Trên thị trường đầy cạnh tranh, nhân tài là một trong những điểm khác biệt chính quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Vì vậy tập trung vào tuyển dụng và phát triển nhân tài luôn là yếu tố quan trọng. Trong đó, trải nghiệm mà nhân viên có được khi tiếp xúc với doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến quyết định gắn bó của nhân viên. Tất cả những trải nghiệm này được gọi là Employee Journey. Theo báo cáo năm 2021 của Isolved, 92% lãnh đạo nhân sự nói rằng Employee Journey hiện là ưu tiên hàng đầu của họ. Vậy Employee Journey là gì, làm thế nào để tối ưu hành trình trải nghiệm của nhân viên? Hãy cùng Vieclam24h.vn tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Employee Journey là gì?
Employee Journey (Employee Lifecycle) là hành trình nhân viên, bao gồm mọi điểm tiếp xúc mà nhân viên có với doanh nghiệp, từ các bài đăng trên mạng xã hội mà họ nhìn thấy trước khi ứng tuyển cho đến những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp. Hành trình bắt đầu khi một ứng viên nộp đơn xin việc vào công ty và kết thúc khi họ nghỉ việc. Những trải nghiệm đáng chú ý trong giai đoạn đầu của Employee Journey thường là cuộc phỏng vấn xin việc đầu tiên, ngày làm việc đầu tiên và đánh giá hiệu suất đầu tiên. Khi nhân viên có trải nghiệm tích cực ở từng điểm tiếp xúc ban đầu sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp về công ty. Đây là bước quan trọng trong việc xây dựng lòng trung thành và khuyến khích nhân viên làm việc hiệu quả.
Employee Journey Map là gì?
Employee Journey Map là bản đồ hành trình nhân viên, xác định những giai đoạn trong “vòng đời” của nhân viên. Qua đó giúp doanh nghiệp cải thiện từng điểm tiếp xúc và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho nhân viên. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể xây dựng nguồn nhân lực gắn bó, trung thành và nỗ lực làm việc hiệu quả hướng đến mục tiêu chung.
Khía cạnh quan trọng nhất cần xem xét khi lập Employee Journey Map là cảm nhận của nhân viên ở từng giai đoạn. Để làm được điều này cần sử dụng một số câu hỏi như:
– Nhân viên mới cảm thấy thế nào về quá trình tuyển dụng của doanh nghiệp?
– Nhân viên có được cung cấp đủ cơ hội đào tạo và phát triển không?
– Tại sao nhân viên lại rời bỏ công ty?
– Nhân viên có hài lòng với phong cách quản lý của tổ chức không?
Lập Employee Journey Map mang đến lợi ích gì?
Tạo Employee Journey Map sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bức tranh toàn cảnh về hành trình của nhân viên và hiểu được cách họ tương tác với tổ chức như thế nào. Từ đó, bạn có thể cải thiện từng điểm tiếp xúc trong hành trình để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho nhân viên. Điều này đặc biệt quan trọng vì trải nghiệm của nhân viên với tổ chức càng tốt thì họ càng có nhiều khả năng gắn bó với công ty và hoạt động tích cực.
Ngoài ra, bằng cách thu thập phản hồi từ nhân viên ở mọi giai đoạn trong Employee Journey, bạn sẽ xác định được điểm nào doanh nghiệp đang làm tốt và điểm nào cần cải thiện về quy trình nội bộ. Bạn cũng có thể thu thập thông tin có giá trị để tạo mô tả công việc giúp ứng viên hiểu rõ ràng về vai trò mà họ sắp ứng tuyển.
Hơn nữa, thông qua việc phân tích dữ liệu từ các cuộc khảo sát về mức độ hài lòng và đánh giá hiệu suất, bạn có thể xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nhằm khuyến khích nhân viên phát huy hết tiềm năng.
Tất cả những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm tổng thể của nhân viên mà còn xây dựng danh tiếng của nhà tuyển dụng để thu hút và giữ chân nhân tài.
Hành trình nhân viên bao gồm những giai đoạn nào?
Employee Journey thường được chia thành 6 giai đoạn cụ thể là thu hút, tuyển dụng, giới thiệu, giữ chân, phát triển và rời đi.
