OKR và KPI là hai khái niệm quan trọng khi nhắc đến việc đo lường hiệu quả trong quản lý và định hướng hoạt động kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp. Mặc dù cả hai phương pháp này đều được sử dụng nhằm mục đích thiết lập và đo lường mục tiêu, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi KPI và OKR khác nhau như thế nào? Liệu nên sử dụng KPI hay OKR? Để hiểu rõ hơn, mời bạn đọc đi sâu vào tìm hiểu OKR và KPI là gì cũng như so sánh OKR và KPI qua bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.
OKR và KPI là gì?
OKR là gì?
OKR được viết tắt của Objective and Key Results – Mục tiêu và Kết quả then chốt. Đây là phương pháp quản lý và đo lường hiệu quả được sử dụng trong các doanh nghiệp để định hướng, theo dõi tiến độ công việc và đạt được mục tiêu.
Trong OKR:
- Mục tiêu (Objective – O) là tuyên bố rõ ràng về những gì doanh nghiệp mong muốn đạt được. Mục tiêu này thường liên quan đến tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp. Mục tiêu cần được xác định cụ thể, đo lường được và có tính thúc đẩy sự quyết tâm.
- Kết quả then chốt (Key Results – KR) là các chỉ số định lượng và cụ thể để đo lường tiến độ và mức độ thành công trong việc đạt được mục tiêu. Chúng phản ánh những kết quả mà doanh nghiệp muốn đạt được để thực hiện mục tiêu then chốt. Kết quả chính thường được thiết lập rõ ràng, đo lường được và có thể theo dõi trong quá trình làm việc.
KPI là gì?
KPI được viết tắt của Key Performance Indicator – Chỉ số đo lường hiệu suất. KPI là một công cụ quản lý và đo lường hiệu suất được sử dụng để đánh giá và theo dõi kết quả mục tiêu kinh doanh chính của doanh nghiệp. KPI được doanh nghiệp sử dụng để liên kết với các mục tiêu chiến lược và định hướng các nguồn lực cũng như hoạt động kinh doanh vào những khía cạnh quan trọng nhất.
Các doanh nghiệp sử dụng KPI ở nhiều cấp độ khác nhau để đo lường mức độ thành công trong việc đạt được mục tiêu.
- KPI cấp cao được doanh nghiệp sử dụng để tập trung vào hiệu suất tổng thể của doanh nghiệp, đo lường sự đóng góp và mức độ thành công so với mục tiêu chiến lược. Ví dụ, KPI cấp cao có thể liên quan đến tăng trưởng doanh thu, cải thiện lợi nhuận hoặc tăng cường thị phần.
- KPI cấp thấp tập trung vào quy trình làm việc và hoạt động của từng bộ phận cụ thể như bán hàng, nhân sự, marketing,… Ví dụ, KPI cấp thấp có thể đo lường số lượng bán hàng, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng, tỷ lệ đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, hoặc hiệu suất của nhân viên.
Việc sử dụng KPI giúp các tổ chức đo lường và theo dõi hiệu suất, xác định điểm mạnh và yếu, và đưa ra các biện pháp cải thiện. KPI cung cấp một cơ sở thông tin để ra quyết định, điều chỉnh và cải tiến hoạt động trong một tổ chức.
Xem thêm: 2 Nhóm KPI đo lường hiệu quả công việc của nhân viên kinh doanh Bất Động Sản
So sánh KPI và OKR khác nhau như thế nào?
Điểm giống nhau của OKR và KPI là gì?
Cả KPI và OKR đều tập trung vào việc thiết lập mục tiêu để định hình và đánh giá hiệu suất của cá nhân, bộ phận hoặc cả doanh nghiệp. Bên cạnh đó, KPI và OKR đều cung cấp phương tiện để đo lường kết quả đạt được, từ đó cho phép doanh nghiệp đánh giá mức độ thành công và tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu.
KPI và OKR đều yêu cầu mục tiêu và kết quả được xác định rõ ràng, cụ thể. Hơn nữa, KPI và OKR có thể được thiết lập với một khoảng thời gian cụ thể và thay đổi theo tiến trình làm việc, chẳng hạn như quý, năm hoặc chu kỳ làm việc, điều này giúp doanh nghiệp theo dõi, tập trung vào việc đạt được kết quả then chốt và đánh giá hiệu suất theo thời gian dễ dàng.
