Suy thoái kinh tế là điều mà cả thế giới và Việt Nam chúng ta đang trải qua. “Đại khủng hoảng lao động” cũng từ đó mà trở nên trầm trọng và lan rộng hơn bao giờ hết. Hàng loạt nhân viên nghỉ việc, rời khỏi những văn phòng đầy áp lực. Liệu rằng cơn khủng hoảng làn sóng nghỉ việc này sẽ có hồi kết hay tất cả chỉ mới là bắt đầu?
Đại dịch vừa lắng dịu thì thế giới lại tiếp tục đón nhận làn sóng khủng hoảng tiếp theo. Chưa lúc nào mà “The Great Resignation” lại trở thành tâm điểm như 2 năm trở lại đây. Xuất phát từ Hoa Kỳ, phong trào “Đại nhảy việc” giờ đây đã lan rộng trên khắp toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp nhanh chóng rơi vào tình trạng báo động vì thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Sự sống còn của các tổ chức đang nằm trong tay của hàng triệu người lao động trên thị trường. Tuy nhiên, câu trả lời nhận lại vẫn chỉ là 1 chữ “KHÔNG” to lớn.
Vậy đâu là nguyên nhân thật sự dẫn đến “làn sóng nghỉ việc”? Vì sao suy thoái kinh tế nhưng không khiến người lao động “suy yếu”? Làn sóng này sẽ tạo ra những tác động gì cho thị trường lao động? Doanh nghiệp cần làm gì để giữ chân người tài và thu hút nhân sự trong thời gian tới? Hãy cùng Việc Làm 24h phân tích và tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
1. Từ đại dịch đến suy thoái, sức chịu đựng của người lao động đã đạt giới hạn!
Khái niệm “Làn sóng Đại nghỉ việc” (The great resignation) lần đầu được sử dụng tại Hoa Kỳ từ tháng 4/ 2021. Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng người lao động nghỉ việc đã lên đến gần 47 triệu người. Đây là một con số kỷ lục trong 2 thập kỷ trở lại đây cho một thị trường việc làm rộng mở như Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Ngược lại, những nhân sự còn lại cũng dễ rơi vào “vòng xoáy khủng hoảng” khi phải gánh thay công việc của những “chiếc ghế trống”.
Dữ liệu từ Harvard Business Review cho thấy: Tỷ lệ người nghỉ việc tăng đều mỗi năm một ít. Điều đó có nghĩa: làn sóng nghỉ việc tăng đều mỗi năm một ít. Chỉ đến khi COVID-19 ập đến vào năm 2020, biểu đồ mới xuất hiện sự đảo chiều.
Năm 2020 có thể được xem như là năm “ai ở đâu ở yên chỗ nấy”. Để rồi, sang đến năm 2021 là năm “ai ở đâu, bước ra khỏi đấy”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “cuộc đại nhảy vọt” này. Phần lớn đến từ chính những áp lực công sở mà nhân viên phải chịu đựng suốt 1 năm dài. Sức chịu đựng của nhân sự có giới hạn. Điều gì đến rồi cũng sẽ đến và đó chính là “The Great Resignation” như chúng ta đã thấy.
2. Khi suy thoái không khiến chúng ta vô can
Thoạt đầu, đại chúng đã đổ lỗi cho làn sóng đại dịch COVID-19 cho cơn khủng hoảng trên. Nhìn nhận khách quan, đại dịch không chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc đại nhảy việc nói trên. Thay vào đó, COVID-19 đã để lộ ra những “tử huyệt” trong bộ máy vận hành. Những mô hình silo working “quy chuẩn” bỗng trở nên cồng kềnh. Rất nhiều vấn đề phát sinh, nhưng chẳng bao nhiêu giải pháp được thực thi triệt để.
Từ khi đại dịch bùng phát, mỗi ngôi nhà trở thành một văn phòng bất đắc dĩ. Hai khái niệm “công ty” và “tổ ấm” giờ đây hoà nhau làm một. Mọi giờ trong ngày đều có nguy cơ trở thành giờ làm việc. Những bữa tối gia đình nhanh chóng bị chèn lấp bởi những cuộc họp online. Từ đây, không còn ranh giới giữa công việc và cá nhân. Người lao động nhanh chóng rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ và cuộc bị đảo lộn hoàn toàn. Những âm thanh tin nhắn và email bỗng chốc trở thành những áp lực vô hình, nay càng nặng nề hơn.