Thu hút (Attraction)
Đây là giai đoạn đầu tiên trong hành trình nhân viên và là nơi các ứng tiềm năng lần đầu tiên tiếp xúc với thương hiệu nhà tuyển dụng. Giai đoạn này rất quan trọng vì nếu ấn tượng của ứng viên về tổ chức là tiêu cực thì họ khó có thể chấp nhận lời mời làm việc từ bạn. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giai đoạn thu hút này:
– Bạn quảng cáo cơ hội việc làm của doanh nghiệp ở đâu?
– Làm thế nào để ứng viên ứng tuyển vào các vị trí đang tuyển dụng?
– Bạn có phát huy được giá trị của thương hiệu nhà tuyển dụng không?
Cách tốt nhất để cải thiện giai đoạn thu hút trong Employee Journey là tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và danh tiếng nhà tuyển dụng. Hãy suy nghĩ về những gì bạn phải cung cấp cho các ứng viên tiềm năng và liệu Employee Value Proposition (EVP) của bạn có đủ mạnh để thu hút người lao động hay không.
Xem thêm: Làm sao để thu hút ứng viên vào mùa cao điểm tuyển dụng?
Tuyển dụng (Recruitment)
Đây là giai đoạn mà một ứng viên có thể chuyển thành nhân viên của tổ chức. Để cải thiện tiếp xúc này, bạn nên sử dụng các công cụ phù hợp để tối ưu quy trình tuyển dụng và tập trung hơn vào việc xây dựng trải nghiệm tích cực. Điều quan trọng là tạo ra những mô tả công việc rõ ràng, đầy đủ thông tin để ứng viên hiểu được yêu cầu và vai trò. Một số lời khuyên để tối ưu hóa giai đoạn này đó là:
– Liệt kê cụ thể các kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm mà bạn đang tìm kiếm để tìm đúng ứng viên.
– Tham khảo thông tin từ nhân viên, chẳng hạn như khuyến khích họ giới thiệu ứng viên tiềm năng, chia sẻ về những kỹ mà thành viên mới nên có.
– Đưa ra các lợi ích và chính sách phúc lợi hấp dẫn để tăng tính cạnh tranh và thu hút được những nhân tài hàng đầu.
Giới thiệu (Onboarding)
Khi đã tuyển dụng được nhân viên mới, giai đoạn tiếp theo trong Employee Journey đó là làm quen và định hướng. Đây là thời điểm bạn cung cấp cho nhân viên thêm thông tin về vai trò, trách nhiệm trong công việc cũng như các công cụ, tài nguyên cần để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, bạn nên cho nhân viên mới cơ hội đưa ra những câu hỏi để hiểu hơn về văn hóa và dễ hòa nhập vào môi trường của doanh nghiệp.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn tạo ra trải nghiệm tích cực cho nhân viên ở giai đoạn này:
– Tạo cho nhân viên mới cảm giác được chào đón và cung cấp đầy đủ thông tin.
– Chia sẻ rõ ràng về những mong đợi của bạn ở vị trí này.
– Kiểm tra thường xuyên để xem nhân viên mới hòa nhập như thế nào và liệu họ có hòa nhập tốt với đồng nghiệp không.
Xem thêm: Onboarding là gì? Xây dựng quy trình onboarding thật ấn tượng
Giữ chân (Retention)
Sau khi nhân viên mới đã làm việc ổn định, bạn cần đảm bảo họ đủ hài lòng để ở lại với doanh nghiệp. Đây là một giai đoạn quan trọng trong Employee Journey vì nếu nhân viên không hài lòng và rời đi thì sẽ gây lãng phí thời gian cũng như tiền bạc của tổ chức. Do vậy, việc cung cấp môi trường làm việc tích cực và hòa nhập là rất quan trọng. Để làm được điều này, bạn có thể:
– Tập trung vào hoạt động xây dựng mối quan hệ với nhân viên.
– Nuôi dưỡng văn hóa tôn trọng, minh bạch.
– Thúc đẩy các kênh giao tiếp cởi mở giữa các nhân viên.
– Hiểu được động lực của mỗi nhân viên.
– Thực hiện các chương trình khen thưởng, công nhận để tạo động lực cho nhân viên.
– Xây dựng môi trường hỗ trợ để tăng sự gắn kết.
Xem thêm: Giữa thời buổi khan hiếm nhân sự, làm thế nào để giữ chân nhân tài?
