Để hoạt động của một tổ chức hay doanh nghiệp được diễn ra trơn tru, thực hiện đúng chức năng, mang lại hiệu quả thì chắc chắn không thể thiếu vai trò của quản trị. Chính vì thế, từ lâu quản trị học đã được đem ra nghiên cứu, bàn luận và giảng dạy tại nhiều trường đại học. Vậy Quản trị học là gì? Tại sao lại phải học quản trị học? Những yếu tố nào để tạo nên một nhà quản trị giỏi? Tất cả những điều đó sẽ được Nghề Nghiệp Việc Làm 24h giải đáp ngay bài viết bên dưới. Cùng tham khảo nhé!
1. Khái niệm quản trị học là gì?
Quản trị là gì?
Trước khi tìm hiểu về Quản trị học là gì, chúng ta cần biết Quản trị là gì? Thuật ngữ này đã xuất hiện từ lâu và được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Một số cách hiểu tiêu biểu về khái niệm quản trị có thể kể đến như:
- “Quản trị là một quá trình kỹ thuật và xã hội nhằm sử dụng các nguồn lực để tác động tới hoạt động của con người và tạo điều kiện thay đổi nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức.” – Theo Robert Albanese
- “Quản trị là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra”. – Theo James Stoner và Stephen Robbins
- “Quản trị là nghệ thuật đạt được mục đích thông qua người khác.” – Theo Mary Parker Follett
Như vậy, ta có thể thấy, quản trị là gì là một khái niệm rộng lớn với nhiều quan niệm khác nhau tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người, song chúng ta có thể nhận thấy quản trị luôn có các đặc điểm chung sau:
- Là tiến trình thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo sự hoàn thành công việc qua những nỗ lực của người khác.
- Phối hợp hiệu quả các hoạt động của người cùng chung trong tổ chức.
- Là quá trình nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra bằng việc phối hợp nguồn lực của tổ chức.
- Là quá trình các nhà quản trị hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra.
Quản trị học là gì?
Từ khái niệm quản trị ở trên, chúng ta có thể rút ra được định nghĩa quản trị học là gì.
Quản trị học có thể được nhìn nhận từ là hai khía cạnh khoa học và nghệ thuật.
Về mặt khoa học, quản trị học là ngành nghiên cứu các nguyên tắc, quy luật, phương pháp, kỹ thuật của quản trị, trên cơ sở đó vận dụng vào thực tế để giải quyết các vấn đề quản trị. Mặt khác, xét về khía cạnh nghệ thuật, quản trị học bao gồm các kỹ năng, bí quyết, sự khôn khéo và linh hoạt để giải quyết những vấn đề trong quản trị giữa người với người.
Không chỉ vậy, nếu hiểu theo hướng ngành nghề thì quản trị học là một công việc đang được nhiều người săn đón. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các công việc về quản trị đang được mở rộng và phong phú, tiềm ẩn nhiều khả năng phát triển con người.
Tóm lại, dù được biết đến theo cách hiểu nào thì quản trị học cũng như hoạt động quản trị sẽ phát sinh khi có sự kết hợp của người với người thành một tập thể. Nếu như không có những hoạt động đó, mọi người trong tập thể sẽ không thể cùng nhau làm việc và hướng đến một mục đích chung để doanh nghiệp phát triển.
Tại sao phải quản trị học lại quan trọng?
Khi tìm hiểu xong khái niệm Quản trị học là gì thì chắc hẳn ít nhiều bạn cũng hiểu hơn về tầm quan trọng của ngành học này.
Quản trị học cung cấp cho người học những chức năng và kỹ năng quản trị để thực hiện các hoạt động trong một tổ chức nhằm kết hợp các hoạt động cá nhân riêng lẻ với nhau trong một tổ chức để hoàn thành những mục tiêu chung. Môn học bắt đầu với quản trị là gì và nhà quản trị là ai, làm gì, làm việc ở đâu?
Đây là môn học rộng phục vụ cho mọi định hướng nghề nghiệp, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà cả trong lĩnh vực phi kinh doanh; bởi lẽ, để hoạt động có hiệu quả thì ở lĩnh vực nào cũng cần thiết phải có kiến thức quản trị.
