Passive Candidate: Có nên thu hút và tuyển dụng ứng viên thụ động?

Tuyển dụng không chỉ là việc đăng tin và chờ ứng viên nộp CV sau đó sàng lọc, lựa chọn người phù hợp. Trên thực tế, ứng viên tốt nhất có thể vẫn đang đợi bạn chủ động tìm kiếm. Họ chính là Passive Candidate. Vậy Passive Candidate là gì, làm thế nào để tiếp cận và thuyết phục họ trở thành nhân viên của tổ chức? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Passive Candidate là gì?

Passive Candidate hay ứng viên thụ động là những người đã có công việc, không tích cực tìm kiếm thông tin tuyển dụng, gửi CV hay liên hệ với nhà tuyển dụng nhưng vẫn để ngỏ các lựa chọn và sẵn sàng thay đổi công việc nếu tìm thấy cơ hội tốt hơn vị trí hiện tại.

Theo một nghiên cứu năm 2021, Active Candidate (ứng viên tích cực) chiếm khoảng 33% lực lượng lao động, còn Passive Candidate chiếm 37%. Do đó nếu chiến lược tuyển dụng của bạn là tiếp cận đến những ứng viên tích cực, bạn chỉ đang tiếp cận ⅓ lực lượng lao động. Việc đưa ứng viên thụ động vào quá trình tuyển dụng sẽ giúp tăng gấp đôi nguồn nhân tài và tìm được nhân sự chất lượng cao như mong muốn.

Passive candidate
Passive Candidate thường rất khó tuyển dụng.

Nhưng tuyển dụng ứng viên thụ động cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế. Nếu khoảng 37% nhân viên là những người tìm việc thụ động thì có nghĩa là nhiều nhân viên của bạn có thể sẽ rời đi theo “tiếng gọi” của doanh nghiệp khác. Do đó, mặc dù việc điều chỉnh chiến lược tuyển dụng sẽ giúp bạn tận dụng lợi thế của thị trường nhưng cũng đừng quên tập trung giữ chân nguồn nhân lực hiện tại.

Hiểu rõ sự khác biệt giữa Active Candidate và Passive Candidate

Vì ứng viên thụ động đã có việc làm và không thường xuyên cập nhật tin tuyển dụng nên thường khó tiếp cận họ. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn không được thử. Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa ứng viên chủ động và thụ động sẽ giúp bạn tiếp cận họ tốt hơn. Những khác biệt này bao gồm:

Mục tiêu

Các ứng viên chủ động thường là đang thất nghiệp hoặc mới nghỉ việc nên sẽ cần tìm việc càng sớm càng tốt. Do đó họ sẽ bị áp lực về thời gian hơn trong việc đạt được mục tiêu. Ngược lại, Passive Candidate đã có việc làm nên sẽ có chiến lược hơn và suy nghĩ về các mục tiêu phát triển nghề nghiệp.

Kinh nghiệm làm việc

Passive Candidate là những người có kinh nghiệm và kỹ năng thực tế trong công việc. Trong khi Active Candidate có thể là người mới, mong muốn bắt đầu làm việc hoặc cũng có thể sở hữu kinh nghiệm, kiến thức mà bạn đang tìm kiếm.

Tính sẵn sàng và khả năng tiếp thu

Các ứng viên chủ động dành nhiều thời gian để tìm kiếm việc làm, vì vậy họ sẽ quan tâm đến phản hồi từ nhà tuyển dụng và sẵn sàng phỏng vấn trong thời gian ngắn. Ngược lại, ứng viên thụ động có thể sẽ ít quan tâm hơn, đặc biệt khi họ cảm thấy mô tả công việc của bạn không đủ hấp dẫn.

Có nên tuyển dụng Passive Candidate không?

Ưu điểm của Passive candidate

Passive Candidate có thể trở thành “tài sản quý giá” nếu bạn tuyển dụng được họ. Một số ưu điểm của việc tiếp cận Passive Candidate bao gồm:

– Ít có sự cạnh tranh hơn: Vì Passive Candidate không tìm việc công khai nên ít được các nhà tuyển dụng khác cùng lúc chú ý.

– Họ chấp nhận quy trình tuyển dụng kéo dài: Các ứng viên thụ động có thể chưa muốn thay đổi công việc, vì vậy có nhiều khả năng sẽ chấp nhận việc kéo dài quy trình tuyển dụng.

– Bạn có thể nhắm đến những ứng viên nhất định: Nếu vị trí đang tuyển yêu cầu những kỹ năng đặc thù, bạn có thể dễ dàng tiếp cận với những người có kinh nghiệm mà bạn cần.

Nhược điểm của Passive candidate

Những bất cập của việc tuyển dụng ứng viên thụ động có thể kể đến như:

– Cần đưa ra mức lương hấp dẫn: Vì Passive Candidate đang có công việc nên bạn cần đưa ra mức offer đủ hấp dẫn để thu hút họ.

– Đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn: Tuyển dụng ứng viên thụ động có nghĩa là bạn phải tìm kiếm những người phù hợp, liên hệ, chờ phản hồi và thuyết phục họ. Việc này tốn thời nhiều thời gian và công sức hơn so với việc chỉ đơn giản đăng tin tuyển dụng.

Passive candidate
Quá trình tuyển dụng đối với ứng viên thụ động thường chậm hơn so với ứng viên chủ động.