Phát triển (Development)
Một điểm tiếp xúc quan trọng khác trong Employee Journey sẽ giúp giữ chân nhân viên là tạo cơ hội để họ phát triển. Doanh nghiệp cần biết cách giúp nhân viên cảm thấy được công nhận, được thử thách cũng như nhìn thấy con đường sự nghiệp rõ ràng. Giai đoạn này sẽ giảm thiểu khả năng ứng viên bị lung lay bởi lời mời gọi từ các đối thủ cạnh tranh. Một số cách để bạn cải thiện giai đoạn này như:
– Tư vấn, chia sẻ về mục tiêu nghề nghiệp.
– Thường xuyên đánh giá kiến thức, kỹ năng của nhân viên.
– Cung cấp các cơ hội đào tạo.
– Khuyến khích trau dồi kỹ năng cũng như khám phá career path.
– Yêu cầu người quản lý trực tiếp hỗ trợ để giúp nhân viên phát huy tiềm năng.
Rời đi (Separation hay Offboarding)
Giai đoạn cuối cùng trong Employee Journey là rời đi, có thể là nghỉ hưu hoặc nghỉ việc thậm chí là sa thải. Dù lý do là gì thì điều quan trọng doanh nghiệp nên mang đến những trải nghiệm tích cực cho nhân viên. Sự rời đi của nhân viên sẽ ảnh hưởng đến các nhân viên khác và có thể tác động đến Employee Journey tổng thể của doanh nghiệp.
Nếu nhân viên nghỉ việc, hãy khéo léo đề nghị họ cởi mở chia sẻ lý do là gì và họ muốn cải thiện điều gì trong quá trình làm việc vừa qua. Đối với lý do sa thải, nên chắc chắn rằng bạn làm đúng cách, tuân theo quy trình sa thải đã được thiết lập và đưa ra thông báo đầy đủ.
4 cách để tạo Employee Journey Map hiệu quả
1. Tạo Employee Persona
Hầu hết các công ty sẽ có nhiều chân dung nhân viên khác nhau phụ thuộc vào vai trò, phòng ban, thâm niên và nhiều yếu tố khác. Cần ghi nhớ điều này khi bạn lập Employee Journey Map, chẳng hạn như Employee Persona của chuyên viên tài chính sẽ khác với chuyên viên Marketing. Nên bắt đầu bằng cách phân khúc nhân viên sau đó tạo Employee Persona điển hình cho từng phân khúc.
2. Xác định các điểm tiếp xúc quan trọng trong Employee Journey
Khi tạo bản đồ hành trình nhân viên, bạn nên xác định được tất cả điểm tiếp xúc mà nhân viên dễ nhớ nhất khi họ rời khỏi công ty. Những điểm này thường là cuộc phỏng vấn đầu tiên, ngày làm việc đầu tiên, sự hỗ trợ trong công việc… Bạn càng đưa nhiều điểm tiếp xúc đáng nhớ vào bản đồ và càng tập trung vào trải nghiệm của nhân viên thì việc tạo Employee Journey Map sẽ càng rõ ràng, hoàn thiện hơn.
3. Tạo số liệu để theo dõi
Sau khi hoàn tất bản đồ hành trình nhân viên, hãy thiết lập chiến lược đo lường và theo dõi từng giai đoạn của hành trình theo KPI như tỷ lệ giữ chân, chi phí… Bên cạnh đó cũng nên tập trung vào cải thiện trải nghiệm của nhân viên, ví dụ như tối ưu hóa quá trình giới thiệu, tăng cường phản hồi hoặc cải tiến chương trình đào tạo.
4. Cải tiến liên tục
Để bản đồ hành trình nhân viên luôn hiệu quả, cần cải tiến liên tục, thường xuyên theo dõi và cập nhật khi cần thiết dựa trên phản hồi từ các cuộc khảo sát nhân viên. Quan trọng nhất là hãy đảm bảo tính khách quan khi tạo Employee Journey Map. Đừng thiết kế hành trình mà bạn muốn nhân viên trải qua, hãy tạo ra hành trình mà họ thực sự có. Nhân viên chính là nguồn thông tin quan trọng nhất để cải thiện Employee Journey.
Bằng cách lắng nghe và hiểu nhân viên, bạn có thể điều chỉnh và cải thiện Employee Journey nhằm mang lại lợi ích cho cả nhân viên và doanh nghiệp. Với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về hành trình nhân viên. Để tìm hiểu những chủ đề thú vị khác, hãy truy cập blog của Vieclam24.vn ngay nhé!
Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!
Xem thêm: Quiet Hiring: Tuyển dụng thầm lặng có thật sự hiệu quả?