Trợ cấp thôi việc là gì? Cách tính như thế nào và có gì khác với trợ cấp thất nghiệp?

Hiện nay, nhiều người lao động thường hay bỏ qua, không để ý đến những khoản tiền phụ cấp, trợ cấp của mình trong quá trình lao động và kể cả khi đã kết thúc lao động tại các doanh nghiệp. Trong đó, trợ cấp thôi việc là một trong những khoản trợ cấp ít được biết đến nhất và không phải người lao động nào cũng có thể nhận khoản tiền này. Vậy cụ thể trợ cấp thôi việc là gì? Cách tính như thế nào? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu ngay bài viết bên dưới nhé!

1. Trợ cấp thôi việc là gì? 

Trợ cấp thôi việc chính là khoản tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi họ chấm dứt hợp đồng với người lao động.

trợ cấp thôi việc
Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người lao động được người sử dụng lao động chi trả sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Tiền trợ cấp sẽ được thanh toán trong 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, ngoại trừ các trường hợp sau nhưng cũng không được quá 30 ngày:

+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

Xem thêm: Tổng hợp những mẫu đơn xin nghỉ việc không lương dành cho người lao động

2. Điều kiện để người lao động hưởng trợ cấp

Căn cứ khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động muốn hưởng trợ cấp sau khi nghỉ việc phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên trước khi nghỉ việc.
  • Chấm dứt hợp đồng lao động bởi một trong các căn cứ sau:
  • Do hết hạn hợp đồng.
  • Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng.
  • Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
  • Người lao động bị phạt tù nhưng không được hưởng án treo/không được trả tự do, tử hình/bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động.
  • Người lao động chết; bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích/đã chết;
  • Người sử dụng lao động chết; bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích/đã chết.
  • Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động/bị thông báo không có người đại diện.
  • Người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.
trợ cấp thôi việc
Người lao động phải đủ các điều kiện trên mới có thể được nhận trợ cấp thôi việc.

3. Các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, có 02 trường hợp dù có đủ các điều kiện nêu trên nhưng không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp đó là:

3.1. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu: 

Theo quy định tại Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được hưởng lương hưu thường phải có đủ 02 điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

trợ cấp thôi việc
Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc khi kết thúc hợp đồng lao động.

Về tuổi nghỉ hưu

Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường phải từ đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và 55 tuổi 04 tháng đối với nữ khi nghỉ hưu vào năm 2021. Mỗi năm sau đó thì tuổi nghỉ hưu của nam tăng 03 tháng đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; còn tuổi nghỉ hưu của nữ tăng 04 tháng đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động còn có thể được nghỉ hưu trước độ tuổi nêu trên từ 05 đến 10 năm, thậm chí là trước rất nhiều năm.

Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Hầu hết mọi trường hợp người lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.

Riêng trường hợp lao động nữ làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.

Xem thêm: Các loại bảo hiểm bắt buộc người lao động cần biết khi đi làm giúp đảm bảo lợi ích

3.2. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục mà không có lý do chính đáng

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, người lao động hoặc thân nhân người đó bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trường hợp khác theo nội quy lao động.

Nếu không có các lý do này mà tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên, người lao động bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không được nhận.

Xem thêm: Tổng hợp lý do xin nghỉ việc thuyết phục, khéo léo khiến cấp trên không thể từ chối

4. Cách tính trợ cấp thôi việc mới nhất

Căn cứ Điều 48, Bộ luật lao động 2012 quy định việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động dựa trên nguyên tắc: 

Tiền trợ cấp thôi việc = ½ x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc 

Cụ thể:

  1. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động trong 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
  2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian người lao động đã làm việc – Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian đã được chỉ trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm

Trong đó:

– Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế bao gồm:

