Thưởng Tết luôn là vấn đề được rất nhiều người lao động quan tâm mỗi dịp cuối năm. Mỗi doanh nghiệp lại có cách tính thưởng Tết cho nhân viên khác nhau. Có công ty thì thưởng một lần trước Tết, có nơi lại thưởng thành hai đợt gồm lương tháng 13 trả vào cuối năm dương lịch và thêm một khoản tiền thưởng Tết âm. Một số đơn vị có cách tính thưởng Tết theo thâm niên, một số lại thưởng theo hiệu quả công việc. Vậy cách tính thưởng Tết như thế nào mới đúng? Chính sách thưởng Tết cho nhân viên doanh nghiệp nên tham khảo
Tiền thưởng Tết là gì?
Thưởng Tết là khoản thu nhập tăng thêm mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động vào dịp cuối năm, thường là trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Mục đích của khoản tiền thưởng Tết là để động viên, khuyến khích nhân viên đã gắn bó và làm việc lâu dài với công ty và nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo quy định tại điều 103 Bộ Luật Lao động 2012 thì:
- Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Đồng thời, điều 104 của Bộ luật Lao động 2019 có quy định thêm về hình thức thưởng. Theo đó, người sử dụng lao động có thể quyết định hình thức thưởng bằng tiền, tài sản hoặc hình thức khác. Tài sản hoặc hình thức khác có thể là sản phẩm gia dụng, nội thất, dịch vụ làm đẹp, du lịch, phiếu mua hàng….
Như vậy, tiền thưởng Tết không có quy định cụ thể như lương cơ bản hay lương tối thiểu vùng. Tùy theo tình hình thực tế mà mỗi doanh nghiệp có cách tính tiền thưởng Tết âm riêng. Ngoài hình thức thưởng bằng tiền mặt, doanh nghiệp có thể chi thưởng bằng hiện vật.
Cách tính thưởng Tết cho nhân viên
Thưởng Tết cho nhân viên không phải là khoản phải bắt buộc, nên mỗi doanh nghiệp có quy chế thưởng Tết riêng và được công bố công khai tại nơi làm việc.
Rất nhiều doanh nghiệp chọn thâm niên là căn cứ thưởng Tết. Gắn bó với công ty càng lâu, tiền thưởng Tết của bạn càng nhiều. Dù chọn công thức tính thưởng Tết như thế nào thì về cơ bản, công thức chung như sau:
Tiền thưởng = Tỷ lệ thưởng x Mức bình quân tiền lương tháng trong năm
Trong đó, tỉ lệ thưởng có thể được tính theo thâm niên hoặc theo tháng hoặc kết hợp cả hai.
Xem thêm: Hướng dẫn cách đăng ký mã số thuế cá nhân nhanh nhất hiện nay
Ví dụ, nếu quy chế thưởng Tết của công ty theo thâm niên, tỷ lệ thưởng có thể thay đổi như sau:
- 150% nếu làm việc trên 5 năm
- 100% nếu làm việc từ 12 tháng tới 5 năm
- 50% nếu làm việc dưới 12 tháng
- 30% cho nhân viên làm việc dưới 6 tháng hoặc nhân viên tập sự
Ngoài ra, tỷ lệ thưởng có thể được bao gồm cả năng suất lao động trong năm. Lúc này công thức tính thưởng Tết cho nhân viên sẽ thay đổi như sau:
Tiền thưởng = (Tỷ lệ thưởng theo năng suất lao động + tỷ lệ thưởng theo thâm niên) x Mức bình quân tiền lương tháng trong năm
Ví dụ như:
- Tăng thêm 100% nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
- Tăng thêm 50% nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ
Bởi các doanh nghiệp được chủ động chọn cách tính thưởng Tết như thế nào cho phù hợp, nên bộ phận tài chính kế toán có thể linh động chọn cách tính thuận tiện nhất, đảm bảo khuyến khích nhân viên gắn bó và tiếp tục đóng góp lâu dài.
Với cách tính thưởng Tết theo thâm niên và năng suất lao động, doanh nghiệp vừa tôn vinh được những nhân sự có đóng góp lâu dài, vừa đảm bảo khuyến khích những nhân viên mới nhưng có thành tích làm việc xuất sắc.
Xem thêm: Có nên nhảy việc cuối năm? Thưởng Tết hay nghỉ việc đâu là sự lựa chọn tốt nhất?
Một số câu hỏi thường gặp về tiền thưởng Tết
Trong phần trên, chúng ta đã biết tiền thưởng Tết là gì và cách tính thưởng Tết cho nhân viên như thế nào. Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu thêm một số vấn đề khác liên quan tới cách tính thưởng Tết và các khoản thu nhập khác liên quan tới Tết.
Lương tháng 13 có phải tiền thưởng Tết không?
