăng cơ hội kết nối với khách hàng
Tổ chức sự kiện giúp các doanh nghiệp, tổ chức có thể xây dựng và cải thiện mức độ nhận diện thương hiệu. Thông qua các sự kiện, doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, tạo dựng hình ảnh tích cực, tương tác trực tiếp với khách hàng/đối tác/cộng đồng.
Mang lại trải nghiệm độc đáo
Sự kiện mang đến những trải nghiệm tương tác và gắn kết mạnh mẽ hơn so với các phương thức truyền thông khác. Từ việc thiết kế không gian, chương trình và hoạt động độc đáo, ngành sẽ tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ, kích thích sự tương tác của khách hàng. Bên cạnh đó, các sự kiện còn tạo nên sự gắn kết sâu sắc giữa các bên liên quan.
Quảng cáo và tiếp thị
Sự kiện đóng vai trò như một phương tiện quan trọng trong chiến lược quảng cáo và tiếp thị. Qua việc tổ chức triển lãm, hội thảo, concert, doanh nghiệp có thể tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, thông qua các sự kiện, doanh nghiệp có thể trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp cải thiện doanh thu bán hàng.
Thúc đẩy kinh tế
Ngành tổ chức sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương và quốc gia. Khi tổ chức các sự kiện lớn như triễn lãm quốc tế, festival âm nhạc, sự kiện thể thao,…, sẽ thu hút đông đảo khách du lịch và người tham gia. Điều này góp phần tạo ra lưu lượng khách du lịch, tăng thu ngân sách, tạo việc làm và phát triển ngành dịch vụ.
Giao lưu văn hoá
Ngành tạo nên một nền tảng để giao lưu văn hoá. Đồng thời, lĩnh vực này còn mang đến cơ hội để mọi người khám phá, hiểu và tôn trọng các nền văn hoá khác nhau. Các sự kiện mang tầm quốc tế có thể tạo nên một môi trường đa văn hoá, góp phần thúc đẩy sự đoàn kết, hiểu biết giữa các quốc gia và cộng đồng.
Tổ chức sự kiện học ngành gì? Học khối nào? Trường chính quy đào tạo ngành tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện học ngành nào?
Để theo đuổi ngành này, bạn có thể lựa chọn những ngành nghề sau:
- Quản lý sự kiện hoặc quản trị sự kiện.
- Đạo diễn.
- PR.
- Truyền thông, Marketing.
- Quản lý nhà hàng, khách sạn.
- Quản trị kinh doanh.
Ngành tổ chức sự kiện học khối nào?
Nếu xác định sẽ theo đuổi ngành tổ chức sự kiện, bạn cần đưa ra quyết định chọn khối thi sớm để có định hướng học tập phù hợp. Đối với lĩnh vực này, bạn có thể lựa chọn những khối học như: A, A1, C, D. Đa số các khối này đều phải có ưu thế về ngôn ngữ, ngoại ngữ và giao tiếp.
Ngành tổ chức sự kiện học trường nào?
- Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội
- Cao đẳng FPT
- ĐHQG Hà Nội và TP.HCM
- Học viện Báo chí Tuyên truyền.
- Đại học Văn Lang.
- Đại học Văn hóa Hà Nội.
- Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, TP.HCM.
- Trường đại học ngoại ngữ và tin học TPHCM (HUFLIT)
- Đại học Tôn Đức Thắng TDTU.
7 kỹ năng cần có khi học ngành tổ chức sự kiện
1. Kỹ năng quản lý dự án
Quản lý dự án là một phần quan trọng trong việc tổ chức sự kiện thành công. Kỹ năng quản lý dự án giúp bạn lập kế hoạch chi tiết cho sự kiện, xác định các bước cần thực hiện, đặt ra mục tiêu cụ thể và phân công công việc cho những thành viên trong nhóm. Bằng cách theo dõi tiến độ, đánh giá rủi ro, và quản lý tài nguyên, bạn có thể đảm bảo rằng sự kiện diễn ra đúng theo kế hoạch và đạt kết quả mong muốn.
2. Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là một yếu tố quan trọng trong ngành. Bạn cần có khả năng giao tiếp rõ ràng và hiệu quả với đối tác, đội ngũ làm việc, khách hàng và những bên liên quan khác. Kỹ năng giao tiếp có thể biểu thị qua việc lắng nghe, truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp và xử lý mọi thắc mắc hay đề xuất từ các bên liên quan.