Làm thế nào để tuyển dụng Passive Candidate hiệu quả

Nhìn chung, việc tuyển dụng Passive Candidate xứng đáng để bạn nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là đối với những vị trí quan trọng. Nhưng hãy sử dụng tuyển dụng ứng viên thụ động như một giải pháp bổ sung giúp bạn có nhiều lựa chọn hơn.

Để tuyển dụng Passive Candidate hiệu quả, bạn có thể tham khảo những bước sau:

1. Phát triển chiến lược tuyển dụng tổng thể

Nếu bạn muốn tìm ứng viên cho vị trí trống vào tuần tới thì Passive Candidate không phải là lựa chọn tốt nhất. Do đó, việc nhắm mục tiêu vào các ứng viên thụ động nên là một phần của chiến lược thu hút nhân tài tổng thể về lâu dài. Để phát triển chiến lược nhân sự dài hạn, nên có sự tham gia của các giám đốc điều hành và bộ phận nhân sự để thống nhất mục tiêu của tổ chức trong việc bố trí nhân sự.

2. Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

Xây dựng văn hóa công ty và nhận diện thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút ứng viên thụ động. Nếu họ đã hài lòng với vị trí hiện tại, bạn sẽ cần một EVP mạnh để cho họ thấy rằng bạn là một lựa chọn tốt hơn. Việc phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng không còn là câu chuyện của tương lai mà đã trở thành hoạt động cần thiết mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên đầu tư. Khi thương hiệu nhà tuyển dụng của bạn được đánh giá cao sẽ là một điểm cộng lớn và tác động đến các ứng viên thụ động để họ có lý do rõ ràng tại sao nên đầu quân vào doanh nghiệp của bạn.

3. Xác định nguồn nhân tài phù hợp

Việc tìm kiếm ứng viên thụ động phù hợp phụ thuộc vào vai trò của vị trí đó. Chẳng hạn bạn đang tìm kiếm lập trình viên thì nên nhắm mục tiêu vào các cộng đồng trực tuyến về lĩnh vực này. Khi tuyển dụng các vị trí điều hành, nhiều doanh nghiệp sẽ tận dụng mạng lưới quan hệ của các giám đốc hiện tại. Một số nguồn chung để “săn” Passive Candidate bao gồm:

– Phương tiện truyền thông xã hội: LinkedIn, Facebook, Twitter…

– Những ứng viên trước đây.

– Dịch vụ headhunter.

Passive candidate
Khi giao tiếp với những ứng viên thụ động, hãy hiểu rằng họ có thể hài lòng với công việc hiện tại và không muốn rời đi.

4. Liên hệ

Một nghiên cứu cho thấy 90% ứng viên muốn nhà tuyển dụng liên hệ với họ về cơ hội việc làm. Do đó, khi kết nối, bạn nên cá nhân hóa email hoặc tin nhắn để người nhận biết bạn thực sự quan tâm đến họ. Ví dụ bạn có thể sử dụng những thông tin quan trọng trong lịch sử việc làm, giải thích lý do tại sao điều này khiến họ trở thành ứng viên lý tưởng cho tổ chức của bạn. Đồng thời bao gồm các thông tin về vị trí, mô tả công việc, mức lương. 

Passive Candidate có nhiều khả năng phản hồi hơn nếu bạn nêu bật các khía cạnh về văn hóa công ty, chính sách phúc lợi, tập trung vào tính bền vững vì cộng đồng cũng như các cơ hội phát triển nghề nghiệp thường xuyên. 

Tiếp cận với ứng viên thụ động sẽ mở ra cánh cửa xây dựng mối quan hệ. Hãy nhớ rằng, những ứng viên này chưa chắc có ý muốn rời bỏ vị trí hiện tại ngay lập tức nên cần kiên nhẫn và xây dựng mối quan hệ lâu dài. Đồng thời thể hiện rằng bạn hiểu mục tiêu nghề nghiệp của họ và giải quyết mối lo ngại khi đảm nhận vai trò mới.

5. Điều chỉnh quy trình phỏng vấn

Các ứng viên thụ động thường có tâm lý không muốn vượt qua nhiều vòng phỏng vấn phức tạp. Do đó, bạn cần linh hoạt hơn, chẳng hạn như lên lịch phỏng vấn video ngoài giờ làm việc hoặc mời đi cafe vào thời điểm phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên sửa đổi các câu hỏi phỏng vấn. Thay vì hỏi những câu chung chung về kinh nghiệm, học vấn thì hãy đưa ra những câu mang tính sáng tạo hơn như “ngày làm việc tuyệt vời đối với bạn là như thế nào?”, “nếu trở thành CEO của công ty, bạn sẽ thay đổi điều gì?”…

Passive candidate
Đối với Passive Candidate nên có quy trình phỏng vấn riêng.

Theo đuổi Passive Candidate sẽ giúp bạn tìm được ứng viên tốt nhất. Qua bài viết trên, hy vọng đã giúp bạn đọc có thêm ý tưởng để có chiến lược tìm kiếm và tiếp cận ứng viên thụ động. Để thu hút nhiều nhân tài hơn cho doanh nghiệp, hãy liên hệ Vieclam24h.vn – website việc làm phổ biến nhất Việt Nam. 

Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Vieclam24h.vn để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!

Xem thêm: JD là gì? Mẹo viết JD tuyển dụng hấp dẫn nhân tài không thể bỏ qua

Bài viết liên quan

Cùng chuyên mục