Lương tháng 13 không phải tiền thưởng Tết, mặc dù hai khoản lương thưởng này đều được người lao động trông chờ vào dịp cuối năm.
Việc có lương tháng 13 hay không sẽ phụ thuộc vào quy chế hoạt động, quy chế tài chính riêng của mỗi doanh nghiệp, thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Tiền thưởng vào dịp Tết vẫn được hầu hết các doanh nghiệp áp dụng theo Điều 104 của Bộ luật Lao động 2019.
Cụ thể là theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, doanh nghiệp căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong năm để thưởng Tết. Còn cách tính thưởng Tết như thế nào, thưởng bằng tiền mặt hay các hình thức khác là tùy thuộc vào quy chế thưởng của từng doanh nghiệp.
Như vậy tiền lương tháng 13 không phải là tiền thưởng Tết. Đây là hai khoản tiền khác nhau mà người lao động có thể nhận được vào dịp cuối năm. Mặc dù tiền lương tháng 13, tiền thưởng Tết đều là hai khoản tiền không bắt buộc người sử dụng lao động phải trả cho người lao động; đều sử dụng kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc làm căn cứ để tính, nhưng thưởng Tết đã được pháp luật quy định còn tiền lương tháng 13 thì chưa.
Do vậy, khi các doanh nghiệp xây dựng quy chế tài chính, ký kết hợp đồng lao động cần lưu ý tách biệt hai khoản tiền này để đảm bảo tính minh bạch, thực hiện đúng quy định pháp luật. Người lao động cũng cần lưu ý vấn đề này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
Xem thêm: Lương tháng 13 là gì? Có phải đóng thuế thu nhập hay không?
Thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm không?
Tại khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH nêu rõ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi.
Do đó, tiền thưởng trong đó có thưởng Tết không phải trích đóng bảo hiểm xã hội.
Tiền thưởng Tết có đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Tiền thưởng Tết vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công đến mức phải nộp thuế.
Cụ thể căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 và Điểm e Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả tiền thưởng, trừ 4 trường hợp:
– Tiền thưởng kèm theo danh hiệu được Nhà nước phong tặng.
– Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
– Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
– Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, tiền thưởng Tết vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công đến mức phải nộp thuế.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền thưởng Tết như sau:
Nếu người lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên: Thuế TNCN = Thu nhập thuế x Thuế suất.
Nếu người lao động không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng thì tổ chức, cá nhân trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản thu nhập khác cho người lao động từ 2 triệu đồng trở lên thì khấu trừ tại nguồn 10% trước khi trả thu nhập.
Ngoài thưởng Tết, người lao động có thể nhận được các khoản tiền nào dịp Tết?
Ngoài tiền thưởng Tết, người lao động còn có thể nhận được tiền lương ngoài giờ, tiền làm thêm nếu vẫn phải tiếp tục làm việc trong dịp Tết. Cách tính các khoản thu nhập trong dịp Tết này như sau.
- Tiền lương ngày nghỉ: Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc nghỉ Tết Dương lịch. Theo đó, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết. Do đó, dù nghỉ làm nhưng người lao động vẫn được nhận đủ lương của ngày làm việc đó.
- Tiền lương làm thêm ngoài giờ: Theo Bộ luật Lao động năm 2019, dịp lễ Tết, người lao động được nghỉ làm và vẫn được tính lương, Nhưng nếu công việc yêu cầu, doanh nghiệp có thể đề nghị người lao động đi làm vào những ngày này và phải trả lương làm thêm ngoài giờ.
Xem thêm: Hướng dẫn cách tính lương ngày lễ cho người lao động năm 2023
Cụ thể, vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Nếu người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Khi người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.
Xem thêm: Lương khoán là gì? Những lưu ý cho người lao động khi thỏa thuận lương khoá
Như vậy, bạn đã biết cách tính thưởng Tết cho nhân viên như thế nào. Bên cạnh cách tính thưởng Tết theo thâm niên, doanh nghiệp còn có thể áp dụng cách tính thưởng Tết theo tháng, theo hiệu quả công việc. Ngoài ra, doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng Tết bằng tiền mà có thể thưởng bằng tài sản hoặc bằng các hình thức khác. Khoản thưởng này được tính toán dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cùng mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Doanh nghiệp có thể thưởng cho người lao động ở mức cao, giá trị lớn nếu tình hình kinh doanh trong năm diễn ra tốt đẹp.
Theo dõi những bài viết trên Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để cập nhật những thông tin cần thiết, để xây dựng các quy chế và chính sách nhân sự bạn nhé!
Xem thêm: Lịch nghỉ Tết 2023 mới nhất, xem ngay để chuẩn bị vé tàu xe hợp lý về quê sum họp