3. Kỹ năng sáng tạo
Để tạo nên những sự kiện độc đáo và ấn tượng, tư duy sáng tạo là yếu tố vô cùng quan trọng. Bạn cần có khả năng sáng tạo để đưa ra ý tưởng mới, phá cách và thiết kế trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Kỹ năng này giúp bạn tạo ra các khía cạnh đặc biệt, từ cách bài trí không gian, thiết kế trang trí, đến chương trình và hoạt động sự kiện.
Xem thêm: Bật mí 6 cách sáng tạo trong công việc giúp mỗi ngày đi làm là một ngày vui
4. Kỹ năng tổ chức
Kỹ năng tổ chức trong ngành là việc nắm vững các khía cạnh trong quá trình triển khai sự kiện. Điều này bao gồm việc tạo ra lịch trình chi tiết, đảm bảo mọi công việc được hoàn thành đúng hạn và tuân thủ theo kế hoạch. Bạn cần xác định mục tiêu sự kiện, lựa chọn địa điểm, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và làm việc với đội ngũ nhân viên để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
5. Kỹ năng xử lý tình huống
Trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, bạn không thể tránh khỏi các tình huống và vấn đề bất ngờ xảy ra. Kỹ năng xử lý tình huống là khả năng phản ứng nhanh chóng, tỉnh táo và linh hoạt khi đối mặt với những thay đổi hoặc vấn đề không lường trước. Vì vậy, bạn cần có sẵn các phương án dự phòng, biết cách quản lý rủi ro và tìm ra giải pháp sáng tạo. Việc này sẽ giúp bạn giải quyết mọi tình huống không lường trước trong quá trình tổ chức sự kiện.
6. Kỹ năng đàm phán
Kỹ năng đàm phán là yếu tố quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ tốt với các đối tác, nhà cung cấp và khách hàng. Đàm phán giúp bạn đạt được những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên, đảm bảo rằng các yêu cầu của khách hàng và đối tác được đáp ứng. Bạn cần có khả năng lắng nghe, thuyết phục và đề xuất các điều khoản và điều kiện hợp lý để đạt được sự đồng thuận.
Xem thêm: Phương pháp rèn luyện kỹ năng đàm phán từ A-Z hiệu quả tăng tính thuyết phục
7. Kỹ năng quảng cáo và tiếp thị
Để thành công trong ngành, bạn cần có kiến thức về quảng cáo và tiếp thị. Kỹ năng này bao gồm việc xác định đối tượng khách hàng, lập kế hoạch tiếp thị sự kiện, tạo ra chiến lược quảng cáo hiệu quả và sử dụng những kênh truyền thông hiệu quả.
Học ngành tổ chức sự kiện ra làm gì?
Nhân viên tổ chức sự kiện
Bạn có thể trở thành nhân viên tổ chức sự kiện trong một công ty tổ chức sự kiện hoặc công ty quảng cáo, đảm nhận các nhiệm vụ liên quan đến lập kế hoạch, thực hiện và quản lý sự kiện. Mức lương khởi điểm của nhân viên tổ chức sự kiện sẽ khoảng 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.
Xem thêm: Agenda là gì? Chia sẻ các mẫu Agenda chương trình thông dụng cho các sự kiện
Trưởng dự án sự kiện
Với kinh nghiệm và kỹ năng mềm phát triển, bạn có thể thăng tiến lên vị trí trưởng dự án sự kiện. Nhiệm vụ của bạn lúc này là lãnh đạo và quản lý toàn bộ quá trình tổ chức sự kiện. Mức lương trung bình cho vị trí này có thể từ 15 triệu đến 25 triệu đồng/tháng.
Chuyên viên truyền thông sự kiện
Nếu có kiến thức về truyền thông và quảng cáo, bạn có thể chuyển sang vị trí chuyên viên truyền thông sự kiện, đảm nhận việc quảng bá, truyền thông và xây dựng hình ảnh cho sự kiện. Mức lương khởi điểm của vị trí này từ 8 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.
Giám đốc sự kiện
Nếu sở hữu nhiều năm kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, bạn có thể tiến lên vị trí giám đốc sự kiện hoặc sáng lập công ty tổ chức sự kiện riêng. Mức lương cho vị trí này phụ thuộc vào quy mô và mức độ thành công của công ty, có thể từ 30 triệu đồng/tháng trở lên.
Tổ chức sự kiện là một ngành đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Khi theo đuổi ngành nghề này, bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập ổn định. Qua bài viết trên, Việc Làm 24h tin rằng bạn đã hiểu rõ hơn về ngành tổ chức sự kiện và những thông tin liên quan. Hãy tiếp tục đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác của Việc Làm 24h bạn nhé!
Xem thêm: Học giỏi văn thì làm nghề gì? Top 5 công việc không thể bỏ qua