Xem thêm: OKR là gì? Tiết lộ 5 bước ứng dụng OKR quản lý nhân sự để đạt hiệu quả cao nhất!
Điểm khác nhau giữa KPI và OKR là gì?
OKR | KPI | |
---|---|---|
Mục tiêu | Là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp tập trung vào việc xác định cơ sở và thiết lập các mục tiêu then chốt. | Thường tập trung vào việc đo lường các chỉ số đánh giá hiệu quả và năng suất công việc dựa trên các mục tiêu cụ thể, thường được sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp khi đã ổn định. Khi có sự chệch hướng, doanh nghiệp có thể hành động ngay lập tức để điều chỉnh và đảm bảo đạt được kết quả mong muốn. |
Cấu trúc | Trọng tâm chính nằm ở việc xác định và đạt được mục tiêu chiến lược (Objective) và đưa ra các kết quả then chốt (Key Results) để đo lường hiệu suất công việc. Mục tiêu (Objective) giúp doanh nghiệp định hướng hành động rõ ràng và tạo ra khuôn khổ cho các biện pháp cần thực hiện để đạt được kết quả mong muốn. Các kết quả then chốt (Key Results) là các chỉ số cụ thể có thể đo lường được, giúp doanh nghiệp theo dõi tiến độ và đánh giá thành công trong việc đạt được mục tiêu đó. | Trọng tâm nằm ở việc thiết lập các chỉ số (Indicators) để đo lường hiệu suất công việc. Các chỉ số này được thiết lập dựa trên kết quả đã xảy ra trong quá khứ hoặc các mục tiêu/chỉ tiêu trong tương lai. Chỉ số (Indicator) trong KPI cung cấp phương tiện đo lường hiệu quả và tiến độ của một cá nhân, nhóm hoặc tổ chức có thể bao gồm các mục tiêu số lượng, chất lượng, thời gian hoàn thành công việc,… và nhiều yếu tố khác liên quan đến hiệu suất công việc. |
Phạm vi sử dụng | OKR đại diện cho các mục tiêu lớn hơn để đi đến đích cuối cùng mà doanh nghiệp muốn đạt được. Do đó, OKR được sử dụng để đo lường một khoảng thời gian cụ thể như quý, năm,… và thay đổi từ quý này sang quý khác hoặc từ năm này sang năm khác để phản ánh tiến bộ trong công việc. Điều này cho phép doanh nghiệp đặt mục tiêu mới và điều chỉnh kết quả nhằm thích ứng với tình hình hiện tại. | KPI có thể được xem như công việc hàng ngày, có thể có nhiều KPI giống nhau được thực hiện liên tục. Các mục tiêu của KPI có thể thay đổi để phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của doanh nghiệp. Việc sử dụng các KPI liên tục cho phép theo dõi và đánh giá hiệu suất công việc trong thời gian dài mà không bị giới hạn bởi khoảng thời gian cụ thể. |
KPI và OKR – Doanh nghiệp nên sử dụng phương pháp nào?
Sử dụng KPI khi nào?
Doanh nghiệp có thể sử dụng các loại KPI tùy vào mục tiêu chiến lược như sau:
- KPI tài chính: Được sử dụng khi doanh nghiệp muốn đo lường giá trị hiệu suất tài chính của doanh nghiệp, cụ thể là tỷ suất lợi nhuận để phát triển và mở rộng quy mô.
- KPI bán hàng: Được sử dụng khi doanh nghiệp muốn theo dõi số liệu bán hàng để duy trì và phát triển nguồn khách hàng tiềm năng.
- KPI tiếp thị: Được sử dụng khi doanh nghiệp muốn phân tích giá trị mà các chiến dịch tiếp thị mang lại như tỷ lệ chuyển đổi trên mạng xã hội, giá trị trọn đời của khách hàng,…
- KPI hoạt động: Được sử dụng khi doanh nghiệp muốn đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhằm theo dõi mức độ hiệu quả của các hoạt động hàng ngày đủ khả năng sinh lời và hạn chế thua lỗ.
- KPI sản phẩm: Được sử dụng khi doanh nghiệp muốn đo lường tỷ suất sinh lời cho mỗi sản phẩm và sử dụng dữ liệu đó để tăng lợi nhuận.