  • Thời gian trực tiếp làm việc
  • Thời gian thử việc
  • Thời gian được người sử dụng cử đi học
  • Thời gian nghỉ chế độ ốm đau, thai sản
  • Thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được trả lương
  • Thời gian nghỉ để thực hiện nghĩa vụ công mà được trả lương;
  • Thời gian ngừng việc không do lỗi của phía người lao động;
  • Thời gian nghỉ hằng tuần
  • Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương
  • Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại điện người lao động
  • Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

– Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

  • Thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp;
  • Thời gian thuộc diện không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng được người sử dụng chi trả cùng tiền lương một khoản tiền bằng với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp mà lẻ tháng sẽ được làm tròn:

  • Có tháng lẻ ít hoặc bằng 06 tháng: Tính 1/2 năm
  • Trên 06 tháng: Tính 01 năm.
trợ cấp thôi việc
Cách tính trợ cấp thôi việc sẽ phụ thuộc vào tiền lương và thời gian làm việc.

Xem thêm: Tìm hiểu các hình thức trả lương phổ biến hiện nay của doanh nghiệp

5. Nếu không trả trợ cấp thất nghiệp, doanh nghiệp có bị phạt? 

Nếu người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp mà công ty lại cố tình không trả thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi không trả hoặc không trả đủ trợ cấp thôi việc cho người lao động sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức phạt căn cứ cứ vào số lượng người lao động bị vi phạm:

  • Từ 01 – 02 triệu đồng: Nếu có 01 – 10 người lao động bị vi phạm
  • Từ 02 – 05 triệu đồng: Nếu có từ 11 – 50 người lao động bị vi phạm
  • Từ 05 – 10 triệu đồng: Nếu có từ 51 – 100 người lao động bị vi phạm
  • Từ 10 – 15 triệu đồng: Nếu có từ 101 – 300 người lao động bị vi phạm
  • Từ 15 – 20 triệu đồng: Nếu có từ 301 người lao động.

Đồng thời, người sử dụng còn buộc phải trả đủ tiền cho người lao động và tính thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa trả theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm bị xử phạt.

6. Phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp

Nếu trợ cấp thôi việc có khái niệm và các điều kiện như trên thì trong khi đó, trợ cấp thất nghiệp có những điểm khác biệt sau: 

trợ cấp thôi việc
Phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp để có thể đảm bảo quyền lợi của bản thân khi tham gia trong thị trường lao động.

6.1. Đối tượng hưởng và chi trả chế độ

  • Trợ cấp thôi việc: Người hưởng là người lao động, người chi trả trợ cấp là người sử dụng lao động (doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức,…).
  • Trợ cấp thất nghiệp: Người hưởng trợ cấp là người lao động, người chi trả, giải quyết chế độ là bên Cơ quan Bảo hiểm xã hội.

6.2. Thời gian làm việc tính trợ cấp

  • Trợ cấp thôi việc: Là tổng thời gian làm việc thực tế, trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm.
  • Trợ cấp thất nghiệp: Tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

6.3. Cách tính hai loại trợ cấp

  • Tiền trợ cấp thôi việc = ½ x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc 
  • Tiền trợ cấp thất nghiệp = 60% x bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

Lưu ý: Trợ cấp không giới hạn mức hưởng; trợ cấp thất nghiệp thì mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng, tuỳ từng đối tượng.

Xem thêm: Cách tính bảo hiểm thất nghiệp chuẩn đảm bảo quyền lợi cho người lao động

TẠM KẾT

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền thuộc về quyền lợi của người lao động cũng như là trách nhiệm của người sử lao động, vì thế cả đôi bên cần nắm rõ khoản tiền này để bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng như không bị phạt nếu vi phạm. 

Hy vọng rằng với những chia sẻ của Việc Làm 24h, cách tính trợ cấp thôi việc và phân biệt loại trợ cấp này với trợ cấp thất nghiệp sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích nhất để giữ mọi quyền lợi khi kết thúc quá trình lao động.

Đừng quên đón đọc những bài viết hữu ích khác tại Nghề nghiệp Việc Làm 24h nhé!

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục