Làm sao trả lời các câu phỏng vấn khó? Làm sao nắm bắt tâm lý nhà tuyển dụng? Trả lời như thế nào các câu hỏi nhạy cảm? Những tiêu đề như thế xuất hiện nhan nhãn khắp các diễn đàn, mạng xã hội hiện nay. Chỉ cần các ứng viên chịu đầu tư, một hình tượng hoàn hảo sẽ được đắp nặn thành công. Chính vì vậy, các nhà tuyển dụng như lạc vào sương mù bởi những câu nói. Họ không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả khi mà các câu trả lời được rập khuôn y đúc như mẫu và tìm được ứng viên thành thật còn khó hơn vàng.
1. Kiểm tra bằng các câu hỏi đi kèm
Khi lời nói dối được lên kế hoạch và có sự chuẩn bị thì những ứng viên trả lời nhanh hơn so với thông thường. Tuy nhiên, trong những tình huống bất ngờ, kẻ nói dối thường phản ứng lâu hơn – như một quá trình ứng chế lời nói thật và có thời gian suy nghĩ lời nói dối mà các chuyên gia tâm lý đã lý giải.
Chính vì vậy, những câu hỏi phụ kèm theo là chìa khóa giải mã cho các nhà tuyển dụng. Nếu ứng viên suy nghĩ quá lâu, hay câu trả lời thứ hai này và câu trước đó bị mâu thuẫn, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng nhận ra đâu là câu nói thật đâu là nói dối.
Các câu hỏi đi kèm có thể là câu hỏi tình huống, câu hỏi ví dụ và câu hỏi nhận thức. Hay là nếu ứng viên đang thao thao bất tuyệt về các kinh nghiệm thực tế mà họ có, cách tốt nhất để kiểm tra là hỏi về điều nhỏ nhặt nhất họ đã rút ra được chứ đừng hỏi về điều thú vị nhất.
2. Ngôn ngữ cơ thể của ứng viên
Ngôn ngữ cơ thể là một yếu tố quan trọng để đánh giá một ứng viên, một số động tác nhỏ được thực hiện khi nói dối mà chính các ứng viên cũng không hề biết. Liệt kê một số hành động có thể giúp bạn đánh giá người tìm việc có thành thật hay không:
- Nụ cười gượng gạo: Những kẻ nói dối thường khó có thể có nụ cười tự nhiên (nụ cười thật thường có nếp nhăn nơi khóe mắt. Trong khi nụ cười giả tạo chỉ có liên quan đến miệng)
- Tiết nước bọt, đồng tử giãn nở và chớp mắt: những phản ứng sinh lý này là tín hiệu phi ngôn ngữ đã phản lại kẻ nói dối. Chính sự chột dạ phát sinh trong tâm lý khiến cơ thể phải điều tiết để kiềm hãm và duy trì lời nối dối ấy.
- Sự đối nghịch trong lời nói và cử chỉ: Khi lời nói và cử chỉ của một ai đó không ăn khớp với nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau như lắc đầu trong khi trả lời “có” hay cau mày và nhìn chằm chằm xuống đất trong khi nói với bạn là “đang hạnh phúc”. Đó là dấu hiệu cho thấy họ đã không nói thật hoặc có sự giằng xé bên trong giữa lời nói và suy nghĩ của họ.
- Thay đổi cử chỉ: Thông thường, khi nói dối, con người ta thường cố lái cử chỉ của mình sao cho phù hợp với lời nói. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận thấy những cử chỉ này không tự nhiên và liên tục được thay đổi. Những cử chỉ như cắn môi, xoa hai tay vào với nhau hay mân mê món đồ trang sức hoặc đưa tay vuốt tóc cũng có thể “tố cáo” họ đang nói dối.
3. Cái gì hoàn hảo quá cũng… không tốt
Nhà tuyển dụng nên cảnh giác với các ứng cử viên được cho là vô cùng hoàn hảo cho công việc. Điều này được thể hiện thông qua những kỹ năng, kinh nghiệm trong CV của họ khớp với mô tả vị trí công việc trong phần tuyển dụng. Tuy nhiên, việc trùng khớp 100% có thể khiến nhà tuyển dụng đặt câu hỏi cho tính chính xác của nó.
Đa phần các vụ thất thoát tiền bạc, khủng hoảng tài chính trong công ty được do chính người “hoàn hảo” thực hiện. Họ nghiên cứu kỹ yêu cầu của công ty, tạo sự chuyên nghiệp cho bản thân thông qua các kinh nghiệm trước đó. Khi lấy được niềm tin của công ty, được thực hiện các dự án lớn thì chính những con người đó lại mất tích một cách bất ngờ kèm theo đó là những hệ lụy về thất thoát tiền bạc và thông tin.
Hãy cẩn thận với những ứng viên hoàn hảo vì họ chính là nhân vật nguy hiểm cho công ty. Nếu tuyển đúng bạn có một nhân tài, nếu sai thì sẽ trở thành thảm họa.
Tuyển dụng nhân sự là một ván bài mà nhà tuyển dụng là nhà cái. Hãy giữ một cái đầu lạnh khi phỏng vấn và ra quyết định trước các ứng viên. Hãy khiến cuộc chơi luôn do bạn làm chủ và tuyển được những nhân tài cho công ty mình.