Việc tăng, áp lực tăng nhưng phúc lợi và lương tháng lại bị cắt giảm. Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” kết hợp cường độ công việc cao liên tục khiến nhiều người bất mãn. Hệ quả là, rất nhiều người lao động đã chọn “dứt áo ra đi không ngay trở lại”. Bất chấp những năm cống hiến không ngừng, họ vẫn kiên định với quyết định của mình.
The Great Resignation có thể là chiếc lò xo giúp người tìm việc “nhảy cao hơn” trong sự nghiệp. Với một số người, đó là cánh cửa exit để những “người bất phục” thoát khỏi “Rat race”. Đó là một đường đua áp lực của những gánh nặng cơm áo gạo tiền không có hồi kết. Sau tất cả, COVID-19 cũng chỉ là “mồi đuốc” thắp lửa để người lao động tìm kiếm một cơ hội tốt hơn.
3. Bất chấp suy thoái, người lao động chẳng hề “suy yếu”
Từ sự bất mãn dẫn đến những quyết định bất chấp của người trong cuộc. Một đại bộ phận người lao động đã trở nên cứng rắn trong hành động của mình. Trong bối cảnh “Đại nhảy việc”, hơn 43% người lao động tích cực tìm kiếm một môi trường mới. Một phần không nhỏ còn lại lựa chọn tham gia làn sóng nghỉ việc để làm việc tự do hoặc bán thời gian. Một phần nhỏ người lao động khác chọn nghỉ việc để kinh doanh riêng.
Tỷ lệ thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 ở Việt Nam là 1,1 triệu người. Con số này tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo do ảnh hưởng từ làn sóng dịch thứ 4. Tưởng rằng sang đến năm 2022, tỷ lệ “lấp đầy nhân sự” ở các doanh nghiệp sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Thế nhưng, sự thật lại trái ngược những gì chúng ta suy luận.
Ở nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ tuyển dụng nhân sự thành công chỉ đạt 60% so với kế hoạch. Tất cả doanh nghiệp luôn trong tình trạng sẵn sàng. Nhưng không phải nhân sự nào cũng sẵn sàng để trở lại doanh nghiệp.
Theo nhiều khảo sát, sự “e ngại” và “bất an” được xem là lý do chính. Sau một khoảng thời gian dài làm việc tại nhà, nhiều người e dè khi phải “dịch chuyển” trở lại 4 góc văn phòng. Đó là chưa kể những trăn trở về mức lương, thời gian & quãng đường di chuyển, chính sách phúc lợi …. Có thể thấy, đại dịch đã tạo nên một bước “đại dịch chuyển” trong tư tưởng người đi làm. Giờ đây, công việc không phải tất cả khi chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp, tương lai và gia đình.
4. Một vị thế bấp bênh cho cả đôi bên thị trường lao động
“Đại nhảy việc” vừa là cánh cửa cơ hội cho người lao động tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, đại nhảy việc cũng đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực “nguy cấp”. Trước tình trạng thiếu nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm công suất làm việc. Năng suất cũng từ đây mà bị giảm không kém.
Điều này tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh báo cho một thị trường lao động cực kỳ bấp bênh. Từ phía doanh nghiệp, người có thể không đủ, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ mục tiêu kinh doanh. Điều này lại tiếp tục tạo nên một vòng xoáy áp lực cho những nhân sự hiện hành. Như thế, hình ảnh “việc chồng người, người choàng việc” cho nhau tiếp tục diễn ra. Áp lực cứ thế xoay vòng và tạo tiền đề cho những cuộc “đại nhảy việc” tiếp theo. Sản xuất đình trệ kéo theo kinh tế tiếp tục suy thoái. Để rồi, “đại nhảy việc” vẫn chưa thể nào có được một cơn “đại phục hồi”.
