Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí New York Times, Laszlo Bock – giám đốc nhân sự của công ty đã tiết lộ những tiêu chí ứng viên mà Google muốn tìm kiếm, và chúng chẳng liên quan gì đến danh tiếng ngôi trường họ học.
Sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng có thể thiếu khiêm tốn trong công việc
Những sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường danh tiếng rất có thể sẽ quá tự tin vào năng lực của họ nên thường hay ỷ lại, trì trệ công việc và họ khó chấp nhận những thất bại. Megan McArdle từng nhận định rằng: “Nhiều nhà văn có thói quen nước đến chân mới nhảy chỉ bởi họ đã dành được quá nhiều điểm A trong các lớp văn ở trường”.
Trong khi Google muốn tìm những ứng viên có thể chịu rút lui, chấp nhận ý tưởng của người khác khi thấy chúng tốt hơn ý tưởng của mình. Bock cho biết rằng: “Đó chính là sự nhún nhường về trí tuệ. Nếu không có nó, bạn sẽ không thể học hỏi được. Những sinh viên hạng ưu tú luôn thành công ở trường, ít khi phải nếm mùi thất bại nên họ không có được những bài học đáng giá mà thất bại mang đến.”
Ông còn chia sẻ thêm: “Họ mắc những lỗi lầm quy kết cơ bản. Nghĩa là, nếu điều gì tốt xảy ra, đó là vì tôi giỏi. Nếu điều gì xấu xảy ra, đó là do lỗi của người khác hoặc do tôi không có đủ nguồn lực… Điều mà chúng tôi thường nhận thấy ở họ sẵn từ trước khi vào công ty là họ luôn cãi lý và quá khích với quan điểm riêng của mình.”
Giỏi mà không cần bằng cấp mới là những nhân viên tuyệt vời nhất
Bock tiết lộ: “Khi bạn thấy một người không học đại học và vẫn thành công, thì đó chính là nhân tài. Chúng tôi luôn tìm mọi cách có thể để săn được những cá nhân như vậy.”
Bock cũng chia sẻ rằng nhiều trường học không mang đến cho sinh viên những gì họ hứa hẹn mà chỉ khiến các sinh viên phải chịu một khoản nợ học phí cho tất cả những thứ họ học được.
Điều này cho thấy tài năng có thể tồn tại ở khắp nơi và không chỉ ở những trường đại học danh tiếng bạn mới tìm được nhân tài cho công ty mình. Nếu chỉ dựa vào nhân lực từ nguồn này thì bạn có thể sẽ bỏ qua những ứng viên ưu tú.
Khả năng học hỏi quan trọng hơn chỉ số IQ
Thành công trong học vấn không có nghĩa là bạn đủ khả năng làm việc. Theo quan điểm của Bock thì trường học là một “môi trường nhân tạo” chỉ tạo điều kiện giúp sinh viên định hướng tư duy mà thôi. Chỉ số IQ thực ra không có giá trị bằng khả năng học hỏi.
Cụ thể Bock chia sẻ rằng: “Đối với tất cả các vị trí tuyển dụng, điều đầu tiên chúng tôi tìm kiếm ở ứng viên không phải là IQ mà chính là khả năng nhận thức, hay nói đúng hơn là khả năng học hỏi. Đó chính là khả năng xử lý thông tin, số liệu ngay lập tức. Nó cho phép con người ta ghép nối các mảnh thông tin riêng rẽ để đưa ra được những ý tưởng mới. Chúng tôi đánh giá phẩm chất này qua các bài phỏng vấn hành vi theo quy chuẩn riêng để đảm bảo chúng có thể dự đoán tốt khả năng làm việc của người đó trong tương lai.”
Phỏng vấn hành vi khác với kiểu phỏng vấn thông thường như hỏi ứng viên về cách họ ứng xử với một vấn đề khó khăn trong quá khứ. Những câu hỏi dạng này sẽ cho phép nhà tuyển dụng tìm được người phù hợp với lối quản lý ở công ty, trong đó những thành tích như chủ tịch câu lạc bộ sinh viên hay một danh hiệu ấn tượng nào đó nhiều khi lại không đáng giá bằng khả năng sẵn sàng lùi một bước để tiến hai bước – từ bỏ thứ gì đó khi cần để chuyển sang tìm kiếm những hướng đi mới khả quan hơn.