Đồng thời, doanh nghiệp nên xác định mục tiêu rõ ràng và so sánh chúng với các tiêu chuẩn cụ thể để xây dựng KPI đảm bảo đánh giá tiến bộ chính xác. Doanh nghiệp có thể đưa ra mục tiêu KPI dựa trên kết quả thực tế của kỳ kinh doanh trước đó và cân nhắc nguồn lực thực hiện. Nhờ đó, đảm bảo các chỉ số được xây dựng khả thi và phản ánh thực tế tình hình làm việc.
Hơn nữa, KPI nên được đánh giá một cách công bằng, minh bạch và tập trung vào hiệu suất làm việc của cá nhân, phòng ban, tổ chức. Nhờ vậy doanh nghiệp mới đo lường chính xác kết quả kinh doanh, khích lệ tinh thần làm việc và xây dựng sự hài lòng đối với nhân viên.
Sử dụng OKR khi nào?
Doanh nghiệp thường sử dụng OKR nhằm mục đích sau:
- Khi doanh nghiệp muốn xây dựng chiến lược kinh doanh phức tạp dựa trên mục tiêu có thể đo lường được. Doanh nghiệp có thể sử dụng OKR để sắp xếp các chiến lược phù hợp với mục tiêu kinh doanh, đào sâu vào một vấn đề và tìm kiếm cơ hội dựa trên danh sách ưu tiên. Bên cạnh đó, khung thiết lập mục tiêu OKR đủ linh hoạt để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ muốn thúc đẩy các mục tiêu chiến lược tiến xa hơn và phức tạp hơn theo dõi tiến trình phát triển theo thời gian.
- Sử dụng để so sánh thành công giữa các nhóm mục tiêu theo những cách khác nhau. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể sử dụng để phân bổ nguồn lực hiệu quả và đo lường, đánh giá tiến độ của đội ngũ nhân sự khi thực hiện các nhóm mục tiêu.
- Khi xây dựng OKR theo cấu trúc kim tự tháp, bắt đầu từ cấp độ nhân viên, nhà quản lý và cuối cùng trưởng bộ phận, doanh nghiệp tạo ra một mục tiêu chung mà tất cả mọi người trong tổ chức đều hướng đến. Nhờ đó, tạo nên sự kết nối và đồng thuận giữa các cấp bậc nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Lưu ý rằng, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến từ các bộ phận khác trong công ty trong quá trình xây dựng OKR. Mỗi bộ phận sẽ có những thông tin quan trọng về cơ hội và thách thức trong quá trình thực hiện công việc.
Bên cạnh đó, tập trung vào việc duy trì dịch vụ hiện tại mà không có chiến lược phát triển cho tương lai có thể làm giảm hiệu quả của OKR. Do đó, doanh nghiệp cần có mục tiêu và chiến lược rõ ràng cho tương lai.
Kết hợp OKR và KPI thì sao?
Doanh nghiệp có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp OKR và KPI tuỳ vào tầm nhìn, chiến lược và quy mô doanh nghiệp, miễn sao chúng được sử dụng đúng đắn và phù hợp theo từng hoàn cảnh.
KPI là cầu nối giữa các chỉ tiêu hàng ngày và mục tiêu chiến lược dài hạn, đảm bảo sự nhất quán và đồng bộ trong quá trình thực hiện. Để đạt được OKR, doanh nghiệp cần phải bám sát KPI vì KPI sẽ tác động và cung cấp cách thức đạt được OKR. KPI cung cấp thông tin và tiêu chí để đo lường tiến trình và hiệu suất, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu lớn của OKR.
Kết luận
Hy vọng bài viết trên của Việc Làm 24h đã giúp bạn hiểu rõ OKR và KPI là gì cũng như KPI và OKR khác nhau như thế nào. Việc sử dụng KPI hay OKR để đo lường hoạt động chiến lược còn phụ thuộc vào mục tiêu, tầm nhìn, quy mô và tình huống cụ thể mà doanh nghiệp đang đối mặt. Trên hết, cách kết hợp KPI và OKR cũng có thể là một lựa chọn tuyệt vời để mang đến kết quả đo lường toàn diện và đồng nhất cho doanh nghiệp của bạn.
Xem thêm: Passive Aggressive là gì? Phải làm gì khi đồng nghiệp là người gây hấn thụ động?