Việc người lao động tìm một công việc tốt hơn là một điều hợp lý trong bối cảnh áp lực tăng cao. Nhưng điều này đôi lúc dường như sẽ không hợp tình – tình cảm lẫn tình cảnh. Chính vì thế, người tìm việc cần thật sự suy xét quyết định của mình
Hãy tạm biệt nếu môi trường làm việc quá độc hại. Còn lại, khoan vì những vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong thời điểm khó khăn mà rời đi. Sự bất chấp có thể mang đến những hậu quả lớn đến dòng tiền của mỗi người. Đối với những người đã có gia đình, những khoản chi tiêu cố định hằng tháng có thể bị đứt gãy. Từ đây phát sinh những mâu thuẫn, xích mích trong gia đình. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của người lao động.
5. Doanh nghiệp cần làm gì để giải bài toán này?
The Great Resignation xuất phát từ những sự bất mãn của người lao động với doanh nghiệp. Tuy nhiên, có lẽ đôi lúc người lao động đã bị khuất phục trước những áp lực của nghịch cảnh. Nhìn nhận một cách công tâm, đôi bên đã có những thiếu sót trong việc quản trị và vận hành. Chính vì thế, đã đến lúc doanh nghiệp và người tìm việc cần đi tìm “tiếng nói chung” của nhau. Chỉ khi đó, “đại nhảy việc” mới dần đi đến hồi kết.
70% người đi làm mong muốn một môi trường làm việc linh động (Theo khảo sát từ Microsoft). Linh động ở đây vừa có nghĩa là linh động về không gian và thời gian làm việc. Doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng những mô hình làm việc mới như Hybrid working hoặc remote working. Remote working cho phép nhân sự được làm việc từ xa mà không giới hạn số ngày lên công ty. Ngược lại, hybrid working sẽ kết hợp giữa làm ở văn phòng và làm từ xa. Thường tỷ lệ phân bổ giữa 2 hình thức làm việc này sẽ là 3/2 hoặc 4/1.
Tuỳ thuộc vào mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng giải pháp phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn sức khoẻ tinh thần của nhân sự. Công ty có thể thêm vào những khoảng giờ nghỉ ngơi, hoặc những hoạt động gắn kết nhân viên. Điều này góp phần giúp nhân viên detox “áp lực” để tái tạo năng lượng và làm việc hiệu quả hơn.
Xem thêm bài viết về sức khoẻ tinh thần (Mental Health) tại đây: Mental health là gì? 4 cách chăm sóc sức khỏe tinh thần hiệu quả cho nhân viên
6. Một cơ hội cho một thế hệ nhân sự thêm bứt phá
Từ phía người lao động, hãy xem The Great Resignation – làn sóng nghỉ việc như là một “nút tạm nghỉ” cho sự nghiệp. Suy cho cùng, dù làm chủ hay làm cùng chủ doanh nghiệp, không ai có thể tách mình khỏi guồng quay sản xuất. Tạm nghỉ ngơi để tiếp tục làm việc chính là giải pháp tối nhất. Tuy nhiên, giờ đây, hãy sẵn sàng để trở lại “thị trường việc làm” trong một tâm thế mới. Khó khăn có thể đã khiến bạn chùn bước. Tuy nhiên, khó khăn cũng có thể khiến bạn tiến bước trong một phiên bản tốt hơn.
Bên cạnh trau dồi kỹ năng chuyên môn, nhân sự nên trau đồi thêm kỹ năng mềm và giao tiếp. Trong tiếng Anh, đây gọi là bộ kỹ năng Interpersonnal. Bộ kỹ năng này sẽ giúp người lao động phát triển thêm về EQ. Đây là tiền đề quan trọng giúp người đi làm có thể thăng tiến và vươn xa trong sự nghiệp.
7. Đừng để suy thoái làm ta thoái lui
Suy thoái kinh tế là hệ quả tất yếu của mọi cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, đừng xem suy thoái là hòn đá cản trở. Ngược lại, người lao động lẫn nhà tuyển dụng hãy xem đây là cơ hội chuyển mình. Chỉ có sự thay đổi từ nội tại mới có thể tạo ra sức bật mới cho một tương lai tích cực hơn.
The great resignation – làn sóng nghỉ việc không phải là hồi kết. Đó chỉ là tiền đề cho một cuộc cách mạng tư duy. Tất cả để chuyển hoá một thị trường lao động triển vọng hơn trong tương lai gần.