2. Nhà quản trị là ai?
Nhà quản trị (hay còn gọi là quản trị viên) là người làm việc trong tổ chức có nhiệm vụ thực hiện chức năng quản trị trong phạm vi được phân công phụ trách, được giao nhiệm vụ điều khiển công việc của một nhóm người và chịu trách nhiệm trước kết quả hoạt động của những người đó.
Đồng thời, nhà quản trị là còn là người lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra con người, tài chính, vật chất và thông tin trong tổ chức sao cho có hiệu quả để giúp tổ chức đạt mục tiêu. Xét theo góc độ phân cấp quản lý trong doanh nghiệp, nhà quản trị có thể được chia làm 3 cấp như sau:
Nhà quản trị cấp cao là những người hoạt động ở bậc cao nhất trong tổ chức, chịu trách nhiệm về những thành quả cuối cùng của tổ chức.
- Công việc: đưa ra các quyết định chiến lược, tổ chức thực hiện chiến lược để duy trì và phát triển tổ chức.
- Chức danh: chủ tịch hội đồng quản trị, ủy viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc,…
Nhà quản trị cấp trung gian là những người ít thẩm quyền hơn những quản lý cấp cao ở trên nhưng lại cao hơn những quản lý cấp thấp nhất trong đội ngũ nhân viên điều hành.
- Công việc: đưa ra các quyết định chiến thuật, thực hiện các kế hoạch và chính sách của doanh nghiệp, phối hợp các hoạt động, các công việc để hoàn thành mục tiêu chung.
- Chức danh: trưởng phòng, phó phòng, quản đốc,…
Nhà quản trị cấp cơ sở là những làm việc ở cấp bậc cuối cùng trong hệ thống quản trị của một doanh nghiệp, tổ chức.
- Công việc: đưa ra các quyết định tác nghiệp nhằm hướng dẫn, điều khiển nhân viên trong các công việc sản xuất kinh doanh cụ thể hàng ngày thực hiện mục tiêu chung.
- Chức danh: tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng các tổ bán hàng, trưởng ca,…
3. Vai trò của nhà quản trị học
Hiểu được tầm quan trọng của Quản trị học là gì thì ta cũng có thể nhận thấy vai trò không thể thiếu của một nhà quản trị trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp.
Với con người
Một tổ chức muốn lớn mạnh thì tập thể các nhân viên trong đó phải đoàn kết với nhau, đồng thời cũng phải có mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo. Ở đây, nhà quản trị như là cầu nối, gắn kết, đại diện cho tổ chức, lãnh đạo truyền đạt thông tin và cũng đại diện cho các nhân viên cấp dưới để cất lên tiếng nói cho người lao động.
Với thông tin
Hoạt động quản trị chỉ thực sự hiệu quả khi được xử lý và thực thi trên nền tảng các thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời. Với vai trò này, nhà quản trị cần thu thập và tiếp nhận thông tin để tổng hợp các cơ hội hoặc thách thức đối với tổ chức rồi sau đó phổ biến thông tin cho mọi người và cung cấp thông tin ra bên ngoài để giải thích hoặc bảo vệ hoạt động của tổ chức.
Với quyết định
Đây là một trong những vai trò quan trọng nhất của nhà quản trị trong một tổ chức. Nhóm vai trò này được chia làm 4 vai trò nhỏ hơn, gồm:
- Vai trò là doanh nhân: xuất hiện khi tìm cách cải tiến hoạt động của tổ chức;
- Vai trò là người giải quyết: xuất hiện kịp thời để đối phó với các biến cố bất ngờ nảy sinh;
- Vai trò là người phân phối tài nguyên: tức là việc dùng đúng tài nguyên và phân phối một cách hợp lý;
- Vai trò đàm phán: thay mặt cho tổ chức trong quá trình quan hệ với các đơn vị khác.
4. Những yếu tố tạo nên nhà quản trị học là gì?
Sau khi hiểu được vai trò vô cùng quan trọng của một nhà quản trị là gì, ta nhận thấy rằng, nếu một tổ chức muốn phát triển lớn mạnh thì việc sở hữu những nhà quản trị giỏi là một trong những điều bắt buộc của quá trình xây dựng tổ chức, doanh nghiệp.
Vậy để trở thành nhà quản trị giỏi thì cần những yếu tố nào? Cùng Vieclam24h.vn điểm qua 5 yếu tố của một nhà quản trị giỏi nên có nhé!
Khả năng điều hành, lãnh đạo
Chắc hẳn đây là yếu tố đầu tiên ai cũng nghĩ đến khi nhắc đến một “nhà quản trị”. Khả năng điều hành và kỹ năng lãnh đạo giỏi sẽ giúp nhà quản trị xây dựng và quản lý một phận các nhân viên cấp dưới của mình một cách hiệu quả.
Một nhà quản trị giỏi không phải là người ôm đồm hết mọi việc. Đó là người phải biết điều hành, phân công cho cả một tập thể nhỏ làm những công việc cụ thể, phù hợp với từng cá nhân để từ đó đem lại kết quả tốt nhất cho tổ chức.
Tinh thần trách nhiệm cao
Nhà quản trị sẽ quản lý và điều hành cả một tập thể, đồng thời, với vai trò quyết định của một nhà quản trị thì người đó phải luôn chịu trách nhiệm trước những định mà mình đưa ra.
Nhà quản trị giỏi sẽ không bao giờ đổ lỗi hay phán xét những nhân viên cấp dưới của mình khi có vấn đề xảy ra từ quyết định của họ, thay vào đó sẽ cũng nhân viên họp bàn và tìm ra cách giải quyết cho vấn đề đang gặp phải.
Kiến thức chuyên môn tốt
Những yếu tố quan trọng của một nhà quản trị giỏi thì không thể bỏ qua được yếu tố chuyên môn. Chắc hẳn sẽ chẳng có ai mong muốn một người không có đủ chuyên môn làm nhà quản trị của mình cả.
Một nhà quản trị thành công luôn có 2 kỹ năng chuyên môn cần thiết nhất. Chuyên môn cụ thể về nghề nghiệp họ đang làm, hiểu biết sâu rộng về nghề nghiệp đó. Bên cạnh đó là những chuyên môn về doanh nghiệp, các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.
Kỹ năng tiếp nhận, truyền đạt thông tin
Dựa theo vai trò của một nhà quản trị, việc có kỹ năng tư duy, tiếp nhận và truyền đạt thông tin là một trong những yếu tố không thể thiếu của một nhà quản trị giỏi.
Nhà quản trị là cầu nối ở giữa, truyền đạt thông tin giữa cấp bậc lãnh đạo và các nhân viên cấp dưới, chính vì thế, việc tư duy logic, xử lý nhanh và truyền đạt chính xác các thông tin được nhận từ cả 2 bên chính là điều vô cùng quan trọng và không được sai sót khi làm nhà quản trị.
Biết gắn kết mọi người trong tổ chức
Nhà quản trị giỏi chính là người có thể gắn kết được bản thân mình với các đội ngũ lãnh đạo, nhân viên, cũng như là giữa các nhân viên với nhau.
Điều đó sẽ tạo nên một môi trường làm việc bền vững, đoàn kết, hướng mọi người về các yếu tố cốt lõi của tổ chức và mục tiêu chung để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc.
Mức lương của nhà quản trị bao nhiêu?
Mức lương trung bình của quản lý nhân sự tầm trung có thể dao động từ 12 – 20 triệu/ tháng. Tuy nhiên mức lương của quản trị viên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tùy vào kinh nghiệm, cấp bậc, tính chất công việc và nhiệm vụ kiêm nhiệm mà mức lương của nhà quản trị có thể chệch lệch dựa vào khả năng đàm phán của quản trị viên với doanh nghiệp.
Những quản trị viên có kinh nghiệm lâu năm và trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ quản trị kinh doanh thường nhận được mức lương cao hơn những người mới bắt đầu. Đồng thời, những người quản lý cấp cao ở các doanh nghiệp lớn trong các ngành như công nghệ, tài chính, bán lẻ cũng thường có mức lương cao hơn so với các ngành khác và những vị trí quản lý cấp trung.
Kết luận
Vieclam24h.vn đã cùng bạn khám phá khái niệm Quản trị học là gì và tất tần tật các yếu tố xung quanh đó để trở thành một nhà quản trị giỏi. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về quản trị học và nhà quản trị. Từ đó, bạn sẽ có những quyết định đúng đắn và phù hợp hơn trên con đường sự nghiệp của riêng mình. Chúc bạn luôn thành công nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Brand Manager là gì? Quản lý thương hiệu lương cao không?